Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Nhật Ký 29 Tháng 3 Năm 1975

Ngày nầy, giờ nầy, 44 năm trước, tôi đang ở Qui Nhơn. Quân Y Viện Qui Nhơn đang di tản 1500 thương bệnh binh vào Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Sài Gòn. Quân Y Viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Xuân Cẩm ra lệnh cho nhân viên QYV họp vào giữa trưa nhưng ông đã âm thầm bỏ QYV Qui Nhơn đi Nha Trang với một số sĩ quan và bác sĩ thân cận từ buổi sáng. Nhân viên và y sĩ còn ở lại QYV vẫn tiếp tục chuyển thương binh ra phi trường Qui Nhơn để toán phi cơ C-130 của không lực VNCH chở về Sài Gòn. Nhìn thương bệnh binh vừa được giải phẩu xong ngày trước, thân thể còn băng bó, tay còn đeo dây chuyền thuốc, nằm đau đớn trên những chiếc băng ca, thật tội nghiệp.

Đợi mãi không thấy hai vị Chỉ Huy Trưởng và Chỉ Huy Phó QYV đâu, chúng tôi, năm bảy y sĩ đành ra phi trường Qui Nhơn, tháp tùng toán thương bệnh binh đi Sài Gòn.
Một trong những viên phi công C-130 là cựu học sinh trường trung học Cường Để ở Qui Nhơn. Anh và binh sĩ không quân dưới quyền đã thu xếp cho hai chúng tôi (Văn Công Tuấn và Nguyễn Trác Hiếu) lên ngồi trong phòng lái (cockpit) của một chiếc C-130.
Trời về chiều. Khi chiếc C-130 tôi ngồi cất cánh bay qua Ghềnh Ráng, cuối phi đạo, tôi quay nhìn thành phố Qui Nhơn thân yêu lần cuối. Theo sau là mấy chiếc C-130 khác chở đầy ắp thương bệnh binh.
Sóng biển trắng xóa vẫn vô tình lăn bờ. Hàng phi lao trên bãi biển nghiêng mình trong gió như vẫy chào từ biệt những chiếc C-130 nối đuôi nhau bay về hướng nam. Chân trời chiều tím thẫm một màu tang buồn bã. Bạn tôi lau nước mắt vì anh còn một em trai, cũng sĩ quan, kẹt lại ở Qui Nhơn.

Mấy chiếc C-130 chở thật nặng. Thương binh nằm trên những băng ca, treo dọc thành nhiều lớp, trong lòng máy bay. Có lúc tôi nghe tiếng rên lớn của thương binh, quay nhìn thấy một chiếc băng ca lớp trên cùng rách toạc, anh thương binh rơi xuống băng ca tầng dưới, làm rách băng ca tầng dưới nầy, hai thương binh cùng rơi xuống băng ca tầng ba và tội nghiệp thay các thương binh chồng chất lên nhau, đau đớn vì vết thương mới được mổ hôm trước chưa kịp đóng miệng. Binh sĩ không quân phải khó nhọc lắm mới sắp xếp lại được trật tự trong lòng máy may. Hai chúng tôi, ngồi trong phòng lái, bất lực nhìn đồng đội bị nạn.

Trước khi rời QYV ra phi trường Qui Nhơn, tôi ghé lại Phòng Cấp Cứu QYV. Một số thương binh mới được chuyển về còn ngồi đợi săn sóc. Có cả một số thường dân bị thương. Tôi thấy hai em bé khoảng 4-5 tuổi, không có thân nhân, đang chảy máu nhiều. Tôi vội cấp cứu hai em. Bông băng, dụng cụ cấp cứu không còn nữa. Tôi phải dùng dao găm mang theo người, cắt áo quần cũ mà băng bó cho hai em, dặn dò mấy y tá còn nán lại những gì cần làm để hy vọng hai em thoát chết.

Tôi ra trường, chọn về QYV Qui Nhơn năm 1971. Trước khi vào Sài Gòn học Y, tôi đã trải qua 7 năm trung học tại thành phố nầy. Vợ tôi cũng là người Qui Nhơn, học dưới tôi một lớp ở Cường Để. Những ngày chiến sự căng thẳng, gia đình các y nha dược sĩ QYV đã được di tản vào Nha Trang hay Sài Gòn cả tuần trước. Lúc ấy, vợ chồng tôi đã sinh được hai gái, 4 và 3 tuổi, một trai 6 tháng tuổi.

Đêm đến, toán phi cơ C-130 hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất. Thương bệnh binh được di chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa. Chúng tôi theo xe Hồng Thập Tự về Sài Gòn.

Bác sĩ Nguyễn Công Trứ, một quân y sĩ của QYVQN, tình nguyện ở lại săn sóc thương binh từ chiến trường chuyển về. Anh gom góp dụng cụ y khoa và một số y tá còn ở lại, tiếp tục giải phẩu thương binh. Sư đoàn 22 cũng về đến Qui Nhơn chờ hải quân giúp di tản về Sài Gòn. Tôi gặp Thiếu Tá Y Sĩ Lê Thành Ý, y sĩ trưởng sư đoàn 22 bộ binh ở QYVQN trước khi anh cùng binh sĩ di tản khỏi Qui Nhơn. Bác sĩ LêThành Ý hiện đã về hưu và cư ngụ ở Canada. Một số y sĩ QYVQN về sau định cư ở Canada có Đinh Ngọc Thúy, Trần Đình Thắng, Đỗ Trọng, Văn Công Tuấn…

Bác sĩ Nguyễn Công Trứ sau đó có thử bơi ra tàu hải quân nhưng bất thành. Anh trở lại QYVQN tiếp tục cứu chữa thương binh. Anh và binh sĩ QYV đã chôn cất 46 tử sĩ ngay cột cờ QYV trong đó có đại tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng một trung đoàn thuộc sư đoàn 22. Nghe nói ông tự sát ngày 30 tháng 3 năm 1975.

Khi cộng quân vào QYV, thấy bác sĩ Trứ còn mang lon Trung úy, nghe kể, một nữ sĩ quan cộng sản đã lột lon và mắng nhiếc anh. Bác sĩ Trứ bị bắt và đưa đi tù ở An Lão, Bình Định. Những năm sau, không rõ năm nào, anh vượt biển thành công, đến được Mỹ, học lại và trở thành Y Sĩ Chuyên Khoa Quang Tuyến. Anh hiện hành nghề nhiều năm ở New York, đã viết một cuốn sách về những ngày gian truân. Tôi có được anh biếu một cuốn. Anh quên nhiều chi tiết về những ngày sau cùng ở QYVQN. Anh cũng đã trên 75, không trách trí nhớ anh mòn mõi.

Ngày 29 tháng 3 năm 1975, chúng tôi vào được Sài Gòn. Hôm sau, 30 tháng 3, Cục Quân Y cho người đi gom chúng tôi về Thủ Đức để tái phối trí theo lực lượng các binh chủng khác có mặt ở miền nam gần thủ đô Sài Gòn.

Lệnh đầu hàng của hàng tướng Dương Văn Minh làm quân đội VNCH tan rã. Chúng tôi trôi theo vận nước, bị giam giữ nhiều năm trong rừng thẳm.

Nguyễn Trác Hiếu, cựu Y Sĩ của QYVQN
Orlando, ngày 29 tháng 3 năm 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả