Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănBa má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.

Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.

Ba tôi là cây tùng thì không sai rồi. Một cây tùng thẳng đứng, khoan thai.

Còn má tôi, thật lạ, tôi chưa bao giờ cảm thấy bà là cành lan, nhánh liểu hay gì gì đó mà người ta thường dùng để chỉ đàn bà. Tôi chỉ thấy bà như cây quít, thứ quít cái bè, với tàn lá xanh quanh năm, vỏ quít sần sùi nhưng trong ruột lại ngọt thanh thanh, rất riêng.

Ba tôi thời trẻ là một thầy giáo ở một làng quê thuộc tỉnh Phú Yên. Quê nội tôi thuở ấy nghèo lắm, nhiều nhà đến bửa ăn phải ngồi bệt dưới đất, có chiếc chiếu cũng cuốn lại để dành, chỉ trãi ra lúc đi ngủ. Nhưng ông bà nội tôi lại rất thương con, ba tôi lại là đứa con trai độc nhất, nên cho dẫu phải vất vả thế nào bà tôi vẫn quyết nuôi con học hành tới nơi chốn. Ba tôi đã trở thành thầy Giáo Năm khi còn rất trẻ. Người làng trọng thầy giáo là chuyện đã đành, nhưng người ta mến ba tôi vì ông là một cái gạch nối kỳ diệu cho những bất hòa, bởi vậy ông có rất nhiều bạn, những người bạn cùng lứa hay lớn hơn ông cả chục tuổi.

Cái cá tính độc đáo này do ba tôi thừa hưởng từ ông nội. Hồi ấy ông nội tôi chỉ là một chức sắc nhỏ trong làng, vậy mà có việc gì lớn tranh tụng của làng đều phải mời ông đến giải quyết. Không biết ông đã nói gì, làm gì mà rồi ai ra về cũng thấy “ưng bụng, hết ấm ức” Khi ông nội tôi mất, cả làng đi đám tang ông, cờ xí phất phơ, người già, trẻ con và cả bóng dáng của những người đàn bà góa bụa, khiến bà nội tôi cằn nhằn “chết rồi mà còn có người ưa, cũng tại cái miệng ổng đó …”

Bên nội thì neo đơn, còn bên ngoại thì con cháu đông như kiến. Mười một người con, bỏ hai còn chín. Ông ngoại tôi đặt tên cho bầy con gái những cái tên thật đẹp. Cũng may bầy con gái của ông không đến nỗi nào chứ không thì cũng mệt
“Dì Hai bay có nước da trắng hồng như bông bưởi, dang nắng chang chang vẫn hồng, nên đi đâu cũng bị mấy bà béo má để coi có đánh phấn hông! Còn dì Mười thì con mắt sắc ngọt, bởi dậy mới mệt…”

Còn má thì sao? Má tôi cười nói trớ “Má hở? hồi đó má với dì Hai cực lắm, lo mua gánh bán bưng phụ với ngoại nuôi em, nhà một bầy con trai, kiếm được đồng lời nào đổi gạo đem về, cái chum đất bự chảng, đổ bao nhiêu vô cũng lọt thõm…”
nhưng nhìn cái hình má hồi con gái tôi biết má tôi đẹp, đẹp một cách sắc sảo mặn mà chứ không hiền lành như dì Hai tôi.
Nhà đông con nên hai cô con gái đầu rất giỏi giang, nhất là má tôi. Bà bươn bã gánh gồng từ thôn này sang xóm khác. Khi thì vải vóc, lúc thúng gạo, thùng dầu…thứ gì bà cũng “buôn” và cũng kiếm ra đồng lời.

Cô ba Kiều lanh lẹ vậy mà gặp thầy giáo Năm thì tay chân cứ qíu lên. Còn giáo Năm đứng trước làng xã ăn nói trơn tru không hề vấp,vậy mà gặp cô ba cái lưỡi cứng đơ.
“Bửa sáng đó đi lên chợ tao thoáng thấy bóng ổng lảng vảng rồi, ổng chờ miết đến trưa trờ, tưởng gì, chỉ chận đầu hỏi một câu “cô Kiều mới dìa đó hả?” rồi đứng im re, mắc cười muốn chết”
Mắc cười vậy mới nên duyên nợ, mới về làm dâu ở làng quê nghèo xa xăm.

…Bà nội tôi nhai trầu bỏm bẻm nhìn cô con dâu thành phố rồi “hứ” cái độp, bà hay nói xa gần “người ta có phước cưới con dâu trên nương dưới rẫy… ” Má tôi khóc, nước mắt ướt đẫm phên vách, vì sau khi cưới mấy tháng ba tôi đã ra đi theo kháng chiến chống Pháp, bỏ lại bà một mình, xa lạ từ đường đi nước bước, từ cái chén đôi đủa, từ đôi mắt nhìn của những người xung quanh…
Nhưng rồi má tôi khóc không lâu. Bà đã đứng lên, mạnh mẽ hơn bao giờ.

Bà nội tôi không ngờ cô con dâu thành phố lại biết sàn sảy, biết vê thóc. Những người đàn bà lối xóm xúm lại coi vợ Giáo Năm sàn gạo “ngộ thiệt, nó nhóm thóc gọn hơ, nháy mắt là sạch trơn” Rồi họ lân la theo má tôi học cách đỗ bánh thuẩn sao cho nở, học cách thắng đường kho cá sao cho ngon…Nhưng có một thứ mà ít ai học kịp bà: là cách mua bán. Ở cái làng quê nhỏ bé này có gì mà mua bán? Vậy mà bà vẫn nghĩ ra một thứ gì đó! Bà mua những thùng đường mật về nấu thành đường tán, nấu kẹo, rồi sắp si và lẻ cho mấy tiệm tạp hóa “Bán đắt lắm, nên người ta bắt chướt, mà sao lại má, làm kẹo làm đường thì phải biết cách, mà bán mua cũng phải biết cách, bận hàng trong tay má rồi đố ai rứt ra” má tôi cười, đuôi mắt nhăn nheo ánh lên nét rạng rỡ.

Rồi má cũng phải theo ba rong ruỗi dọc miền trung. Ra tới Quãng Ngãi bà hạ sinh đứa con gái thứ ba. Ba tôi lúc ấy đã làm một chức sắc gì đó khá lớn trong ngành quân giới, nhưng má tôi vẫn phải tảo tần may vá nuôi con. Bà hòa mình vào dòng ngừoi, da rám đen vì nắng, nhưng vẫn luôn chăm sóc cho bầy con tươm tất, vẫn thích may cho các con những bộ đồ bằng Vải Tám màu xám chứ không chịu nhuộm đen, vẫn thích xếp quần áo cho chồng con ngay thẳng dù bị phê binh tới lui là Tiểu tư sản. Má tôi giả lơ “kệ, sạch sẽ có gì mà sai!”

Đình chiến, đất nước phân đôi, bạn bè lũ lượt tập kết ra Bắc, riêng ba tôi quyết định ở lại. Người ta hỏi ông chỉ trả lời “Hết chiến tranh rồi, tôi chỉ muốn cùng vợ nuôi con” Nhưng rồi vẫn không yên thân, ông bị bắt vào tù lúc má tôi mang thai tôi chỉ được vài tháng. Căn nhà bị tịch thu, má tôi phải đem chị tôi về gữi tạm cho ông bà ngoại. Không nhớ đến ốm nghén, không nhớ đến cái thai trong bụng, bà làm việc quần quật suốt ngày. Cũng may sau nhiều lần nộp đơn khiếu nại khắp nơi, họ trả lại căn nhà, má tôi dựng cái quán nhỏ nuôi con.

Người cai tù sau nhiều lần tiếp xúc với người tù trẻ trầm tỉnh bỗng có chút cảm mến nên lúc ba tôi ra tù ông tặng cho ba tôi một tấm gương soi mặt treo tường, rất trong. Ông nói “Tôi nghĩ và thấy món quà này rất thích hợp với anh” Ba tôi đã giữ nó như một kỷ niệm suốt nhiều năm trời.
Rồi tôi ra đời, nhờ trời, vẫn bình an và khỏe mạnh. Má tôi ôm con trong lòng, giọt nước mắt chảy dài, vừa hạnh phúc vừa buồn tủi.

Một năm sau ba tôi được tha về, căn nhà tôi lại vang tiếng cười. Những người khách đến quán, thấy tôi chạy lon ton, cứ xúi ba má tôi cho đi dự cuộc thi loại “bé khỏe bé ngoan” (lúc ấy có cái tên hơi khác nhưng tôi không nhớ) Má tôi đã tự tay may cho tôi một chiếc áo thun và cái quần phồng bằng tơ giản dị để mặc đi thi. Không ngờ tôi lại được trao giải nhất. Không ai ngờ rằng đứa bé đang ôm cái phần thưởng đứng trên bục lại ra đời trong hoàng cảnh thiếu cha. Thiếu nhiều thứ lắm, chỉ có tình thương của ba má cho chúng tôi là vẫn đầy ăm ắp.

Những năm sau này, nhờ vào đôi tay lanh lẹ của má, đầu óc minh mẫn của ba tôi nên công việc làm ăn gia đình tôi khá dần. Ba tôi lăn lộn trên thương trường nhiều năm nhưng đức tính của một nhà giáo nơi ông vẫn không thay đổi. Ông thường dạy bào chúng tôi một cách rất điềm đạm. Cả đến lúc ông đánh đòn chúng tôi cũng rất… giáo Năm!

Rất khác xa má tôi, khi chúng tôi làm sai điều gì là má tôi bộp ngay một cái. Còn ba tôi đánh con rất “nguội” Ông thường bắt chúng tôi nằm dài xuống giường, nhịp cây roi và hỏi tội
“Con leo trèo như vậy là đúng hay sai, lỡ té gãy chân thì sao?”
“Dạ sai”
“Vậy thì đáng đánh mấy roi”
Anh tôi kì kèo “Dạ hai roi”
“Năm roi, năm roi có đáng không?”
“Dạ đáng” vậy là anh tôi phải vui vẻ chịu đòn, bị đòn mà không được khóc!

Lúc nhỏ tôi không hiểu vì sao dưới gầm giường của ba tôi luôn luôn có một cái túi xách trong đó ông để vài bộ áo quần, vài món đồ dùng cá nhân, một cái đồng hồ đeo tay với cái dây da cũ nhẵn thín, mấy hột nút đã xỉn màu…

Lớn lên tôi mới hiểu đó là thói quen, là nỗi nhớ của một thời quân ngũ. Cái túi xách đã theo ông những chặng đường rừng, đã cùng ông qua những cơn sốt rét rừng cầm cập, đã theo ông hết một thời tuổi trẻ…

Ngày ba tôi biết mình sắp qua đời, ông bảo chúng tôi kê một đầu giường cao lên “Để ba nhìn qua cửa sổ một chút, và trãi cho ba một miếng trải giường trắng” Ba tôi nằm yên, ông đi vào giấc ngủ miên viễn, vẫn thẳng thóm như bao giờ.

Ngày má tôi sắp qua đời, trong cơn hôn mê bà chợt tỉnh dậy khi nghe tiếng tôi và chị tôi khóc. Bà mở mắt nhìn chúng tôi, đôi mắt thoáng ngạc nhiên, dường như bà muốn nói “sao các con lại khóc, má có sao đâu nà…”

Tháng 8/11
Hx

13 BÌNH LUẬN

  1. Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Hôm nay ngày lễ Vu Lan, có lẽ bạn đã vừa khóc vừa viết bài này khi nhớ về cha mẹ phải không Hà x? Mình cũng muốn khóc khi đọc những giòng cuối của bài viết này. Mình cũng rất ray rức và nhớ đến cha mình lúc lâm chung không có ai bên cạnh vì lúc đó ông đang nằm trong phòng cấp cứu, mẹ mình ngồi bên ngoài và các con không đứa nào đến kịp. Ông ra đi nhanh quá.
    Thân mến tặng bạn hai bông hồng màu trắng.

  2. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Tâm ơi, minh viết xong mấy giòng này thì đã khuya và nước mắt cũng đã vơi. Cuộc đời ba má mình gian truân vậy mà đôi tay giăng cho con thì như chiếc võng lúc nào cũng êm ái
    Cám ơn Tâm đã chia se với mình

  3. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Chuyện chị kể tỏ rõ sự thương yêu kính trọng vô cùng giành cho hai bác. Đôi chỗ em tưởng như là chuyện của em. Em may mắn hơn là còn có mẹ, xin tặng chị hai bông hồng trắng như là một sẻ chia!

  4. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Khi cha mẹ không còn, ai cũng có không ít những điều ray rứt,ân hận. Còn mình thì may mắn hơn cha mẹ vẫn còn nhưng cũng không ít lần phải ân hận!Nhưng con cái khôn lớn là cha mẹ thấy hạnh phúc rồi!
    Mình chợt nhớ đến mẹ bạn Nguyễn thị Nhân, bạn là con độc nhất, là chỗ để mẹ bạn nương tựa lúc tuổi già mà bạn đã ra đi, có nỗi buồn nào hơn của tre già khóc măng!
    Mong bà được mạnh khoẻ..

  5. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Mình cứ nghĩ ba má mình chỉ đi xa thôi , (khuất tầm nhìn)nhưng không có nghĩa là mất phải không Hx vì hình ảnh của người vẫn còn rất rõ trong trí nhớ mình .TB đã nghĩ vậy trong mùa Vu Lan này .

  6. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Cám ơn Oanh, Hòa, Mỹ và Thanh Bình đã cùng chia sẽ với mình, rất cảm động
    Thôi coi như ba má chỉ vắng như Bình nói đi, mình mà buồn có khi còn bị “cốc” đầu đó!
    Mỹ ơi, Nguyễn thị Nhân có phải là nhà ở đường Lê Lợi góc gần Nguyễn Du không? Nhân mất lúc nào, lâu chưa?

    • RE: RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
      Hà ơi! Nguyễn Thị Nhân NTH lớp 12C 67-74. Hồi đó cùng dạy Lê Lợi Một với tụi mình đó! Má Nhân hồi đó bán bún cá rất ngon, nhớ chưa? Nhân mất vì bịnh để lại một mẹ già và một đúa con trai!! Cầu mong má Nhân và con trai Nhân luôn mạnh khỏe!

  7. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Tiến ơi, lúc nhỏ mình chỉ muốn được cha mẹ yêu thương, lớn lên khi biết yêu thương thì cha mẹ lại không ở với mình lâu. Chị cũng vừa đọc bài thơ Vu Lan Nhớ Mẹ của Tiến và rưng rưng đây.

  8. GỬI HX
    Sẻ chia tâm tình với HX qua bài viết về
    cha mẹ nhé.Anh nhớ có một câu thế này:
    “Bất hiếu là tội lớn nhất trong đời” hình
    như đó là lời Phật dạy thì phải.Anh tiếc là
    cha mẹ qua đời qua sớm.Đây là một bất hạnh
    lớn nhất trong đời…Nhưng thôi, nhớ và viết cũng là một cách báo hiếu rồi, phải
    không HX ? Chúc vui nhé.

  9. RE: Ba má tôi, bóng cây Tùng cây Quít.
    Anh Lữ
    H nhớ anh có viết bài “Mẹ ơi” rất cảm động. H thấy mình dù sao cũng may mắn hơn anh, nhân ngày vu lan xin tặng anh một bông hồng trắng và ghi lại mấy câu thơ H viết đã lâu
    “Khi má mất mới hay mình thơ dại
    Tóc bạc rồi thấm thía tiếng mồ côi”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả