Hoa có rất nhiều loại, loại có sắc mà không hương, có loại có hương mà không sắc. Và cũng có những loại đầy đủ sắc hương, dù chỉ là một đóa hoa dại bên đường, cũng toát ra một vẻ đẹp mộc mạc riêng của nó.
Đóa hoa nếu nó có đầy đủ mật, thì tự nhiên loài ong bướm sẽ tự bay đến mà không cần mời gọi: ” Hữu xạ tự nhiên hương”.
Cũng như vậy, khi chúng ta sống một đời sống đầy đủ đạo đức, thì cái hương thơm của đạo đức nó sẽ lan tỏa ra.
Một ngày kia Ngài Anan ngồi nghĩ: Trên thế gian nầy có ba loại hương, hương của thân cây, của rễ cây và hương của hoa. Loại hương của rễ là Kỳ Nam, lấy từ cây Gió, loại hương của thân như Trầm Hương, cũng lấy từ thân của cây Gió( cây Gió là loại cây trồng ở rừng nhiệt đới). Chỉ có những cây Gió mắt bệnh mới lấy được rễ mà thôi. Hương thơm của hoa như là: hoa Lài, hoa Hồng, hoa Sen, hoa Dạ Lý Hương… Hương thơm của hoa thì chỉ bay thuận theo chiều gió, và chỉ giới hạn trong một khoảng không gian nào đó thôi. Hương của rễ, thân và hoa chỉ bay thuận theo chiều gió, không bay ngược chiều gió. Như vậy không biết trên thế gian nầy có loại hương nào bay ngược chiều gió và lan rộng khắp muôn phương hay không? Anan liền đến gặp Bụt hỏi và Ngài đã trả lời: ” Có, trên thế gian nầy có loại hương thơm bay thuận, bay ngược chiều gió và tỏa khắp muôn phương đó là hoa hương thơm đạo đức của con người”.
Nhưng buồn thay, ngày nay con người sống chỉ biết chạy theo lợi nhuận, thõa mãn bản ngã mà quên phần đạo đức. Ngay cả trong trường học giờ ” công dân giáo dục, giờ đạo đức học” cũng biến mất luôn, thật là buồn. Đây cũng là một báo động của sự suy đồi đạo đức ngày nay. Xã hội, tuổi trẻ rồi sẽ ra sao? Thật đáng lo âu!
Thế hệ huynh trưởng, cha mẹ; ta phải làm gì đây để giúp con em chúng ta thoát khỏi bế tắc của xã hội đạo đức càng lúc càng suy đồi?
Hãy cứ sống một đời sống tốt, dù người ta có chỉ trích, chê bai, nhạo báng mình đi nữa, thì những lời chê bai… đó cũng chẳng khiến ta trầm luân, sa đọa. Mà chỉ chính những hành vi, tạo tác của ta mới làm cho ta sa đọa và trầm luân mà thôi. Chính đời sống đạo đức sẽ làm cho hương thơm bay ngược chiều gió, sẽ tỏa ra muôn phương và vượt cả thời gian…
Trong ” Tứ Thập Nhị Chương” có nói: ” Người nào chạy theo tình dục( là tất cả sự ham muốn của con người gọi chung là tình dục) để mưu cầu thanh danh, hạnh phúc thì chẳng khác nào như: Ta đốt lên một cây hương, mùi hương đó ta chưa kịp ngưởi thì cây hương đó đã tàn rồi.”
Cả một đời chạy theo danh vọng, chạy theo danh thơm tiếng tốt, chạy theo lời khen tiếng chê. Thì chẳng khác nào ta lãng phí cả một đời. Đến khi có được danh thơm, tiếng tốt; đạt được dục vọng rồi thì đời người đã sắp kết thúc. Có bao giờ ta thấy thõa mãn giữa cuộc đời nầy chưa? Bỡi vì dục vọng luôn leo thang.
Càng nhiều tham vọng, càng nhiều ham muốn càng đau khổ…
Tôi hỏi mãi nhưng biết lời đáp lại
Chẳng bao giờ thõa mãn giữa đời tôi…
Trời đất lạnh và hồn anh không thõa…
Bùi Gíang
Chuyện kể: Có một người, ông ta nghe người ta ca ngợi, tán thán danh thơm của mình nhiều quá, thì ông ra bờ sông để rửa lỗ tai. Ông bảo: nghe những lời khen ngợi nhiều quá ngứa lỗ tai, nghe tán tụng mình nhiều quá cần phải rửa lỗ tai cho nó sạch, không muốn vướng một chút bụi bẩn nào cả. Một người khác biết được việc rửa lỗ tai của ông như vậy, ông nầy đi ra sông gánh nước, nhưng mà tránh cái chỗ nước ông rửa tai. Ông rửa tai hỏi tại sao vậy? Ông gánh nước trả lời: Tôi sợ gánh trúng vào chỗ nước rửa tai của ông, sẽ bị bẩn và dơ lây…
Những câu chuyện ngụ ý của người xưa thật tuyệt vời. Sống ở đời, dù người ta có tán than, ca ngợi mình thì cũng không lấy làm vui. Người ta có chê bai mình cũng không lấy làm buồn. Nếu cứ chạy theo cái khen, chê của người thì sống rất khổ, mình sẽ trở thành nô lệ cho người vì lời khen, tiếng chê. Quay lại với chính mình, châu ngọc luôn hiện hữu trong ta. Người khen, chê ta chỉ cười an nhiên, tự tại…Cõi tịch diệt liền xuất hiện…
Trong “Luận Bảo Vương Tam Muội” cũng có nói: ” Khi oan ức thì đừng cầu biện bạch, vì nếu như biện bạch thì tâm nhân ngã chưa xả, chưa bỏ được. Hãy lấy oan ức đó để xây dựng đạo hạnh của mình”
Bụt cũng có dạy: ” Không phải do lời khen tặng của ai mà ta được siêu thăng hay giải thoát. Không phải do một lời phỉ báng của ai mà chúng ta bị trầm luân sa đọa. Mà chính là những hành vi tạo tác của mình mới quyết định được sự siêu thăng hay sa đọa mà thôi”
Đời người chẳng mấy chốc trôi qua. Mới hôm nào mái tóc còn xanh, nay đã ngã màu sương khói. Hãy sống trọn vẹn với những phút giậy hiện tiền, hãy là những đóa hoa hương thơm bay ngược chiều gió, tỏa mãi vượt thời gian và không gian…
Carolyn Đỗ
Trả lời: Hương Thơm Bay Ngược Chiều Gió
Đọc xong tôi nhơ đến HESSE và “CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG” mà ông đã viết, đã đạt giải Nobel.
Hương bay ngược chiều gió là thứ hương vô vi cực lạc dành cho kẻ đã “Ngộ”.
Cám ơn vì đọc được bài viết hay làm nhẹ lòng trong cỏi trần tục này…
Trả lời: Hương Thơm Bay Ngược Chiều Gió
Cám ơn anh Thiên Di Phạm Văn Tòng, vì song thân vừa mới khuất núi, nên lòng buồn quá. Không biết phải làm sao cho hết khổ, nên phải trốn vào Phật Pháp để mong cái Tâm mình an lạc một chút. Tất cả đây là Phật Pháp. Rất mong tất cả chúng ta luôn được bình an. Vì cuộc đời ngắn quá, mà đau khổ thì cứ mãi trải dài. Thân chúc anh luôn an lạc. Thân Mến Carolyn.
Xin giới thiệu anh bài thơ hay, mình đọc thấy lòng an lạc vô cùng:
http://khuonmatvannghe.com/vong-tieng-kinh-xua/