Những điều mà tôi sắp viết ra đây là những gì mà chính bản thân tôi đã trải qua. Mặc dù không có khiếu về viết văn nhưng tôi cũng ráng ghi vội vài dòng để mọi người thấy được những tiểu tiết “lâm li bi đát” mà ban văn nghệ chúng tôi gặp phải. Tuy nhiên đây cũng là những kỷ niệm dễ thương, những giây phút vui vẻ mà chúng tôi đã tìm lại được như thủa còn đi học.
Sau bao nhiêu năm dài bỏ quên dòng máu văn nghệ, nay bỗng dưng dòng máu ấy sống lại trong tôi một cách mạnh mẽ. Ðó cũng là nhờ ở tài ăn nói của chị Lan. Qua vài lần nói chuyện với chị trên điện thoại, tôi đã bị chị Lan thuyết phục và tôi đã nhận lời sẽ tham gia phần văn nghệ khi về Houston, Texas hè 2004 để dự đại hội Cường Ðể – Nữ Trung Học.
Từ thành phố Atlanta, Georgia gia đình tôi đáp chuyến bay về Houston một tuần lễ trước ngày đại hội. Vì vào dịp nghỉ hè nên vợ chồng tôi cho các cháu theo để đi chơi luôn. Mấy ngày đầu tôi còn có thì giờ đi chơi với gia đình. Bắt đầu ngày thứ Tư là chúng tôi bắt tay vào việc tập múa. Chúng tôi gồm có hai chị em Võ Hồng và Võ Lý bay từ Canada sang cùng với các bạn ở Houston như Bích Hòa, Ðặng Thu, Ðặng Thúy, Ðặng Thủy , tôi từ Georgia sang và dĩ nhiên là không thể thiếu chị trưởng ban văn nghệ Võ Lan. À quên lúc gần cuối còn có Linh con gái của chị Hồng bổ sung nữa.
Chúng tôi đã tập luyện một cách nghiêm chỉnh, nhưng khổ nỗi mấy cái bắp thịt ở chân tay lâu ngày không vận dụng nên giờ nó bị lôi ra xài quá tải, nó biểu tình lung tung và khiến cho chúng tôi nhức mỏi vô cùng. Sau một hồi tập dợt chúng tôi cảm thấy đói và mệt nên phải nghỉ để bò vào nhà bếp kiếm ăn. Bình thường mấy bậc tam cấp lên lầu xuống lầu thì ăn nhằm gì đối với chúng tôi. Nhưng hôm nay lê đôi chân xuống cầu thang để vào đến nhà bếp là cả một cực hình. Cuối cùng chúng tôi cũng tụ họp lại ở nhà bếp, thế là những mẩu chuyện vui được kể ra và những trận cười vỡ bụng cùng với những món ăn quốc hồn quốc túy của dân Bình Ðịnh được dọn ra. Nhân đây cũng phải cám ơn tài nấu nướng của Bích Hòa về món cá nục ăn với bún, món cháo thập cẩm của Thu, món chè đậu váng của Thúy và món xôi vò của Thủy. À quên còn có món thịt kho trứng và canh khổ qua của chị Lan nữa chứ. Chúng tôi đã ăn uống nói cười thật vui vẻ và quên đi những mỏi mệt để rồi lại tiếp tục tập dợt.
Cứ thế chúng tôi đã tập ráo riết khoảng 3 ngày, đêm nào tập xong cũng vào khoảng 1 giờ sáng. Chúng tôi đã phải “tạm gác” chồng con sang một bên trong mấy ngày này. Cứ mỗi lần đến giờ ăn tối là mấy “Mợ” lại gọi điện thoại về nhà dặn chồng con là đồ ăn đã nấu sẵn để trong tủ lạnh, cứ việc lấy ra hâm nóng lại ăn. Còn tôi sáng nào cũng vậy trên đường đi đến nhà chị Lan tập múa, các con tôi đều kêu lên: “Ồ no, mẹ lại đi again”. Tôi phải vỗ về các cháu rằng: “Các con ngoan đi chơi với bố nha”. Thật đúng là con nít, nghe nói được đi chơi là chúng nó êm ngay chẳng lôi thôi gì nữa cả. Tối về thấy cả nhà đã yên giấc, tôi lặng lẽ sang một phòng khác ngủ để lấy sức hôm sau “đi” tiếp.
Cuối cùng chúng tôi đã tập được hai màn múa, một màn múa mọi và một màn múa dù. Những lúc nghỉ giải lao là chúng tôi phải lo sửa soạn quần áo, nào là kết nút áo, lên gấu quần, gấu áo chứ không dài quá vấp té chết chứ chẳng chơi đâu. Tuy bận rộn và mỏi mệt như vậy nhưng chúng tôi chẳng cãi cọ hay to tiếng với nhau gì cả. Chúng tôi rất trân trọng và quí báu những giờ phút bên nhau như vầy vì không biết có còn gặp nhau trong cái không khí vui vẻ thế này nữa không. Lúc nào chúng tôi cũng cười giỡn với nhau như thủa còn đi học.
Mọi người trong chúng tôi dường như có một nội quy ngầm với nhau là không cãi nhau và không giận dỗi gì cả, luôn luôn nghe theo người dẫn đầu đó là Võ Lý. Ngược lại Lý cũng dễ dãi với chúng tôi lắm, cô nàng phải cố nặn óc ra những bước đi điệu múa nào thật linh động và uyển chuyển để thích hợp với những tâm hồn trẻ nhưng thể xác và bộ óc không được trẻ như chúng tôi. Mà quả thật như vậy đó, chúng tôi đã không có nhiều thì giờ tập dợt thì chớ mà cứ tập trước quên sau, mấy bộ óc cằn cỗi này không chịu hợp tác tí nào cả. Buồn cười nhất là sau một ngày dài tập dợt, hôm sau chúng tôi ôn lại thì đến một đoạn cả bọn chúng tôi cứ ngớ ra không nhớ nổi động tác kế tiếp là gì, cả ban múa 8 người mà không ai nhớ cả, thế là Lý nhà ta lại phải sáng tác ngay tại chỗ những bước đi kế tiếp. Mọi động tác chúng tôi đều nhìn theo Lý để làm. Vì vậy có một lúc đang múa “Mợ” Lý đưa tay lên gãi mũi, thế là cũng có vài cánh tay đưa lên gãi mũi y hệt như Lý. Chị Hồng thấy vậy liền hỏi rằng động tác gì kỳ vậy cà? Chúng tôi mới vỡ lẽ ra và ôm bụng cười nắc nẻ vì không có động tác “gãi mũi” này trong màn múa.
Trong lúc tập có nhiều khi tôi bị các bạn ép sát vào trong góc kẹt vì chỗ tập hơi chật, lại thêm mấy cái dù có cạnh sắc bén cứa vào cánh tay chúng tôi để lại những vết đỏ rướm máu, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ chẳng ai ta thán gì cả. Lúc tập xong một màn múa, tất cả mọi người đều ngồi xuống nghỉ, duy có mỗi mình tôi đứng. Chị Lan mới hỏi tôi sao em không ngồi xuống nghỉ. Tôi bèn trả lời chị rằng em mà ngồi xuống sợ đứng dậy không nổi, mấy cái bắp thịt nhức nhối quá chừng, thôi thà đứng luôn cho được việc. Vậy là cả bọn phá lên cười vang. Chúng tôi là như thế đó, bất cứ ở tình huống nào chúng tôi cũng cười được cả.
Ðêm tiền đại hội chúng tôi cũng quậy phá vui lắm. Tôi đã gặp lại rất nhiều bạn bè cũ như Hiếu từ Virginia đến, Thu Ba từ Dallas về, Tín ở ngay tại Houston, rồi Hoàng Thu, Ánh, Lệ Hiền, có cả anh Cường, chị Yến và Thịnh từ Dallas về nữa, còn rất nhiều các anh, các chị và các bạn khác nữa mà tôi không thể kể hết tên ra đây. Tôi cảm thấy vui mừng vô cùng. Các bạn trong ban múa như Võ Hồng, Võ Lý, Bích Hòa, và cả chị Lan nữa được dịp để trổ những giọng ca “oanh vàng thỏ thẻ”. Với sự khuyến khích của các bạn, tôi cũng hứng chí và đã lên giúp vui một bài hát. Thật chính tôi cũng không ngờ máu văn nghệ trong tôi cũng còn mạnh đến thế. Lúc gần cuối cả ban múa chúng tôi đều kéo nhau ra sàn nhảy với điệu twist. Lúc đó tôi cứ nghĩ thầm trong bụng, quái thật mấy ngày tập múa hai cái chân rụng rời dưòng như đi vắng ở đâu thế mà bây giờ “Mợ” nào cũng lắc lư trông cũng ra phết lắm chứ. Chắc nhờ công hiệu của mấy viên Tylenol và mấy miếng thuốc dán mà chúng tôi chuyền tay nhau xài sau mỗi lần tập múa. Riêng tôi còn phải đấm bóp thêm với dầu nóng nữa đấy.
Thế rồi những ngày tập dợt ngắn ngủi trôi qua, ngày trình diễn đã đến. Chúng tôi như đàn bướm trắng thướt tha trong chiếc áo dài trắng. Các anh Cường Ðể với quần tây và áo trắng trông “thư sinh” làm sao. Tất cả đổ dồn lên sân khấu để hát quốc ca mở đầu cho chương trình đại hội Cường Ðể – Nữ Trung Học 2004. Nhìn mọi người trong tư thế nghiêm trang hướng về quốc kỳ mà lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động tưởng nhớ đến những buổi chào cờ ở sân trường Nữ Trung Học xa xưa.
Sau đó mỗi người trong ban múa chúng tôi đều có những tiết mục khác để chuẩn bị. Chị Võ Hồng phải sửa soạn cho màn đơn ca. Tôi phải đi thay đồ cho tiết mục Sắc Màu Tuổi Trẻ. Tội nghiệp cho Võ Lý phải đọc lời giới thiệu cho tiết mục này mà mồ hôi mồ kê chảy ra đầm đìa vì phải đứng ngay ở chỗ mà máy lạnh không thổi đến được, cũng tại vì sợi dây từ chiếc micro ngắn quá nên cô nàng không thể chui vào trong cánh gà đứng được. Còn chị Lan cũng chẳng khá hơn, từ đầu đến cuối chị cứ đầu tắt mặt tối lo đủ thứ chuyện, thậm chí việc kéo màn mà chị cũng phải đảm luôn.
Kế đến là chúng tôi phải đi thay đồ cho màn múa mọi. Bình thường chúng tôi luôn luôn tổng dợt lần cuối sau hậu trường trước khi bước ra sân khấu, nhưng lần này chúng tôi không có đủ thì giờ để làm gì cả. Vừa thay quần áo xong là bị tống ngay lên sân khấu. Lúc mở màn ra chúng tôi chưa kịp chuẩn bị lại thêm cái anh chàng đánh đàn đệm theo bài nhạc mà lại đàn khác nhịp thì có chết không cơ chứ? Chúng tôi lúng túng không nghe được điệu nhạc để múa. Thế là múa “bể dĩa” để lại những trận cười nghiên ngả cho khán giả. Chúng tôi giận cái anh chàng đánh đàn quá chừng, cũng may là anh này ngồi ở dưới sân khấu chứ lúc đó mà anh ở ngay trên sân khấu thì chắc là ốm đòn chứ chả chơi đâu. Vì sẵn mấy khúc gỗ múa mọi trong tay, mỗi “Mợ” ném cho anh một khúc là cũng đủ u đầu bể trán rồi. Ðùa chơi tí thôi chứ chúng tôi đâu có “chằng” dữ vậy. Chúng tôi là những “thục nữ” chính cống cơ mà. Tuy vậy nhưng chúng tôi “chì” lắm, chỉ một hai phút ổn định sau đó chúng tôi lại tươi cười trở ra sân khấu và đã cống hiến một màn vũ ngoạn mục. Cả hội trường đã vỗ tay ủng hộ chúng tôi. Màn múa sau là màn múa dù. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm nên dặn anh đánh đàn làm ơn đừng đàn theo và chúng tôi đã hoàn tất vũ khúc này một cách trôi chảy.
Lúc trình diễn xong ra ngoài gặp người nào cũng khen chúng tôi nức nở. Nào là khen quần áo đẹp, nào là khen các cô tài thật chỉ có 3 ngày mà các cô tập được như vậy là quá hay rồi. Tuyệt đối không ai nhắc đến vụ “bể dĩa” cả. Thậm chí có người còn cám ơn chúng tôi rối rít. Thật ra các anh, các chị thương mà nói thế thôi chứ chúng tôi cũng biết với “tài hèn sức mọn” lại cọng thêm “tuổi già sức yếu” làm sao xứng đáng với những lời khen đó được. Tuy nhiên chúng tôi rất cảm kích và tạc dạ ghi ơn tấm thịnh tình của tất cả mọi người. Ấy thế mới thấy tinh thần “an ủi” và ủng hộ của gia đình cựu học sinh Cường Ðể – Nữ Trung Học cao ghê.
Tuy có xuống tinh thần đôi chút nhưng cả bọn chúng tôi vẫn tươi cười vui vẻ. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên được. Chúng tôi đã tận lực đóng góp để giúp vui cho ngày đại hội. Mặc dù không hoàn hảo như ý muốn, nhưng riêng tôi cảm thấy rất mãn nguyện vì trong lòng tôi rất vui khi đã làm được một cái gì đó để góp sức và chúng tôi đã làm đến nơi đến chốn, dù khó khăn cách mấy chúng tôi vẫn không bỏ cuộc. Ðiều mà tôi vui nhất là gặp lại các bạn xưa và cùng sát cánh bên nhau để làm nên việc. Chính nơi đó tình bằng hữu giữa chúng tôi dường như được gắn bó keo sơn hơn. Tôi nghĩ đó là một khía cạnh thành công rực rỡ của ngày đại hội.
Lời cuối xin cảm ơn ban tổ chức đã tạo cơ hội cho chúng ta gặp gỡ nhau. Và cũng xin cảm ơn quý thầy cô, các anh chị, các bạn bè thân thương đã hội tụ về để mang lại sự thành công cho ngày hội ngộ. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có những buổi họp mặt thú vị hơn.
Lê Trinh Thục
(Atlanta, GA)
Nguồn : Đặc San Cường Để – Nữ Trung Học Quy Nhơn 2005
RE: Kỷ Niệm Làm Văn Nghệ 1
[i]”tình bằng hữu giữa chúng tôi được gắn bó keo sơn hơn”[/i]. Thật trân trọng!
Cảm ơn bạn Trinh Thục đã cho đọc 1 bài “phóng sự” thật vui và thật nhiều tình cảm!
Chúc bạn vui!
Kỷ niệm làm văn nghệ
Chào chị Trinh thục, tôi là lê nguyễn, vào đọc bài của chị , tôi nhớ không lầm thì chị là em gái anh Tuấn, ngày xưa ở k.6 qui nhơn. vì tôi cũng ở Atlanta, nếu là chị hú cho em một tiếng…vì ngày xưa xhi5 Thục học trường Bồ Đề thì phải.
lâu nay thỉnh thoảng có vào đọc trang các chị nhưng hơi khó vào , nay trang NTH. mở rộng đẹp quá, em vào dạo chơi và ghé thăm chị Tuyết Đào là chị của Quốc Tuyên và Thu Thủy bạn em, Chúc các chị vui và thỉnh thoảng em sẽ ghé thăm .
NHLN.
RE: Kỷ Niệm Làm Văn Nghệ 1
Có phải Trinh Thục ngày xưa múa bài “cầu sông Kwai” ở sân khấu trường Nữ Trung Học Quy nhơn không? Bài viết hấp dẫn, đọc vui lắm. Cảm ơn bạn!
RE: Kỷ Niệm Làm Văn Nghệ 1
Trinh Thục mến
Bài viết lôi cuốn ghê Thục ơi và cũng gợi lại biết bao kỷ niệm. Rất lâu mới nghe Thục nói đó, làm Dao nhớ lại một khoảng trời NTH và nhớ cả đến cái thuở bắt đầu xa xưa khi tụi mình hoc tiểu học Nguyễn Huệ với nhau.
Cảm ơn Thục đã chia xẻ với bạn bè qua bài viết rất vui và tình cảm này
Ngọc Dao
RE: Kỷ Niệm Làm Văn Nghệ 1
Thục ơi, Thục có tài viết loại văn tường thuật này hay lắm. Câu chuyện được kể lại rất tỉ mỉ, lại pha chút hóm hỉnh của bầy con gái thuở Trung học ngày nào gặp lại nhau. Đọc rất lôi cuốn và làm những bạn nào không đến dự được thì…ấm ức lắm. Mà sao múa có “chút xiú” à, mà lại được ban ẩm thực chiêu đãi hậu hỉnh vậy? hi hi
Đang chờ đọc hồi 2 của KNLVN đây nhen.
XB
Ky niem lam van nghe 1
Hello các bạn,
Thục cảm ơn càc bạn đã đọc bài của Thục và những lời bàn khích lệ.
Bạn Lê Nguyên oi! Thục không phải là em gái của anh Tuấn ngày
xưa ở khu 6 đâu. Thục là con gái nhà Nghi Phương ở đường Gia Long. Thục là nữ sinh Nu Trung Học chứ không phải truờng Bồ Đề. Tuy nhiên nếu bạn ở Atlanta GA thi
thì cứ liên lạc với Thuc cho vui nha.
Còn bạn Đào Thanh Hoa ơi! Không ngờ bạn vẫn còn nhớ màn múa “Cầu sông Kwai”. Thuc đúng là nguời trong màn múa ấy. Tui minh có học cùng loớp không vậy?
Cảm ơn Ngọc Dao, Xuân Bình và bạn Lữ Thứ nữa nhé.
Trinh Thuc