Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănĐể Thưởng Thức Thơ

Để Thưởng Thức Thơ

Thơ chỉ có hai loại: Thơ hay và thơ dở, dù được viết ra bởi người làm thơ lâu năm hay mới viết lần đầu.Không có nhà thơ nào được gọi là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cấp trung ương hay cấp tỉnh.Vì làm thơ không phải là cái nghề để người ta có thể học được như viết văn hay ca hát…
Để thưởng thức thơ, như thưởng thức các bộ môn nghệ thuật khác, người ta phải có một số kiến thức và hiểu biết nhất định.Nếu không, như người nghe nhạc cổ điển phương Tây lần đầu, sẽ như nghe một mớ âm thanh hỗn độn.

Điều đầu tiên và quan trọng, theo tôi, hãy xem thơ như một món ăn tinh thần.Mà đã là món ăn thì có người thích, có người không thích.Nếu cảm thấy mình không ưa món ăn này, nên chọn món ăn khác.Có người không thích thơ vẫn ép mình đọc.Kết quả họ không những không thấy thơ hay mà còn hiểu sai lệch về thơ.Bữa tiệc đời bày nhiều món, đâu ai bắt buộc mình phải gắp và nuốt thứ thức ăn mà mình không thích.Sẽ rối loạn tiêu hóa hoặc bị dị ứng.
Điều thứ hai là mình phải có kiến thức về thơ, như kiến thức về âm nhạc, hội họa v.v…Các thể loại, trường phái, ngôn ngữ thơ phải nắm vững.Đây là những chìa khóa mở cánh cửa ban đầu, để khỏi đi lạc vào mê hồn trận của thi ca.
Một câu thơ của Hàn Mặc Tử trong bài Đây Thôn Vỹ Dạ đến nay vẫn còn nhiều người chưa rõ nghĩa:
‘Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền
Nhiều người vẫn giải thích ‘mặt chữ điền’ là mặt của một cô gái nông dân ở thôn Vỹ Dạ.Hiểu như thế, câu thơ sẽ mất đi vẻ đẹp nên thơ của nó.Thật ra ‘mặt chữ điền’ để chỉ tấm bình phong thường đặt trước vườn cảnh ở Huế, sau cổng ngõ đi vào.
Trường hợp Tô Đông Pha đã hiểu sai thơ Vương An Thạch cũng thế.’Hoàng khuyển’ là tên một loài sâu mà Tô Đông Pha hiểu là ‘con chó vàng’…
Điều thứ ba là đừng hiểu thơ bằng đầu óc duy lý hoặc tinh thần cụ thể của toán học.Theo toán học, đường chim bay có thể là đường ngắn nhất giữa hai điểm, nhưng đối với thơ, đường vòng đôi khi lại là đường ngắn nhất giữa hai quả tim.Với toán học, A không thể là B, thì với thơ, A vừa là A vừa là B mà cũng có thể là C…

Đọc thơ, đừng bắt buộc câu thơ phải rõ ràng, đúng ngữ pháp, hợp logic.Thơ có logic riêng của nó.
Trong tiếng Pháp,’tôi là’, nếu chia đúng động từ Être phải viết ‘je suis’, nhưng nhà thơ Rimbaud trong một câu thơ đã viết ‘je est’, người Pháp vẫn hiểu vì sao ông viết thế và khen thơ ông hay.
Trong tiếng Việt, ‘đã đi’ thuộc về thì quá khứ, nhưng có thể dùng cho thì hiện tại, để trả lời câu hỏi ‘anh đã đi chưa?’ với câu ‘anh đã đi đâu!’,tức là anh chưa đi.
Điều cuối là bạn hãy xem tâm trạng của bạn và bối cảnh lúc bạn thưởng thức thơ.Đọc thơ lúc bực bội hay vui vẻ, lúc an nhàn hay lo nghĩ; một mình hay chỗ đông người, nơi làm việc hay ở nhà…Mỗi tâm trạng, mỗi nơi đều có sự cảm nhận khác nhau.
Đến với thơ cần có tấm lòng.Và với tấm lòng yêu thơ, bạn sẽ hiểu thế nào là một bài thơ hay

Lữ Vân
20.3.2012

11 BÌNH LUẬN

  1. Để Thưởng Thức Thơ
    Anh Lữ Vân Mến,Cảm ơn anh đã định hướng cho người thưởng thức thơ.Từ lâu đọc thơ hay nghe nhạc, BT chỉ chú trọng đến cái đẹp,cái hồn và nhất là thơ phải chạm tới được cảm xúc của tâm hồn,ngoài ra nghe thơ có đệm đàn thích hơn,thuở còn đi học những buổi ngâm thơ có cô Hồ Điệp,Hoàng Oanh ngâm dù ngày mai thi vẫn nghe và học .Mê thơ lắm nhưng làm thơ thì dở ,tại sao vậy anh?Chúc anh vui khỏe.BT Cựu HSNTHQN.

  2. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Cảm ơn anh Lữ Vân về bài viết. Có nhiều hướng dẫn hay trong bài, tuy nhiên DT cũng có một số suy nghĩ thế này:
    – [i]Thơ chỉ có hai loại: Thơ hay và thơ dở.[/i]
    DT nghĩ cũng có thơ .. trung trung chứ anh, nghĩa là không quá hay, mà cũng không phải là dở. Đọc cũng thấy ..thích thích. Vậy theo anh, loại “trung” như vậy thì được xếp vào loại nào? Hay là phải bỏ ra ngoài, đó không phải là Thơ?
    – [i]Có người không thích thơ vẫn ép mình đọc:[/i] Làm sao ép được mình ăn món không ngon và làm sao có ai ép mình phải đọc thơ văn hay bất kỳ thứ gì mà mình không thích? Anh nói đúng: Đâu ai bắt buộc mình phải gắp và nuốt thứ thức ăn mà mình không thích. Nên chắc là không có ai mất công “ép mình đọc thơ” mà mình không thích đâu anh.
    – Điều thứ hai là [i]phải có kiến thức về thơ, như kiến thức về âm nhạc, hội họa [/i]v.v…[i]Các thể loại, trường phái, ngôn ngữ thơ phải nắm vững[/i] => để đọc thơ, hiểu thơ, cũng như nghe nhạc, xem tranh … Thật sự DT nghĩ không phải ai cũng có đủ kiến thức. Có thì càng tốt. Không có mà thích cũng chẳng sao. DT không có kiến thức về âm nhạc, khá kén nhạc để nghe, không phải loại nhạc nào cũng nghe được, nhưng không thể nói là mình không thích nghe nhạc và .. không được quyền nghe nhạc. Về tranh cũng vậy, nếu đòi hỏi người xem phải có kiến thức thì e rằng chỉ có họa sĩ, sinh viên mỹ thuật, người yêu thích và có nghiên cứu mỹ thuật v.v.. mới có quyền được xem, vậy thì có mấy ai sẽ đến được với Thơ, Nhạc, Họa, hay các bộ môn nghệ thuật khác.
    Cuối cùng, “Đến với thơ cần có tấm lòng”, vậy thì những ai có “tấm lòng” nhưng thiếu các điều kiện như trên: kiến thức, không biết đến các thể loại, trường phái, ngôn ngữ thơ để phải nắm vững thì làm thế nào để đến với Thơ?

  3. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Hôm nay mới biết Cựu HSNTHQN tên là BT.
    Khi xưa, thơ gắn liền với vần điệu nên người ta dễ ngâm và thích nghe.Bây giờ nếu là thơ không vần, người ta thích đọc hoặc xem.Nghe ngâm, dễ bị âm thanh mê hoặc.Xem,đọc, cảm nhận chính xác hơn.
    Vấn đề hay dở trong thơ thì vô cùng.Bài thơ làm rung động lòng người, chia sẻ những nỗi buồn thân phận, nói đến những vấn đề, những tình cảm mà người ta đang quan tâm…thì được cho là hay.Nhưng cũng có người chê dở, vì không thích tác giả, hoặc vì những lý do riêng tư.
    Yêu thơ và sáng tác thơ là hai lãnh vực khác nhau.Nhưng thơ rất cần có người đọc.Ít người viết cho riêng mình, không muốn người khác đọc.
    BT có rung cảm cứ viết, viết, viết… rồi sẽ có thơ hay.

  4. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    DT hiểu anh đưa ra những điều kiện này nhằm cho người đọc biết [i]”Đây là những chìa khóa mở cánh cửa ban đầu, để khỏi đi lạc vào mê hồn trận của thi ca”[/i]. Rất đúng nhưng đọc đi đọc lại bài viết DT vẫn thấy đến với Thơ khó khăn quá.
    DT cũng chợt nghĩ, những đứa bé còn trong nôi, chúng có hiểu gì về Thơ hay Âm nhạc không, sao mẹ đọc thơ, hát ru, chúng ngủ dễ dàng như vậy đến nỗi ghiền.. mẹ không ru thì không ngủ được?
    Từ thời xa xưa, rất xưa trong lịch sử nhân loại, có mấy ai hiểu niêm luật thơ, sao những thiên anh hùng ca được truyền miệng từ đời này sang đời khác? Tại sao có rất nhiều những câu ca dao Việt Nam lưu truyền và phổ biến quá rộng đến nỗi không người VN nào là không biết?
    Thời thơ Đường Luật, chỉ có người có học, quan lại, sĩ tử là làm được, hiểu được, thì loại thơ này đã giới hạn trong nhóm người ấy mà thôi. Đến thời thơ mới, thơ tự do con đường mới mở rộng ra cho nhiều tầng lớp trong xã hội.
    Ngày nay, nếu con đường đến với Thơ khó khăn, hạn chế quá, DT e rằng càng ngày Thơ càng ít người đọc cũng đúng thôi. Vậy thì các nhà Thơ cũng đừng buồn, vì sao Thơ mình khó bán?
    Vào lời chia sẻ với anh suy nghĩ của DT. Chỉ mong muốn làm thế nào chúng ta đưa được những cái đẹp trong Thơ văn, Hội họa, Âm nhạc đến với tất cả mọi người không phân biệt.

  5. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Người ta không thể hạ thấp nghệ thuật, trong đó có thi ca, xuống tầm mức trung bình để cho mọi người cùng thích, nhưng có lẽ tự mình phải nâng cao sự nhận thức đối với nghệ thuật để thưởng thức đúng giá trị của nó.
    Đó là những gợi ý của bài viết.
    Cảm ơn Diệu Tâm đã góp ý nhiều vấn đề đáng quan tâm.
    Lữ Vân

  6. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Anh Lữ Vân mến,
    V nghĩ, chỉ có những người yêu thơ mới đọc thơ chứ không tin có ai đó “không thích thơ vẫn ép mình đọc”. Người ta có thể không thích một món ăn (vật chất) nào đó nhưng vẫn ép mình ăn vì sức khỏe, có thể không thích bộ đồ này nhưng vẫn ép mình mặc để ai đó vừa lòng…Không đọc thơ thì có sao đâu, nhất là khi mình không thích?
    V đồng ý với anh: “đừng hiểu thơ bằng đầu óc duy lý hoặc tinh thần cụ thể của toán học”, nên mỗi người có thể cảm thơ theo cách của mình, cái cách mà câu chữ tự nó đi thẳng vào tâm hồn người đọc, đâu cần phải hiểu như thế này, thế kia mới đúng (không duy lý mà!)
    V mê thơ Nguyễn Bính từ nhỏ, học lớp năm đã thuộc lòng tập thơ Lỡ Bước Sang Ngang, mà đã có kiến thức gì về thơ ca đâu. Không lẽ tính nghệ thuật của LBSN chỉ ở mức trung bình (hoặc thấp hơn) để một con bé mới 12 tuổi cũng thích được?
    V thích thơ nhưng không hay bàn về thơ, đọc ĐTTT, thấy nhiều điều lạ lẫm, cũng có thể do kiến thức của mình còn hạn hẹp nên có đôi điều trao đổi cùng anh. Thân chúc anh vui khỏe, sáng tác nhiều.

  7. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Vẫn có những nhà chính trị,những nhà tuyên truyền, những học giả, những thầy giáo, sinh viên,học sinh, những gã tình nhân…không thích thơ mà vì công việc hoặc vì những lý do riêng, họ vẫn đọc thơ đó chứ! Có lẽ họ thấy thơ dễ tác động lòng người.
    Nghệ thuật Lỡ Bước Sang Ngang chỉ ở mức trung bình nếu đối chiếu với Truyện Kiều.
    Những tác phẩm nói về thân phận con người rất được mọi người ưa thích, vì họ tìm thấy thân phận mình trong đó.
    Đọc thơ chỉ bằng cảm tính cảm nhận rất khác với đọc thơ bằng yêu thích cộng thêm sự hiểu biết nhờ có kiến thức về thơ.
    Cảm ơn Thanh Vân đã góp ý.

    • RE: RE: Để Thưởng Thức Thơ
      Anh Lữ Vân thân mến,
      Cho DT thêm một chút xíu bàn cho vui, không trong bài viết của anh mà câu trả lời của anh với NTV.
      DT nghĩ, nếu đối chiếu với Truyện Kiều thì DT e rằng từ trước đến nay chưa có bài thơ ở VN nào dám so sánh ngang hàng với Truyện Kiều. DT rất mê và tôn kính văn học cổ, dù cũng rất mê Cung Oán Ngâm Khúc và Chinh Phụ Ngâm, nhưng 2 tác phẩm này cũng không thể so sánh với Truyện Kiều.
      DT đồng ý với anh rằng “Người ta không thể hạ thấp nghệ thuật, trong đó có thi ca, xuống tầm mức trung bình để cho mọi người cùng thích, nhưng có lẽ tự mình phải nâng cao sự nhận thức đối với nghệ thuật để thưởng thức đúng giá trị của nó”.. Tuy nhiên để tự mình “nâng cao nhận thức đối với nghệ thuật…” thì là một việc không phải ai cũng làm được. Chúng ta thường dựa vào giáo dục của nhà trường để có được điều đó làm căn bản. Ai cũng thấy rõ ràng giáo dục ngày xưa khác ngày nay, do nhiều nguyên nhân. DT không nói đến tuổi trẻ sau này, chỉ đề cập đến thời đại chúng ta, các U 50, 60 mà thôi, còn thấy khó, huống chi các em các cháu ngày nay…
      Một vấn đề nan giải. Nhưng biết làm sao, chúng ta chỉ là những hạt bụi giữa sa mạc …

  8. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Truyện Kiều được nhiều người thích nhưng mỗi người có cảm nhận khác nhau, do trình độ thẩm mỹ thi ca của họ.
    Muốn hiểu đúng,đánh giá đúng một tác phẩm phải nâng cao trình độ thẩm mỹ thi ca thôi, không có con đường nào khác.
    Nếu yêu thích thơ, ngoài sự đọc bằng cảm tính, người ta phải đọc bằng trí tuệ hiểu biết.
    Cảm ơn Diệu Tâm đã ‘bàn thêm cho vui’.

  9. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    NĐH nghĩ là ngay từ cái tựa bài viết , anh LV đã khẳng định rồi : “thưởng thức thơ ” , chứ không phải chỉ là đọc ,là nghe , là nhìn v/v…và để thưởng thức bất cứ “thứ nghệ thuật” nào cũng đòi hỏi một số “điều kiện” phải có mới “thưởng thức” được . Thơ cũng vậy thôi . NĐH không dám bàn thêm , nhưng chuyện đem so sánh các tác phẩm văn học với nhau mà không kể đến yếu tố không gian , thời gian , con người….thì có hợp lý chăng anh Lữ Vân ơi ! Cám ơn anh về bài viết .

  10. RE: Để Thưởng Thức Thơ
    Nếu Hải đọc lại sẽ thấy để trả lời câu hỏi của NTV nên phải đối chiếu nghệ thuật giữa hai tác phẩm LBSN và TK thôi.Muốn đối chiếu, buộc phải lấy một chuẩn mực nghệ thuật thi ca được công nhận là đỉnh cao (TK) mới đối chiếu được.Rõ ràng là thi pháp của LBSN chỉ ở mức trung bình so với TK.
    Sự so sánh nào cũng khập khiễng, ở đây chỉ tạm dùng cụm từ ‘đối chiếu nghệ thuật’.
    Cảm ơn Hải đã đọc và góp lời bàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả