cũ kỹ và ẩm mốc
những mái rêu phong phố cổ
những cô gái cuộn mình trong áo len
bước đi lạnh lẽo một chiều trong gió
chẳng có con đường nào để mở cửa trái tim
nếu ban đêm cánh cổng nhà em khép chặt
sẽ đi một vòng đến cạnh dòng sông lềnh kỷ niệm
lấp loáng ánh đèn dầu trong bóng thuyền luênh loang
sông nước miền nam vô tình chảy lờ đờ số phận
những gã say rượu và câu cải lương biện hộ lòng mình
không thể biện hộ vì sao chúng ta nghèo khó
hãy vứt quá khứ khổ đau cho nước cuốn đi
nhưng không thể cầm bàn tay non trẻ của em để nói lời yêu nhau
khi mình đã quá già như ngôi nhà phố cổ
đành nói lời từ biệt
gửi theo những bông lục bình trôi xa…
Hồ Ngạc Ngữ
RE: Đêm Phố Xưa
Hinh như tình yêu chỉ là cái cớ, nỗi ưu tư về thân phận người nặng trĩu. Khúc sông đêm lờ đờ, bóng cô gái co ro, gã say rượu trong cơn say câu vọng cổ vẫn rưng rưng vì “Không thể biện hộ vì sao chúng ta nghèo khó”
TCS đã từng viết “Ừ thôi em về, bây giờ anh vui hai bàn tay mõi, bây giờ anh vui một linh hồn đói…”
hình như đó cũng là cái đói, cái mỏi của Đêm phố xưa.
Hx
Gửi Hà Xưa , anh Hồ Ngạc Ngữ
Nghe Hà Xưa nhắc cũng thấy động lòng ,cho NĐH “ké” một chút ! Thật ra bài thơ ” cuối cùng cho một tình yêu ” là của họa sĩ Trịnh Cung viết năm 1958 khi ông ra Huế , TCS chỉ phổ nhạc thôi. Để nhớ một bài thơ hay ( NĐH rất thích bài thơ này ) nên xin được chép lại cùng thưởng thức nhe :
CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU
ừ thôi em về
chiều mưa giông tới
bây giờ anh vui
hai bàn tay đói
bây giờ anh vui
hai bàn chân mỏi
thời gian nơi đây
bây giờ anh vui
một linh hồn rỗi
tình yêu xứ này
một lần yêu thương
một đời bão nổi
giã từ giã từ
chiều mưa giông tới
em ơi, em ơi !
sầu thôi xuống đầy
làm sao em nhớ
mưa ngoài song bay
lời ca anh nhỏ
nỗi lòng anh đây
1958
TRỊNH CUNG
“Search google” thấy sau này họa sĩ Trịnh Cung giải thích :
… Ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi thì… bàn tay đói… Em ra khỏi tay rồi, em đâu có trong vòng tay, mà em đâu có bao giờ trong vòng tay tôi đâu… thành ra hai vòng tay tôi, hai bàn tay tôi luôn luôn đói, đói khát vì một hình ảnh và tôi cứ mãi đi theo những cuộc tan trường vào những buổi chiều, buổi trưa như vậy, nên… chân phải mỏi thôi…
Cái đói và mỏi của Trịnh Cung là thế .Cám ơn Hà Xưa đã nhắc lại cùng với cảm nhận rất chân tình như một chia sẽ với bài thơ buồn trên sông nước Nam bộ của anh HNN . Chúc Anh vui và viết thật nhiều . Thân ái.
gửi Hx,
Ca từ TCS là một tâm trạng khác, tâm trạng mệt mỏi và trống rổng ở giai đoạn cuối của một tình yêu.
Cảm ơn Hx đã có góc nhìn chia sẻ với Đêm Phố Xưa.
RE: Đêm Phố Xưa
Đọc Đêm phố xưa như nghe văng vẳng câu vọng cổ buồn: Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi…
“Những gã say rượu và câu cải lương biện hộ lòng mình, không thể biện hộ vì sao chúng ta nghèo khó” Đôi khi V cũng nghi ngờ, cái nghèo cho dù có phổ biến ở đây phải đâu do số phận?
RE: Đêm Phố Xưa
Rất cám ơn anh NĐH đã ghi lại bài thơ của TC, chính câu “Tình yêu xứ này” đã khiến cho H nghĩ bài không đơn thuần là tình yêu, nhưng dầu sao cũng chỉ là cái “hình như” về phía người đọc, người viết mới là quan trọng
Nhưng có một thứ không hình như đâu, Vân đã nói đúng: Cái nghèo khó một khi phổ biến thì không là số phận, chẳng qua là một ván cờ gian lận mà người nghèo như con chốt thí.
Cám ơn các anh đã mang đến cho sân nth những trăn trở rất con ngừoi
RE: Đêm Phố Xưa
Cảm ơn Ngô Đình Hải đã cung cấp thêm một tư liệu có ích.
Sự cảm nhận thơ của các bạn,ở mọi góc nhìn, là sự chia sẻ,đồng cảm rất đáng quý.
Chúc Ngô Đình Hải, Hx an vui.
RE: Đêm Phố Xưa
Sự giàu nghèo,hình như cụ Khổng nói đúng:”Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”.Dân phương Nam,chú trọng nhân nghĩa, sống sao cho vui, nên có lẽ một số đã nghĩ “ngày nào xào ngày nấy”, nên đâm ra nghèo khó chăng ?
Cảm ơn sự chia sẻ của Ngô Thanh Vân.
RE: Đêm Phố Xưa
Tiến cũng cảm nhận giống chị Hà xưa anh Ngữ. Tình yêu trong những bài thơ của anh hình như là cái cớ để thân phận nương theo mà bay bổng chứ không chịu nằm yên. Cảm ơn anh Ngữ nghen. KT