Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiDu KýNhững Dòng Nhật Ký - Cặp Forceps Simpson

Những Dòng Nhật Ký – Cặp Forceps Simpson

Ngày 23 tháng 12 năm 2012

Chúng tôi bay từ Orlando về Hoa Thịnh Đốn thăm các cháu ngoại dịp Giáng Sinh. Thủ đô Hoa Kỳ năm nay không lạnh nhiều như năm ngoái. Các cháu ngoại mau lớn, cháu nhỏ nhất cũng đã đến trường.

Cũng như mọi năm, cây Noel được các cháu trang trí đẹp đẽ. Nhiều gói quà được đặt dưới gốc cây Noel. Được bồng và hôn các cháu là niềm vui của ông bà ngoại.

Ngày 24 tháng 12 năm 2012

Tôi thức dậy trễ lúc 9 giờ sáng. Vén màn cửa sổ thấy tuyết đang rơi nhẹ bên ngoài. Hoa tuyết rơi thật đẹp. Chúng tôi sinh sống ở miền Nam nắng ấm Florida mấy mươi năm, chưa bao giờ có tuyết rơi lả tả. Có nhìn tuyết rơi là nhìn qua truyền hình trong mùa đông mà thôi.

Một cảm giác yên bình và thư giãn khi ngồi bên trong cửa sổ nhâm nhi ly cà phê nóng, nhìn tuyết rơi rơi thật đẹp ngoài trời. Tuyết phủ cây lá, sân cỏ, mái nhà một màu trắng thật xinh. Những cây thông nổi bật hẳn lên với tuyết đóng từng mảng nhỏ trên cành. Chỉ qua một đêm mà cảnh vật thay đổi hẳn.

Tuyết rơi rơi, rơi rơi
Lòng người bỗng chơi vơi
Tim người bỗng bồi hồi
Khoảnh khắc đời thảnh thơi

Các cháu mở quà Giáng Sinh. Tiếng cười vui rộn rã dưới nhà. Tôi chụp vội máy ảnh tham gia giờ phút vui nhộn của các cháu. Trẻ thơ ở xứ nầy thật hạnh phúc. Tôi chợt nhớ một chú bé người sắc tộc Thượng ở Vân Canh, Bình Định vào tháng 11 năm 2009. Chú bé khoảng 8-9 tuổi, chịu đau cho nha sĩ trong đoàn thiện nguyện nhổ răng hư và nhận được quà là một chú rô bô bằng nhựa. Chú bé nâng niu món quà mà lần đầu tiên trong đời chú có được.

Khi hôm tôi nằm mơ thấy mình mặc quân phục làm việc trong một bệnh viện. Sáng nay, tôi quyết định bắt đầu viết chút ít về những ngày tháng cũ, thời gian tôi phục vụ tại Quân Y Viện Qui Nhơn, từ 1971 đến 1975.

Ngày 27 tháng 12 năm 2012

CẶP FORCEPS SIMPSON

Đây là đầu đề tôi đặt tạm cho bài viết nầy.

Năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Một ngày tôi trực QYV Qui Nhơn. Tôi khám xong mấy chục thương binh được chuyển từ chiến trường cao nguyên về, một số phải được giải phẩu gấp. Những tháng sau nầy, chiến trường sôi động, các y sĩ giải phẩu thay phiên nhau mổ liên tục ngày đêm. Các phòng mổ hầu như luôn luôn bận. Một y tá từ trại Gia Đình Binh Sĩ (GĐBS) vừa báo cho tôi biết sư đoàn 22 vừa chuyển về QYV một trường hợp sanh khó cần tôi khám ngay. Tôi vội vã đi bộ đến khu GĐBS. Tôi đọc nhanh hồ sơ bệnh lý của sản phụ gởi theo từ sư đoàn 22:

Nguyễn Thị Phương Mai
25 tuổi, sinh quán Phú Xuân, Bình Phú, Bình Khê, Bình Định
Con so, đau bụng sinh hơn 24 tiếng, thai nhi không xuống thấp, sản phụ mệt, không xuất huyết…

Tôi hơi giật mình. Tên sản phụ thật quen. Sinh quán của sản phụ lại là sinh quán của chính tôi, thôn xã quận không sai một chi tiết nào. Tôi ngồi cố nhớ xem sản phụ có bà con hay quen biết gì với tôi không. May thay, chỉ vài phút trôi qua, tôi nhớ ra Phương Mai là con gái chú Bảy Giác, cô bé mà lúc nhỏ thường chơi u quạ, đánh giặc giả với chúng tôi những đứa trẻ trong xóm Bàu.

Tôi nhìn ngực áo trắng y sĩ của tôi, áo không thêu tên bác sĩ. Tôi mang khẩu trang cao lên trên sống mũi, chỉ để lộ hai mắt. Tôi dặn hai y tá trại GĐBS đừng gọi tôi bằng tên mà chỉ gọi trổng bác sĩ thôi. Tôi cho họ biết, tình cờ đây là người bà con của tôi, tôi không muốn sản phụ e ngại.

Tôi vào phòng khám, cũng là phòng sanh, nhìn nhanh sản phụ. Sản phụ dáng mệt mỏi, mặt mày bơ phờ, đang rên rỉ một cách mệt nhọc sau hơn 24 tiếng chuyển bụng mà không sanh được. Tôi hỏi mấy câu ngắn gọn liên quan đến lần chuyển bụng nầy. Cũng may, vì đang chịu đựng đau đớn, sản phụ không nhận ra giọng nói của tôi. Có lần, tám năm trước, khi vừa đậu xong Tú Tài 2, tôi từ Qui Nhơn về quê Bình Khê thăm bà nội tôi, có gặp lại nhiều bạn bè tuổi ấu thơ trong đó có Phương Mai, lúc ấy chưa lập gia đình, xinh xắn, bẽn lẽn khi nghe tôi nhắc chuyện đánh giặc giả ngồi chung với tôi giữa một đống rơm. Tôi còn nhớ nàng nói một cách rất tự nhiên:

– Lâu nay anh mạnh giỏi không anh Hai? Sao lâu quá anh không về thăm nhà, tụi em nhớ anh hai ghê dậy anh Hai à…

Tôi nhìn cô bé quê xinh xắn, đáp:

– Anh về thăm nội anh hoài mà không gặp em, anh tưởng em đi lấy chồng rồi chớ.

– Đâu có ai thương em đâu anh Hai…

Cô bé trả lời hơi bẽn lẽn, hai má ửng hồng. Bà nội tôi nói vào:

– Có mấy nơi tới dạm ngõ mà chú Giác nói con Mai còn nhỏ chưa chịu gả đó con.

Tôi khám nhanh ca bệnh. Mỗi lần khám sản phụ tôi lại nhớ đến lời giáo sư Nguyễn Ngọc Giệp, giáo sư huấn luyện môn Sản Phụ Khoa của tôi ở bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định, thường nhắc nhở sinh viên, “Nhớ áp dụng Three Ps: Power, Passenger and Passage” (Ba P: Lực co của tử cung, Sức nặng của Thai Nhi và Độ rộng của xương chậu sản phụ).

Khám Phương Mai, tôi thấy sức co của tử cung rất yếu, nhưng thai nhi và xương chậu sản phụ thì bình thường. Sản phụ lại quá mệt không thể giúp tôi bằng cách cố rặn mạnh hơn để tống em bé ra. Cơ quan sinh sản của sản phụ lại bị phù do thủ thuật của nữ hộ sinh hay bác sĩ ở sư đoàn 22 cố gắng quá mức giúp sản phụ sanh thường. Khi tôi khám, đầu thai nhi đã xuống thấp trong xương chậu của sản phụ nhưng tim thai nhi thì bắt đầu có dấu hiệu ngộp. Y tá cho biết phòng mổ bận, trại GĐBS không có máy hút như ở bệnh viện lớn. Tôi hỏi cô y tá:

– Trại có forceps không em?

– Forceps là dụng cụ gì bác sĩ?

Cô y tá rụt rè hỏi tôi.

– Là kềm để giúp sanh.

Cô y tá hiểu ra, chạy vội lại tủ dụng cụ và trao cho tôi một gói dụng cụ đã hấp sẵn. Cô nói:

– Cặp kềm nầy do bệnh viện dã chiến Mỹ tặng nhưng cả mấy năm nay em không thấy bác sĩ nào dùng…

Tôi mở nhanh gói forceps. May thay, đây là loại forceps có tên Simpson, cỡ trung bình mà tôi rất quen dùng ở bệnh viện Nguyễn Văn Học khi còn là sinh viên nội trú, hợp vừa vặn với xương chậu sản phụ đang nằm trên bàn. Tôi nghĩ thầm, “I’m lucky, today!”.

Tôi chuẩn bị giúp sanh em bé bằng kềm ngay vì em đã bắt đầu bị ngộp. Đây là lần đầu tiên y tá trại GĐBS thấy bác sĩ giúp sanh bằng kềm nên họ đứng ngẩn người quan sát và có vẻ lo âu. Tôi phải thúc giục họ giúp tôi bằng cách chuẩn bị săn sóc em bé. Tôi thận trọng đặt hai lưỡi forceps vào âm đạo sản phụ và nhẹ nhàng dùng thủ thuật sanh kềm, kéo nhẹ đầu em bé đưa em ra khỏi lòng mẹ một cách êm thấm. Tiếng khóc chào đời của em bé nghe thật ấm lòng. Hai cô y tá đỡ lấy em bé trong tiếng cười vui mừng. Tôi khám lại sản phụ. Quả thật tôi hên. Cơ quan sinh sản của sản phụ không bị rách dù đã bị phù như bong bóng nước, tử cung và âm đạo đều không bị rách. Lá nhau tróc bình thường. Tử cung sản phụ chịu co lại sau khi tôi xoa bóp một hồi. Sản phụ mất lượng máu bình thường khi sanh. Thai nhi, hai má bầu bĩnh, mặt trán không bị móp hay bầm vì cặp kềm Simpson như đã được chế tạo riêng cho em, ăn khớp vừa vặn với khuôn mặt trẻ thơ. Tôi thở ra nhẹ nhỏm. Tôi cũng thầm cảm ơn giáo sư Nguyễn Ngọc Giệp, người đã từng cầm tay tôi trong lúc tôi thực tập giúp sanh bằng kềm ở khu Sản Phụ Khoa. Ông cũng là người giúp tôi đỡ đứa con gái đầu lòng của tôi, nay là một bác sĩ Y Khoa. Khi tôi đỡ đứa con thứ ba của tôi ở bảo sinh viện tư của tôi thì chỉ có tôi và hai y tá phụ giúp.

Sản phụ Phương Mai, mặt tươi lại, miệng ríu rít, “Cảm ơn bác sĩ, cảm ơn bác sĩ và các cô y tá!” Tôi cũng thấy nhẹ nhỏm khi thấy em bé hồng hào, tròn trĩnh nằm sấp trên ngực mẹ. Cho tới lúc đó, mặt tôi vẫn được che bằng khẩu trang nên Phương Mai không nhận ra “Anh Hai”.

Sáng hôm sau, sau khi bàn giao ngày trực lại cho một bác sĩ khác, tôi ghé lại trại GĐBS thăm hai mẹ con sản phụ Phương Mai. Tôi không mang khẩu trang nữa. Tôi kéo chiếc ghế nhỏ ngồi bên giường sản phụ và cười hỏi:

– Hôm nay, em khỏe chưa Phương Mai? Được con trai đầu lòng em vui không? Ông xã em đến thăm mẹ con em chưa?

Phương Mai sững sờ nhìn tôi rồi kêu lớn:

– Anh Hai! Anh Hai đây hả? Hồi hôm anh sanh cho em phải không?

Hai giọt nước mắt mừng vui lăn tròn xuống trên hai má người sản phụ trẻ. Nàng líu lo:

– Cảm ơn Trời Phật! Hôm qua không có anh chắc em mệt đứt hơi, em chết quá! Em đâu có ngờ sanh con lại khó và đau đớn quá như vậy! Lúc mới đến QYV em nghe y tá nói với nhau trường hợp em khó chắc phải mổ lấy con ra, em sợ muốn xỉu đi.

Tôi cố giải thích cho Phương Mai biết cũng có trường hợp phải mổ để cứu cả hai mẹ con, tôi không muốn nói cứu mẹ hay cứu con không thôi.

Nói chuyện một hồi, Phương Mai nhắc chuyện đám trẻ con xóm tôi thường chơi u quạ, cút bắt, đánh giặc giả ban đêm. Mai nhắc cái lần Mai và tôi cùng trốn giữa đống rạ và phe đi tìm chịu thua. Khi hai đứa chui ra khỏi đống rạ, bên kia có đứa con gái liu liu Phương Mai:

– Liu liu! Con gái mà trốn chung với con trai!

Phương Mai, giờ là bà mẹ trẻ, vẫn còn bẽn lẽn:

– Hồi đó em ghét con Út Lùn đó ghê, nó theo ghẹo em hoài chuyện em trốn chung với anh trong đống rạ. Mà em có cố ý đâu. Đêm đó em bí quá tìm không ra chỗ núp nên chui đại vào đống rơm, em đâu có ngờ anh đã núp trước trong đó.

Tôi cũng buồn cười:

– Chuyện con nít mà em. Hồi đó em như con trai chớ có khác gì.

– Dẫy na anh Hai?

Phương Mai ngây thơ hỏi lại.

Tôi hỏi thăm gia cảnh của Phương Mai. Phu quân của Phương Mai cũng là người quê tôi, phục vụ ở sư đoàn 22 bộ binh như là một Trung Sĩ. Nay mai anh sẽ được phép ghé thăm vợ con. Phương Mai hỏi tôi:

– Anh Hai còn nhớ chồng em không? Ảnh là con ông Bá ở xóm Ngoài. Ảnh theo em đã khá lâu mà ba em không chịu gả, cứ nói em còn nhỏ.

– Có, anh có nhớ. Tánh (tên ông xã Phương Mai) cũng cao cao, đẹp trai nhưng da hơi đen đen phải không em? Hồi nhỏ Tánh chơi vụ và đáo rất giỏi, thường vào xóm Bàu của mình chơi vụ với tụi anh.

– Dạ, anh Hai nhớ đúng đó! Ảnh xin cưới em trước khi đi lính.

Tôi chúc mừng Phương Mai và Tánh có đứa con đầu khỏe mạnh, xinh xắn. Phương Mai tâm sự:

– Em thích con đầu là con trai, chẳng biết sao chồng em lại thích con gái nên ảnh đã chọn tên con gái ảnh là Phương Tâm. Kỳ nầy ảnh thua em rồi.

Tôi cười:

– Phương Tâm và Phương Hoài Tâm đều hát hay lắm đó. Còn em, thích con trai, em đặt tên con là gì?

Phương Mai không trả lời tôi mà nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn nói điều gì nhưng ngại ngùng lại thôi.

Tôi khuyên:

– Nếu chưa có tên thì em bàn với Tánh, tìm trong tự điển tên đẹp và mạnh cho con trai.

– Anh cho em xin tên anh đặt cho cháu được không anh? Anh có giận em không?

Tôi giật mình vì không ngờ Phương Mai lại có ý như vậy. Tôi chống chế:

– Tên anh không mạnh. Hùng, Dũng, hay Tuấn… nghe hay hơn.

– Em muốn sau nầy con em có hiếu với cha mẹ. Với lại, em muốn cháu nó nhớ anh là người đưa cháu ra khỏi lòng mẹ.

– Sao cũng được. Nếu anh là em, anh sẽ đặt tên cháu là Lì vì mẹ đau bụng hơn 24 tiếng mà không chịu chui ra.

Phương Mai và cô y tá đứng gần cùng cười lớn. Tôi rời giường sản phụ đi suốt trại GĐBS thăm những bệnh nhân vừa nhập viện trong tua trực của tôi. Cô y tá theo tôi giúp ghi chép. Có một lúc cô nhỏ nhẹ nói với tôi:

– Khi hôm bác sĩ giúp chị Phương Mai sinh hay quá. Em làm y tá gần năm năm rồi mà chưa chứng kiến trường hợp nào giúp sinh bằng kềm.

– Sinh bằng kềm rất thường được áp dụng ở các khu Sản Phụ Khoa các bệnh viện lớn, cô làm việc ở một QYV nên chưa thấy thôi. Bác sĩ nào tốt nghiệp ở Đại Học Y Khoa Sài Gòn cũng biết qua cách giúp sanh bằng máy hút hay bằng kềm.

– Sao bác sĩ chọn chuyên khoa Sản Phụ Khoa?

Cô y tá tò mò hỏi. Hỏi xong cô xin lỗi vì thấy tôi suy nghĩ chưa kịp trả lời. Tôi giải thích:

– Không sao cô. Nhiều người hỏi tôi câu hỏi đó kể cả thân phụ và thân mẫu tôi. Dĩ nhiên, tôi có động cơ thúc đẩy học môn nầy. Tôi kể cho cô y tá nghe ngày tôi còn bé, gia đình sống ở vùng quê Bình Khê suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Khi tôi được 7 tuổi thì má tôi mất một đứa con thứ tư do sinh khó. Người thiếm ruột của tôi mất đến 3 người con do sinh khó. Nhiều sản phụ trong xóm tôi mất nhiều đứa con do sinh khó. Quê làng tôi lúc đó chỉ có một nữ hộ sinh được các bác sĩ người Pháp huấn luyện mà dân vùng tôi gọi là bà mụ Tây. Ngoài ra còn vài ba bà mụ ta, không được ai huấn luyện cũng hành nghề trong những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Năm đó, năm 1948, khi tôi hơn 6 tuổi một chút, ba tôi đi làm xa nhà, má tôi chuyển bụng sanh đứa em thứ tư của tôi. Ba đứa con đầu, tôi và hai em tôi, bà sanh bình thường, không biến cố nào. Ngày bà sinh em gái thứ tư của tôi, ba tôi vắng nhà, bà nội tôi đi rướt bà mụ Tây. Tuy vậy, bà mụ Tây, sau khi khám thai, đã cho bà nội tôi biết thai nhi khá lớn và tử cung má tôi không co bóp đủ để sanh. Má tôi đau đớn, vật vã, than khóc, cầu khấn ơn trên. Cả nửa ngày trôi qua, bà chưa sanh được. Nghe tiếng than đau đớn của má tôi, lòng tôi như bị xé nát nhưng không làm được gì hơn ngoài việc thắp nhang khấn vái Trời Đất.

Vào khoảng chặp tối bà mụ Tây mặt ướt đẵm mồ hôi bước ra khỏi phòng má tôi nằm sanh nói với bà nội tôi:

– Không cứu được em bé. Mẹ cháu có thể qua khỏi.

Tôi bàng hoàng khi liếc nhìn đứa em gái bụ bẫm nằm bất động trên chiếc chiếu nhỏ, cả người xanh tím vì bị chết ngộp. Má tôi bớt đau đớn, thiếp đi vì quá mệt. Các cô chú tôi lo việc chôn cất cho đứa em bất hạnh của tôi.

Cô y tá trại GĐBS thuộc QYV Qui Nhơn ngồi kiên nhẫn nghe tôi kể chuyện xưa, có lúc đưa tay lau nước mắt thương tiếc những em bé bất hạnh được sinh ra trong thời loạn ly. Cuối cùng cô nói:

– Cảm ơn bác sĩ đã kể cho em nghe chuyện xưa. Em vẫn ước ao được trở thành một Nữ Hộ Sinh Quốc Gia để về phục vụ đồng bào nơi vùng quê.

– Cô còn trẻ, gắng học thêm trước khi lập gia đình. Thời gian huấn luyện Nữ Hộ Sinh không lâu như huấn luyện bác sĩ.

Tôi khuyến khích cô y tá.

Biến cố 1975 chợt đến. Tôi không biết cô y tá có thực hiện được mộng ước rất bình thường của cô hay không.

Nguyễn Trác Hiếu
Hoa Thịnh Đốn, đêm 27 tháng 12 năm 2012

5 BÌNH LUẬN

  1. nhật ký
    Bác sĩ ơi! anh có nhiều kỷ niệm đẹp và thật sinh động. Tình yêu của anh dành cho quê nhà tha thiết quá, thật đáng trân trọng. Kính chúc anh chị và gia đình một mùa giáng sinh đầm ấm và mùa xuân yên bình ở xứ người.

  2. RE: Những Dòng Nhật Ký – Cặp Forceps Simpson
    Anh Hiếu kính mến
    Những dòng nhật ký sốnh động lồng rất nhiều thương yêu cho nghề, cho người và cho cuộc sống. Có nhiều chi tiết dễ thương như chơi trốn tìm để trốn cùng trong bui rơm, như cái tên rất “lì”… và cũng có nhiều chi tiết cảm động và đẹp quá.
    Tất cả trộn lẫn, hài hoà trong thương mến về kỷ niệm. Có “tham lam” không nếu nói em vẫn chờ đọc thêm nhật ký của anh 🙂
    Dao

  3. Chuyện Vụn Vặt
    Cảm ơn Lệ Hoa và Ngọc Dao đã bỏ thì giờ đọc những mẫu nhật ký vụn vặt (thường mang tính cách riêng tư, chủ quan, mèo dài đuôi) của một y sĩ và để lại những lời bình luận thật khích lệ.

    Đêm qua, một người bạn cùng lớp y khoa của tôi, hiện đang còn hành nghề “câu cá lòng tong” ở Sài Gòn, cũng đã khuyến khích tôi viết thêm những kỷ niệm vụn vặt cho con cháu sau nầy có dịp biết thêm về đời sống y sĩ của cha ông trong thời loạn. Anh khen trí nhớ tôi còn tốt làm tôi phải mỉm cười. Đối với tôi, có những mẫu chuyện đã xảy ra 40-50 năm trước mà như mới xảy ra gần đây thôi. Tuy tuổi đã cao, tôi vẫn còn nhớ hết, nhớ cả chi tiết. Chỉ tiếc là phải có chút khích lệ hay cảm hứng và thì giờ nhàn nhã để ngồi xuống viết ra, để dành.

    Cá nhân tôi, tôi rất thích đọc hồi ký của đồng môn, đồng đội để biết thêm về kinh nghiệm sống của họ.

  4. # RE: Những Dòng Nhật Ký
    Những hồi ký về hành sự y khoa của anh lúc nào cũng thu hút với nhiều tình tiết ly kỳ như sinh mạng của bệnh nhân nằm trong tay của bác sĩ- Cám ơn anh rất nhiều và chờ đọc thêm …
    Thên nữa bài viết nầy làm em nhớ đến ngày em dời từ trường Tây sơn vào dạy ở Phú Thọ , em ở tro nhà chị Ba là cô mụ làng có những đêm tối khuya nghe có ngưởi cần đở đẻ là chị cầm đèn dầu cắp rổ đồ nghề đi để dứa con trai khoảng 5tuồi cho đứa chị lớn hơn vài tuổi trông nom và gởi gấm thêm vài lớivới em – Hồi ấy em tự nghĩ: trong những ca khó khăn liệu chị có cứu kịp mạng cho cả mẹ con không vìem đã từng nghe “ngưởi đàn bà đi sanh như đi đánh giặc ” có thể đánh đổi sinh mạng trong trường hợp khó khăn vì ngày xưa không được tân tiến như bây giờ anh hả

  5. RE: Những Dòng Nhật Ký – Cặp Forceps Simpson
    Ngọc Bông thân,

    Cảm ơn NB đã vào đọc Nhật Ký. Số tử vong của sản phụ và thai nhi ở quê nhà, nhất là ở vùng xa thành phố, bệnh viện, bác sĩ còn cao vì có những trường hợp thật sự nguy cấp như xuất huyết trước, trong khi và sau khi sanh nếu không cứu chữa đúng mức và kịp thời thì khó cứu sinh mạng của sản phụ và thai nhi.

    Chính bản thân anh có người cháu gái sinh con rạ, vừa bị nhau đóng thấp vừa bị nhau tróc sớm, xuất huyết nặng, được đưa đến bệnh viện dân y Qui Nhơn kịp thời mà khi lên bàn mổ (do bác sĩ Enwright người Tân Tây Lan giải phẩu) cũng không cứu được hai mẹ con do nước ối đã tràn vào máu sản phụ làm máu không chịu đông. Anh lấy máu tươi của người chồng truyền cho vợ cũng không thành công. Anh đau lòng nhìn cháu anh mất do không may bị một lần hai tai nạn sinh sản là Nhau Đóng Thấp và Nhau Tróc Sớm.

    Chính anh nhiều lần khi giúp sanh cho sản phụ xuất huyết thình lình, trái tim anh gần nhảy ra khỏi lồng ngực khi cấp cứu sản phụ. Anh sẽ kể lại một ca khó mà anh phải đương đầu tại một bảo sanh viện ở QN cho NB nghe sau.

    Quê mình hiện giờ vẫn cần rất nhiều Nữ Hộ Sinh giỏi hơn cả những NHS Quốc Gia ngày xưa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả