Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàSáng Tác của Cựu Nữ SinhBồng SơnNhững mảnh vụn kí ức (2): Quảng Trị 1962-1964

Những mảnh vụn kí ức (2): Quảng Trị 1962-1964

Người ta thường nhớ đến những năm Trung học hay Đại học hơn là những năm Tiểu học còn quá nhỏ và đã quá xa..Thường  cứ thấy những buổi họp mặt của cựu học sinh Trung học và Đại học chứ chưa thấy có họp mặt trường Tiểu học nào,  cũng vậy có lẽ ít ai nhớ hay quan tâm đến thầy cô thời Tiểu học.

Riêng tôi thì có cảm tình với mấy cô thời Tiểu học nhiều hơn. Hồi đó  học một ngày hai buổi: sáng, chiều, năm ngày một tuần nên thời gian gần gũi thầy trò nhiều.

Tôi cứ cố lục tung kí ức để về lại những năm tiểu học đã xa đó nhưng tất cả như có màn sương bao phủ, có nhân vật, có sự kiện đấy, nhưng sao nó cứ mơ hồ, ráng lắm cũng không thể nào hình dung ra được những nét mặt bạn bè hay thầy cô, cứ như những người mình “gặp” trong giấc mơ vậy! (không rõ mặt mũi ra sao!).

Chỉ còn một mớ lộn xộn tận đáy sâu kí ức mà ráng lắm tôi mới sắp xếp lại được nên có thể nhiều điều không chính xác, chỉ hy vọng có bạn nào đó nhận ra người quen chăng!

Năm tôi vừa học xong lớp năm (tức lớp một bây giờ) thì ba tôi đổi ra Quảng Trị làm việc nên cả nhà phải ra theo (khoảng năm 1962).

Đi bằng xe lửa, thích vô cùng vì nghe nói lần này đi lâu lắm mới tới! Có chị ở tên Tâm đi theo. Cả ngày nhìn mãi mê cây cối, nhà cửa chạy qua khung cửa sổ xe như cuộn phim..nhưng có khi bỗng thấy tối om! thì ra xe lửa chui qua hầm! Qua cũng mấy cái hầm như vậy thì tới Đà Nẵng, tàu nghỉ đêm lại đây, sáng hôm sau mới chạy tiếp ra Huế…(có lẽ vì lí do an ninh?)

Cả ngày trên tàu nhưng chả thấy mệt gì cả, con nít mà, cứ mong xe chạy hoài, chạy hoài đừng có ngừng..

Rồi cũng tới nơi, người ta nói QT là tỉnh cuối rồi, gần sông Bến Hải địa đầu giới tuyến nên xe lửa đâu có đi tiếp nữa!


Thị xã QuảngTrị năm 69 (hình của K Weston)

Một căn nhà ba thuê trước đó trong một ngỏ nhỏ, hàng xóm rất thân thiện dễ thương, họ vui vẻ chào đón một gia đình xa lạ có giọng nói không giống họ tí nào!

Mẹ lo đi xin chỗ học cho chị em tôi. Tôi may mắn được nhận vào lớpTư (lớp 2) trường Nữ Tiểu học QT, còn chị hai tôi họ nói lớp Nhì hết chỗ rồi, chị phải học trường tư  của mấy Soeur, trường Térésa ở đầu ngõ.

Trong xóm có nhiều con nít, có chị tên Hồng trước nhà cũng học cùng trường dẫn tôi đi học mỗi ngày.

Lớp mới này bạn nào cũng hiền lành không có ai ăn hiếp bắt nạt tôi cả, cô giáo cũng không có roi.

Riêng chị tôi học trường đạo nên phải đọc kinh, tuần nào cũng có môn giáo lí phải học thuộc rồi trả bài. Chắc là khó lắm hay sao mà cứ thấy chị càm ràm, bực bội lắm, có khi còn khóc nữa!! Nhưng sau đó thấy chị cũng vui vẻ, hay về nhà quơ mấy cái áo đầm của 2 chị em (vì giống nhau) lên lớp tập múa. Có khi chị được đi cắm trại xa.(ở La vang)
Trong xóm, mấy bà mẹ thường ngồi trước nhà đan áo, chuyện trò râm ran.

Tôi và mấy bạn nhỏ cũng xin len vụn và mấy cây que đan nho nhỏ, tập đan. Mới đầu mẹ dạy cách gầy mũi, rồi đan mũi xuống, mũi lên, chỉ chừng đó thôi mà đan một hồi, số mũi nó tăng hay giảm chứ không còn như lúc đầu nữa, lại tháo ra, đan lại.. cứ thế mà rất thích . Thích nhất là những sợi len có kim tuyến, nó óng ánh đẹp ghê!  nhưng đâu có nhiều, bọn con nít chúng tôi cứ nối những đoạn người lớn bỏ đi nên cái cục len có đủ thứ màu!

Mấy cô giáo cũng thường đem theo len để đan trong giờ ra chơi hay lúc cả lớp làm bài tập. Hầu như phụ nữ ai cũng đan..

Đặc biệt  ở đây người ta ăn ớt giỏi kinh khủng!

Mấy đứa con nít hay bưng chén cơm chạy lung tung, tôi nhìn thấy sao cơm thường có màu đỏ, thì ra tụi nó ăn cơm với xì dầu (ở đây gọi là vị tâm, bột ngọt là vị tinh) rắc thêm ớt bột! Sau đó tôi để ý nhà nào cũng có ớt bột nhiều, kho cá, nấu canh..đều bỏ ớt bột tạo thành màu đỏ rất bắt mắt (chứ không như bây giờ người ta xài màu điều) ra mấy tiêm tạp hoá cũng thấy bán nhiều xì dầu và ớt bột. Rồi dần dần tôi cũng tập ăn ớt cho đúng điệu!

Tôi còn nhớ có  nhà hàng xóm làm bánh ướt, bán ở đâu không nhớ nhưng ở nhà chỉ còn một chị (hình như tên Mít) vừa xay bột vừa tráng bánh trên một cái lò lửa củi lớn. Tôi hay chạy qua giành xay bột, cái cối lớn có tay quay nối với một cái cần tre dài, đứng đẩy cái cần này cho cái cối quay chứ không phải ngồi quay tay như ta thường thấy ở những gia đình, cũng nặng nhọc lám nhưng tôi coi như trò chơi mà, mệt thì nghỉ, ngồi nhìn chị tráng bánh, (thích tráng lắm nhưng chuyện này coi bộ khó, tôi không dám thử) và dĩ nhiên là được ăn bánh vụn! Chị này vừa làm vừa kể chuyện cho tụi tôi nghe, thích lắm, chị còn hứa sẽ lấy đất sét nặn cho một cái cối xay để chơi. Tôi chờ mãi chả thấy đâu, nhắc hoài ,chị này bận lắm, hầu như đầu tắt mặt tối chả ngưng tay. Bánh này người ta mua về rồi rắc tôm châý xong cuốn lại chứ không phải ăn như trong nam.

Con nít xóm này khá đông nên vui lắm, không đi học thì chạy lông rông bày trò ra chơi đùa với nhau, lấy lá chuối quấn thành kèn thổi, cọng đu đủ làm súng, không thì đi bắt chuồn chuồn, bươm bướm, nhảy cò cò… Nói chung là những trò..không tốn tiền! Nhà ai cũng mở cửa, đi qua đi lại tự nhiên (không có chuyện phải gõ cửa bấm chuông!)

Không biết ở xóm đó bao lâu thì nhà tôi dọn tới một ngôi nhà rộng hơn, ngoài đường thông thoáng, tôi còn nhớ rõ số nhà 13 Phan Thanh Giản! con số này không bao giờ tôi quên được vì lúc dọn về, nghe hàng xóm xì xầm nhà này có ma! con nít nào chả sợ ma!
 Ma đâu chưa thấy nhưng gần nhà có ông cụ tên Hường rất tử tế, hai vợ chồng già, con cái ở xa, có bà con gái học ở Saigon, chị tôi nói bà này chấm nốt ruồi tùm lum trên mặt! (hồi đó có mốt nút ruồi như ca sĩ Minh Hiéu!)
 Nhà cụ Hường có treo nhiều giò phong lan rất đẹp mà tôi chưa từng thấy! nó là những khúc cây rồi đâm ra hoa chứ không trồng trong chậu nhỏ, ông cụ chăm sóc kỹ lắm. Ông cũng có nhiều chậu kiểng trước sân, có thứ ông gọi là long tu (râu rồng) và đem cho mẹ tôi một mớ bày nấu chè ăn mát lắm! Sau này vô Sài gòn, nghe người ta gọi nó là cây nha đam, bây giờ thì thường gọi là cây lô hội. Bây giờ cây này lên đời nổi tiếng chứ lúc đó nó chỉ là một thứ cây kiểng.

Trước nhà tôi có hai chú thông ngôn, tôi chả còn nhớ gì nhưng chị tôi kể gần nhà có cô thợ may tên Hiền xinh xắn, người Băc, mấy chú này cứ nhờ chị đưa thơ cho cô này, xong chú cho ăn cà rem, chị mê cà rem nên tích cực lắm, cho đến một hôm nghe lóm mấy chú này cười đùa bàn tán với nhau rằng thợ may đạp máy may hoài chân to lám, tối nằm ngủ mà gác chân lên mình thì..nặng lắm!  Chị tôi nghe như vậy ghét quá không thèm làm nữa!  hihi…

Bên hông nhà có cây  giáp cá và cây Dạ lý hương, đặc biệt cây này ban đêm toả mùi rất nồng nặc, chị Tâm nói nghe người ta bảo mùi này quyến rũ ma tới đó! Nghe sợ lắm, mất ngủ mấy hôm! nhưng rồi cũng chả ai thấy con ma nào! mọi chuyện trở nên bình thường.

Đặc biệt ở đây có nhiều cây sầu đông, nhưng người ta gọi là cây thầu đâu, hình như hoa nở vào mùa đông (?)  mùi cũng rất thơm và trái ra cả chùm ,mỗi trái màu xanh, cứng to cỡ đầu ngón tay, hình tròn dài, trái này rất đắng nên chả làm gì ngoài làm đạn băn nhau! (hồi đó cứ ước gì nó ăn được thì hay biết mấy vì rất nhiều!)

Trưa trưa, mấy chị người làm rủ nhau đem quần áo ra sông xả, sướng nhất là giặt chiếu vì cứ trải nó ra trên mặt nước rồi lấy bàn chải chà thoải mái chứ trong nhà chật chội khó làm. Hai chị em tôi cũng đi theo chị Tâm ra sông,(chờ cho 2 thằng nhóc ngủ chứ không nó đòi đi theo), chị giặt còn tụi tôi tắm, vui đùa với một đám con nít khác. Tụi con gái nói với nhau: mấy con chí sẽ trôi theo sông Thạch Hãn này ra tuốt ngoài biển luôn! Rồi cả đám nhìn qua bên kia sông mơ một ngày có thể bơi qua thấu bên kia! (và đã không bao giờ có !)

Hồi đó có lẽ khí hậu ẩm thấp, đầu đứa nào cũng đầy chí, mẹ phải xịt thuốc rồi lấy khăn trùm lại cho nó chết, xong một lát mơí gội, cũng phải xổ sán lãi hoài, hồi đó có cái kẹo nhọn nhọn như bánh ú nhiều màu sắc ăn kèm với chuối rồi sáng dậy phải nhịn đói cho con sán chết.


Cổng thành Đinh Công Tráng

Lại dọn nhà. Có người sang lại một chỗ trong cổ thành Đinh Công Tráng. Trong thành này có quân đội đóng và một ít nhà của gia đình quân nhân, chắc là ở khỏi tốn tiền thuê chứ rất xa trường và chợ.Tôi chỉ còn nhớ  mang máng cái thành này có lớp tường cũng dày lắm, xung quanh có hào sâu, có nhiều cổng nhưng thường chỉ cho đi một cổng chính có lính gác. Gần chỗ nhà tôi ở có một trại gà không biết của ai nhưng mình có thể mua trứng. Trại gà này ngay một cái cổng thành khác, từ đây có thể đi học gần hơn nhưng họ đóng lại không cho đi có lẽ vì an ninh.

Phía trong căn gia đình tôi là mấy căn nữa cũng của mấy người đồng đội của ba, mấy ông chồng thường vắng nhà, chỉ có mấy bà vợ và đám con nhỏ. Mẹ tôi lớn hơn mấy cô kia, đa số họ có con chưa đến tuổi đi học. Cô Quýnh vừa sanh con, tối tối kêu chị tôi qua ngủ cho đỡ buồn, tôi thì qua nhà cô Mạnh cũng chỉ có 2 mẹ con.

Trong thành buồn quá, chả có con nít bạn bè để chơi (toàn là mấy chú lính), đi học rất xa, mỗi sáng  phải dậy sớm rồi đi một mình (tôi không hiểu sao lại chỉ nhớ đi một mình vì chị tôi cũng chỉ hơn tôi 2 lớp!?) ớn nhất là phải băng qua mấy cái cây cổ thụ , trong thành này rất nhiều cây cối lâu năm, trúng những tháng mùa đông, sương mù dày đặc, không thấy rõ những con sâu gọi là sâu đo, tòn ten từ trên những cây này, lửng lơ trước mặt mình! nhiều sâu lắm, cứ căng mắt ra mà tránh chứ nếu không nó đo từ đầu tới chân là chết ngay! (là tôi nghe tụi bạn dặn thế).

Mấy bà nội trợ rủ nhau làm bột sắn giây, củ này còn gọi là sắn cơm, nghe nói rất khó trồng , trên Khe Sanh khí hậu lạnh ẩm mới có nhiều, nghe nói dùng nó rất tôt nên nhà nào nhà nấy mua về làm (sau 75, ngoài Bắc đem vô nhiều bột này nên bây giờ người ta đã biết dùng chứ hồi đó ít lắm)

Cứ rảnh là chị em tôi phải mài sắn, bàn mài tự làm băng cách lấy đinh lớn đục trên một tấm nhôm cho thành nhiều lỗ lởm chởm, mài mỏi tay mà lúc củ sắn gần hết thì tay dễ bị chạm vô bàn mài trầy tay đau lắm. Sắn mài xong mẹ sẽ lọc qua nhièu lần rồi lấy bột đem phơi, mẻ tốt nhất gọi là bột nhất, mẻ sau không tốt bằng gọi là bột nhì…(phơi lâu lắm mới xong, chưa kể gặp trời mưa)

Hết sắn giây, lại đến mài củ mì (ở đó họ gọi là củ sắn), hết củ mì thì có củ huỳnh tinh (bột củ này làm bánh phục linh…mài triền miên..

Dạo đó đi đâu trong thành cũng thấy mấy cái nong phơi bột, mùi chua chua.(đất rộng tha hồ phơi!)

Bột làm xong được gởi lên cho mấy ông chồng đang đóng đồn ở xa, tận biên giới Lào! Tôi còn nhớ như  in những cái địa danh như Lao Bảo, A Sao, A Lưới.. đó là những nơi rừng thiêng nước độc trên dãy Trường Sơn. Mẹ cũng thường làm thịt chà bông và đan găng tay, mũ thật dày vì ba nói trên đó lạnh lắm. Lúc đó khoảng đầu thập niên 60, mấy người anh em còn ở trong rừng sâu, chưa có vũ khí nặng nên chỉ lâu lâu mới làm một cú gây tiếng vang chứ chưa có ..mần ăn nhiều nên chiến tranh chưa có ác liệt như sau năm 68.

Không biết được bao lâu thì lại dọn ra ngoài, nghe mẹ kể ông tướng Nguyễn Chánh Thi ra xem xét tình hình nói rằng trong thành mà tập trung như vậy nguy hiểm lắm! Tụi nó bắn vào là chết cả đám!

Lần này thuê nhà của bác Đoài (?) trên đường Quang Trung. Nhà bác này có đất rộng nên xây thêm một căn bên hông cho thuê, phía sau có mảnh đất rộng trồng đậu xanh, chuối..

Hai bác chủ nhà đã lớn tuổi có ba người con gái cùng học chung trường với chị em tôi: chị Thanh, Hương và Hoa. Sau mới biết thêm còn có một anh lớn đang du học bên Mỹ (chắc anh này học giỏi lắm)

Nhà này rất ngoan đạo, tối nào cũng nghe đọc kinh, khỏi nói 3 chị em này đi nhà thờ thường xuyên và trong tuần có mấy buổi tới sinh hoạt ở đó theo đội gì đó tôi quên tên , đại khái như Gia đình phật tử bên chùa vậy!

Thế là từ đó, tôi có bạn kế bên, đi học chung nữa, thích lắm, không còn phải lo dậy sớm đi học và nhất  là khỏi sợ..chết vì mấy con sâu đo!

Đến hè, qua nhà bà con của Hương, Hoa học thêm, mấy nhà này thỉnh thoảng hay đánh bài, không phải bài Tây hay bài tứ sắc, lá bài lớn mà dài, có vẽ hình lạ lắm. con nít cũng hay ngồi coi người lớn chơi, không thì chơi ô làng, nhưng mê nhất là chơi đánh nẻ, hình như là 10 que tre (hay hơn?) chắc các bạn đều biét. Trò này mà có cái banh tennis là tuyệt nhất nhưng khó có lắm, phải chơi bằng viên bi hay banh của bóng bàn, chơi hoài “tay nghề ” được nâng lên thấy rõ! đi học cũng đem theo chơi.

Nhà không có giếng, thường thì chị Tâm phải đi xách nước ở một nhà trong xóm hơi xa dọc đường có nhiều tre rất mát, bọn tôi cũng đi theo và tập gánh (chỉ độ nửa thùng thôi) đau vai lám! nhưng vui, cái giếng này cả xóm xài nên đó cũng là nơi tụ họp, nói chuyện như lúc trước đi giặt đồ bờ sông.

Chiều chiều, người dân hay ra “vườn hoa” gần đó chơi, đó chỉ là khoảng tam giác (tiểu đảo) nơi giao nhau của 2 con đường, chỉ thấy cỏ chứ chả có bông hoa gì! người lớn, con nít ngồi dọc theo cái bờ lề nói chuyện hóng mát rất vui (chác là giờ đó không còn xe chạy)

Ở miền này có một thứ trái (dại?), nó nho nhỏ bàng đầu ngón tay, màu đỏ, chua chua, người ta gọi là trái dâu (nhưng không giống gì dâu ta hay dâu tây cả) người ta bán từng lon cho con nít ăn vặt như ở QN người ta bán chà là (dại ) hay trái trâm vậy, tới mùa hè nhiều lắm, mấy bà rủ nhau mua về làm rượu, mẹ tôi cũng làm. gởi về QN cho bà con. (bây giờ thì biết nó là trái dâu tằm)

Hai nhỏ Hương và Hoa chơi với tôi cả ngày trừ những lúc tụi nó đi tới nhà thờ sinh hoạt, những lúc đó tôi buồn lắm, thấy trống trải quá và cứ mong tụi nó chóng về..Riết rồi tôi đâm ra ghét nhà thờ luôn! mà hình như tụi nó không rủ đi hay mẹ tôi không cho nên tôi nhớ chưa có đi nhà thờ lần nào cả. Anh tụi nó có gởi về 3 cái áo đầm đẹp ác ! (áo Mỹ mà!) Tôi vẫn nhớ rất rõ áo chị Thanh màu thiên thanh, áo của Hương màu vàng có chấm trắng li ti (đẹp nhất) còn áo nhỏ Hoa màu hồng!  tụi nó còn đem ra khoe một hôp bando cài tóc, nhiều màu lắm, nó cho tôi lựa màu nào cũng được nhưng màu trắng thì tụi nó không đụng tới, vì không được cài, như thế là đeo tang! (lúc đó tụi tôi bàn tán, chắc bên Mỹ họ không kiêng sao mà làm bando màu trắng nhỉ!) Anh nó cũng gởi về nhiều bong bóng, loại nho nhỏ, 3 đứa thổi đã đời, hết hơi! Đó là những thứ mang hơi hướng America đầu tiên tôi biết, dạo đó chỉ thỉnh thoảng thấy có một ông Mỹ dân sự phát kẹo cho con nít thôi, còn quân nhân thì không thấy…

Có lần mọi người qua bên kia sông coi biểu diễn nhảy dù, Tướng NCT tổ chức cho dân chúng coi, chị em tôi và lũ bạn cũng rủ nhau đi. Coi thì thú vị lắm nhưng tới hồi kết thúc, trời nắng như đổ lửa, xung quanh là đồng trống, kiếm không ra miếng nước uống, đứa nào đứa nấy khát khô cổ, mệt đừ!!

Thỉnh thoảng  có máy bay thả truyền đơn, con nít khoái lắm đi lượm về cả nắm..Nhưng vui nhất là khi những đoàn Đại nhạc hội về trình diễn, ban ngày có những xe đi a lô quảng cáo và phát những tờ chương trình in hình tài tử thấy mê! Chị tôi kể có lần thấy ca sĩ Duy khánh và cô Thanh Thúy vì ông này có cha mẹ ở gần nhà số 13 PTG, chị nói Thanh Thúy đẹp ơi là đẹp, mái tóc dài  mặc áo dài tím. (DK là cháu mấy đời của ông quan Nguyễn văn Tường). Tôi thì thích những hình có cô Kim Cương vì họ có in một hình viên kim cương lóng lánh.

Cái rạp xi nê  (độc nhất của thị xã) hay chiếu phim Ấn Độ có mấy công chúa hát múa trên một cái lá sen to khổng lồ, con nít mê mẩn.. Khi có đoàn hát hay đoàn ca nhạc kịch gọi là đại nhạc hội (thường vào dịp xuân về họ làm “Cây mùa xuân” ) thì rạp tạm ngưng chiếu phim, khi nào mấy đoàn này đi thì mới chiếu lại. Chuyện giải trí chỉ có vậy. Đêm đêm đêm nghe radio có nhiều bài hát và đặc biệt lúc đó có chương trình quân đội : Tiếng nói Dạ Lan, nghe ngọt ngào lôi cuốn lắm!

Có một sự kiện mà tôi không biết chính xác năm nào: sáng đó thấy ngoài đường xôn xao vui lắm, tôi chạy ra xem thì thấy nhiều chiếc xe đò treo banderole ở hai bên hông xe, đại khái là đi ra cầu Hiền Lương trên sông Bến hải biểu tình, trên xe đầy người hát hò vui lắm, dân chúng 2 bên đường hoan hô! Tôi lật đật chạy về nhà la lên, má ơi, đi ra Bến Hải đi! Không biết mẹ nói sao nhưng tôi nhớ là mình thất vọng ghê gớm vì không đi được! cứ nghe người lớn kháo nhau đủ chuyện về cây cầu đó nên tò mò lắm, nào là 2 anh lính gác cầu của hai bên chọc nhau, đùa với nhau v.v..

Và một sự kiện nữa cũng không biết năm nào, chỉ nhớ là hôm đó nắng chang chang, người ta kêu con nít sắp hàng hai ở sân vận động, Mỹ sẽ phát quà! (tôi đoán chắc là ngày Quốc Khánh 4-7)

Xếp hàng rồng rắn dài ơi là dài, trời nắng mà chờ mãi vẫn chưa tới lượt, mồ hôi mồ kê đổ, vừa khát nước vừa mỏi chân, muốn bỏ về cho rồi nhưng tiếc cái công xếp hàng cả buổi mà cũng ham “đồ Mỹ” nữa! vô được gần tới nơi thì thấy một ông Mỹ đang quậy nước cam trong cái thùng to như thùng phi, ông khác thì phát bánh hay xúc xích gì đó không nhớ nữa! lãnh được rồi hí hững lắm!


Nhà thờ La Vang trước năm 1972

Dân chúng ở đây theo đạo khá nhiều, do lúc trước bị vua cấm đạo nên họ tụ tập vô đây, nhất là sau 54. Tôi cứ nghe mấy người ở nhà bác Đoài và chị em Hương Hoa nhắc đến Thánh Địa La Vang, nào là nơi đó linh thiêng lắm, đẹp lắm… Nghe và cứ tưởng tượng nơi đó là thiên đường vậy!

Rồi tôi nhớ có được tới nơi này một lần có lẽ là một dịp lễ lớn vì rất đông người hành hương. Bây giờ trong kí ức tôi chỉ còn nhớ là chỗ đó rộng lớn lắm, từ ngoài vô tới nhà thờ có rất nhiều tượng Thánh lớn (nói theo kiểu bây giờ là hoành tráng lắm!)

Rất tiếc là năm 72 nó cũng tan nát, tìm mấy hình cũ thì không có, chỉ có hình cảnh hiện nay hầu như đã được xây dựng lại mới hoàn toàn!và chỉ thấy những chậu cây kiểng chứ không có những tượng Thánh bề thế ngoài khuôn viên như trước.

Mùa hè, nắng gắt nhưng lúc đó thị xã có rất nhiều cây to, nhất là phượng nở hoa đỏ rực! bọn tôi cứ lấy hoa phượng làm đồ chơi, cánh nó ăn cũng chua chua, trái nó nằm trong 1 lớp vỏ dày dài, rất cứng, phải lấy búa đập ra (không biết để làm gì chứ ăn không được!) hình như đối với con nít, cái nóng không ảnh hưởng bằng cái lạnh thì phải, vẫn chạy nhảy vui đùa  thoải mái..

Đó là mùa nắng, tới mùa mưa đi học cũng mệt nếu ta bị ..rách áo mưa! hồi đó áo mưa không được tốt, cứ hay bị rách và chắc cũng không rẻ nên có cái nghề vá áo mưa , rách đâu thì vá đó, ông thợ lấy cái bàn ủi bằng than ủi lên thì phải! Tôi nhớ chuyện này vì hồi đó trong lớp có chị lớp phó tên Xuân có cha làm nghề này. Trưởng lớp tên Thìn (chắc là tuổi thìn) Hai chị này có vẻ lớn hơn bạn bè trong lớp chắc là đi học trễ. Tôi cũng kiếm nylon lấy kim chỉ, mày mò may một cái túi hai ngăn, có thể gấp lại để đựng sách vở cho khỏi ướt!

Những năm gia đình tôi ở QT thì không có trận bão hay lụt nào lớn, chỉ có ít lần mưa nhiều, đi học về cứ sợ lọt xuống mấy cái mương hay hố hai bên đường vì nước ngập hết không còn thấy được trừ những chỗ có xoáy nước lớn thì biết là chỗ sâu!

Bão thì được nghỉ học, ở nhà nhìn ra cánh đồng xa xa thấy người ta chèo thuyền trên những chỗ là đám ruộng, con nít chưa biết gì, chỉ thấy nghỉ học là khoái thôi, nhất là sau đó hết bão, chạy ra đường, chỗ những cây phượng cổ thụ bị bật gốc,lượm trái của nó về chơi, bình thường cao quá đâu ai hái được!

Mùa đông thường mưa dầm dề, ẩm ướt, phơi đồ khó khô, đêm nằm ngủ lạnh lắm, hồi đó không có nệm, nhiều khi phải để một cái lò than đã vùi một lớp tro dưới giường cho ấm! Tôi và chị hai chia nhau bộ đồ dạ của lính Tây, đứa mặc áo, đứa cái quần, bên ngoài có mền mới chịu được! Mấy bà già thường có một cái giỏ mây nhỏ bỏ vừa một cái ơ nhỏ (bằng gốm) trong bỏ ít than hồng, xách theo bên mình nếu đi ra ngoài. Và ăn cay khi trời lạnh rất ngon!

Lúc này tôi đã thích đọc truyện rồi, có nhà một bạn gần đó có rất nhiều tryuện tranh (loại rẻ tiền, giấy xấu ), cả bọn nằm lăn trên gác đọc say xưa, nhưng đọc rồi cũng hết, ở nhà cũng có nhiều sách của ba nhưng tôi chưa đọc được (ba hay mua đem lên đơn vị xem chứ ở trên đó ngoài cái radio thì chả còn gì để giải khuây!)

Có một tiệm sách tên Phổ Thông, học trò hay đến mua ngòi viết, mực, vở…ở đây có bán nhiều truyện cổ tích rất hấp dẫn, sách in trên giấy tốt, bìa vẽ tranh rất đẹp, đứa nào cũng thèm, chủ tiệm là hai chị em, cô chị rất đễ thương (bán 1 đồng 3 ngòi viết) còn cô em, hình như tên Vân, mập và ..không dễ thương  (chỉ bán đúng 2 ngòi viết thôi!) nên chị em tôi cứ thấy cô chị bán mới vô mua . Cứ lân la tới hoài rồi cô chị cũng cho xem mấy cuốn truyện cổ tích đó, đó là những tryên cổ tích của nước ngoài, dịch từ tiếng Pháp, hình ảnh rất đẹp, nào là Cô bé lọ lem, Bạch Tuyết, Công chúa da lừa…Cứ trưa trưa bỏ ngủ trưa tới tiệm coi “cọp” (dĩ nhiên là nếu lúc đó không có cô Vân coi tiệm!)

Gần đó có một chú chuyên khắc tên trên viết máy, khắc thủ công chứ không có máy móc gì như tiệm Đại Chúng ở QN, cả bọn hay ghé xem chú làm, say mê, nhưng chỉ xem chứ lúc đó chưa đứa nào có viết máy,  (hình như lên trung học mới xài viết máy) vẫn xài viết chấm mực, phải có giấy thấm hay viên phấn để chậm cho khỏi lem.

Thời đó có những sách giáo khoa như sách sử ký và thủ công in trên giấy và bìa rất tốt vì do “Nhân dân Hoa kỳ tặng” những sách này hình màu rực rỡ chứ sách của VN giấy xấu và thời đó in ấn còn thô sơ, làm gì có hình màu! Sách giáo khoa nhưng cũng có rất nhiều truyện cổ tích VN như Hoàng tử sọ dừa, Tấm Cám…đọc say mê! (đỡ dang nắng)

Đầu năm học mà kiếm được mấy cuốn Thế giới tự do để bao vở là mừng lắm, tạp chí này của Phòng thông tin HK phát không cho nhân dân VN nhưng mấy ông công chức thường ếm bớt nên dân chúng đâu có nhiều!
 Nói chuyện sách tôi nhớ có thấy ba đem về một quyển có vẻ hơi lớn và giấy đẹp hơn mấy cuốn khác đó là cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tớ mở xem thì thấy trang đầu có giòng chữ rất đẹp:

Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ

Có ký tên chủ nhân là Nguyễn Hữu Bài, tôi thắc mắc ghê lắm, không hiểu gì nhưng đoán chú này chắc có tâm sự buồn! Hai câu thơ của Hàn mặc Tử này nghe cứ buồn man mác!

Sau này nghe mẹ kể là chú Bài thất tình sao đó, rồi bịnh, đã đào ngũ rồi! ba giữ sách này làm kỷ niệm. Sau 75 cuốn này không còn, không biết nó đang lưu lạc chốn nào hay đã bị làm giấy gói xôi, gói bánh mì! nhiều khi tôi tưởng tượng cuốn sách này bị đem bán ve chai và có người quen hay con cháu chú Bài thấy được và nó được  tái ngộ chủ nhân! (như nhật kí ĐTT vậy mà).Dù gì, khi nhớ đến chuyện này, lòng cứ buâng khuâng!

Năm lớp nhì (lớp 4) tôi học với cô Lê thị Tin Kính, mấy năm trước nghe tiếng cô này nghiêm nên ớn lắm, hình như chỉ có cô là còn độc thân, tóc thắt bím, mặt ..chả hiền tí nào!

Thật ra cô chỉ nghiêm nghị vậy thôi chứ cô dạy rất hay và tận tuỵ với học trò, tụi tôi nhanh chóng mến cô, lúc đó có lẽ cô cũng chỉ mới chừng dưới 25 tuổi nhưng đã có nhiều tiéng xì xào cho rằng cô kén quá nên ..ế! Có dạo phòng ốc sao đó, lớp tôi phải học tạm một phòng ở bên ngoài (?) nên không đóng cửa lớp được hay sao đó mà có người để một bức thư trên bàn giáo viên, cô vô lớp đọc xong, thấy cô nghiêm mặt lại có vẻ giận lắm và dặn cả lớp lần sau phải vất những thứ đó đi! tôi đoán chắc có mấy anh chàng rỗi hơi chọc ghẹo cô thôi!

Bạn bè trong lớp tôi chỉ còn nhớ có bạn thân tên Yến và một bạn mới về đây thì phải, tên Quỳnh Như, ba bạn này chắc là công chức cao cấp vì thấy nhà bạn là một căn nhà Tây của chính phủ cấp, bạn này có nhiều chị em gái mà người nào cũng lót chữ Quỳnh, tôi thích nhỏ này vì bạn rất dạn dĩ, ăn nói hoạt bát (chứ không rụt rè như phần lớn con gái nhỏ) và nhất là bạn đi xe đạp mà có thể thả tay, vừa nói chuyện, vừa vung tay diễn tả rất chì!!

Trung thu, trường bắt mỗi học sinh phải làm một cái lồng đèn và lớp tập văn nghệ để ra sân vận động có tổ chức đón trung thu, có chấm điểm. Cả bọn cũng đi kiếm tre, về chẻ, vót, lui cui làm lồng đèn ngôi sao, hồi đó chỉ có đèn kiểu này chứ làm gì có lồng đèn đủ kiểu như trong Chợ lớn làm bán. Ngôi sao thì đứa nào cũng giống nhau thôi, chỉ ăn thua là trang hoàng dán giấy lên sao cho độc đáo thôi!

Tối đó đứa nào cũng diện áo đẹp nhất, cầm cái đèn lên tới nơi tập trung rồi mới thắp nến lên, đông vui khỏi nói, cái đèn của tôi nó chìm lỉm giữa một rừng đèn to, đẹp lộng lẫy! nhưng mà cũng không buồn gì vì mình cũng có được cái đèn sau cả tuần cặm cụi ..
.
Ở QT lúc đó chỉ có một nhà thuốc tây của một ông Tây dược sĩ (có vợ Việt) làm chủ . Sau đó nghe tin ông này bị  giết khi đi về Khe Sanh, có lẽ họ tưởng ông là người Mỹ chăng!? Dân chúng xôn xao vụ này dữ lắm, còn tôi cứ chạy qua lại ngang nhà riêng của ông này để “xem xét tình hình!”

Năm 63, ở Huế rất lộn xộn nhưng ở QT theo như tôi nhớ thì hình như không có biến động gì, dân ở đây theo công giáo nhièu,  chỉ có vài ngày giới nghiêm rồi sau đó sau cuộc đảo chánh mọi sự trở lại bình thường, chỉ thay Tỉnh trưởng thì phải!?

Rồi ba nói cả nhà dọn vô Huế, lúc này đã là năm 1964 rồi.

Đang giữa năm học, tôi đang học lớp Nhì còn chị tôi học lớp Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng, cả nhà đi, chị tôi phải ở lại học cho hết niên khoá, chị ở trọ nhà chị Thuỷ, thỉnh thoảng đi xe đò về nhà.

Phải nói lời chia tay với bạn bè trong lớp, buồn lắm nhưng không có lưu bút hay hình ảnh gì để làm kỷ niệm cả, cũng không biết hỏi địa chỉ để liên lạc nên từ đó  ..đứt đường tơ! Trừ bạn Xuân sau này gặp lại ở Quy Nhơn.

Cô Kính buồn lắm, cô tới nhà cho mẹ địa chỉ của cô, dặn khi nào ổn định mẹ nhớ gởi thơ cho cô biết địa chỉ ở Huế, cô hay vô Huế thăm bà con sẽ ghé nhà. Và cô có tới nhà thăm thiệt!

Đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ cô có hai bím tóc thắt con rít dài, gương mặt nghiêm nghi. Chắc sau này mất QT cô vô Huế.Tôi mất liên lạc khi về QN vì mẹ không  viết thư cho cô nữa.

Cô Kính là cô giáo tiểu học duy nhất tôi còn nhớ rõ tên họ và hai bím tóc. Tệ thiệt!

Bồng Sơn

10 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những mảnh vụn kí ức: Quảng Trị 1962-1964
    Chào chị Bồng Sơn,
    Cảm ơn bài viết nhẹ nhàng, có những chi tiết dí dỏm, thơ ngây của tuổi thơ về một nơi chốn mà có lẽ ai cũng in sâu trong tâm khảm,và những tấm hình rất quí giá của chị. Trí nhớ của chị rất tốt, không tệ chút nào đâu !
    Thân,
    HML

  2. Quảng Trị
    Chào HML
    Cám ơn HML. Thật ra tôi cũng phải hỏi chị và mẹ tôi thêm mới được một ít như thế,mà lâu quá nên họ cũng chả còn nhớ bao nhiêu.
    Mấy tấm hình này tôi lấy trên Internet của mấy người Mỹ chụp chứ hồi đó đâu ai có hình màu!

  3. RE: Những mảnh vụn kí ức: Quảng Trị 1962-1964
    Chi Bồng Sơn mến
    Đọc những ký ức tuổi nhỏ của chị mà liên tuởng đến thời thơ dại của mình và nhớ thật nhiều
    Thực ra dù còn rất nhỏ nhưng những kỷ niệm thời tiểu học thường vẫn đậm nét trong tâm khảm, thầy cô bạn bè thời đó dù sau này không còn có dịp gặp lại nhưng lại nhớ hoài, không bao giờ quên
    Một chia sẻ về tuồi thơ dễ thương và cảm động quá, Dao chưa được biết Quảng Trị bao giờ mà qua bài viết tự nhiên cảm thấy gần gũi
    Cảm ơn chi Bồng Sơn và mong được đọc thêm nhiều kỷ niệm trong ký ức dấu yêu của chị
    Dao

  4. Quảng Trị
    Dao mến
    cũng tại bài viết Quê nội của chị Dung làm mình nhớ đến những cái giàn thiên lý đã xa…
    Ở tuổi này, đâm ra nhớ đủ thứ ngày xưa, chắc là hội chứng “gió heo may”..
    cám ơn Dao nha!

    • RE: Quảng Trị
      Chị Bồng Sơn ơi,
      [i]Hội chứng[/i] gì mà thành một câu chuyện kể dễ thương như vậy, mong là [i]hội chứng[/i] này hay …lây
      Dao

  5. RE: Những mảnh vụn kí ức: Quảng Trị 1962-1964
    Sao Bồng Sơn nhớ hay quá vậy? Cả một thời thơ ấu! Hội chứng “Gió Heo may” này mà lây qua mình thì sẽ kể từ Phan Thiết, đến Phan Rang, Huế, Nha Trang, Đà Lạt và Qui Nhơn trước 1975. Sau đó là Sài gòn, Vĩnh Long, Phú Quốc .. những nơi mình đã từng sống qua nhiều năm từ lúc sinh ra đến lớn. Chắc .. kể hoài không hết!

  6. Những Mảnh Vụn Ký Ức
    Thu Trang xin chào chị Bồng Sơn. Đọc bài của chị, TT thấy phục trí nhớ của chị quá…làm TT cũng nhớ đến những năm tháng còn học Tiểu học của mình. Lúc học lớp 1, 2 thì TT học ở Saigòn, lớp 3->5 thì ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng. TT vẫn luôn nhớ về những năm tháng ấy nhưng không làm sao tỉ mỉ và viết lên được như chị. TT xin chúc mừng chị nha.

  7. QT
    DT, Dao và TT mến
    Tuổi tụi mình đã có gió heo may lâu rồi nên nhớ được gì thì kể ra kẻo mai kia gió bấc tới thì quên nhiều khó lòng kể lể..
    Chờ xem mấy bạn kể đó.

  8. RE: Những mảnh vụn kí ức: Quảng Trị 1962-1964
    Hôm nay mới đọc kí ức QT, trước đây mình có đọc kí ức BS của bạn, rất thích lối viết giản dị và rất có duyên của bạn. Rất mong được đọc tiếp (gọi là bạn không biết đúng hông đây?)

  9. Quảng Trị
    Cám ơn Hà Xưa ghé qua.
    Biết nhau khi đi mua vải nhưng mới đây mới “gặp” lại thôi!
    Vẫn nhớ đôi bàn tay đẹp của Hà đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả