Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănTháp Bánh Ít, nơi phải đến một lần trong...

Tháp Bánh Ít, nơi phải đến một lần trong đời.

Năm 2012 các kiến trúc sư Anh quốc xuất bản cuốn sách có tựa là “1001 công trình kiến trúc bạn phải thăm trước khi chết “. Các kiến trúc trên được tuyển chọn từ các công trình thời cổ đại, trung đại và hiện đại. Nước ta có 4 công trình kiến trúc được chọn, trong đó tháp Bánh Ít là công trình thời cổ đại duy nhất được chọn. Thế là từ nay dân BĐ có thể thỏa lòng (trước khi nhắm mắt) là ít ra mình cũng đã đến một nơi cần phải đến. Tuy rằng các công trình trên được chọn lọc bởi các chuyên gia có uy tín trong ngành kiến trúc, khảo cổ, văn hóa… nhưng nhiều người sau khi thăm cũng có chút băn khoăn ” không biết có nhầm không? “
 
Photo : Nguyễn Trí Minh

Cách Quy Nhơn khoảng 20km, khách xuôi ngược trên con đường cái quan sẽ trông thấy ngôi tháp Chăm nổi bật trên ngọn một núi đất khá cao (177m) ở hướng đông. Gần điểm giao của QL 19 và QL 1 có một đường rẽ dẫn vào khu tháp cổ. Đi khoảng 1 km theo con dốc là thấy cổng khu di tích ngay đỉnh dốc. Trong thư mục cổ, tháp được ghi chép là Thổ sơn cổ tháp (tháp cổ trên ngọn núi đất). Ngoài ra tháp còn có tên địa phương là tháp Thị Thiện, tháp Bạt, tháp Bánh Ít. Tên gọi phổ biến nhất là tháp Bánh Ít nhưng được giải thích khá khiên cưỡng là do giống chiếc bánh ít. Người nước ngoài thì gọi tháp bằng cái tên rất ấn tượng: Tháp bạc (Silver Tower), tên này có giả thiết cho là do dịch nhầm với từ bạt của tháp Bạt.

Quần thể tháp Bánh Ít được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, trải qua gần ngàn năm nay chỉ còn 4 ngôi tháp vươn lên đỉnh đồi. Từ cổng vào phía bên trái có một con dốc lát đá khá bằng phẳng dẫn lên ngôi tháp chính ở đỉnh đồi. Mặt đường có khá nhiều viên gạch cổ từ các phế tích được tận dụng. Nhưng con đường chỉ dài khoảng 200m rồi đột ngột chấm dứt vì khi san ủi đến đây đã phát lộ một công trình cổ chưa được khảo sát. Lẽ ra phải theo con đường cũ của người Chăm cổ với lộ trình hợp lý là từ mạn đồi thoai thoải phía đông dẫn đến tháp cổng rồi đi dần lên các tháp bên trên. Tiếc rằng khu vực này hiện nay thuộc về đất chùa (mà cõi thiền khó mà chấp nhận sống chung với cõi du lịch). Lần theo con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi, từ đây có thể quan sát toàn cảnh khu tháp cổ nỗi bật trên nền cánh đồng xanh xa xa. Tầng trên của khu tháp có ngôi tháp chính (tháp thờ) và ngôi tháp mái cong. Ở tầng dưới có 2 ngôi tháp nhỏ hơn là tháp cổng và tháp đông nam.

Xét về mặt kiến trúc thì quần thể tháp Bánh Ít là công trình gạch dạng đền tháp có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Khác biệt với các tháp Chăm khác, vẻ đẹp của tháp Bánh Ít nổi trội ở cách chỉ dùng gạch nung, cách thiết kế đường nét, hình khối của cấu trúc và cách thiết kế cảnh quan. Gạch được chạm khắc trực tiếp sau khi xây dựng với các hoa văn tinh xảo. Tùy theo công năng mỗi tháp được thiết kế và trang trí với sắc thái biểu cảm khác nhau. Tuy nhiên các tháp đều có phong cách kiến trúc chủ đạo là hoành tráng, chắc khỏe. Kích thước các tháp không đồ sộ nhưng được xây trên đỉnh đồi nên đã tạo được cảnh quan của ngọn núi thiêng Meru, nơi ngự trị của các vị thần. Con đường nối các tầng tháp được bạt từ vách núi và được bảo vệ bằng bức tường xây bằng đá ong dày bao quanh các tầng tháp. Dầu đã đổ nát nhưng vết tích còn lại cho thấy bức tường này được ốp bằng những tấm đá sa thạch chạm khắc tinh xảo. Bức phù điêu trưng bày tại nhà bảo tàng Bình Định chỉ là một “trang” của cuốn sử thi bằng hình ảnh tuyệt đẹp này


photo : Nguyễn Trí Minh

Tháp Chính là nơi thực hiện các nghi lễ, có cấu trúc vững chắc, khỏe mạnh vút thẳng lên trời xanh tạo ấn tượng uy nghi, hoành tráng. Tháp có cấu trúc tháp vuông, tường tháp cao vút được gia cường bằng các cột gạch ốp vững trãi trên nền tháp xây bằng nhiều lớp gạch dày. Các vòm cửa giả, cửa đi được xây nhô ra nhiều lớp theo hình mũi giáo, tạo thành mái đón giúp tường tháp vững chắc. Đặc biệt để giảm sự đơn điệu, tường tháp được xử lý rất khéo léo bằng các đường rãnh dọc và các dải hoa văn thanh nhã, sinh động. Đỉnh tháp có hình dáng tương tự như thân tháp nhưng xếp thành 3 tầng thu nhỏ dần. Đặc biệt các tháp trang trí ở 4 góc và lá đề trên đỉnh tháp có gắn nhiều thanh gốm trang trí hình ngọn lửa, nên từ xa tháp giống như ngọn đuốc rực cháy. Ngôi tháp phía nam là một tòa nhà dài và thấp hơn, công năng có thể là nơi cất giữ phẩm vật, đồ tế khí. Tường tháp được ốp 7 hàng cột giả vững chắc đỡ lấy diềm mái. Mái tháp dài cong như yên ngựa tạo vẻ duyên dáng, thơ mộng. Đầu hồi hơi ngả ra phía trước nên nhìn giống như đôi cánh nâng tháp bay lên cao. Nền tháp được chạm khắc các vị thần oằn vai đỡ tháp, tựa như Atlas trong thần thoại Hy-La. Hai ngôi tháp ở tầng dưới có cấu trúc tháp vuông và kích thước tương đương. Ngôi tháp Đông Nam được đặt tên theo vị trí của tháp so với trục tháp Chính. Tuy thân tháp vuông nhưng có đường nét mêm mại, uyển chuyển với đỉnh tháp hơi lượn tròn. Đỉnh tháp được trang trí khá độc đáo với 5 hàng quả bầu nậm xếp thành 3 tầng duyên dáng. Công năng của tháp vẫn còn là điều bí ẩn. Khoảng đất trống giữa 2 ngôi tháp tầng dưới có dấu vết của một tòa tháp lớn đã sụp đổ hoàn toàn. Khoảng năm 1902, khi khảo sát thực địa các nhà khảo cổ Pháp cho rằng đây là tòa tháp có hàng cột khá lớn tương tự như hàng cột của Tháp Bà, Nha Trang. Tiếc thay sự tồn tại của tòa tháp này không hề được thư tịch cổ nhắc đến. Ngôi tháp Cổng gần đó có hình thái đĩnh đạc, nghiêm trang. Các cửa đi của tháp mở ra bốn hướng với vòm cửa hình mũi giáo xây nhiều lớp. Tường tháp cao trang trí đơn giản bằng đường rãnh dọc tạo thành các hàng cột giả. Mái tháp gồm 2 tầng có kiểu dáng như thân tháp, các tầng được thu nhỏ dần tạo thành mái nhọn ở đỉnh. Tháp tọa lạc trên mỏm đồi tại vị trí có cảnh quan rất đẹp nhìn xuống con đường đất đỏ uốn quanh chân đồi, nhánh sông xanh lượn mình quanh cánh đồng lúa yên bình.

Khi thăm tháp Bánh Ít, khách sẽ không thấy đền đài lộng lẫy, sẽ không thấy cảnh người xe nhộn nhịp. Ở đó chỉ có những ngôi cổ tháp trầm tư trăm năm, hoài nhớ thuở huy hoàng của một vương quốc đã lụi tàn. Những tòa tháp còn lưu dấu nét tinh anh của người Chăm cổ qua từng viên gạch, từng dãi hoa văn trang trí mỹ thuật trên các mảng tường đầy lớp rêu xanh. Những công trình tráng lệ, vững trãi được xây bằng tài năng, trí tuệ của họ đã mở ra một phong cách kiến trúc mới. Phong cách độc đáo này đã được thế giới vinh danh là phong cách Bình Định. Phong cách đã tạo diện mạo mới cho kiến trúc đền tháp thuần gạch trên đỉnh núi đồi hài hòa với thiên nhiên. Tháp Bánh Ít cho chúng ta niềm tự hào và cả nỗi trăn trở khi nhìn di sản của tiền nhân mỗi ngày mỗi hoang phế…

Nguyễn Trí Minh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả