Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Diều Đứt Dây

Vừa vào nhà sau đợt công tác dài ngày, đã nghe Quân bảo:
Miên này, chị Thụy trở về cả tuần nay rồi đấy.
– Sao cơ? Quay về hẳn hả anh?
– Ừ, chuyện dài lắm. Chị ấy giờ thật tội! Lơ ngơ, lúc tỉnh, lúc mê, lại chẳng chịu nhập viện điều trị. Anh cũng chỉ nghe chứ chưa gặp. Hồng nhan bạc phận! Tài giỏi quá hóa đa đoan!
  Miên thở dài. Tiếng thở dài bãng lãng trong cái lạnh đầu đông. Thần người trước ngổn ngang đồ đạc. Những linh cảm đã đúng? Không dưng muốn ra biển, muốn nghĩ về chị. Chợt nao lòng đến rơi nước mắt!
Gặp chị lần đầu trong ngày kỵ nhà ông cậu bên chồng. Đẹp, sang trọng, nhưng hơi xa cách và lạc điệu, cô độc và bí ẩn như chẳng thuộc về cái xô bồ, tạp nham của cuộc sống này. Miên bị hút hồn không chỉ bởi vẻ đẹp trên nét mặt và cơ thể hoàn hảo ấy. Là gì nhỉ? Như là khát vọng, là cháy bỏng trong đôi mắt kia, trong ngùn ngụt suy nghĩ kia cuốn lấy cô, trả lời giúp cho những ám ảnh đã ngọ nguậy từ lâu chưa tìm được lối rẽ. Định một ngày nghỉ cuối tuần qua xã đảo thăm vợ chồng chị, rồi bị cuốn trôi bởi bộn bề cuộc sống. Chưa kịp gặp, đã nghe Quân bảo chị bỏ chồng con theo người đàn ông khác. Miên biết chị không dễ dàng dứt bỏ như thế. Người như chị, sẽ sống rất trở trăn. Chắc đã bão dông cuộn lòng. Những ray rứt, bứt phá trong Miên vừa bắt đầu manh nha cũng dần trôi từ dạo ấy. Tạm bằng lòng, hạnh phúc với cuộc sống gia đình như bao phụ nữ khác. Có lẽ – đó là may mắn.

* * *

… Người đàn bà lững thững trên con đê ven đầm nước mênh mang. Giữa những chuỗi vàng của hoa, những lốm đốm đỏ xen trên lá mắm. Quê hương đẹp thế này sao giờ mới nhận ra? Không ít lần sở mục những mùa thu đẹp như tranh vẽ ở Châu Âu. Những rừng phong đổi sắc, Thu đẹp trong từng nét, đẹp đến tinh tươm, đến nao lòng, nhưng chưa bao giờ tràn đầy xúc cảm như lúc này. Có lẽ bỡi vốn dĩ bức tranh hoàn hảo đó không là máu thịt của mình. Không có những thân quen như lũ trẻ lấm lem bùn đất phía xa kia. Ôi! Sông nước mênh mông. Những cánh chuồn đỏ lượn lờ trên phao câu. Những người đàn ông rỗi việc, kiên nhẫn tìm thú vui giữa tất bật cuộc sống. Họ mỉm cười, ngoái nhìn chị – lơ ngơ, quen thuộc như điểm thêm cho không gian của đầm nước những buổi chiều gần đây: “Chiều nay dạo sớm hơn phải không chị?” Câu hỏi tưởng như rơi tỏm xuống nước, nhưng rồi được đáp trả bằng cái gật ngơ ngác, tồi tội. Chị cười. Nụ cười cũng nửa vời trên ánh mắt dài dại kia.

Bà mẹ già nua ngoài bảy mươi lấp xấp chạy theo sau: “Út ơi, chờ mẹ với con! Chậm thôi! Coi chừng trượt ngã! Khổ thân con tôi! Bốn mươi tuổi đầu, tìm khôn nơi đâu, quẳng khôn nơi đâu mà giờ trở về ngu ngơ như một đứa trẻ thế này hả con?” Chị quay lại nhìn mẹ. Nỗi buồn thoảng trong ráng chiều. Có ngu ngơ đâu mẹ ơi! Con nhớ hết mà. Nhớ cái dáng sấp ngửa lúc nào cũng tất bật, khổ sở của mẹ. Nhớ những cản ngăn thống thiết khi nghe tin con dứt bỏ mọi thứ ra đi. Nhớ cả những giọt nước mắt mẹ bảo sẽ “từ” con nếu bội bạc chồng con theo ông ấy và lý tưởng của mình. Nhưng mẹ có “từ” đâu! Vừa mở cửa thấy con đổ sập vào lòng đã vội chở che: “Về rồi hả Út? Về là tốt rồi con à! Mẹ mong lắm!” Bốn mươi tuổi đầu vẫn muốn sà vào lòng mẹ như ngày còn bé tí, mẹ ơi! Giá cuộc sống lấy cắp của con mấy chục năm để được khờ khạo và ngu ngơ như lúc này mà không bận tâm đến tuổi! Mười năm trời bon chen, ngụp lặn trong mê muội, yêu đương, danh vọng với đời, sao chỉ đến lúc trắng tay như giờ mới lại quay quắt nhớ mẹ và quê hương? Sắp xuống lỗ còn khổ vì con! Sao mẹ chẳng hỏi câu nào về ông ấy? Sao mẹ chẳng bận tâm: con về ở hẳn hay chỉ vài hôm? Nhìn vào mắt con, mẹ hiểu hết phải không? Đừng đuổi theo con nữa! Giờ con không muốn nhớ nữa đâu mẹ! Chỉ muốn đắm mình vào thiên nhiên chiều nay. Đẹp quá! Chuồn Ớt, chuồn Kim. Hoa mắm vàng, lá mắm đỏ. Con đi chơi đây!
Chị tung tẩy chân sáo trên đê. Bọn trẻ lại thả diều. Diều. Rất nhiều diều. Mẹ ơi thấy không? Một…hai … ba … Nhiều quá! Những con diều bay vút. Bầu trời cao rộng gọi mời, dẫn dụ. Gió đầm thổi mạnh. Đồng lõa cho những ước mơ. Trời ơi! Sao không thoát được? Ôi! Những sợi dây bé tí trói buộc tự do. Con đi tìm tuổi thơ đây! Cũng những cánh diều…
* * *
Con bé chạy theo anh dụ khị: “Cho em cầm một tí!” Thằng anh trừng mắt: “Không. Rồi mầy lại thả nó “bay vụt lên bầu trời” như mọi bận chứ gì?” Ánh nhìn van vỉ: “Cho em?” “Không. Con diều này tao phải làm lần thứ ba rồi đấy. Hai lần trước mầy cũng năn nỉ rồi thả mất diều.” “Em méc mẹ, anh không cho em chơi cùng.” “Méc cũng được. Lần này tao không cho.” Những cánh diều vẫy vùng điên loạn. Con bé cố giằng lấy sợi dây: “Anh thả ra. Em cầm một tí thôi! Anh nhất định không cho?” Nó chạy về nhà, lát sau lại mon men đến bên thằng anh. Con diều lao vút, căng hết dây. Chiều nay gió mạnh. Thằng anh hớn hở cầm cuộn dây chạy ngoằn ngoèo trên đê. Cánh diều càng điên tiết! Chao nghiêng. Đổ bên này. Ngã bên kia. Thi thoảng lén vụt lên nhưng bị sợi dây giật lại. Sợi dây khốn kiếp! Con bé lén bước nhè nhẹ đến gần từ sau lưng chìa kéo. Thằng anh vẫn mê mãi trước con diều no gió. Phập! Diều đứt dây! Con bé mỉm cười sung sướng. Rồi! Tuyệt lắm! Diều ơi! Đi tìm bầu trời tự do của mày đi nhé! Tao giúp mày thoát khỏi ràng buộc rồi đó. Thằng anh điên tiết quay lại chửi thề, đá một phát thật mạnh vào mông. Con em ngã chúi mũi xuống rìa tôm còn ngoái đầu tìm cánh diều không dây mếu máo: “Em muốn thả nó tự do.” “Mầy điên chắc? Diều nào không cần dây? Rơi xuống đất thì có!”
Mang cả cánh diều vào những giấc mơ…

Giấc mơ! Giấc mơ của chị cũng thế! Cũng muốn được bay cao, bay xa. Ngày xưa còn bé, thả ước mơ bay bổng trong những cánh diều không dây, giờ chị thả đam mê trong từng câu chữ. Bắt đầu làm thơ từ khi nào nhỉ? Khi nào thế hả mẹ? Con không nhớ được rồi. Chỉ nhớ đem bài thơ đầu tiên được đăng về khoe, mẹ chẳng vui lại chạnh lòng: “Rồi sẽ bị đọa đày thôi con ơi!” Ôi! Đọa đày. Mẹ thật là… Con gái mẹ giỏi giang lại chẳng mừng. Ngày xưa, nghe bảo mẹ đẹp nhất vùng, học giỏi nhất vùng. Vậy mà lận đận cả đời, một nách nuôi hai anh và con, nên giờ mẹ lo cho con chứ gì? Con gái sẽ rất bản lĩnh. Mẹ chờ xem! Cuộc sống trong tay con mà!
“Cuộc sống trong tay con“. Chị từng nói thế còn gì!

Tốt nghiệp đại học, mẹ bảo đã già yếu, không muốn con vào Sài Gòn bon chen, xa xôi. Con xin dạy ở xã đảo theo ý mẹ. Tuần ba ngày nhọc nhằn, sáng nôn người đi đò qua bên ấy, chiều say sóng vật vã quay về, trong suốt cả tháng đầu. Con khổ thế mà mẹ chỉ cười động viên: “Ráng mang cái chữ sang bên ấy con ạ. Lương lại cao. Người ta sống được, mình sống được.” Thì đành thế chứ sao! Bỏ mẹ một mình để đi xa con chẳng yên tâm. Tìm một chỗ dạy ở thành phố biển nhỏ bé và yên bình này đâu dễ! Rồi cũng bắt đầu dần quen, dần yêu những đứa học trò mê đi biển hơn chữ nghĩa. Thích học giờ văn của cô không bởi những bài giảng mà vì cô giáo trẻ xinh thế, kể chuyện hay thế.
Mẹ cười thật tươi ngày chị theo chồng, chuyển hẳn qua bên xã đảo sống: “Vợ chồng giáo viên cả cho an nhàn, Út à! Nghề này nó lành. Cái chính là mẹ thấy thằng Hải được lắm, rất thương con.” Chị cũng thấy anh rất được. Sẽ chẳng người đàn ông nào thương yêu vợ con bằng anh. Tưởng mãi yên bình giữa xã đảo bốn bề là nước. Cứ ngỡ đã an phận như bao người.

An phận! Trời ơi! Sao không làm thế?
Vừa bắt đầu nhàn rỗi một chút khi con bé lớn, đỡ lo lắng hơn đến gánh nặng áo cơm, đã muốn ngả nghiêng, muốn đi tìm những gì mới mẻ. Nhưng không được rồi! Phía trước nước. Phía sau nước. Bên phải nước. Bên trái nước. Nước nhấn chìm những ước mơ bay bổng. Dãy núi chắn ngang bao khát vọng được vẫy vùng của người đàn bà có chút tài năng và không yên phận. Ngựa hoang trỗi dậy. Cơn khát tự do cho riêng mình được dịp vẫy vùng. Những ý tưởng khắc khoải, đầy nước mắt rồi đau đáu, bứt phá. Chị viết trở lại. Như chưa bao giờ được viết. Những câu thơ khao khát, thấm đẫm nước mắt. Thèm về một cuộc sống khác. Không chỉ ngày hai buổi đến lớp. Không chỉ tối mặt vì bộn bề của gia đình. Không chỉ nỗi lo cơm áo gạo tiền. Không chỉ vui buồn từ chồng con.

Tự lựa chọn cuộc sống này. Có ai ép uổng đâu? Có ai bắt buộc đâu? Sao giờ cứ muốn vẫy vùng?
“Vẫy vùng! Tự do! Mày điên sao Út?” Mẹ đánh con. Lần đầu tiên mẹ đánh con. Rồi mẹ khóc. “Ba mươi tuổi đầu chứ còn nhỏ nữa đâu con? Chỉ đơn giản vì ba chữ ngắn ngủi, vô tình “không hợp nhau” trong lá đơn mà làm khổ bé Na, ám ảnh nó cả một hạnh phúc phía trước sao con? Sống cho thỏa mình thôi ư? Cứ mãi loay hoay đi tìm “cái sự hợp nhau” ở một nơi nào?” Nhưng mẹ ơi! Đâu chỉ là “không hợp nhau”! Mà là con khao khát làm được một cái gì đó – cho con, cho cuộc đời này, là lý tưởng mà con đang theo đuổi, mẹ có hiểu được không? Tham vọng của con cao quá chăng? Con có tội với mọi người, với bé Na nhưng sẽ dẫn bé theo và cố gắng bù đắp. Tha lỗi cho con, mẹ ơi!
Lại nhớ đến bé Na. Trời ơi! Sao đầu con đau thế này? Đau quá! Đau quá! Con chẳng nhớ nổi gì cả! Bé Na. Bé Na của con đâu? Con dẫn bé ra biển đây! Bé thích lắm! Nó giống con, ưa tung tẩy trên những tảng đá trứng mặc cho mọi người lo lắng trượt chân. Con bé thông minh và ngộ nghĩnh đáo để. Đi thôi con ơi! Biển. Biển đâu rồi?
* * *
Người đàn bà điên vụt chạy thật nhanh. Kéo theo chiếc xe nôi không người. Chị cười thật to. Tiếng cười lanh lảnh, rợn người giữa chạng vạng chiều trên đầm nước. Bà mẹ già khẽ chặm nước mắt, lấp xấp chạy sau. Vài ánh mắt dõi theo. Thở dài. Đau xót.
* * *
Biển đang tìm về. A! Con thấy biển rồi. Cả bé Na của con nữa. Cả anh Hải nữa, mẹ thấy không? Mà biển giận con hay sao thế này?
Biển vần vũ, thét gào giữa cơn mưa tối trời tối đất. Giận dữ ầm ầm trút lên những hòn đá trứng.
“Mẹ ơi, ai đẻ ra những trứng đá to thế này?”
– “Đất mẹ con à!”
– “Thế ai sẽ ấp những quả trứng đá này hở ba?”
– “À, là biển và những con sóng.”
Con bé reo lên:
“Ôi! Thế biển là ba của trứng đá rồi còn gì!”
– “Ừ! Bé Na thông minh lắm!”
– ” Ơ, nhưng đàn ông, sao lại ấp trứng?”
– “Tại vì ba của trứng đá thương con đấy mà! Như ba Hải của Na vậy!”
“Đàn ông sao lại ấp trứng?” Bây giờ con bé có còn nhớ câu hỏi vu vơ thuở ấy? Đàn ông sao lại ấp trứng? Mẹ nó đâu rồi? Mẹ chỉ biết sinh con ra thôi, còn ba thì ấp trứng. Ba thì ấp trứng. Khi ấy nó lên mấy? Lên bốn? Hay là năm?
* * *
Những trang viết thì trở trăn, từng trải, dạn dày mà sống cứ lơ ngơ như trẻ dẫu đã ngoài ba mươi. Mâu thuẫn quá chăng? Miên đã từng không lý giải được những điều ấy khi nói chuyện với chồng về chị. Nhưng cái chính là chị có sức hút, quyến rũ lạ thường, lại được điểm tô thêm bằng hai chữ “nàng thơ”. Đọa đày quả từ đây! Đàn ông mê mẩn, ngã chúi vào chị. Bọn văn nhân, thi sĩ đầy ảo tưởng. Các vị chức quyền đầy mình, muốn thi vị thêm cho cuộc sống vốn chẳng thiếu tiền. Những doanh nhân thành đạt, không hạnh phúc với gia đình, thèm khát một người đàn bà trí tuệ, có chút hư hao, siêu thoát, của người cầm bút và biết sẻ chia. Mà chị lại luôn thấy “không đủ”, luôn muốn bay cao bay xa. Cuối cùng thì ngã vào người đàn ông hơn mười mấy tuổi. Mê muội. Đắm say. Cũng đang chán ngán gia đình, tìm vui trong những cuộc du lịch sau khi đã thừa mứa bạc tiền, danh vọng hảo. Tìm thấy gì ở ông? Sự đồng cảm, sẻ chia tinh tế trong từng câu chữ? Hay những trải đời trong cuộc sống?
Bất chấp những tiếng thở dài của chồng, những giọt nước mắt của mẹ, vẫn muốn ra đi … Xót xa khi nhìn anh ngập ngụa trong men say sao chẳng chùn lòng? Chỉ có bé Na là chị không nỡ nào xa rời, muốn mang nó theo, nhưng nhìn ánh mắt trĩu nặng, van vỉ của chồng sau gần mười năm chung sống lại nao lòng: “Con bé quấn em, anh biết. Nhưng hãy để con ở với anh. Anh sẽ dạy nó thật tốt. Nếu nó cũng ra đi anh không thể chịu đựng nổi.” Lẽ nào lại có thể tước đoạt tất cả từ anh? “Không đem lại hạnh phúc cho em sau ngần ấy năm trời, anh cũng có lỗi và chẳng trách hờn em, nhưng anh thật sự cần con bé…” Trời ơi! Sao cứ khiến em dằn vặt thế này? Có cuộc chia tay nào người bị bỏ rơi lại xin lỗi người phụ bạc? Em đốn mạt đến thế còn gì?
Quay lưng trốn chạy bao giễu cợt của cuộc đời và hơn thế nữa là nổi khắc khoải của những thiếu vắng bóng hình con…

Đời ưu ái bù đắp cho chị sau những trở trăn, dằn vặt ấy?
Miền đất mới. Môi trường mới. Cuộc sống mới. Hạnh phúc mới.
Chị thỏa mình trong sáng tạo, đam mê.
Vượt khỏi cá làng nhàng, được được tầm “Sen nở ao làng”. Nhanh chóng tỏa sáng ở một tầm cao – cái tầm mà người mới như chị không dễ dàng đạt tới. Giải nhất cuộc thi thơ uy tín dành cho tác giả trẻ Lam Thụy với tập “Khát Vọng Sống” mở đầu cho hàng loạt những thành công khác như càng khẳng định thêm tài năng thiên phú về thi ca của chị. Say sưa khám phá trong nguồn xúc cảm bất tận…
Gần như có tất cả những gì khao khát. Tự do, hưởng thụ, thành công, tình dục, du lịch, và cả tình yêu. Còn đòi gì hơn! Chị cùng ông ấy sánh đôi mỗi năm vài bận du lịch nước ngoài. Luôn xuất hiện cùng nhau trong những event hoành tráng, những đêm thơ qui mô. Viên mãn thế còn gì! “Tôi hiểu được giá trị những cái mình đang có và ngập tràn hạnh phúc trong đam mê này. Như là hơi thở, là sự sống…”
Hạnh phúc – với chị lúc này là rất thực – như ánh nhìn sáng rực trong đôi mắt kia.
* * *
Miên thấy nhẹ lòng, tạm quên những âu lo, thắc thỏm. Mừng cho chị.
Chị Thụy giỏi thật anh nhỉ? Làm được những điều tưởng chừng phi thường. Em thật ngưỡng mộ!
– Phụ nữ tài hoa thường bạc mệnh, em à! Quân xiết chặt cô trong vòng tay ấm áp, yêu thương.
Tài hoa đi đôi với bạc mệnh. Luôn đúng ư?
* * *
Phía dưới căn hộ cao cấp của chị là một nhà trẻ tư rất lớn. Những đứa trẻ bụ bẫm, no ấm. Cũng khoảng bằng tuổi bé Na khi chị bỏ nó ra đi. Sáng nào, quãng bảy giờ, chị cũng dậy, mở cửa sổ ngoái nhìn xuống lan can dưới ấy. Nghe được một tiếng bi bô, lòng lại kềm lòng. Có những buổi chiều, câu chữ trốn biệt, một mình ở nhà, chị muốn xuống dưới đó để được ngắm nhìn cho thỏa những khát thèm. Đi ra đi vô, rồi quay vào, đóng chặt hết các cửa, bịt hai tai lại để không nghe những cười khóc trẻ thơ ấy. Chị ngồi thần đến dại người trên giường. Rồi lao vào viết, câu chữ tung tóe. Đầy những ám ảnh về con. Cửa đóng kín bưng nhưng sao ngăn được lòng chị mãi thét gào?
Chị gửi tiền về cho con, nhận lại vẹn nguyên, không một lời giải thích nhưng chị hiểu tự trọng của anh. Tình yêu đã chẳng còn, anh cần những tiền bạc ấy từ chị ư?
Anh chủ động liên lạc với chị hai lần.
Lần thứ nhất, khoảng một năm sau ngày chị ra đi, rất khuya chị mở mail:
“Em sống ổn không? Hạnh phúc chứ?”
Sao muốn khóc thế này? Vẫn đau đáu dõi theo chị ư? Càng thấy mình khốn nạn!
– “Con bé thế nào ạ?”
– “Ồ! Nó tuyệt lắm! Vừa đạt giải tiếng hát Tuổi hồng ở tỉnh mình đấy. Có video, em muốn xem không?”
– “Em tệ thế ư anh?”
Và chị khóc, nấc nghẹn trên bàn phím. Quả là rất tệ còn gì! Người đàn bà ruồng bỏ chồng con thì vinh danh nỗi gì mà không tệ. Anh nghe được tiếng khóc khi xa cách vạn dặm thế này không?
“Anh không có ý nói thế. Xin lỗi em. Chỉ là câu hỏi vô thức tự đến thôi. Anh gửi nhé!”
Con bé xinh xắn, mủm mỉm, ra dáng và già dặn lắm. Chiếc đầm hồng xòe tung, khi nó nhún nhảy. Anh từng bảo, nó giống chị, hát và nói chuyện rất hay. Cuối bài hát, cô MC ôm vào lòng khen ngợi:
Con hát hay, múa đẹp này, lại xinh xắn đáng yêu nữa. Chà, hôm nay mẹ chọn cho bé Na bộ váy rất xinh. Cô ghen tị quá!”
– Dạ, là ba dắt con đi mua đầm này đấy ạ! Và Na tự chọn đấy! Giờ, con không có mẹ mà!”
Chị ngồi trơ người trước laptop. “Con không có mẹ mà!” Nó nói đúng thế còn gì! Trời ơi! Sao chị căm ghét bản thân mình và những thứ xung quanh đến thế này! Mẹ thật có tội với con, Na ơi! Cả tuần mất ngủ. Cứ nhắm mắt lại là khuôn mặt xinh xắn của bé con hiện lên “Con không có mẹ mà!” Những gì đang có, đủ trang trải cho nỗi đau này không?
Những trang viết đồng hành, những bài thơ thấm đẫm nỗi đau. Người đàn ông bên chị hiểu và sẻ chia bằng sự im lặng. Vậy là đủ rồi! Và chị luôn hàm ơn ông về những khoảng lặng tự do vô giá ấy.
Nhưng đến một lúc thì sự cảm thông và sẻ chia thôi chưa đủ. Cái mê muội, đắm say một thời cũng chưa đủ. Không cãi vã. Không giận hờn to tát. Không bất đồng quan điểm. Vậy mà lại chán nhau!
Năm thứ tám, sau những hạnh phúc tưởng chừng vô tận, mối tình vĩ đại, đẹp đẽ của chị kết thúc. Một cuộc chia tay thật nhẹ nhàng (không phải với chị), thật lịch sự đã diễn ra. Như đương nhiên là phải thế! Ông nói gì nhỉ?
– Đã từng nghĩ mình mãi là chỗ dựa vững chắc và sẽ cùng Thụy đi hết cuộc đời này. Vậy mà giờ anh lại thấy bản thân mình trở nên vô vị và thành kẻ thừa bên cạnh em. Thật xấu hổ khi phải nói ra điều này, và anh cũng không lý giải được rõ ràng, nhưng thật sự thấy mình như cái bóng trước em. Có lẽ niềm kiêu hãnh muốn được chở che, được chinh phục không còn … Biết thế này là có lỗi với em nhiều lắm, nhưng vẫn phải nói. Thụy thích thẳng thắn và hiểu rất rõ ý anh, đúng không?Anh xin lỗi…
Trời ơi! Anh! Người yêu của anh là nhà thơ nổi tiếng mà. Em hiểu tất cả trừ câu xin lỗi. Xin lỗi làm gì? Một kẻ bỏ vợ con, một kẻ bỏ chồng con vì bản thân mình, gắn kết với nhau ngần ấy năm trời. Hạnh phúc. Thăng hoa. Yêu thương. Thành thật. Bền bĩ lắm rồi! Còn dám đòi hỏi hơn sao? Cuộc chia tay cứ ngỡ sẽ nặng nề. Hóa ra nhẹ tênh! (Đúng thế không?) Không có nước mắt rơi! Không có những chữ ký! Cũng không ai ngăn cản.
Một lần, vì khát khao vẫy vùng, đã đánh mất gia đình. Giờ, gần như thỏa những đam mê, lại không giữ được bên mình người chia sẻ? Tại sao?
Lặng lẽ và âm thầm! Còn mình chị trong căn hộ sang trọng, trống vắng. Cô độc và hoang hoải mỗi lúc quay về. Những đêm khuya đồng hành cùng nỗi cô đơn lạnh buốt, hoang vắng và cùng kiệt. Đêm trắng ngày càng nhiều. Chị liên tục mất ngủ.
Có chồng, có con, có cả một người tình đúng nghĩa. Lại sống một mình.
Ha ha ha… Đời đen bạc hay tại chị đổi trắng thay đen trước?
Chỉ có những câu thơ đến giờ còn chung thủy. Cứ như khoét sâu, ngoay ngoáy vào nỗi niềm. Thơ ơi! Một ngày nào, có lại bỏ ra đi? Những câu thơ điên dại! Những câu thơ cháy bỏng! Những câu thơ hoang hoải! Nước mắt! Tuyệt vọng! Khát khao. Dâng hiến! Chị đắm mình trong hạnh phúc của sáng tạo vô biên, tạm quên đi cuộc sống đời thường. Độc giả tung hô chị là “Người Thơ” của thế hệ. Xuất hiện ngày càng nhiều trên những phương tiện thông tin đại chúng, những buổi phỏng vấn, những đêm thơ không chỉ trong nước… Sau thăng hoa là vinh danh, tiền bạc. Chị lao vào những tiệc tùng chiêu đãi của giới nghệ sỹ, giới thượng lưu. Người ta đang dang tay chào đón sự nổi tiếng của chị cho cuộc vui thêm thời thượng.
Đã làm được cái lý tưởng ngày xưa bị trói buột giữa bốn bề mênh mông nước còn gì!
Trở về nhà lúc nào cũng ngập ngụa men say. “Còn ai còn nhận ra tôi, người đàn bà xóm đầm dạo trước?” Có lần, chị say, đứng trước gương lải nhải một mình. Đến chị chẳng nhìn ra mình nữa là! Vật người xuống giường, lại hốt hoảng chạnh lòng khi sờ phải chiếc gối ôm, kỷ vật của ông ấy. Trên đầu giường là con Gấu bông to tướng anh đã mua cả cặp – cho bé Na và cho chị, nhân ngày thôi nôi con bé. “Chà, cho cả mẹ Thụy nữa, con gái yêu nhỉ? Không, mẹ lại dỗi ba con mình bây giờ!”
Sao chỉ là kỷ vật và quá khứ thế này? Hiện tại đâu? Chị cần một chút rất thật, rất hiện hữu bên mình lúc này cho đỡ đơn côi. Ở đâu?
* * *
Nhưng Miên thì đọc được những “không ổn” từ chị, qua từng cách nhả chữ, từng dấu câu và lặng thầm dõi theo. Mấy lần mail cho chị nhưng chẳng nhận được câu trả lời. Luôn ám ảnh rằng chị “đang đến sự tận cùng”. Cứ đọc một bài thơ mới của chị trên mạng, Miên lại nhói lòng. Sự hoang hoải, cùng kiệt và rệu rã len lỏi trong từng câu chữ. Nhiều lúc, thấy chị viết như không còn tỉnh táo. Chia sẻ cùng Quân, chỉ nghe anh cười trừ:
– Em ngốc thật! Nhà thơ nào chẳng “điên” một chút cho câu chữ thăng hoa. Có vậy, chị ấy mới nổi tiếng đến thế chứ!
Thơ chị vẫn hay. Vẫn là một hiện tượng trên thi đàn Việt.
Đồng hành cùng những linh cảm bất an trong Miên.
Một tối, vừa bật tivi thì đúng ngay chương trình truyền hình trực tiếp về Nhà thơ Lam Thụy – nhân kỷ niệm ngày ra mắt tập thơ thứ mười, cũng kỷ niệm sinh nhật lần thứ bốn mươi của chị. Chị giờ còn đẹp hơn xưa, sang trọng hơn xưa. Gần cuối chương trình, Miên trầm ngâm:
– Người như chị Thụy phải thuộc vào thế giới ấy, khác với em và những người đàn bà tầm thường, tất bật quanh đây, để tài năng thăng hoa như giờ, anh nhỉ?
Quân không trả lời, nhưng ánh mắt kia rõ ràng thoáng chạnh lòng.
– Mà chị ấy cười rất tươi, sao em vẫn thấy u uẩn thế nào! Sự lựa chọn ngày ấy của chị có phải vẹn toàn? Kìa, nghe này anh…
“Còn đây là câu hỏi cuối cùng dành cho chị, xin được hỏi: “Chị có hài lòng với những gì đang có không ạ?” “Với thơ ca, tôi đã hết mình. Độc giả hiểu rõ điều ấy. Còn, với những người thân yêu, và cả bản thân mình, tôi rất tệ. Ngày trước, mỗi lần lơ ngơ giữa cuộc đời, tôi luôn được những bàn tay níu giữ lại, còn giờ thì … lắm lúc cứ như diều đứt dây…”
Và chị rơi nước mắt. Khán giả chạnh lòng.
Như diều đứt dây! Sao thành thật thế, chị ơi?
* * *
Lần thứ hai, chị nhận được mail chồng, chỉ mới cách đây mấy tuần. Dường như anh đang trong cơn say. Câu chữ nghiêng ngả. Chếnh choáng. Vô định. Không đầu không đuôi. “Anh không giữ được con bé. Trời ơi! Nó chỉ mới 16. Con bé đang trượt dài. Anh thật vô dụng không hiểu được những suy nghĩ của con. Rõ ràng là nó rất mông lung. Không như trước. Hay nó đã yêu? Làm thế nào để giữ được con? Làm thế nào????”
Chị vội vã reply. Vội vã enter. Nóng lòng chờ những giải thích rõ ràng từ anh. Chỉ có thinh không và khoảng lặng vô hình rơi tõm giữa rối bời xúc cảm. Anh chắc đã gục trên bàn phím trước khi kịp đọc mail từ chị.
Con ơi! Mẹ tinh tế và nhạy cảm trong việc khai thác nỗi đau, trong những cảm nhận “rất người”, rất “đàn bà”. Báo chí và độc giả bao lần tung hô như thế. Sao giờ có đứa con gái mà không chịu ở gần để hiểu và giúp nó cân bằng những chập chững bước vào đời?
Hơn bao giờ hết, chị thèm được trở lại với thiên chức của mình. Mặc kệ ánh nhìn của người đời. Mặc kệ những danh vọng. Còn kịp không? Đã muộn chưa?
Hối hả ra sân bay, hối hả quay về. Sao lòng cứ bời bời những thắc thỏm, lo âu? Giờ con thế nào, Na ơi! Ngày mẹ ra đi, con lên sáu, bỏ mặc mười năm rồi về bên con, dễ dàng thế ư?
Chiếc taxi sắp rẽ vào làng. Giờ chẳng phải đi đò như xưa. Radio trên xe oang oang: “Tin mới nhận: Tối qua, tại tỉnh … một tai nạn đua xe thảm khốc đã xảy ra trên con đường … Nạn nhân là 6 cô cậu học sinh lớp mười của trường … Trong đó, bốn em … đã tử vong tại chỗ…”
Tên Nguyễn Thụy Na được đọc lên sau cùng. Chị đổ sụp người…
* * *
Trời đã tối sập trên đầm nước mênh mông. Không còn những cảnh đẹp nao lòng. Tiếng côn trùng bắt đầu rỉ rả như dàn hợp xướng buồn bã tiễn đưa.
Người đàn bà ngồi thụp trước xe nôi, thủ thỉ chuyện trò. Trong xe, con Gấu bông to tướng, xinh đẹp đang nằm ngủ giữa câu chuyện về những cánh diều đứt dây… Bà mẹ già mắt ngấn nước, lặng lẽ, xót xa…

Lưu Thi Mười 
PM, tháng 12/2011

2 BÌNH LUẬN

  1. Diều Đứt Dây
    Mười mến,bài viết rất hay như thức tỉnh những ai còn mê mãi với ước mơ mà quên rằng đang đứng trên vực thẳm.Tôi lại nhớ “Cái quí giá nhất không phải là cái ta chưa có hay cái đã mất đi mà chính là hạnh phúc ta đang nắm giữ”.Cảm ơn Mười nhé,chúc vui khỏe.Cựu HSNTHQN.

  2. RE: Diều Đứt Dây
    Mình thật sự không hiểu, tại sao có người mẹ “tinh tế và nhạy cảm trong việc khai thác nỗi đau” của con người như thế lại không “tinh tế và nhạy cảm” đối với đứa con bé bỏng của mình? Trong câu chuyện này, Thụy không yêu ai hết, chỉ yêu chính bản thân mình thôi khi thả lỏng mình trôi theo dục vọng và ảo ảnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả