Đã bao năm qua rồi tôi vẫn chưa quên hình ảnh Chợ lớn Qui nhơn với hai vòm nhà mái lồng thật đặc biệt. Mỗi lần đi học, để đến được cổng trường Nữ Trung học Qui Nhơn, sau khi đi xe lam từ đường Phan Bội Châu xuống, chúng tôi thường băng ngang qua chợ. Nếu như học buổi sáng, phải đi từ sớm, chúng tôi rẽ phải qua đường Hoàng Diệu, tới đường Nguyễn Huệ, qua phải, khỏi cổng Sở Y Tế vài bước chân là đến trường. Hôm nào học buổi chiều, nghỉ giờ cuối ra về, cả bọn có thể nhấn nhá vô chợ mặc sức mà ung dung ăn quà vặt vừa dạo quanh ngắm nghía hàng hóa bày la liệt bên trong, Đúng là Chợ Lớn có khác! So với cái chợ Bến xe nhỏ xíu trước mặt nhà tôi, chỉ kéo dài từ quán cơm Bà Lâm Huế đến giáp đường Bạch Đằng là hết, Chợ Lớn được trấn ngữ trên một vuông đất to rộng bề thế, xung quanh giáp bốn mặt đường lớn Trần Quí Cáp, Phan Bội Châu, Hoàng Diệu ( giờ là 31 tháng 3) và Tăng Bạt Hổ. Đồ đạc mua bán trong chợ phong phú, chất cao như núi nhìn muốn mỏi mắt. Với riêng tôi, Chợ Lớn Qui nhơn có dấu ấn với nhiều kỉ niệm khó quên…
Mời các bạn xem vài hình ảnh, tài liệu về Chợ Lớn Qui nhơn xưa và nay
Chợ Lớn ngày xưa. nguồn: báo Bình định
Theo Lịch sử Thành phố Quy Nhơn (UBND TP Quy Nhơn xuất bản, 1998), từ giữa thế kỷ XVIII nền kinh tế hàng hóa nước ta đã hình thành, việc giao lưu buôn bán với nước ngoài đã phát triển. Cùng với các đô thị khác như Thăng Long (Kinh Kỳ), Phố Hiến (Hải Dương), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam), Gia Định, thời bấy giờ Quy Nhơn đã trở nên phồn thịnh, mang dáng dấp một đô thị tiền tư bản. Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và quá trình đô thị hóa diễn ra đồng thời với quá trình hệ thống chợ ở Quy Nhơn. Trong những năm đầu triều Nguyễn, làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay) có chợ Tấn, còn gọi là chợ Giã và chợ Thị Nại, còn gọi là chợ Chánh Thành, là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư lưới cụ… Làng Cẩm Thượng (nay là địa phận phường Lê Hồng Phong, một phần của các phường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo) có chợ Ma (trước hội quán Phúc Kiến, đường Bạch Đằng ngày nay) trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập. Ngoài ra, còn có các chợ nhỏ như chợ Cây Me, chợ Đèn Đỏ (khu nhà ga ), chợ Tháp Đôi…
Chợ Quy Nhơn ngày nay chính là chợ Thị Nại – hay còn gọi là chợ Chánh Thành xưa kia. Năm 1882, thực dân Pháp đổi tên Cảng Thị Nại thành Cảng Quy Nhơn; do đó chợ Thị Nại (chợ Chánh Thành) cũng được đổi tên thành chợ Quy Nhơn. Theo Chợ Quy Nhơn, lịch sử và truyền thống (Ban Quản lý chợ Quy Nhơn xuất bản, 1998) thì chợ Quy Nhơn xưa kia nằm trên khu đất Chợ Lớn Quy Nhơn ngày nay. Mặt chợ giáp đường Tăng Bạt Hổ (xưa là đường Oden d’All nối dài). Phía tây giáp hông nhà đèn ( Mặc dù Nhà đèn không còn ở đó nữa, nhưng ngày nay nhiều người lớn tuổi vẫn còn thói quen gọi khu vực ở gần Chợ Lớn là xóm Nhà đèn) , đường Phan Bội Châu (xưa là đường Jules Ferry). Chợ được xây cất theo hình chữ U, có 4 dãy nhà ngói, cột gỗ. Sát khu đất nhà đèn có xây một nhà kho dài để chứa hàng hóa của những người buôn bán tại chợ gởi lại ban đêm. Cạnh kho hàng này là quầy bán hàng thịt ở giữa là gian hàng bán bách hóa công nghệ… Cạnh đấy là hàng rau xanh cao cấp. Gian bên phải (đoạn đường Tăng Bạt Hổ giáp đường 31 tháng 3) là hàng cá được bố trí theo 2 dãy. Tại chợ còn có một khoảng đất trống (phía đường Phan Bội Châu ngày nay) là khu chợ trời dành cho bà con nông dân đem nông sản đến bán. Ngoài dãy nhà hình chữ U, các khu còn lại đều xây tạm bợ, điều kiện vệ sinh kém nên đã gây không ít khó khăn cho những người mua bán, nhất là trong những ngày mưa gió.
Tháng 10-1932 (tháng 9 Nhâm Thân), Quy Nhơn trải qua một cơn bão rất lớn, chợ Quy Nhơn bị sụp đổ, nhiều người buôn bán bị thương nặng. Chợ được dời đến nhóm họp tại khu đất Porchier bỏ trống nằm gần đường Trần Hưng Đạo ngày nay (đường Gia Long cũ) .
Năm 1934 chợ Quy Nhơn được xây dựng lại và được khánh thành vào đầu năm 1936. Chợ mới được xây trên nền đất cũ, cũng hình chữ U, nhưng không có kho chứa hàng như cũ. Chợ kiên cố, cao ráo, sạch sẽ. Giữa sân chợ có xây bể nước to, đủ sức cho những người buôn bán làm vệ sinh sạch sẽ suốt ngày. Phía đường 31 tháng 3 ngày nay có xây một nhà vệ sinh 3 gian. Chợ lúc này do một số người Ấn Độ đấu thầu thu thuế sắp xếp chợ, sau đó cho một số người Việt thầu lại.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1946-1947, chợ dời đến nhóm họp tạm trên một khu đất có nhiều cây cối ở sân trường Quốc Học (nay là khu đất thuộc trường THCS Lê Hồng Phong- Trường Nguyễn Huệ cũ). Chợ được xây bằng tranh tre, nứa, lá. Những năm 1953-1954, do Pháp hai lần càn quét, tái lấn chiếm Quy Nhơn nên hoạt động của chợ gần như bị đình trệ.
Sau Hiệp định Geneve 1954… chợ được xây dựng lại trên nền chợ cũ…Phương thức xây dựng chợ mới là cho tư nhân, ông Trần Khoa, quê ở Đà Nẵng vào Quy Nhơn làm ăn, sinh sống đã lâu đời, đấu thầu, bỏ vốn đầu tư xây dựng và thu lệ phí chỗ ngồi tại chợ. Mãi đến năm 1969, tỉnh Bình Định mới đầu tư xây dựng chợ mới kiên cố, đồ sộ.
Chợ Lớn Qui nhơn trước 1975 nguồn: yume.vn
Hình ảnh trong Chợ Lớn ngày xưa…nguồn: yume.vn
Đầu năm 1974, chợ Quy Nhơn bị hỏa hoạn thiêu rụi, Chính quyền Tỉnh Bình định cũ cho xây chợ tạm trên nền chợ cũ. …
… Tháng 1-1983, UBND TP Quy Nhơn – có sự đóng góp của tiểu thương, đã khởi công xây dựng dãy chợ 2 tầng phía đường 31-3. Đến tháng 9-1985, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng khu chợ 3 tầng
Chợ Lớn Qui Nhơn trước khi cháy nguồn: yume.vn
Chợ mới được xây dựng trên nền chợ cũ, diện tích xây dựng là 9.121 m2, diện tích kinh doanh 9.206 m2, được khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 2-1986.
Chợ Quy Nhơn từ thuở còn là chợ Thị Nại, chợ Chánh Thành cho đến khi đổi thành chợ Quy Nhơn (1882) và đến khi thành khu chợ cao tầng khang trang …qua các thời kỳ lịch sử, các bước thăng trầm luôn luôn là trung tâm buôn bán lớn nhất của tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận ( Cao Năm- Báo Bình Định)
.
Một đêm mùa đông lạnh giá, ngày 16 /12/2006, trời bỗng trở gió. Đột nhiên từ hàng mỹ phẩm góc đường Tăng Bạt Hổ Chợ Lớn Qui Nhơn bùng cháy. Ngọn lửa càng lúc càng lan rộng và trước sự bất lực, yếu kém của đội phòng cháy chữa cháy Bình định, ngọn lửa khổng lồ đã trùm lấp, thiêu hủy toàn bộ Chợ Lớn Qui Nhơn.
Chợ Lớn Qui Nhơn trong biển lửa. nguồn tin247.com
Người dân Qui Nhơn bàng hoàng thảng thốt trước thảm họa quá bất ngờ .nguồnTin247
Ngày 19.12, sau hơn 3 năm thi công, Trung tâm Thương mại (TTTM) Chợ Lớn Quy nhơn chính thức khánh thành. Việc đưa công trình vào sử dụng tạo điều kiện cho bà con tiểu thương kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Văn Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh – chủ đầu tư công trình – xung quanh vấn đề này.
Trung tâm thương mại chợ lớn Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Theo lời ông Lê Văn Trung: Công trình TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn (còn gọi là An Phú Thịnh Plaza) được Bộ KH-ĐT cấp phép xây dựng và khởi công vào ngày 28.8.2008. Công trình do Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh làm chủ đầu tư.
TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn có quy mô: 8 tầng + 1 tầng hầm. Tổng diện tích sàn (kể cả tầng hầm): 38.415,4m2. Hình thức đầu tư: xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Tổng vốn đầu tư: 341 tỉ đồng; Thời gian hoạt động: 50 năm (trong đó thời gian khai thác, kinh doanh là 48 năm). Công trình phục vụ việc kinh doanh cho khoảng 2.000 hộ tiểu thương.
Nổi bật là một số hạng mục công trình giao thông đứng; hệ thống điều hòa không khí; hệ thống phòng cháy chữa cháy… Hệ thống giao thông đứng gồm 5 thang máy, 8 thang cuốn và 2 thanh lồng kính bên ngoài; cùng với 4 thang bộ thoát hiểm được bố trí ở 4 phía và trung tâm tòa nhà, thuận tiện cho lưu thông và kinh doanh, mua bán.
Bên cạnh đó, hệ thống điều hòa không khí được đầu tư, thiết kế hiện đại. Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) của trung tâm đảm bảo an toàn PCCC theo TCVN 5738-2001. Ngoài ra, TTTM còn được trang bị một hệ thống chữa cháy cầm tay trực tiếp với các thiết bị chuyên dụng, đảm bảo an toàn PCCC.
– TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn là công trình đạt tiêu chuẩn TTTM hạng II, mang tính hiện đại, có thể đáp ứng nhiều dạng nhu cầu khác nhau. Tầng hầm công trình sẽ là khu vực đỗ ô tô, xe máy, cho thuê kho; tầng 1 là khu kinh doanh các nhãn hàng cao cấp, có uy tín và thương hiệu lớn trên thị trường (nữ trang, mỹ phẩm, đồng hồ, mắt kính, quần áo, giày dép, túi xách, mũ, nón; văn phòng giao dịch ngân hàng, bất động sản…) và ngành hàng tươi sống…; tầng 2 và 3 là khu vực kinh doanh các mặt hàng: quần áo, giày dép, nữ trang, mỹ phẩm, đồng hồ, mắt kính, vải sợi, điện tử, đồ chơi trẻ em, hàng lưu niệm, văn phòng phẩm và ngành hàng công nghệ thực phẩm… Tầng 4-5 là khu siêu thị trang trí nội thất; phố ẩm thực, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, “Siêu thị mẹ và bé”… Các tầng 6,7,8 dành cho các dịch vụ: karaoke, quán bar, café, nhà hàng, tiệc cưới, hội nghị…(Theo Báo Bình Định)
Vậy là sau 5 năm Chợ Lớn Qui Nhơn bị cháy rụi, ngày 19/12/2011 một trung tâm thương mại Chợ Lớn Qui nhơn mang tên An Phú Thịnh Plaza đã khai trương. Đây là công trình do 4 Chi nhánh VietinBank: Bình Định, KCN Phú Tài, Gia Lai và KonTum cho vay hợp vốn… . Dấu vết của ngôi chợ sầm uất, ồn ã với bao thứ hàng hóa thượng vàng hạ cám đã thật sự biến mất. Nhìn tòa nhà cao tầng đồ sộ với dòng chữ An Phú Thịnh Plaza nổi rõ trên nóc và những cửa kính bao quanh, gạch đá lộng lẫy với vài gian hàng bán điện thoại di động, quần áo, giày dép, sa lon nội thất sang trọng dọn vội vàng cho kịp tín độ khai trương, án ngữ bên trong…Một cảm giác mất mát kì lạ tư nhiên kéo đến, tôi không biết mình buồn hay vui.
Thôi thì đứng nghiêm, cười một cái đặng lên phim cho bạn bè thấy mình cũng tươi như ai.
Trước cửa trung tâm thương mại Chợ Lớn hôm nay – đường 31 tháng 3 ( Hoàng Diệu cũ)
Đào Thanh Hòa
28/12/2011
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Hòa ơi, rất cám ơn Hòa đã viết về chợ lớn QN, một nơi gắn liền với cuộc sống và những thăng trầm của người dân xứ biển. Ngôi chợ với cái vòm mái tròn thời đó có ý nghĩa đặc biệt đối với mình, vì là nơi sau những giờ tan học bao giờ chị em mình cũng phải vội vàng chạy ù ra gian hàng vải của má để phụ mua bán, ăn me dốt, chùm ruột và ngắm bầy chim se lao chao trên nóc chợ…
Ba mình (bác Dủ) cũng là Trưởng ban quản lý chợ trước và sau 75 vài năm, có lẻ nhiểu bà con tiểu thương vẫn nhớ đến ông. Ông đã cùng mọi nguoi cố gắng đưa ngôi chợ nhanh chóng hoạt đông trở lại sau trận hỏa hoạn 74, tránh xào xáo…
Nhiều, nhiều thứ lắm từ cái ngôi chợ này đó Hòa ơi!
Sao họ lại không giữ lại cái tên quen thuộc đã mấy mươi năm “chợ lớn Qui Nhơn” mà lại dùng tên An Phú Thịnh Plaza nhỉ? nghe sang cả nhưng xa lạ quá.
RE: RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Chị hỏi H, H biết hỏi ai?
Hồi trước cứ cái gì mua không có là chạy xuống Chợ Lớn, muốn coi hàng gì mới cũng u xuống Chợ Lớn…Bây giờ những người buôn bán rau củ quả chạy tứ tán khắp nơi. Phần lớn tập trung ở một chợ mới, phía trên là đường Trần Bình Trọng,cửa chợ ngó ra Tăng Bạt Hổ, dưới giáp Đinh Bộ Lĩnh, lưng chợ dựa đường Phan Bội Châu. Một lần đi qua đó buổi chiều thấy cũng đông đúc, có nhiều cửa hàng kéo cửa sớm. Nhưng đó vẫn không phải là Chợ Lớn.
Cuộc sống luôn có những biến đổi mà chị. Biết sao?
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Không biết bạn mình đã trở thành nhà… khảo cứu hồi nào vậy ta? Chỉ “Đôi điều…” thôi mà H đã đưa mọi người về tận ngọn nguồn của cái Chợ Lớn thân thương giờ không còn nữa. Những lời mô tả cứ làm cho hình ảnh hiện lên mồn một. Nếu như dân mình vẫn cứ quen gọi Chợ lớn QN thay cho cái tên An Phú Thịnh Plaza hiện đại thì cũng dễ hiểu thôi ( V suy bụng ta…đấy). Hi hi, lại còn được nghía hình nữa, V cũng đứng nghiêm chào tác giả đây (nhưng cười tươi để thực hành bài mới của cô) 😆
RE: RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Vân à! Thật ra thì …hầu hết bài là mình cóp nhặt trên báo Bình định và các trang khác, mình có “khảo cứu” gì nhiều đâu!
Ừ, không biết theo thời gian thì dân mình có quen dần và gọi nơi đó là trung tâm thương mại Chợ lớn- An Phú Thịnh Plaza ( nghe dài thoòng bắt mệt).
Mai mốt về vô đó tha hồ nghía nghen!
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Gửi Hòa, Hà & Vân. Chợ Lớn QN vẫn còn mãi trong ký ức của chúng mình đó thôi phải không các bạn? Một thời bánh in má mình làm cũng được bày bán trong các gian hàng bánh của chợ. Cái plaza hiện đại tên nghe xa lạ quá! Sao người ta không gắng giữ lại nhỉ? Ở Sài gòn, bao nhiêu năm qua chợ Bến Thành rất nhiều lần suýt bị phá để xây mới, lớn hơn, hiện đại hơn với nhiều tuyến đường từ các nơi đổ về, nhưng bàn lui tính tới thấy không ổn, cuối cùng nó đã được giữ lại. Bây giờ dù có rất nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn, nhưng cái thú đi chợ Bến Thành mua hàng, ăn quà .. vẫn rất hấp dẫn người đi chợ, vào đây tìm thứ gì cũng có, dù vào mùa hè chợ nóng như đổ lửa vì không có máy lạnh!.. Hình ảnh cái chợ khó phai nhòa. Mỗi lần mình có dịp đi về tỉnh xa, vẫn thích ngắm những cái chợ nhỏ, chợ chồm hổm bên đường, dù nó có lộn xộn gì đi nữa, chụp hình hoặc đưa vào tranh vẫn rất đẹp!
RE: RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Chị Diệu tâm thương! “…mua hàng, ăn quà .. vẫn rất hấp dẫn người đi chợ, vào đây tìm thứ gì cũng có, dù vào mùa hè chợ nóng như đổ lửa vì không có máy lạnh!.. Hình ảnh cái chợ khó phai nhòa. Mỗi lần mình có dịp đi về tỉnh xa, vẫn thích ngắm những cái chợ nhỏ, chợ chồm hổm bên đường, dù nó có lộn xộn gì đi nữa, chụp hình hoặc đưa vào tranh vẫn rất đẹp!” lời chị viết như đi guốc …cao gót vào bụng em. Đó đó! Chính là cái em tiếc nhất! Không khí của một cái chợ, mà nhất là Chợ Lớn như chợ Qui Nhơn ở ngay trên nền đất ấy đã thật sự biến mất.
Em biết xây dựng được trung tâm thương mại cao tầng sang trọng như vậy làm cho bộ mặt của thành phố Qui Nhơn đẹp hơn, văn minh hơn nhưng hồn chợ xưa không còn nữa, em vẫn buồn…
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Vậy là Hà Xưa, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Diệu Tâm đã trùng ý với Đào Thanh Hòa và tôi là: “Tiếc quá… Sao người ta không chịu giữ lại danh xưng Chợ Lớn Quy Nhơn !”.
Nguyễn Diệu Tâm vẫn còn nhớ tới những cái chợ nhỏ, chợ chồm hổm, tôi cũng còn nhớ:
– Chợ Xổm ở ngả tư Phan Đình Phùng / Bạch Đằng chỉ nhóm từ sáng tới trưa thôi, nhóm ngay giữa đường Bạch Đằng. Khi cần món chi lặt vặt thì anh em tui chỉ việc đi te te tới đó là có ngay, giá cả cũng phải chăng.
– Chợ Cây Me ở xóm Lò Vôi (ranh giới giữa Khu Tư và Khu Năm) nhóm gần đường xe lửa, họp cả ngày, tiện chân cho bà con ở quanh xóm Ga Xe Lửa, Nhà Đèn, ngả ba Đống Đa.
– Chợ Tháp Đôi nhóm ngay chân Tháp Đôi, tiện chân cho bà con Khu Năm (từ Cầu Đôi đến Trụ Đèn Đỏ).
– Chợ Ghềnh Ráng, nhỏ thôi, chỉ dựng tạm chừng mươi cái sạp bán hàng. Chợ này có mặt sau ’75 ngay ngả ba, đầu con đường đất dẫn ra biển. Đặc biệt chợ chỉ bán toàn trái cây, chủ yếu là bán cho du khách trong và ngoài nước
RE: RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Anh Lê Huy kính! Cái chợ Cây me và Chợ Bến xe cũ (sau dời lần xuống ngã tư Phan Đình Phùng- Bạch Đằng) mà anh nhắc cũng bị xóa sổ từ khi thành lập Chợ Đầm rồi anh ạ!
– Chợ Tháp Đôi đã nhường chỗ cho cái chợ nhỏ xíu họp tạm bợ trước công ty Cao su, nhà dân xung quanh được giải tỏa thêm không gian cho khu du lịch Tháp Đôi mới xây sửa.
– Chợ Ghềnh ráng cũng dời đến chỗ khác. Ở đó nhà hàng khách sạn to đùng của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ( nay mới đổi lại là Hoàng Gia) đã hiện diện .
Mấy chợ nhỏ thiếu vệ sinh, lôi thôi …giải tán thì em không tiếc, nhưng Chợ Lớn Qui Nhơn bị thay thế thì em buồn lắm lắm…
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Bài phóng sự của ĐTH như đáp ứng được cảm giác “thèm “, thèm đọc, thèm biết những cảnh cũ QN giờ ra sao của những người QN hiện đang sống xa xứ. Vậy là Chợ Lớn QN- cái tên rất thân thương mà mỗi lần nghe ai nhắc đến đều làm mình rung động và như bị thôi miên để trở về thăm lại những kỷ niệm thật đẹp – bây giờ đã được ghi vào lịch sử TP QN bằng một cái tên mới APT Plaza, nghe lạ quá, nhưng chắc dần dà rồi cũng sẽ quen thôi. Ít ra thì bi giờ những cô bé nữ sinh NTH nào mà bị mẹ cấm ngồi ăn hàng ngoài chợ, thì cũng có thể mạnh dạn mà nói…con đã ăn hàng ở tầng 4,5 Phố Ẩm Thực của APT plaza chớ bộ!
Bình xin cảm ơn “Phóng dziên” ĐTH đã cập-nhật những tin tức nóng hôi hổi từ quê nhà lên Trang Trường, nhờ vậy mới biết thêm về QN ngày nay. Nhưng, phải mà ĐTH chịu khó chụp thêm vài tấm hình nữa ngoài tấm đứng nghiêm.. chào cờ..chào của phóng dziên thì sẽ còn thích hơn nữa đó.
XB
Xuân Bình ơi!
Hì hì…”Phóng dziên” cái gì Văn Xuân Bình ơi! Hầu hết là mình “lụm” ở báo Bình Định và “cóp nhặt” trên mạng đó thôi. Thật tình ĐTH có viết gì bao nhiêu!
Mình cũng có chụp mấy tấm ở bên trong trung tâm Chợ Lớn mới đó chứ! Nhưng mà coi đi coi lại thấy trống hoác trống huơ, có gì đâu mà đăng. Thôi để hẹn lại khi khác hen!
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Hòa ơi, chữ An phú Thịnh là tên như thế nào? của tập đoàn xây dựng? hay là cái tên do dân chúng QN tự chọn? (ít ra là qua một ủy ban gì gì đó như nguoi ta vẫn thường làm) ở xứ người chỉ cần di một tấm cái cây cổ thụ, một tấm bia nhỏ bên đường lâu đời, đều phải có sự đông ý của dân đia phương. Đó là biểu lộ đơn giàn nhất của thương dân đó.
Từ một cái tên đã hàng trăm năm biểu tượng của Qui Nhơn, bây giò là An phú Thịnh plaza, rồi mai mốt sang qua sớt lại nó lại biến thành Đại Phú, Đại Cường Plaza gì đó hổng chừng…Chữ Chợ Lớn Qui Nhơn có gì xấu mà họ phải bỏ đi nhỉ???
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Mai sau nếu có ai ở xa về muốn tìm Chợ lớn Quy Nhơn tôi biết nói gì với họ đây ?
Gà Ri!
Thì cứ trả lời đại là bị Gà Ri hun khói rồi! Dễ ẹt mà hà hà…
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Hà Xưa ơi! Vậy là đã quá rõ! Trung tâm Chợ Lớn mới này là của tập đoàn đầu tư và xây dựng An Phú Thịnh Plaza. “Đây là công trình do 4 Chi nhánh VietinBank: Bình Định, KCN Phú Tài, Gia Lai và KonTum cho vay hợp vốn.” như báo Bình định đã đưa tin.
Người dân, kẻ chợ ở đâu mua bán làm ăn được thì họ tới, vậy thôi”Thóc lúa tới đâu, bồ câu theo đó ” chị à.
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
À ra vậy hả Hòa! thôi khi nào về lại QN muốn đi chợ thì tìm chỗ nào có chữ “chợ” chứ cái này là Plaza coi sang quá, hồng dám…
Gửi Chị Hà Cổ Tích
Nếu chị dzìa QN mà tìm chợ để đến thì sẽ gặp TT đó. Trước nhà của TT cũng là một cái chợ nhỏ, ngay Trụ đèn đỏ ngày xưa. Bên ngoài là đường THĐ có quán bánh bèo cây mận, chị đã có lúc nào ăn chưa dzậy? Bánh bèo chén vừa đổ nóng ăn với mắm ớt cay thật ngon. hic. Nói đến thấy thèm quá.
Không còn Chợ Lớn QN…ai cũng thấy như mất mát một cái gì đó rất thân quen, nhất là với chị em NTH của mình phải không Hòa? Ngày xưa mỗi lần học dzìa là dzô chợ ăn hàng, mua sắm đồ văn nghệ, lang thang nhìn ngắm đồ đạc bày biện trên các gian hàng, nhớ những lần Má mình và Mợ dắt mình đi sắm áo quần, giày dép trước khi bước vào năm học mới…nhớ cái bến xe lam chở tụi mình đi học dzìa. Cái ồn ào của chợ bây giờ không còn nữa, chỉ thấy một tòa nhà sừng sững và hoành tráng, nghe lời Hòa TT cũng vào thử rồi, đi một chút thấy mệt và có vẽ lạc lỏng quá nên dzìa ( giống cái hình của nhỏ nào đứng 1 mình trước An Phú Thịnh Plaza quá). Cái gì cũng dzậy, có thay đỗi và lớn mạnh đều tốt…chỉ là tụi mình mất đi những hình ảnh thân quen nên cứ thấy tiếc nuối…hic.
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
Hoà thân,
Đọc bài viết này, cái chợ với hai mái vòm cong thật cong , có gắn kính màu xanh lục lìa lại hiện ra thật rõ nét trong D. D xa QN từ 1972 nên không “biết” chọ mới xây sau 75 – rồi cũng đã cháy!
Nhắc đến chợ, D nhớ nhiều đến Ngọc Bảo, bạn Dung, hồi lớp 6, lớp 7 thường rủ D đi mua ổi,đổ bán ở đường Hoàng Diệu(?)- đường có cửa hàng bán gạch hoa Kim Hạnh- Vì là ổi xá lị, loại xấu nên rất rẻ tiền – học trò mới đủ tiền mua-nhưng khéo lựa- Bảo lựa giởi lắm- thì cũng được những trái ngon, mà D thì ưa ăn ổi từ nhỏ.
Rồi nhớ những thứ bảy, chủ nhật theo mẹ đi mua vải may quần áo. Hàng vải nằm ở nhà vòm giáp với đường Phan Bội Châu. Mừng hết sức khi chọn được thứ vải đẹp….Hay tự đi mua vài tấc vải phin trắng, chỉ thêu DMC để về làm bài Nữ công…
Cái chợ với D hồi nhỏ chỉ gắn liền với việc mua chừng đó thứ… rất ít khi theo ngoại, theo mẹ để mua thức ăn.
Nhớ thật nhiều cái chợ vòm màu lục đó Hòa ơi!
nd
Ngọc Dung mến!
Hầu như chợ …luôn gắn liền hình ảnh chị em phụ nữ. Hiếm thấy con trai đàn ông đến chợ, mặc dù cũng có chứ không hẳn là chẳng ai. Chợ Lớn Qui Nhơn lại nằm gần trường mình học, điều dó lôi kéo áo trắng đến Chợ để ngắm quần áo, giày dép, mũ nón và đồ làm đẹp của con gái…Biết bao thời giờ bọn mình đã từng dạo quanh nơi ấy. Mình rất nhớ D à!
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
TT ơi, dậy khi nào chị dìa QN nhất định sẽ hú TT, ĐTH, MV dẫn đi chợ và ăn bánh bèo, bún cá QN nghen, mới nghĩ đến đã thèm chít ngừoi 😛
Dung ơi, hồi đó đi mua vải có thấy con nhỏ vừa đứng bán hàng vừa ăn ổi ở tiệm Anh Vân không (cái tiệm ngay ở dãy trái cây đi vô một chút gần Ngọc Diệp đó) Hồi đó cô Ngọc anh, cô Yến, cô Sự (má chị Bạch Nga) là khách hàng thường xuyên của má mình đó. Cô NA thường hay chọn vải màu tím, màu xanh Air VN để may áo dài rất đẹp.
Có những ngừoi khách cũng đi chợ hoài mà chẳng mấy khi mua bán gì…bời vậy mới có “Phiên chợ tình phố biển” đó các bạn 😳
Chị Hà Xưa!
Nếu chị có về thì nhớ níu áo nhỏ Thu Trang nghe! H chỉ chỉ đi ăn theo thôi, hì hì…
Gửi Chị Hà Xưa Thật Là Xưa
Chị Hà Cổ Tích thấy nhỏ Hòa “bán cái” giỏi ghơ chưa nè. TT nghe đồn nhỏ Hòa là Giám Đốc cái gì mà An Phú Thịnh Plaza ấy. Dzậy mà bảo niú áo TT. À! TT hiểu rồi, do chị nói chị chỉ đến chợ nhỏ nên nhỏ ấy bảo níu áo TT, còn chỗ của nhỏ ấy là TT Thương Mại…chắc là chừng đó chị em mình đi, cho nhỏ ấy ở nhà chị há.
Ngày xưa TT cũng thường đi Chợ Lớn QN với má để mua vải mà không để ý đến ai đang đứng trông hàng mà ăn ổi, nếu biết thì lúc ấy đã đến xin cắn miếng rồi, tiếc quá. Chị về TT sẽ làm món gỏi sứa cho chị ăn để xem tài của em gái nha, cũng được tàm tạm…ăn rồi đừng chê, chê là mắc công dỗ dành cũng dzậy thôi hà. 😆
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
hu..hu dzậy là từ nay mỗi lần dzìa QN hổng được đi CHỢ LỚN nữa rồi HÒA ui !Buồn!!
RE: Đôi điều về Chợ Lớn Qui Nhơn…
TT ơi, bửa nay vô lại Chợ Lớn QN mới biết TT để sẳn cho chị món gỏi sứa,khoái quá! lâu lắm rồi chị chưa có dịp ăn lại món sứa tươi, nhớ để dành nghen.
Hải sản QN nổi tiếng ngon, nhiều người khen lắm, chắc là vì nhờ các nàng hay xuống tắm biển nên tôm cá uống nước dô..ngọt lựt:lol:
Chốn cũ
Nhìn cái Plaza cảm giác như ở xứ người. Đẹp đấy, sang đấy nhưng chẳng phải của mình, nhìn vui mắt thì được còn ở chung thì lạnh lẽo lắm. Cũng không phải cái gì của mình cũng nhất, nhưng nhìn nơi lưu trú ký ức của mình giờ thẳng đuột, đơ đơ, vô cảm có cảm giác như Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Bạn Diễm Quỳnh mến!
Bài đăng đã lâu, hôm nay lại còn có bạn vào đọc và chia sẻ…Cảm ơn bạn đã quan tâm. Đến bây giờ cảm giác hụt hẩng về khu trung tâm thương mại trên nền Chợ Lớn cũ vẫn như nguyên vẹn trong suy nghĩ của mình. Chúc bạn vui.
Một khoảng ký ức
Chợ lớn Quy Nhơn nay chỉ còn tìm thấy trong ký ức và qua những bức ảnh cũ kỹ …