Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Một Bài Thơ

Một người bạn vừa chuyển cho tôi bài thơ Tạ Ơn Anh của Đỗ Tiến Đức. Bài thơ thật cảm động, tức khắc đưa tôi về lại những năm chinh chiến ở quê nhà.

Cách đây không lâu, ngồi nghe lại chương trình văn nghệ Cảm Ơn Anh được thực hiện trong kỳ gây quỹ giúp thương binh lần thứ bảy tại San Jose, California, lòng tôi cũng bỗng chùng xuống. Ký ức của quá khứ 40 năm trước lại mau chóng ùa về.

Năm 1971, tôi ra trường Y Khoa, cấp bậc Trung Úy Quân Y Hiện Dịch, về phục vụ tại Quân Y Viện Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, quê tôi, miền Trung nước Việt.

Ngày đó chiến sự miền Trung và cao nguyên đang sôi động. Rồi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tiếp liền theo. Tôi được phân phối làm việc ở Phòng Cấp Cứu của Quân Y Viện (QYV). Ngày nào, từ sáng sớm, trực thăng tải thương cũng từng đợt từng đợt đổ xuống QYV hằng trăm thương bệnh binh được chuyển về từ các chiến trường. Phòng Cấp Cứu của QYV thật rộng lớn nhưng có ngày thương binh phải nằm trên băng ca sắp thành hàng trên sàn Phòng Cấp Cứu. Một toán quân y tá đông đảo và kinh nghiệm giúp tôi lựa thương, cấp cứu trước khi chuyển thương binh lên phòng giải phẩu. Tôi quay như con vụ, chiếc áo choàng trắng lắm lúc vấy máu thương binh. Có ngày, một thương binh quàng cánh tay bị thương ướt máu nhưng còn cử động được qua cổ tôi, thì thào những lời trăn trối đến vợ con, gia đình trước khi thở hơi cuối cùng. Nước mắt của người y sĩ trẻ cứ chực trào ra khi được nghe những lời trăn trối đau lòng hay khi vuốt mắt đồng đội.

Có ngày, cố nuốt miếng cơm trưa để lấy sức nhưng miệng tôi lại cảm thấy vị đắng của chiến tranh và mất mát. Không ít lần, chính tay tôi tiếp nhận và cấp cứu những bạn bè thân thương cùng trường trung tiểu học ngày nào, thân xác ướt máu đào vì bom đạn. Có đêm, dù mỏi mệt, tôi trăn trở không nhắm mắt được vì trước đó tôi đã chứng kiến mô não chảy ra khỏi sọ một thương binh khi tôi cầm kéo cắt lớp băng trắng băng đầu anh. Anh là bạn thân Hướng Đạo của tôi, bị bắn sẻ vào đầu khi đang chi huy tiểu đoàn anh phản công địch. Anh ra đi bỏ lại người vợ trẻ và đứa con thơ 4 tuổi.

Một đêm, điện thoại phòng trực reo khi tôi đang mê sảng. Chúng tôi đi trực thường ngủ mà không thay bộ treilli hay cởi bỏ giày trận. Chiếc mũ sắt đặt cạnh đầu giường.Tôi ngồi bật dậy trên chiếc giường sắt, cố nhớ xem mình đang ở đâu.

– Mời bác sĩ lên gấp Phòng Hồi Sinh!

Tiếng người y tá trực vang trong ống nghe. Tôi bước vội ra cửa, đi về hướng Phòng Hồi Sinh. Gió biển đêm lạnh giúp tôi tỉnh táo nhanh. Sóng biển ầm ì nghe thật rõ. Người y tá đón tôi ở Phòng Hồi Sinh. Anh nói:

– Em bé bị phỏng, nằm giường số 5 ói máu, em không rõ nguyên nhân, không biết làm sao nên gọi bác sĩ.

Tôi bước lại bên giường em bé. Một dòng máu đỏ tươi đang ứa ra một bên mép em, chảy xuống tấm ra trắng lót giường. Em đang mê man và thở rất yếu. Trước đó, khi nhận em ở Phòng Cấp Cứu, chúng tôi thấy em bị phỏng rất nặng bởi xăng đến 70-80% thân thể, do đạn pháo kích làm nổ một thùng xăng trong một khu gia binh.

Khám em, tôi đoán em đang bị biến chứng chảy máu bao tử hay ruột do bị phỏng nặng. Tôi chưa bao giờ được thấy những ca bệnh như của em khi còn là sinh viên y khoa. Tôi hơi bàng hoàng khi giúp người y tá hút bớt máu chảy ra từ miệng em bé.

Tuy là QYV, chúng tôi không có đủ phương tiện để chữa trị những trường hợp phỏng nặng. Đang giữa đêm, chúng tôi cũng không có phương tiện gì chuyển em đi bệnh viện lớn hơn ở Sài Gòn xa thẳm. Nhìn thân thể cháy phồng của em tôi bỗng thấy mình bất lực và thất vọng tột cùng dù biết rằng ngay cả khi em được săn sóc ở một khu chuyên chữa phỏng, chưa chắc gì em sống sót với độ phỏng rộng và sâu nầy.

Tôi bần thần đứng trong một góc của Phòng Hồi Sinh nhìn những dãy giường sắt kê dài theo tường mà trên đó thương binh vừa được giải phẩu nằm chờ tỉnh. Ánh đèn điện trên trần chiếu những tia sáng vàng vọt nhưng những thân thể không còn toàn vẹn của thương binh nằm bất động trên những chiếc giường trải ra trắng thấy được rất rõ và gần như nổi bật. Hầu hết thương binh được giải phẩu cắt chi, nhiều nhất là hai chân. Gần nơi tôi đứng, một thương binh nằm ngắn ngủn như một một khúc gỗ. Tôi lại gần giường anh. Hai chân anh bị cưa cao trên gối, tay trái bị cưa gần vai. Đầu anh được băng kín trừ mũi. Tôi lật hồ sơ anh đang được treo trên đầu giường. Mắt trái của anh cũng bị giải phẩu lấy tròng vỡ nát vì mảnh đạn. Tôi bỗng thẫn thờ đứng lặng thật lâu. Càng nhìn thân thể người thương binh tim tôi càng thổn thức. Tôi thầm mong sao anh vượt qua được những giờ phút thập tử nhất sinh nầy. Tôi nghĩ thầm, số phần đã chừa lại cho anh một tay, một mắt. Nếu anh sẽ sống sót, cánh tay phải sẽ giúp anh cầm thìa đưa cơm vào miệng hay làm chiếc gối nhỏ cho vợ anh trong giấc ngủ bên chồng hay vò đầu cưng mấy đứa con thơ. Con mắt phải giúp anh nhìn lại được nét mặt thân yêu của vợ con, thân nhân, mái nhà tranh, cánh đồng xanh hay con sông thơ ấu…

Những người trai thời loạn nầy đã hy sinh quá nhiều cho đất nước. Họ có thể, trước khi vào lính, là những nông dân chất phác, những ngư phủ bềnh bồng trên sông nước hay những sinh viên đang cố sức tạo dựng tương lai… Đêm nay, họ nằm đây, mê man, bất động, vô tri, vô giác, thoi thóp. Ngày mai, nếu may mắn họ có tỉnh lại, họ sẽ bắt đầu chịu đựng nỗi đau tột cùng của thân xác và tinh thần. Tương lai gần như vụt biến mất trước mắt họ. Tôi chẳng dám suy nghĩ thêm về cuộc sống sau nầy của những thương phế binh mà hoàn cảnh gia đình vẫn luôn chật vật, khó khăn.

Có tiếng gà gáy sáng. Tôi lẩn thẩn bước ra khỏi Phòng Hồi Sinh đi về phía phòng trực của y sĩ. Gió biển lạnh một lần nữa giúp tôi tỉnh táo lại. Tôi đặt lưng xuống chiếc giường sắt nhưng trí vẫn miên man suy tư về một cuộc chiến tương tàn, dại dột.

Mới đây, trong dịp Tết Cộng Đồng, nhìn lại hình ảnh những thương phế binh còn sống sót ở quê nhà được trưng bày bởi một hội từ thiện, lòng tôi lại xót xa, nhớ về ngày cũ. Tôi không thể tưởng tượng ra được bằng cách nào những người lính tàn phế, bị bạc đãi, cô đơn, nghèo đói bên lề xã hội, lại có thề sống còn trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước cho đến hôm nay.

Xin cảm ơn anh, người chiến sĩ vô danh! Mời quý bạn đọc bài thơ Tạ Ơn Anh của Đỗ Tiến Đức. Tôi không biết tác già làm bài thơ nầy khi nào, chỉ biết vừa đọc qua một lần, tôi đã bị xúc động mạnh.

TẠ ƠN ANH

Anh không còn đôi chân
Lướt trên sàn khiêu vũ
Anh không còn đôi tay
Kê đầu em giấc ngủ

Anh không còn là người
Cũng không thành con thú
Môi anh sao mỉm cười
Mắt như vì tinh tú

Anh ngày xưa ngày xưa
Là thiên thần Mũ Đỏ
Chân anh mang giày saut
Tay lái dù trong gió

Hay anh là Nghĩa Quân
Giữ làng cho dân ngủ
Hay anh là Mũ Xanh
Tuyến đầu anh trấn thủ

Đất mẹ chưa ru anh
Cuộc chiến tàn cờ rũ
Tay chân làm phân xanh
Vài ba bông dại nở

Xưa lựu đạn dao găm
Nay chiếc lon nho nhỏ
Xưa đánh pháo diệt tăng
Nay cơm thừa nước đổ

Xưa đồng đội như rừng
Gót giày vang mặt phố
Nay xa cách muôn trùng
Một thân nơi xó chợ

Những người hai mươi năm
Thoảng như cơn mộng dở
Còn mỗi khúc thân tàn
Vinh danh ngày tháng cũ

Đỗ Tiến Đức

Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, 23 tháng 11 năm 2013

7 BÌNH LUẬN

  1. Tạ Ơn Anh
    [b]Bình Luận[/b]

    Hai bài thơ và tùy bút cùng hay và rất cảm động. Cảm ơn anh Hiếu đã chia sẻ.
    D. chưa bao giờ thấy tận mắt những trường hợp đau thương như vậy, nhưng hồi ở Nha Trang, nội chỉ thấy những thương phế binh hiện diện quanh Trung Tâm Hồi Lực là D. đã muốn khóc rồi. Chiến tranh lúc nào cũng dã man, cướp đi sức sống của bao dân lành và chiến sĩ dũng cảm.

    Texas, November 23, 2013
    Nguyễn Ngọc Diệp
    YKSG 71

    Hai bài viết rất cảm động đều mang tựa đề Tạ Ơn Anh . Một bài tùy bút của bác sĩ Nguyễn Trác Hiếu với bút pháp tinh chuyên, và một bài thơ của thi sĩ Đỗ Tiến Đức (không được rõ thân thế & sự nghiệp). Cả hai bài đều nói lên thân phận của người lính trong và sau cuộc chiến. Nếu bài tùy bút kể lại cảm nghĩ xót xa của một quân y sĩ khi nhìn thấy những thương binh bị thương quá nặng cận kề với cái chết, thì bài thơ vẽ lên hình ảnh và cuộc sống người thương binh lê lết tấm thân tàn trên đường phố Sài Gòn, xin ăn qua ngày để tồn tại.

    Cuối cùng tôi cũng xin cảm ơn anh Hiếu đã chuyển cho tôi bài thơ hay và anh đã xúc động viết lại bài tùy bút này.

    Sài Gòn, 23 tháng 11 năm 2013
    Trần Vĩnh Kỳ
    YKSG 71

  2. RE: Một Bài Thơ
    Cảm ơn hai bạn đồng khóa YKSG 71 Nguyễn Ngọc Diệp và Trần Vĩnh Kỳ, đã chịu đọc và bình luận.

    Tôi cố gắng ghi lại những ký ức của mấy mươi năm về trước để nay mai bệnh AD của lứa tuổi chúng ta không cướp đi những kỷ niệm thời xuân xanh, trong chiến tranh trên đất mẹ.

    Tôi mong sao bạn bè đồng môn, đồng khóa nhất là những bạn đã xông pha trong lửa đạn ngoài chiến trường, chịu bỏ chút thì giờ ghi lại những kinh nghiệm và cảm xúc của mình để chia xẻ với bạn hữu và để dành cho con cháu.

    Một Tô Phạm Liệu chiến đấu oai hùng bênh cạnh Trung Tá Nguyễn Đình Bảo ở Charlie, nay đã ngậm ngùi ra đi không viết được nữa, một Dương Duy Sử mũ đỏ, chiến đấu ở Hạ Lào, một Nguyễn Minh Đức ở Quảng Trị… Các bạn vẫn chưa viết, thật tiếc.

  3. Một Bài Thơ
    Có nhiều điều cho ta cần tạ ơn anh Hiếu hả – Bài viết thật cảm động của anh làm em nhớ một ý tưởng đẹp mới đọc xin chia xẻ:
    😆 😛 😀

    T … Tạ ơn mọi sự trên đời
    H … Hạnh thông phúc lộc đầy vơi mỗi ngày
    A … An cư Mỹ quốc vui thay
    N … Người tuy tứ xứ nhưng đầy thân quen
    K … Khoáng tâm, tử tế chẳng quên

    S … Sa cơ, thất bại… cũng nên vững lòng

    G … Gia đình, thân quyến vui đông
    I … Ít nhiều cũng học, gắng công nên người
    V … Vãi gieo Lời giạy mọi nơi

    I … In sâu tâm khảm, sáng ngời Thiện Chân
    N … Nhận thêm kiến thức xa gần
    G … Giữa nơi thiên hạ muôn vàn quý hay ! ( vô danh)

    • RE: Một Bài Thơ
      TẠ ƠN EM

      Tạ ơn em, xin tạ ơn em
      Có em anh thấy đời đẹp thêm
      Bên em tim anh luôn rạo rực
      Có em cuộc sống hạnh phúc hơn!

  4. RE: Một Bài Thơ
    Anh Hiếu mến, Em cũng cùng ý với chị Nguyễn Ngọc Diệp: “Hai bài thơ và tùy bút cùng hay và rất cảm động”. Có những quá khứ để lại nỗi đau xót không bao giờ nguôi trong lòng mọi người, như trường hợp những người lính đã hy sinh vì tổ quốc trong chiến tranh, tử trận hoặc mất mát một hay nhiều phần quý giá của thân thể con người. Em cũng có nghe một câu chuyện kể từ một quân nhân là có một bạn đồng đội của anh ấy khi bị trúng đạn tỉnh dậy biết mình đã mất chân tay, lúc đó anh đã bảo bạn bè đi ra khỏi lán trại. Còn lại một mình, anh đã tìm cách tự tử chết vì không muốn cuộc sống của mình kéo dài trong hình hài phế nhân. Thật đau lòng.
    Chiến tranh thật đáng sợ, em chỉ cầu mong cho thế hệ con cháu của chúng ta không phải chứng kiến những hình ảnh đó.

  5. RE: Một Bài Thơ
    Trường hợp một bạn cùng lớp chị Bạch Yến bị bạn lỡ tay cướp cò bắn bị thương chân anh. Anh cũng tự tử khi còn đang là sinh viên Võ Bị Đà Lạt.

    Người ra đi không biết gì nữa nhưng thân nhân, người tình đau khổ một đời. Anh có bạn nữ cùng trường, chồng Võ Bị tử trận 1 tháng sau ngày cưới, cho đến bây giờ chị ấy vẫn còn đau thương.

  6. Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh
    GIỮA QUÊ NGƯỜI TÔI HÁT TÊN ANH

    Người thương binh Việt Nam, non sông nợ ơn người
    Người thương binh Việt Nam, tổ quốc nhớ công anh
    Người thương binh Việt Nam, chúng tôi vẫn nhớ người
    Người thương binh Việt Nam, giữa quê người tôi hát tên anh
    Xin viết những vần thơ về người thương binh phương Nam
    Xin hát khúc ngợi ca về người đồng đội năm nào
    Từ khi quê hương chinh chiến, anh lên đường theo tiếng núi sông
    Liều thân ra nơi quan tái, lấy máu đào tô thắm sử xanh
    Dù thân chinh nhân hoang phế, các anh người chiến sĩ vô danh
    Trở về với bao chiến tích liệt oanh, còn hằn sâu trong hốc mắt
    Trong bóng tối nghiệt oan, gậy là tiếng trống giữa trời
    Vòng xe lăn đong cơm áo, tiếng hát gào giây phút xuất quân
    Tàn y phai theo năm tháng, những giọt lệ oán trách xót xa
    Người thương binh đã mất nước, vẫn âm thầm cay đắng, hiên ngang làm người

    Dzuy Lynh

    Tiếng hát của 2 ca sĩ Võ Thu Nga và Huy Hoàng trong Ngày Thương Binh Việt Nam đã thấm sâu vào tim làm rơi lệ. Cảm ơn nhạc sĩ Duy Linh đã sáng tác một nhạc phẩm vô cùng cảm động để ghi nhớ công ơn người thương binh Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả