Những lúc xa quê, vật tôi nhớ tới đầu tiên là chiếc bánh tráng. Nghĩ lại, nó là vật vô tri làm sao nó lại hiện diện trong ký ức rối rắm, có nhiều thứ phải nhớ tới của tôi. Kỳ thực nhớ tới chiếc bánh tráng chính là nhớ tới con người.
Bánh tráng là món ẩm thực rất thông dụng, có mặt trong các bữa ăn từ Nam chí Bắc nhưng cách sử dụng nó, không có nơi nào “cạn tàu ráo máng”như ở Bình Định. Thường ở các nơi,bánh tráng dùng để làm món gỏi cuốn là bánh tráng mỏng, có khi không cần thấm nước vẫn có thể cuốn được.Ở Bình Định, bánh tráng dùng phổ biến là bánh tráng dày…Người ta có cuốn mọi thứ bằng bánh tráng dày theo đúng câu “ăn chắc,mặc bền”
Ở đây có thể nói thêm một chuyện khác. Nhiều người dân Nam Bộ ra miền Trung chơi thường ngạc nhiên khi thấy nhà cửa ở đây thường là nhà gạch, mái ngói không có loại nhà tranh mái lá như nơi họ sống. Không phải người Trung giàu hơn người Nam, mà chính do thời tiếc khắc nghiệt, mưa bão liên miên,cho nên dù phải “ăn mắm, mút giòi” họ cũng chắc mót xây cho được một mái nhà vững chắc. Chuyện đó có liên quan gì tới chiếc bánh tráng.
Có đấy, nó liên quan đến thói quen dè sẻn của người dân ở đây. Dù giàu hay nghèo,trong nhà luôn luôn dự trữ vài ràng bánh tráng. Mỗi khi đói bụng,có cái ăn ngay…Chỉ việc rút ra vài chiếc bánh nhúng nước, cọng thêm chén nước mắm tỏi ớt (không có chanh đường,vì dân ở đây vốn ăn mặn mà) là xong một bữa. Người ở nơi khác có thể thắc mắc, không có thử để cuốn (tôm,thịt) thì ăn bằng gì? Câu trả lời đơn giản: bánh tráng cuốn bánh tráng. Ăn suông như thế chỉ có ở người Bình Định. Từ đây liên tưởng đến chuyện lịch sử.
Người ta cho rằng, trong cuộc hành quân thần tốc của quân đội Tây Sơn từ Nam ra Bắc, có sự trợ sức của món ăn dân dã: chiếc bánh tráng bởi cách chế biến cấp tốc của nó. Nhưng có thật hay không,chưa có nghiên cứu lịch sử nào xác nhận điều này.
Chuyện “bánh tráng cuốn bánh tráng” làm tôi nhớ lại thời sinh viên trước bảy lăm.Mỗi lần về thăm quê trở lại, trong hành trang của các sinh viên quê gốc Bình Định thường không thiếu vài ràng bánh tráng mặ dù đi xe đò tối kỵ những vật lỉnh kỉnh. Ở chung phòng trọ,trước các kỳ thi, học bài xong có khi đến quá nửa đêm, bụng đói cồn cào, ăn khuya nhanh, lẹ không có gì hơn là bánh tráng. Thức chấm có khi là nước mắm hoặc ngon hơn nữa không gì bằng mắm ruốc, ớt tỏi, thêm vài lát chanh vắt vào thì tuyệt cú mèo, có thể vững, có thể vững bụng mà đi ngủ.
Chiếc bánh tráng cũng không thể thiếu trong các cuộc giỗ tiệc. Mỗi lần mang đồ cúng xếp đặt trên bàn thờ tôi thường nghe má tôi nói “còn thiếu con ơi! “. Tôi chợt nhớ ra chiếc bánh tráng. Khi dọn mâm cỗ ra mời khách, vật đầu tiên mà khách đụng tới cũng là chiếc bánh tráng… Má tôi là chủ nhà “mời các chú, các bác cầm đũa” thì khắp nơi đồng loạt vang lên tiếng cúc cắc của bánh tráng bẻ ra. Các nơi người ta nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” còn ở đây “bánh tráng là đầu bữa giỗ “. Vừa cắn bánh tráng vừa trò chuyện,thôi là bao nhiêu chuyện trên trời dưới đất liên tục nổ ra.
Mùa cá nục, dân ở đây có thể ăn bánh tráng thay cơm. Cá nục tươi hấp lên dọn lên mâm cùng với rau muống sống (không thể thay thứ rau nào khác) chấm nước mắm ớt tỏi, vừa ăn vừa hít hà. Ăn bánh xèo ở Bình Định cũng không thiếu chiếc bánh tráng…Nó dùng để cuốn rau kèm theo nữa chiếc bánh xèo vừa đúc xong nóng hổi “vừa thổi vừa nhai”. Khác với cách ăn bánh xèo ở Nam Bộ, người ta có thể dùng lá cải xanh cuốn bánh xèo hoặc ăn bánh xèo bỏ vào chén ăn kèm rau mà không cuốn. Cách nhau chỉ một con đèo (đèo Bình Đê) nhưng Quảng Ngãi ăn bánh tráng theo kiểu khác. Những món ăn nào có nước như bún, phở, don… người dân ở đây thường ăn kèm bánh tráng nướng bẻ vụn. Ăn một tô bún nhờ bánh tráng có thể no lên gấp rưởi.
Nói đến bánh tráng, không thể không nhắc đến bánh tráng mì Phù Cát và bánh tráng dừa Hoài Nhơn. Bánh tráng mì là thứ bánh tráng con nhà nghèo, làm toàn bằng nguyên liệu củ mì(sắn) mài ra. Chiếc bánh có màu vàng chứ không trắng như bánh tráng gạo. Ăn có mùi vị đậm đà chứ không nhạt như bánh tráng gạo. Nông dân ở đây sáng sớm trước khi ra đồng có thể lót dạ bằng vài chiếc bánh tráng mì nhúng hoặc nướng, vừa ngon vừa rẻ. Còn báng tráng dừa Hoài Nhơn thường được khách xa mua làm quà mỗi khi xe tạt ngang huyện lỵ. Bồng Sơn. Trên mặt chiếc bánh này thường thấy nổi lên xác cơm dừa, xác hành tím, nướng lên ăn có vị béo béo thơm thơm. Hạnh phúc cuộc sống ở đó chớ đâu xa…
Lê Xuân Tiến
RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
Anh Tiến mến
Với bao nỗi niềm dành cho quê nhà thì bánh tráng có một vị thế rất đặc biệt trong niềm thương nhớ đó. Bài viết thâm thúy về một món ăn dân dã, truyền thống của miền Trung và thành công hơn – theo N4 – là đã làm người đọc… thèm quá.
Nhớ món cá nục cuốn bánh tráng với rau muống chấm nước mắm tỏi ớt cay cay đậm đà hay những miếng bánh tráng bẻ vụn trộn trong tô bún Quảng vàng óng ánh và nhiều nhiều món nữa !
Bài viết là một niềm hạnh phúc vỡ giòn rụm thật hân hoan!
Cảm ơn anh
N4
Gửi N4
Không biết tên thật của bạn là gì nhưng sự thông cảm với bánh tráng quê nhà thật là da diết.Bành tráng xứ nào cũng có nhưng cách ăn bánh tráng của người BĐ thật hồn nhiên và dân dã.Bạn gợi lại món ăn mà lâu nay tôi vẫn nhớ.Đó là món bánh tráng cuốn cá nục hấp với rau muống sống.Món rau muốn sống mới đúng là dân BĐ không lẫn vào đâu.Cảm ơn bạn
RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
Ừ, cái bánh tráng hình như đã đi vào cuộc sống của dân Bình Định, Quãng, Phú Yên…hồi đó nhà bà nội của H là lò làm bánh tráng, bánh tráng dĩu vừa vớt ra khỏi lò, cuốn với thịt heo luộc chấm mắm nêm, ngon tuyệt cú mèo!
RE: RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
Chào anh Tiến,
Anh khỏe không ? Biết anh có bài ở trang nhà nhưng chưa gởi lời “còm” cho anh,vì hơi bận.Không biết anh có còn nhớ tôi không ? Gần 40 mươi năm rồi còn gì ! Tôi thì cũng có những thông tin về anh qua anh Ngữ và bạn bè.Biết anh cũng đang bệnh.
Bài viết của anh làm tôi nao nao.Nhớ sau 75 quê tôi khi dân làm ra củ mì không dám tráng bánh,vì như vậy phung phí quá,ăn ngon miệng nên không của đâu chịu nổi,chỉ để nguyên lát độn cơm thôi. Tôi có người em quen với một người làm nhà máy chế biến nông sản,lâu lâu xin được mua vài ràng bánh tráng mì mừng hết lớn !
Một đồng nghiệp của tôi khi bị loét dạ dày đi khám ở bệnh viện, có người nói “Sao lúc này nhiều người đau bao tử vây ?” Ông bạn trả lời ” Cái thùng phuy của nhà tui ngâm mì có hai năm đã lủng,còn bao tử mình ngâm mì mấy năm nay thì cũng lủng chớ sao mà hỏi”
Tôi vào miền nam cũng là vùng đất trồng mì, và vợ tôi cũng sắm vỉ,dụng cụ để tráng bánh mì ăn sáng.
Vài dòng chia sẻ với anh. Tôi ghi cái địa chỉ email của tôi,nếu anh muốn thì viết vài dòng.huynhminhle56@gmail.com
Cho gởi lời thăm gia đình của anh.
Huỳnh Minh Lệ
RE: RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
HÀ XƯA THÂN MẾN Bạn nói xưa kia nhà bạn có lò bánh tráng thì nhứt rồi.Bánh tráng mới phơi nắng rồi nướng lên cuộn với bánh tráng nhúng chấm nước mắm nêm thì ăn bắt lắm,phải không HX ?
RE: RE: RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
HUỲNH MINH LỆ THÂN Cảm ơn anh đã hỏi thăn sức khỏe của tôi.Lâu nay tôi vẫn thường đọc những vần thơ chan chứa cuộc sống quê nhà của bạn.Cảm ơn bạn nhiều
RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
Anh Tiến mến,
Có người xa quê mấy chục năm vẫn còn giữ nguyên cái hạnh phúc ấy đó anh. Bữa tiệc nhỏ gia đình hay với bạn bè, luôn có vài bánh tráng mè nướng để chuyện trò cứ giòn tan. Bây giờ có lò vi sóng, nếu quen tay, có thể thể nướng bánh mà không cần quạt than nên đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ khó là làm sao để lúc nào cũng có bánh tráng trong nhà 😆 . Rất tâm đắc với anh về cái chất Bình Định trong nếp sống và trong cái Hạnh phúc giòn rụm ấy. Chúc anh luôn vui khỏe.
RE: RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
NGÔ THANH VÂN THÂN Bánh tráng sống cuốn bánh tráng chín,chỉ có người BĐ mới ăn như thế chứ những người ở vùng khác không ai ăn như vậy.Người BĐ dễ ăn quá,không cần cá thịt gì chỉ bánh tráng sống nhúng cuốn bánh tráng chín là xong tất.Quân Tây Sơn chắc cũng dùng lương thực đơn giản như vậy mới có được những cuộc hành quân thần tốc
RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
Các bạn ơi,
Người Bình Định dùng từ rất độc đáo và chính xác.”Tráng” bánh,không ai nói “làm bánh tráng”.”Tráng” là một động từ.Khi đổ bột vào cái khuôn vải,dùng cái muổng dừa múc bột tráng qua tráng lại cho đều.Cũng như “đổ bánh xèo”,đổ bột vào khuôn thì nghe “xèo” !”Đúc bánh bèo”,”đổ bánh thuẫn” cũng vậy.Bánh tráng đối với người Bình Định còn có ý nghĩa tâm linh nữa.Đám giỗ,đám quải,khi cúng xong,lúc dọn ra,thì người lớn tuổi nhất cầm chiếc bánh tráng trịnh trọng để lên đầu bẻ ra mời mọi người trong mâm.
HML
RE: RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
HUỲNH MINH LỆ THÂN Bánh tráng chín bẻ giòn giòn là món ăn khởi đầu của mọi đám giỗ.Muốn vào tiệc,người trưởng lão chỉ cần bẽ bánh tráng là đủ.Quá dễ cho môt cuộc khởi đầu
Hạnh Phúc Giòn Rụm
Anh Tiến mến,bài viết đậm sắc màu hương quê mà người Bình Định nào chắc sẽ không quên hạnh phúc giòn rụm ấy.Tôi vào SG từ năm 73, nay vẫn mê món bánh tráng cuộn bánh tráng nướng thật tuyệt .Nên rất quý những ràng bánh tráng từ quê gửi vào.Khi nào anh viết tiếp chủ đề bánh ít lá gai nhé,tôi mãi nhớ :
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi.
Thú thật tôi cũng thích bánh ít lá gai không kém bánh tráng.Mong anh vui, nhiều sức khỏe.
RE: Hạnh Phúc Giòn Rụm
CỰU HỌC SINH NTH Muốn viết về bánh ít lá gai cần phải mất thời gian nghiên cứu.Một bài viết hay cần phải có lý có tinh.Như vậy mới đi sâu vào lòng người.Hẹn một dịp sau nhé !