Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Sủa

Ernest Hemingway là một nhà văn lớn của nhân loại. Ông đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 1954 với tác phẩm The Old Man and The Sea. Truyện ngắn A Clean, Well Lighted Place là một tác phẩm kinh điển của nền văn học Hoa Kỳ được viết vào năm 1933. Đọc A Clean, Well Lighted Place để cảm nhận sự khác biệt giữa khái niệm “Hư vô” trong xã hội phương Tây, nơi ông sống, và “Tính không” của phương Đông.
Tháng Bảy năm 1961, ông dùng súng tự bắn vào đầu tự sát tại Idaho, USA khi chỉ còn vài tháng nữa là ông mừng sinh nhật thứ 62 của mình. (Hs BĐ)

Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Sủa
(A Clean, Well Lighted Place)
Ernest Hemingway
(1899-1961)

Trời đã rất khuya, mọi người đều đã rời khỏi quán ngoại trừ một ông lão. Ông lão ngồi dưới bóng của tán lá từ ánh đèn điện chiếu hắt vào tạo nên. Vào ban ngày, đường phố đầy bụi bặm, nhưng ban đêm, sương đêm làm cho những hạt bụi lắng đọng lại, và ông lão thích ngồi tận thật khuya bởi ông lão bị điếc, và lúc này đã là đêm nên trời đất khá yên ắng, và lão cảm thấy đó là sự khác biệt. Hai người bồi bàn trong quán rượu biết rằng ông lão đã chếnh choáng hơi men song vẫn còn là một khách hàng tốt, nhưng nếu lão quá chén, lão sẽ bỏ đi mà không trả tiền vì thế, họ ngồi trông chừng ông ta.

Một anh bồi bàn nói: “Tuần trước lão cố tự tử”

“Tại sao?”

“Ông lão tuyệt vọng.”

“Về chuyện gì?”

“Chẳng vì sao cả.”

“Sao anh biết là chẳng vì sao?”

“Lão có khối tiền.”

Họ ngồi chung một bàn sát cạnh tường, gần cửa ra vào của quán rượu và nhìn sân quán, nơi bàn ghế đã vắng bóng người ngoại trừ ông lão ngồi dưới bóng của tàn lá cây khẽ chuyển mình theo gió. Một cô gái và một người lính đi qua trên đường phố. Ngọn đèn đường chiếu sáng số phiên hiệu bằng đồng trên cổ áo anh lính. Người con gái đầu để trần hối hả đi bên cạnh.

Một người bồi bàn nói: “Lính tuần sẽ hốt anh ta mất.”

“Nó có nghĩa lý gì nếu anh ta đạt được cái mà anh ta theo đuổi?”

“Anh ta nên biến khỏi đường phố ngay. Lính tuần sẽ bắt anh ta. Họ mới vừa đi qua đây năm phút.”

Ông lão ngồi trong bóng tối lấy ly gõ vào dĩa. Người phụ vụ bàn trẻ đến bên lão.

“Lão cần gì?”

Ông lão nhìn anh ta và nói: “Thêm một ly nữa.”

Người bồi bàn nói: “Ông sẽ say mất”. Lão nhìn anh ta. Anh bồi rời khỏi bàn.

Người bồi bàn nói với đồng nghiệp: “Lão ta sẽ ở đây suốt đêm”. “Giờ thì tôi buồn ngủ rồi. Tôi chẳng bao giờ được đặt lưng lên giường trước ba giờ sáng cả. “Tuần trước, đáng lý lão nên tự tử chết quách cho rồi.”

Người phụ vụ bàn mang chai rượu và một cái dĩa khác từ quầy rượu trong quán và rảo bước đến bàn của ông lão. Anh ta đặt dĩa xuống và rót đầy rượu vào ly.

Anh ta nói với ông lão điếc: “Tuần trước, đáng lý lão nên tự tử chết quách cho rồi.”
Ông lão ra hiệu bằng ngón tay. Ông nói “Thêm chút nữa”. Người bồi bàn rót vào ly cho đến khi rượu tràn khỏi ly, chảy thành giòng xuống cái dĩa trên cùng của chồng dĩa. Ông lão nói: “Cám ơn”. Người phục vụ bàn mang chai rượu trở vào quán. Anh lại ngồi cùng với bạn đồng nghiệp của mình.

Anh ta nói “Giờ thì ông lão say rồi.”

“Đêm nào ông lão chẳng say.”

“Tại sao lão ta muốn tự sát?”

“Làm sao tôi biết được.”

“Lão tự sát bằng cách nào?”

“Lão treo cổ bằng sợi dây tời.”

‘Ai cắt dây đưa lão xuống?”

“Người cháu gái của lão.”

“Tại sao họ lại làm như vậy?”

“Sợ linh hồn của lão.”

“Lão có bao nhiêu tiền ?”

“Lão có nhiều tiền lắm.”

“Lão ắt hẳn phải đến tám mươi.”

“Dù sao tôi cũng cho rằng lão đã tám mươi.”

“Ước gì lão về nhà cho rồi. Tôi không bao giờ được đi ngủ trước ba giờ cả. Cái giờ để đi ngủ là mấy giờ vậy cà?”

“Lão thức khuya bởi vì lão thích thế.”

‘Lão thì cô độc. Tôi không cô độc. Tôi có một người vợ đang đợi mình trên giường.”

“Lão cũng đã từng có vợ.”

“Giờ thì vợ chẳng còn ích lợi gì cho lão nữa.”

Cậu chẳng thể nói thế được đâu. Có thể có vợ, ông lão khá lên chăng.”

“Đứa cháu gái của lão chăm sóc lão. Anh nói là cô ấy cắt dây đưa lão xuống.”

“Tôi biết.”

“Tôi chẳng muốn sống già đến thế đâu. Một kẻ già nua là một sự bẩn thỉu.”

“Không phải luôn luôn như thế đâu. Ông lão này sạch sẽ. Ông ta uống mà chẳng rơi vãi lấy một giọt. Ngay cả lúc này, đang say khướt. Nhìn ông ta xem.”

“Tôi chẳng muốn nhìn lão. Tôi chỉ muốn được về nhà. Lão chẳng quan tâm đến những người phải làm việc.”

Ông lão nhìn từ ly rượu của mình ngang qua quán và sau đó, nhìn mấy người bồi bàn.

Chỉ vào cái ly của mình, ông lão gọi: “cho thêm ly nữa”. Người bồi bàn đang nóng ruột về nhà chạy đến.

“Chấm hết,” anh ta nói cộc lốc, với cái giọng mà người ngu thường có khi nói với người nước ngoài say rượu. “Tối nay thế là đủ rồi. Bây giờ đóng cửa.”

Ông lão nói: “Thêm một ly nữa.”

Người bồi bàn lấy khăn lau cạnh bàn và lắc đầu: “không, chấm hết.”

Ông lão đứng dậy, chậm rãi đếm dĩa, lấy cái túi da đựng tiền xu ra khỏi túi và trả tiền rượu, để lại nửa đồng pesera làm tiền boa. Người bồi bàn nhìn ông lão bước chân xuống phố, một ông lão rất già chân bước chệnh choạng nhưng với lòng tự trọng.

Họ dựng các tấm chắn để đóng cửa. Người bồi bàn không có vẻ vội hỏi: “Sao cậu không để ông lão ngồi lại uống?” “Chưa quá hai giờ rưỡi mà.”.

“Tôi muốn về nhà ngủ.”

“Một tiếng đồng hồ thì nghĩa lý gì?”

“Có ý nghĩa đối với tôi hơn đối với lão ta.”

“Một tiếng đồng hồ nào cũng như nhau.”

“Anh nói cứ y như anh là lão già. Lão ta có thể mua cả chai rượu và mang về nhà uống.”

“Nó không giống nhau.”

Người bồi bàn có vợ đồng ý : “Không, nó không giống nhau.” Anh ta không muốn có sự bất công, chỉ vì mình đang vội.

“Và anh? Anh không sợ về nhà sớm hơn thường lệ chứ?”

“Anh có ý xúc phạm tôi sao?”

“Không, ông bạn ơi, chỉ là đùa thôi.”

“Không,” người bồi bàn đang nóng vội nói, nhón lên đóng các cánh cửa chớp kim loại .”Tôi có sự tự tin. Tôi hoàn toàn tự tin.”

Người bồi bàn già nói: ” Anh có tuổi trẻ, sự tự tin, và có công ăn việc làm. “Anh có mọi thứ.”

“Và anh còn thiếu cái gì?”

“Mọi thứ ngoại trừ công việc.”

“Anh có mọi thứ tôi có.”

“Không. Tôi chưa bao giờ có sự tự tin và tôi không còn trẻ.”

“Nào nào. Ngưng nói cái điều vớ vẩn ấy đi và đóng cửa lại.”

Người bồi bàn già nói: ” Tôi là một trong những người thích ngồi muộn ở quán rượu.”

“Đối với những ai không muốn đi ngủ. Đối với những ai cần ánh sáng cho bóng đêm.”

“Tôi muốn về nhà và lên giường.”

Người bồi bàn già đã thay xong quần áo để về nói: “Chúng ta là hai loại người khác nhau”. ‘Nó không phải chỉ là câu hỏi về tuổi trẻ và sự tự tin dù rằng cả hai thứ đó đều rất đẹp. Mỗi đêm tôi miễn cưỡng phải đóng cửa quán bởi vì biết đâu còn có người cần vào quán.”

“Này ông bạn, có những quán rượu vang mở cửa suốt đêm.”

“Anh không hiểu đâu. Đây là một cái quán sạch sẽ và dễ chịu. Một cái quán sáng sủa. Ánh sáng là rất tốt và bây giờ, ngoài ra còn có bóng của những chiếc lá.

Người bồi bàn trẻ chào “Tạm biệt nhé”.

“Tạm biệt”. Người kia trả lời. Tắt ngọn đèn điện, ông ta tự đối thoại với chính mình. Dĩ nhiên đó là ánh sáng, nhưng điều cần thiết là quán phải sạch sẽ và dễ chịu. Bạn không cần âm nhạc. Chắc chắn rằng bạn không cần âm nhạc. Hoặc là bạn đứng trước quầy rượu với lòng tự trọng dù rằng mọi thứ là dành cho giờ khắc này. Anh ta sợ cái gì? Nó không phải là sự sợ hãi hay khiếp đảm. Nó là điều anh biết rất rõ là anh không biết gì cả. Tất cả là con số không và con người cũng là con số không. Chỉ có ánh sáng là cái duy nhất cần đến và sự sạch sẽ nhất định và sự trật tự nào đó . Một số người sống trong đó và không bao giờ nhận biết, nhưng ông ta biết tất cả là hư vô và hư vô và hư vô. Hư vô của chúng ta là người trong hư vô, tên của người là hư vô, vương quốc của người là hư vô , hư vô của người sẽ là hư vô như nó ở trong hư vô . Hãy cho chúng tôi cái hư vô này hàng ngày và hư vô chúng tôi cái hư vô của chúng tôi như chúng tôi hư vô những hư vô của chúng tôi và hư vô chúng tôi không rơi vào hư vô nhưng cứu chúng tôi ra khỏi hư vô; bởi hư vô. [*].

Người bồi bàn mỉm cười và đứng trước quầy rượu cùng với ánh sáng rực rỡ của luồng áp suất hơi nước của chiếc máy pha cà phê.

Người bán rượu vang hỏi : “Ông uống gì?”

” Không gì cả.”

“Lại một thằng điên,” người bán bán rượu vang cất tiếng và quay đi.

Người bồi bàn gọi : “Cho một tách nhỏ.”

Người bán rượu vang rót cho ông ta.

Người bồi bàn nói: “Ánh sáng thì rất sáng và dễ chịu nhưng quán rượu thì không được thanh nhã.

Người bán bán rượu vang nhìn ông ta nhưng không trả lời. Trời đã quá khuya để chuyện trò.

” Ông muốn uống thêm một ly nữa không ?” Người bán rượu vang hỏi.

“Không, cám ơn,” người bồi bàn trả lời và đi ra ngoài. Ông ta không thích quán rượu và cửa hàng rượu vang. Một quán rượu sạch sẽ và sáng sủa là một điều rất khác. Giờ đây, chẳng nghĩ ngợi gì thêm, ông ta sẽ về nhà và trở về phòng của mình. Ông sẽ nằm trên giường và cuối cùng, với ánh sáng ban ngày, ông ta sẽ thiếp ngủ. Rốt cuộc, ông ta tự nhủ mình, đó có thể là do chứng mất ngủ. Chắc hẳn là nhiều người cũng mắc phải chứng khó ngủ này.

Hs Bồ Đề chuyển ngữ

[*] Chú thích của người dịch:
Dựa theo bài kinh Lạy Cha của người TCG. Ông thay chữ “Cha” bằng “hư vô” hay “cái không tồn tại.”
Some lived in it and never felt it but he knew it all was nada y pues nada y nada y pues nada. Our nada who art in nada, nada be thy name thy kingdom nada thy will be nada in nada as it is in nada. Give us this nada our daily nada and nada us our nada as we nada our nadas and nada us not into nada but deliver us from nada; pues nada.

2 BÌNH LUẬN

  1. RE: Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Sủa
    Đây là một câu chuyện ngắn tiêu biểu của Hemingway, mình nhớ lần đầu tiên đã đọc nó trong book six của bộ ELFTD. Hình như bạn là dân ban C? Bạn dịch rất sát, giữ được cái tính cách độc thoại lừng khừng của Hemingway khiến nguoi đọc thấm nỗi cô đơn của tuổi già. Cô đơn và tự trọng, tự trọng và tuyệt vọng…

  2. RE: Một Nơi Sạch Sẽ, Sáng Sủa
    Vâng, xưa kia tôi dân ban C, và sau đó là dân KHXH & NV. HX nhớ đúng đấy, trong cuốn 6 EFTD có học bài này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả