Nguồn: Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn 2012
Ngày 22 tháng 2 năm 1998, hơn Sáu Mươi cựu học sinh Cường Để họp mặt tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Buổi “tựu trường” lần đầu tiên của Gia Đình Trung Học Cường Để trên xứ người, không đông nhưng đủ mặt cựu học sinh các niên khóa. “Tha hương ngộ cố tri”, tưởng chừng như ngày tựu trường Cường Để lần đầu tiên tại Qui Nhơn của 43 năm về trước. Ngày khai giảng niên khóa 1955- 1956, Trường chỉ vỏn vẹn 8 lớp, gồm: 3 Thất, 2 Lục, 2 Ngũ, 1 Tứ. Và, lần tựu trường đầu tiên ấy, cũng không đông nhưng đủ các lớp Đệ Nhất Cấp.
Những niên khóa sau, Trường Trung Học Cường Để trường thành nhanh chóng, sĩ số càng ngày càng tăng, từ 8 lớp phát triển dần thành 65 lớp. Thì giờ đây, trên bước đường tỵ nạn, Gia Đình Cựu Học Sinh Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn, hằng năm, vào tháng 6, rủ nhau về Houston “tựu trường”, càng ngày càng đông.
Song song với 15 lần “tựu trường” trên xứ người, 15 tập Đặc San, những đứa con tinh thần của Gia Đình Cựu Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn, được phát hành và góp mặt với dòng Văn Học Việt Nam Hải Ngoại.
I – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 1998
H 1: Hình bìa Đặc San 1998.
Ngay trong ngày Đại Hội, Nhóm ChủTrương Đặc San đã thành lập Ban Thực Hiện cho tờ báo, với chủ đề “Tiếng Gọi Đàn“, và sẽ phát hành sau ngày Đại Hội không xa. Thành phần nhân sự gồm có:
1/ Nhóm chủ trương:
– Houston có: Nguyễn Văn Hoàng, Lê Đại Đồng, Nguyễn Thị Vân Nga, Võ Trọng Em, Nguyễn Văn Gia Phong, Lê Đức Tâm, Nguyễn Công Hoàng, Nguyễn Cửu Thị Duệ, Phạm Văn Nộ, Bùi Văn Luông, Trần Ngọc Anh.
– Dallas có: Thái Hóa Lộc, Phan Thành Tri.
– Florida có: Nguyễn Trác Hiếu, Tôn Nữ Hoàng Hoa.
– California có: Lê Bửu Tấn, Nguyễn An Phong.
2/ Nhóm cộng tác:
a/ Về thơ có: Bùi Văn Luông, Đào Vĩnh Tuấn, Đoàn Văn Khánh, Hà Khôi, Lam Nguyễn, Ngu Yên, Nguyễn Công Hoàng, Nguyễn Đăng Liên, Nguyễn Mạnh Súy, Nguyễn Văn Tịnh Chí, Phạm Phương Phi, Phong Đăng, Song Nguyễn, Thái Tẩu, Trần Hoài Thư, Tứ Đức, Vũ Ngọc Uyển.
b/ Về nhạc có bản: “Một Thời Để Nhớ” nhạc và lời của Đắc Đăng; “Xuân Mơ” nhạc và lời của Cù Minh Khánh.
c/ Về văn, trong số này đúng là tập san chuyên đề, qua thể văn hồi ký, các bạn phần lớn nhắc lại những kỷ niệm một thời áo trắng dưới mái trường Cường Để thân yêu. Nguyễn Phạm Thái với bài “Trường Cường Để, Thăng Trầm Và Nỗi Nhớ.” Cầu Thủ Họ Lê, không thể nào quên “Cường Để, Bóng Tròn Và Những Anh Em Ngày Cũ.” Nguyễn Bình Định, còn văng vẳng bên tai tiếng đàn giọng hát của cái thuở “Cường Để Đất Văn Nghệ.” Nguyễn Mạnh An Dân, ngậm ngùi nhớ lại một thời “Trường Xưa Báo Cũ.” Phạm Thị Quang Ninh, ghi từng chi tiết, qua bài “Tự Thuật Của Một ‘Bà Trưng‘”. Tất cả chìm sâu vào dĩ vãng, ngôi trường còn đó nhưng đã đổi tên, người cũ lạc lõng trước cảnh mới. Nguyễn Trác Hiếu trào dâng xúc cảm qua bài “Trường Cường Để, Một Lần Về Lại.” Với nỗi niềm đó “Những Kỷ Niệm Khó Quên” đã đi vào ký ức của Tôn Nữ Bảo Khanh.
Và còn, còn nhiều nữa, biết bao những kỷ niệm thân thương dưới mái học đường, dàn trải trong tập Đặc San đầu tay này, qua các tác phẩm sau đây: “Cường Để: Ông Hoàng Làm Cách Mạng” của Hứa Hoành; “Sinh Hoạt Mái Trường Xưa: Lễ Hai Bà” của Thu (Kristiansand); “Quê Xưa, Tuổi Nhỏ Và Những Chiếc Xe Ngựa” của Gs Phạm Ngọc Hài; “Con Đường Học Trò” của Tôn Nữ Hoàng Hoa; “Trường Tương Tư” của Cửu Duệ; “Dòng Đời Lăng Lẽ” của Trần Quán Niệm; “Đất Tây Sơn, Quê Nội” của Thiên Nga; “Mối Tình Cây Kẹo Nougaz” của Hoàng Hoa; “Tuổi Nhỏ Và Những Năm Tháng Khó Quên” của Nguyễn Kim Kiều; “Thơ Học Trò” của Phan Long và Mạnh Kim; “Ngày Hội Ngộ” của Thái Hóa Lộc; “Câu Chuyện Không Cần Đoạn Kết” của Nguyễn Gia Hiếu.
Nhưng đáng kể nhất là bài “Trường Cường Để Qui Nhơn: Chuyện cũ Nhắc Lại” của Giáo sư Nguyễn Đình Nhàn và Lê Văn Hòa, đăng trong Đặc San Cường Để Mùa Xuân Giáp Thìn 1964. Đây là một bài biên khảo công phu về lịch sử ngôi trường. Nguyễn Mạnh An Dân đăng lại vào Đặc San, xem như một kỷ niệm trân quý, vừa là một tài liệu khả tín, cho những ai muốn nghiên cứu về ngôi trường này.
3/ Điều hành tổng quát: Nguyễn Thị Vân Nga, Nguyễn Văn Hoàng.
4/ Nhóm thực hiện Đặc San:
Nguyễn Mạnh An Dân, chủ bút. Đào Vĩnh Tuấn, trang trí hình bìa. Các bạn Ngô Du Trung, Nguyễn Gia Hiếu, Nguyễn Kim Kiều lo việc phân trang và chữa bản mẫu.
II – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 1999
H 2: Hình bìa Đặc San 1999.
Với chủ đề “Hướng Tới Một Tương Lai” Đặc San năm Thứ Hai, trong bức thư ngỏ, Tòa Soạn đã viết:
“…Năm 1998, phải khó khăn lắm mới lấp đầy được 250 trang sách, phải chật vật lắm mới tìm được đủ ấn phí vào phút chót. Năm 1999, Đặc San quyết định dừng lại ở 450 trang, dù có thể nhận thêm nữa và ấn phí không còn là điều bận tâm lớn nhất như một năm trước đây. So sánh nhỏ này mang một ý nghĩa tinh thần rất lớn. Bàn tay chúng tôi rụt rè đưa ra, đã có người nắm lấy, gợi ý chúng tôi ngập ngừng cất lên, đã có người góp lời. Đoạn đường chúng tôi đi không còn chỉ một mình…”
Trên đây là những tín hiệu đáng mừng cho Gia Đình Cựu Học Sinh CĐ & NTH Qui Nhơn. Và tờ báo năm 1999 cũng lớn lên nhanh chóng, thay da đổi thịt, với tên mới là Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn, đem lại nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung:
Bài vở dồi dào, thêm những cây bút như: Ánh Xưa, Bất Tịnh Thiền Sư, Đào Đức Chương, Đinh Thành Bài, Đông Phinh, Hà Quế Linh, Hoàng Thế Diệm, Huỳnh Thị Kim Oanh, Kiều Lam, Kim 3, Kim Liên, Lâm Từ Cang, Mang Đức Long, My La & Chí, Ngọc Dung, NĐC, Nguyên Lương, Nguyễn An Phong, Nguyễn K., Nguyễn Nhạn Sơn, Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Tư Phương, Phan Ngọc Tuấn, Thương Nguyệt, Tiểu Đăng, Trần Đức Trung, Trần Nhâm Thân, Trần Hữu Khánh, Trần Nhất Hoan, Trần Ngô Đại Hiệp, Trần Văn Tâm, Từ Sơn, Việt Thao, Võ Thị Lan, Vương Thúy Nga.
Nội dung phong phú hơn, bài đăng được chia thành từng chương mục:
1/ “Trường Cũ Thầy Xưa“, gồm những bài nói về Trường Cường Để và Nữ Trung Học: Ban Biên Tập viết bài “Trường Cường Để Và Nữ Trung Học“; Hứa Hoành cho đăng bài “Vai Trò Của Hoàng Thân Cường Để Trong Giai Đoạn 1905- 1945“; Gs Vương Thúy Nga có bài “Qui Nhơn, Nữ Trung Học Và Tôi“; cuối cùng là loạt bài của nhiều tác giả viết về “Những Người Đã Mất Nhưng Mãi Còn.”
2/ “Một Chỗ Dành Riêng” đăng những tác phẩm của Thầy Cô Trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn, gồm các bài: “Thầy, Cô Giáo Nữ Trung Học Qui Nhơn ‘Đã Nghìn Trùng Xa Cách‘” của Gs Vương Thúy Nga; “Chút Tâm Tình, Của Một Nhà Giáo Cao Niên” của Gs Đinh Thành Bài; “Một Thời Rất Xa Nhưng Thật Gần” của Gs Hoàng Thế Diệm; “Tranh Tre Le Sậy Mây Cây” của Gs Phạm Ngọc Hài; “Bằng Cấp” của Bất Tịnh Thiền Sư (là bút hiệu của Giáo sư Nguyễn Văn Trường, cựu Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục thời VNCH); “Căn Nhà Của Diệu” và “Tuổi Hạc” (2 bài) thơ của Gs Trần Nhất Hoan; “Quê Nghèo” và “Tình Quê” (2 bài) thơ của Gs Phong Đăng; “Trong Phòng Thí Nghiệm” thơ của Gs Nguyễn Đình Nh.
3/ “Xa hơn Cửa Lớp Sân Trường“, mục này gồm những bài biên khảo như:
– “Trường Thi Bình Định” của Đào Đức Chương. Tòa Soạn đã viết “Nhờ các bài viết như của anh mà chúng tôi tự tin quyết định mở trang ‘Xa hơn Cửa Lớp Sân Trường’ để đưa nội dung tờ báo đi xa hơn một chút, lên cao hơn một chút (Nói với nhau, trang 444).
– “Đọc Sách Cổ” của Tiểu Đăng, tác giả chia sách cổ làm bốn nhóm: Những tác phẩm lớn được phổ biến rộng, Những ngâm khúc, Những tác phẩm diễn ca lịch sử, Những truyện thơ.
– “Những Thi Nhân Đất Bình Định Thời Tiền Chiến (1932- 1945)” của Cù Minh Khánh; chép tiểu sử và trích thơ của Chế Lan Viên, Hồng Trung (tức Mộng Bình Sơn Phan Canh), Quách Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan, Hàn Mặc Tử.
– “Chuyện Xưa Sách Cũ: Nghĩa Sư Sinh, Tình Bằng Hữu” của Thái Tẩu; luận về giá trị đạo đức trong các sự tích cổ.
– “Tháp Chàm Bình Định” của Trần Nhâm Thân; giới thiệu Tháp Đôi, Bình Lâm, Bánh Ít, Thủ Thiện, Dương Long, Cánh Tiên, Phúc Lộc.
– “Ai Về Bình Định – Phú Yên” của Nguyễn Nhạn Sơn, luận bàn và so sánh hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
4/ “Góp Lại Tự Bốn Phương, Tung Ra Khắp Muôn Phương“, là vườn thơ muôn màu của 20 tác tác giả. Trong đó, bài Đường Lên K 18 của Kim 3, gợi nhớ những năm tù “cải tạo” đằng đẵng, héo hắt tuổi thanh xuân:
…Xa xa kìa dốc Bà Bơi
Còng lưng mang nặng nghe lời đắng cay!
Phải chăng ta chuỗi lưu đày,
Dốc cao cao mãi chân tay rã rời
Có lẽ đây đường lên trời
Hay là sạn đạo một thời xa xưa,
Đâu đây gà rừng gáy trưa
Giật mình còn ngỡ như vừa chiêm bao…
5/ “Đoạn Phim Ngày Cuối“, là tập album gồm 31 hình ảnh ngày cũ của Thầy trò Trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn.
6/ “Dư Âm Một Lần Họp Mặt“, gồm những bài viết nói lên những cảm nghĩ về tình bạn, tình thầy trò trong ngày Đại Hội lần đầu trên xứ người, bao bao năm xa cách.
7/ “Trường Cường Để Nữ Trung Học Và Tôi” gồm những trang hồi ký của Huỳnh Thị Kim Oanh, Võ Thị Lan, Mỵ La & Chí, N.T.Ca Nguyễn Thị Kiều, Ánh Xưa, Hà Quế Linh.
8/ “Một Chút Cho Thế Hệ Thứ Hai”, tiết mục này gồm những lời tâm tình nhắn gửi đến thế hệ thứ hai qua các bài viết của Phạm Thị Quang Ninh, Nguyễn Mạnh An Dân và Vu Quynh.
9/ “Sáng Tác Văn Học“, gồm những truyện ngắn, tùy bút của Cửu Duệ, Thu- Kristiansand, Nguyễn Kim Kiều, Kiều Lam, Thái Hóa Lộc, Nguyễn An Phong, Nguyễn Đắc, Trần Quán Niệm và Trần Hoài Thư.
Phần cuối Đặc San, ghi Địa chỉ của Thầy Cô và Cựu Học Sinh Cường Để, năm 1998 vỏn vẹn 10 trang, chỉ trong vòng một năm, tăng lên 32 trang. Và tập Đặc San cũng tăng, từ 355 trang (năm trước) lên 455 trang (năm sau).
III – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2000
H 3: Hình bìa Đặc San 2000.
Đặc San năm Thứ Ba hình thành với chủ đề “Gõ Cửa Thời Gian“, ngoài những cây bút cũ, còn có thêm một số tác giả mới tham gia, gồm: Carolyn Đỗ, Đặng Đức Bích, Đèo Văn Hôm, Đinh Kim Liên, Đông Nguyễn, Đỗ Kim Nhung, Đỗ Ngọc Ánh, Hoàng Duy Lê Văn Ba, Hoàng Dung, Hoàng Nguyễn, Hồ Đắc A Trang, Hồng Huy, Huy Lực Bùi Tiên Khôi, Lê Yên Dung, LL & TTT, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Thu Anh, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Mỹ Nữ, Nguyễn Xuân Quang, Người Họ Đỗ, Phan Thành Tri, Nguyễn Hùng, Nguyễn Phước, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Ánh Mai, Phạm Quỳ, PH. B, Phan Tưởng Niệm, Sang Hồng, Thư Trang, Tôn Thất Long, Tôn Thất Ngạc, Trần Đình Sơn, Trần Đình Tòng, Tricia Thảo Nguyên, TT Cẩm Hoàng, Từ Lê Ngô, Vũ Quốc Oai, 13.12.
Mở đầu cho Đặc San 2000, Tòa Soạn dành 4 trang nói về cơ cấu tổ chức Hội Gia Đình Cựu Học Sinh CĐ & NTH Qui Nhơn, trình bày các tiết mục của Đặc San và đề cập đến chủ trương của tờ báo: “Tạo dựng một diễn đàn chung cho tất cả quý thầy cô và anh chị em để gợi nhắc kỷ niệm, vinh danh tình bằng hữu nghĩa thầy trò, thắt chặt tình thân ái giữa những đứa con cùng xuất thân dưới một mái trường mẹ và xây dựng thế hệ tương lai. Trong tinh thần đó, ngoài những nội dung thường có, ĐS CĐ & NTH kỳ này giới thiệu: Những Đứa Con Ngày Cũ Và Đàn Cháu Tương Lai.”
Tiếp đến là Bức thư ngỏ của thầy Hiệu Trưởng Tôn Thất Ngạc, có đoạn: “Thương về mái trường xưa yêu dấu, nơi mà tôi đã từng chung sống với các bạn đồng nghiệp, cùng với những học sinh thân mến trong bảy năm dài.”
Đặc San 2000, bài vở phong phú và đa dạng về nội dung, nên tiết mục có vài thay đổi và phát sinh:
1/ “Trường Cũ Thầy Xưa“, trong tập này được đổi thành “Thầy Cũ Bạn Xưa“, gồm những bài viết: “Thầy Chúng Tôi” của Phan Thành Tri, lần lượt giới thiệu thầy Hiệu Trưởng Đinh Thành Chương, thầy Hiệu Trưởng Tôn Thất Ngạc, thầy Nguyễn Đăng Liên, thầy Phạm Ngọc Quan, thầy Võ Ái Ngự, thầy Nguyễn Hữu Quyến, thầy Võ Văn Đệ. Bài “Thầy Tôi” của Huỳnh Thị Kim Oanh; “Tản Mạn Về Thầy Xưa Trường Cũ” Nguyễn Mạnh Súy; “Còn Một Chút Gì Để Nhớ” Nguyễn Kim Kiều; “Tưởng Nhớ Hà Vinh, Đặng Trung Đức, Quách Giám” của Hoàng Nguyễn; “Thầy Trò” của Nguyễn Nhạn Sơn.
Năm bài trên là những trang hồi ký, gợi nhớ lại chuỗi ngày dưới mái học đường, và giờ đây tình cũ nghĩa xưa giữa thầy trò và bè bạn vẫn còn mãi mãi trong tim.
2/ “Một Chỗ Dành Riêng“, lần này có đến 4 bài văn: “Kể Chuyện Về Trường Cũ” của Gs Vũ Đức Oai; “Houston Và Hậu Nữ Trung Học” của Gs Vương Thúy Nga; “Nhìn Lại Một Đoạn Đường” của Gs Phan Lục Tú; “Gió Cuốn Mây Trôi” của Gs Phạm Ngọc Hài.
Và 5 bài thơ: “Hoàng Thành Xưa Đôi Mắt Cũ” của Gs Phong Đăng; “Qui Nhơn Trong Lịch Sử” của Gs Hoàng Duy Lê Văn Ba; “Tự Trào” của Gs Ph. B; “Dấu Phương Xa” và “Khai Bút Sáu Ba” của Gs Trần Nhất Hoan.
3/ “Đoạn Phim Ngày Cũ” là tập album có 18 tấm hình cũ. Trang đầu của tiết mục này đăng tấm hình chụp tất cả Giáo Sư, Ban Giám Đốc và Nhân Viên văn phòng trường Cường Để niên khóa 1961- 1962. Tòa soạn giáo đầu bằng đoản khúc “Tâm Thư Cho Thầy” của Việt Thao:
Mang ơn từ lớp vỡ lòng
Nắm tay con viết những bông mực nhòe
Giảng đường lời ấm tiếng loa
Dạy con kiến thức, dặn ra giúp đời.
4/ “Xa Hơn Cửa Lớp Sân Trường” có bài “Giọng Bình Định” của Đào Đức Chương; và bài “Hòa Tấu Khúc Côn Giang” của Đông Nguyên. Nếu bài “Giọng Bình Định” tìm hiểu về giọng nói của người “Xứ Nẫu” từ thổ ngữ, thổ âm, lối nói, nguồn gốc, đặc điểm và tầm ảnh hưởng; thì bài “Hòa Tấu Khúc Côn Giang” giới thiệu tổng quát về xứ sở và con người Bình Định.
5/ “Góp Lại Tự Bốn Phương, Tung Ra Khắp Muôn Phương“, tập họp 24 bài thơ của 23 tác giả: Đặng Đức Bích, Nguyễn Văn Tịnh Chí, Đắc Đăng, Nguyễn Công Hoàng, Nguyễn Hùng, Từ Lê Ngô (2 bài), Cù Minh Khánh, Nguyên Lương, Mang Đức Long, Tôn Thất Long, Lam Nguyên, Nguyễn Văn Ngọc, Phan Tưởng Niệm, Trần Quán Niệm, Trần Đức Trung, Thái Tầu, Việt Thao, Trần Hoài Thư, Thư trang, Liên Tâm, Vĩnh Tuấn, Ngu Yên, Thiên Hương.
Mỗi bài thơ đều có nét duyên dáng riêng, gợi nhớ mái trường xưa, gợi nhớ đời quân ngũ hào hùng …Và bài “Bóng Xế Chân Tường” của Nguyên Lương, làm gợi nhớ đường quê ngày xưa thân ái:
Bóng mát sân đình, tường vôi trắng
Trường làng ngợp nắng tuổi thơ xa
Con đường về ngoại qua truông vắng
Hái trái chim chim đỏ làm quà
…
Đã sống trên quê ngày tuổi dại
Ngọt mềm môi trẻ trái chim chim
Trường cũ sân đình nay thiếu nắng
Tường vôi rêu phủ kín im lìm.
6/ “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai“, đây là một sáng kiến của của Tòa soạn, kể từ Đặc San năm 2000, có tiết mục vinh danh các cựu học sinh hoặc con cháu của họ đạt thành tích xuất sắc nơi Hải Ngoại.
– Với cựu học sinh, có các bạn: “Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Đình Sơn” tốt nghiệp ngành Lý hóa; “Kinh Kha Bất Khuất Đèo Văn Hôm” người tù kiệt xuất; “Giáo Sư Tiến Sĩ, Nhà Thơ Huy Lực – Bùi Tiên Khôi” là Giáo sư Cố vấn Đại Học Cộng Đồng Houston.
– Với thế hệ thứ hai, có cháu “Trần Lê Hoài Hương” được bầu Hawthorne’s Young of The Year 1997, và tiếp đó Hoài Hương đạt giải California Junios’s Miss 1997. Cháu “Phạm Quốc Hoàng” người Việt Nam độc nhất được chọn làm Học Giả của Tổng Thống Hoa Kỳ (Presidential Scholar) trong năm 1991, lúc cháu 16 tuổi. Cháu “Nguyễn Hiền Vian” thủ khoa tại M.E DeBakey High School for Health Professions, Houston ISD niên khóa 1998- 1999.
7/ “Ngày Đó Chúng Mình” ắp đầy kỷ niệm dưới mái trường xưa, qua các bài: “Một Năm Cường Để” của Nguyễn Anh Tuấn; “Chút Kỷ Niệm Xưa” của T.T Cầm Hoa; “Người Bạn Cũ & Mắm Cua Chua” của Huy Lực Bùi Tiên Khôi; “Kỷ Niệm Khó Quên” của tác giả có bút hiệu là 13- 12; “Những Khuôn Mặt Cường Để Khó Quên” của Hà Quế Linh; “N.T.H Qui Nhơn – Nhớ Mãi” của Nguyễn Thị Thu Anh; “Trường Cường Để & Những Kỷ Niệm” của Đèo Văn Hôm; “Mái Trường Cũ, Kỷ Niệm Xanh” của Đỗ Kim Nhung, “Ký Vãng” của Người Họ Đỗ.
8/ “Đoạn Phim Ngày Cũ” tập album gồm 55 hình ảnh trước năm 1975, của hai trường: Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn. Xưa nhất và gợi nhớ nhiều kỷ niệm nhất là hai tấm ảnh chụp tại Trường Cường Để cũ. Hình 1: Hiệu Trưởng, Giáo sư, Nhân viên và toàn thể học sinh đứng trước dãy nhà ngói. Hình 2: Hiệu Trưởng, Ban Giảng huấn và Nhân viên chụp trước Văn phòng Trường Cường Để cũ.
9/ Mục “Cho Người Đọc Trẻ” có bài “Về Nguồn” của Gs Nguyễn Văn Trường & Hồ Đắc A Trang; rồi được chuyển ra Anh ngữ là “Returning Home” dịch bởi Trica Thao Nguyễn. Bài “Liêm Pha – Lạn Tương Như Và Những Bài Học Rất Cũ” của Nguyễn Mạnh An Dân, kể chuyện hai nhân vật lịch sử nước Triệu vào thời Chiến Quốc; cũng được dịch ra Anh ngữ là “Liem Pha – Tuong Nhu The Ancient Lessons” bởi Hoang Dung.
10/ “Những Đóa Hoa Khác Màu” gồm những nhận định, những chính luận, những phiếm luận, như bài: “Đem Tâm Tình Của Người Thầy Thuốc Nghe Trường Ca Hàn Mặc Tử Của Phạm Duy” của Nguyễn Xuân Quang; “Nghĩ Vu Vơ” của Phạm Thị Quang Ninh; “Hai Lối Sống Một Con Đường” của Đinh Kim Liên; “Thư Gởi Bạn Xưa” của Nguyễn Thị Phương Dung; “Lang Mang Về Cây Si” của LL & TTH; “Lá Thư Đến Muộn” của Tôn Thất Long; “Tạp Ghi Của Người Em Út” của Đỗ Ngọc Ánh.
11/ “Sáng Tác Văn Nghệ” gồm những truyện ngắn, tùy bút, ký sự như bài “Cát Bụi” của Phan Ngọc Tuấn; “Tắt Rồi Giọng Hát Xưa” Nguyễn Mỹ Nữ; “Vĩnh Biệt Anh Yêu” của Lê Yên Dung; “Qua Đi Nỗi Buồn” của Nguyễn Kim Kiều; “Mối Tình Câm” của Sang Hồng; “Một Cõi Đi Về” của Huỳnh Thị Kim Oanh; “Như Những Cánh Bèo” của Carolyn Hồng Đỗ; “Ra Đi” của Trần Đình Tòng; “Ngàn Thu Áo Tím” của Ánh Xưa.
12/ Mục “Ca Khúc” gồm những bài hát “Mai Trên Đường Về” ý thơ của Phạm Ánh Mai, nhạc của Phạm Quỳ; “Bài Ca Ước Mong” nhạc và lời của Đắc Đăng; “Như Mối Tình Đầu” nhạc và lời của Nguyễn Phước.
Cuối tập Đặc San là Danh sách Địa chỉ Gia Đình Cường Để và Nữ Trung Học, cập nhật đến năm 2000, lên đến 40 trang, tăng 8 trang.
IV – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2001
H 4: Hình bìa Đặc San 2001.
Bức thư Tòa Soạn, trong đoạn kết, viết: “Bốn năm đã trôi qua, tiếng chim gọi đàn đã có nhiều người nghe. Đóm lửa nhỏ rụt rè nhem nhúm lúc đầu đã có dấu hiệu bùng sáng, ấm áp. Tình thân ái, lòng tin cậy và nhiệt tình chung của Thầy trò Cường Để & Nữ Trung Học, chúng ta đã làm nên được những thành quả tinh thần đáng tự hào này.” Để đúng với ý nghĩa này, chủ đề của Đặc San năm Thứ Tư mang dáng dấp của “Những Dòng Sông Hội Ngộ“, qua các tiết mục:
1/ “Trường Cũ, Thầy Bạn Xưa” gồm các bài: “Cường Để – Thân Thế & Sự Nghiệp” của Cù Minh Khánh; “Thầy Chúng Tôi“ của Phan Thành Tri; “Trường Xưa Bạn Cũ” của Thư Trang; “Hội Ngộ Thầy Cũ Trên Đất Khách” của Bảo Lâm; “Cường Để Năm Nào” của Nguyễn Cửu Phi Long.
2/ “Một chỗ dành riêng” lần này vượt kỷ lục về số tác phẩm của các Thầy Cô.
Về văn có: “Hội Ngộ Tại Houston” của Gs Lê Tú Vinh; “Còn Có Điều Chưa Nói” của Gs Vương Thúy Nga; “Tôi Là Ai” của Gs Nguyễn Đức Giang; “Tám Khùng” của Gs Nguyễn Mộng Giác; “Đi Tìm Hạnh Phúc” của Gs Hồ Đắc A Trang & Gs Nguyễn Văn Trường; “Độ Rày Anh Lầm Than” của Gs Phạm Ngọc Hài; “Viết Ngắn Về Cường Để” của Gs Nguyễn Hoàng Sanh; “Qui Nhơn, Nơi Chốn Yêu Dấu” bà Nhất Hồng; “Chuyện Tình Buồn” của Gs Hoàng Thể Diệm.
Về thơ có: “Cổ Máy Chiều Cuối Năm” của Gs Phong Đăng; “Hoài Vọng” của Gs Trần Nhất Hoan; “Thầy Trò Hội Ngộ” của Gs Lê Tú Vinh.
3/ “Dư Âm Một Lần Họp Mặt“, mục này có các bài: “Houston – Qui Nhơn – Tôi Và Thoáng Hương Xưa” của Nguyễn Anh Tuấn; “Dư Âm Một Chuyến Về Houston Phó Hội” của QN/OKC; “Qua Từng Trang Giấy” của Lê Thị Ngọc Yến; “Qui Nhơn, Thơ Ngây Kỷ Niệm” của Phan Tưởng Niệm; “Nhìn Lại” của Phương Hoa; “Tôi Đã Đến” của Kim Liên.
4/ “Góp Lại Tự Bốn Phương, Tung Ra khắp Muôn Phương” mục này bao giờ cũng đông đảo nhất, gồm 25 tác giả: Bùi Văn Luông, Đèo Văn Hôm, Đỗ Thị Thu Ba, Đặng Đức Bích, Đông Triều, Hoàng Vũ, Lam Nguyên, Mang Đức Long, Ngu Yên, Nguyên Triết, Nguyễn Công Hoàng, Nguyên Lương, Nguyễn Văn Tịnh Chí, Phạm Nam Quân, Phan Tưởng Niệm, T.T Cẩm Hoa, Thái Tẩu, Trần Hoài Thư, Trần Trí Năng, Từ Lê Ngô, Tuyết Đào, Việt Thao, Vũ Ngọc Uyển, Cù Minh Khánh, Vĩnh Tuấn (2 bài).
Trăm hoa đua nở, bài nào cũng hay, vần thơ nào cũng thắm, thử đọc một đoạn trong bài “Nhớ” của Đèo Văn Hôm:
Đây núi rừng hoang vắng,
Tôi chắp cánh hoa dù,
Rẽ những làn mây trắng,
Đáp nhẹ xuống biên khu.
…
Thân trai đời biệt kích,
Âm thầm trong bóng đêm,
Tung hoành trong lòng địch,
Mấy ai nào biết tên…
5/ “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai“, kỳ báo này, Tòa soạn giới thiệu 1 cựu học sinh Cường Để, qua bài “Sự Thành Công Của Thanh Thiếu Niên Việt Nam Tại Đại Học Hoa Kỳ”, đề cập đến Huy Lực Bùi Tiên Khôi, một tấm gương “Truyền Thống Hiếu Học Của Người Việt Nam”. Với thế hệ thứ hai, kỳ báo này, vinh danh 2 em: Nguyễn Công Hưng, thủ khoa trẻ tuổi với số điểm GPA là 5.50384 và được xếp hạng 1/757 học sinh lớp 12; và Trần Kinh Quốc, nhà hùng biện kiệt xuất, người con ngoan, người em tốt của gia đình.
6/ “Xa Hơn Cửa Lớp Sân Trường“, đây là những bài biên khảo, nghiên cứu văn học, gồm 4 tác phẩm: “Làng Tiến Sĩ” của Đào Đức Chương, viết về Mộ Trạch, một làng quê nhỏ bé thuộc tỉnh Hải Dương, sản sinh ra 35 vị Tiến sĩ; bài “Vì Ai Hoa Nở” của Hồng Huy bàn về giá trị thi ca; bài “Nỗi Nhớ Quê Trong Thơ Nguyễn Du” của Nguyễn Mạnh Súy, đem câu thơ Nguyễn Du vào đoạn kết “Xuân hà tằng đáo dị hương nhân”; bài “Nói Một Tị Về Anh Học Trò Bình Định” của Thái Tẩu, điểm qua phong thái của sĩ tử Bình Định.
7/ “Ngày Đó Chúng Mình” với tiết mục này càng thấy nhớ Trường da diết, khi đọc các trang hồi ký dưới đây: Bài “Điều Còn Nhớ Được” của Sơn Cao nhắc đến Đội Bóng Tròn và Bóng Chuyền của Trường Cường Để. Bài “Bóng Tròn Cường Để Và Tôi” của Nguyễn Văn Gia Phong, quay lại cuốn phim hoạt động của Đội Bóng Tròn Cường Để. Bài “Nhìn Lại Một Thời Văn Nghệ” của Đắc Đăng làm sống lại một thời giọng hát lời ca của những nghệ sĩ mầm non duới mái Trường xưa. Ngoài ra còn có các bài: “Hai Người Cũ, Hai Chuyến Đi” của Bùi Đăng Khoa; “Cô Tôi, Thầy Tôi và Dĩ Vãng” của tác giả Không Tên; “Qui Nhơn Ngày Xưa Và Nỗi Nhớ” của Carolyn Hồng Đỗ; “Dấu Ấn Thời Gian” của Đặng Trần Thông; “Cường Để – Ngày Thơ – Tình Thơ” của Kim Anh Võ.
8/ Mục “Cho Người Viết và Đọc Trẻ” có bài “To My Loving Sister” thơ của Vũ Quyên Trần. Có Nguyễn Mạnh An Dân viết bài “To Tát Và Nhỏ Nhoi”, được Trinh Huynh dịch sang Anh ngữ, với tên mới là “Greater Than & Lesser Than”
9/ “Sáng Tác Văn nghệ“, gồm các tác phẩm: “Cái Giậu Mồng Tơi” của Phạm Thị Quang Ninh, trang hồi ký về cái tuổi học trò. Bài “Đời Ơi! Tôi Khóc” tùy bút của Huỳnh Thị Kim Oanh, diễn tả tâm trạng thăm nuôi chồng ở trại tù “cải tạo” tận miền núi tỉnh Lạng Sơn. Bài “Bánh Tráng Thơ” dẫn nhập bằng những vần thơ mang màu triết lý “…Ăn phở tán gẫu văn thơ, Phở ngon xin hỏi bao giờ thơ hay. Trả lời phở chưa đủ cay, Nên thơ chưa đủ nồng say thành lời. Pha thêm tiêu ớt vào đời, Thơ cay xé họng tuyệt vời tuôn ra...” Bài “Những Quảng Đời Đã Qua” của Peace Nguyen, lời tự sự của tác giả bi hùng quá, não nề quá, cô đọng trong vần thơ của Nguyễn Hữu Nhật “Đường xa nón lá bung vành, Thương em lả ngọn rau xanh bờ rào. Em về bước thấp bước cao, Nước mưa, nước mắt lẫn vào nước non.” Ngoài ra còn có “Bài Cho Anh Từ Một Người Trẻ Tuổi” của Như Đức, cảm nghĩ về người lính Việt Nam Cộng Hòa; “Qui Nhơn Ngày Tàn Cuộc Chiến” của Hà Quế Linh.
Riêng bài “Chuyện Tình Buồn” của Gs Hoàng Thể Diệm, chúng tôi đã chuyển vào mục “Một Chỗ Dành Riêng” cho các Thầy cô.
10/ “Nói Với Nhau“, mục này dễ thương quá, những lời tâm tình của Tòa Soạn gửi cho người viết, cả người đọc.
V – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2002
H 5: Hình bìa Đặc San 2002.
Bức thư ngỏ của Tòa Soạn có đoạn:
“Năm năm đã trôi qua, thời gian không dài nhưng cũng đủ để chứng minh nỗ lực của một tập thể, đủ làm sáng tỏ hướng đi của một tổ chức. Niềm vui tinh thần có từ những thành quả khiêm tốn đạt được khá nhiều, nhưng những muộn phiền, bất toại cũng không phải ít. Dẫu sao, từ những ngày đầu khi quyết định nhận lãnh trách nhiệm mà quý Thầy Cô và Anh Chị Em đã tin cậy và ủy thác, chúng tôi tự biết có nhiều khó khăn và đã tự hứa với chính mình, tự hứa với nhau sẽ làm tất cả những gì có thể làm vì Trường cũ, Thầy bạn xưa.”
Đặc San năm Thứ 5, các đề mục đã đi vào nền nếp, với chủ đề “Đàn Chim Tha Phương” mãi mãi mang theo linh hồn của mái trường ngày cũ:
1/ “Tình Quê Nỗi Nhớ” là tên tiết mục mà chúng tôi (người viết bài này) tạm đặt. Trong đó, gồm những bài xoáy sâu vào tình cảm và nỗi nhớ cố hương. Giáo đầu là vần thơ của Nguyễn Thị Vịnh:
Bây giờ mỏi bước chân đời
Đi đâu cũng chỉ nhớ trời một phương
Cánh hoa gạo đỏ bên đường
Nhớ nhà rưng rức hồn nương mây về.
(Quê Hương Trong Trái Tim Tôi)
Tiếp theo là các bài văn: “Qui Nhơn Trong Ký Ức” của Bùi Đăng Khoa; “Ngậm Ngùi” của 13- 12; “Quê Hương Và Nỗi Nhớ” của NTCA Nguyễn Thị Kiều; “Qui Nhơn Và Tôi” của TT Cẩm Hoa; “Chùa Ông Núi” của Huy Lực Bùi Tiên Khôi.
2/ “Một Chỗ Dành Riêng” gồm các bài: “Trẻ Thơ Và Người Lớn” của Gs Vương Thúy Nga; “Chị Tôi Tuổi Ngọ” của Gs Cảm Biến; “Người Kế Mẫu” của Gs Hồ Đắc A Trang và Gs Nguyễn Văn Trường; “Atlanta” (Gone With The Wind) thơ của Gs Phong Đăng; “Những Đoạn Rời Nơi Thành Phố Cũ” thơ của Gs Trần Nhất Hoan.
3/ “Dư Âm Một Lần Họp Mặt“, ngày xưa chúng ta có Mùa tựu trường, nay chúng ta có Ngày họp mặt. Rủ nhau về Houston, cũng rộn rã tiếng cười, ríu rít lời thăm hỏi. Những hình ảnh đó được ghi lại trong các bài: “Lời Tâm Tình Mộc Mạc” của Novan Phạm (Phạm Văn Nộ); “Cho Ngày 30 Tháng 6” của Đinh Kim Liên; “Hoàng Hôn Đâu Đây” của Huỳnh Thị Kim Oanh; “Tiếng Vọng Từ Trời Âu” của Nguyệt San Viên Giác (Germany).
4/ “Góp Lại Từ Bốn Phương, Tung Ra Khắp Muôn Phương“, vườn thơ văn nghệ lúc nào cũng sum sê, tươi mát, với các đóa hoa: Cao Thế Định, Đỗ Thị Thu Ba, Đặng Đức Bích, Đèo Văn Hôm, Đông Triều, Hà Quế Linh, Hoàng Vũ, Lê Nguyên Phương, Lệ Cúc, Mang Đức Long, My, N.Đ.C, Nguyên Lương, Ngô Ngọc Minh, Nguyễn Văn Tịnh Chí, Ngu Yên, Nguyên Triết, Phan Tưởng Niệm, Phạm Nam Quân, Trần Bình An, Thái Tẩu, Thư Trang, Tuyết Đào, Từ Lê Ngô, TLN, Võ Ngọc Uyển, Vĩnh Tuấn. Rất tiếc, vì khuôn khổ trang báo, không thể giới thiệu hết những áng thơ hay. Chỉ đơn cử một đoạn trong bài “Mùa Xuân Vàng Áo Em Bay” của Đỗ Thị Thu Ba:
Cho tôi lứa tuổi học trò,
Để nghe em giảng những giờ văn chương.
Tiếng em hòa tiếng quê hương,
Buồn vui theo những chặng đường đấu tranh.
5/ “Cường Để – Những Xôn Xao Ngày Cũ“, Tòa Soạn đã viết: “Trong nỗ lực gợi lại những kỷ niệm đáng nhớ của một thời không thể quên về một quảng đời, một khung trời đã có, đã mất. Đặc San CĐ – NTH đã lần lượt giới thiệu nhiều bài viết về báo chí, văn nghệ, thể thao trong suốt các số báo đã phát hành.” Và trong số này, có các bài: “Vài Nét Về Đội Bóng Chuyền Cường Để” của Đèo Văn Hôm; “Nhớ Mãi Trận Banh Ngày Ấy” của Nguyễn Văn Gia Phong; “Lật Trang Báo Cũ” của Ban Ban Chí.
6/ “Xa Hơn Cửa Lớp Sân Trường“, gồm các bài biên khảo: “Nền Hán Học Và Khoa Cử” của Đào Đức Chương, lược qua tổ chức giáo dục thời Hán học, chương trình giáo khoa từ sơ học đến trên bậc đại học, và thể lệ thi cử các cấp. “Nobel Văn Học 2001” của Hồng Huy, đề cập đến nhà văn Vidiadhar Surajprasad Naipaul, gốc Ấn Độ, sinh quán ở đảo Trinidad của Venezuela, và mang quốc tịch Anh. “Hệ Thống Giáo Dục Tại Đức” của Lê Ngọc Châu, trình bày cách tổ chức giáo dục hiện hành tại Đức Quốc.
7/ “Những Dòng Sông Hội Ngộ” và “Cảnh Cũ Người Xưa” là 2 tập album của Đặc San 2002. Tập trước gồm những hình ảnh thầy trò, bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng trong ngày Đại Hội. Tập sau là những ảnh cũ chứa bao kỷ niệm dưới mái trường Cường Để trước năm 1975.
8/ “Viết Cho Người Đọc Trẻ“, mục này gồm những bài viết dành cho thế hệ thứ hai, gồm các bài: “Back To The Roots” của T. Mỹ Dung là một sinh viên Đức, gốc Việt; và được chuyển ngữ mang tên “Trở Về Nguồn Cội” do An Dân Nguyễn phỏng dịch. Bài “Việt Nam – Canada – Nước Mỹ” viết bởi Orchid Nguyễn là sinh viên năm thứ 3, Đại học UCR.
9/ “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai“, giới thiệu “Cựu Học Sinh Trần Trí Năng” người ở thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn), học Trường Cường Để từ 1960- 1967, du học ở Nhật, sang Mỹ dạy Đại Học. “Cựu Học Sinh Huỳnh Văn Thiệu” ở Qui Nhơn, học Trường Cường Để từ 1957- 1964, du học ở Canada, tốt nghiệp Tiến sĩ, gia nhập AECL. Thế hệ thứ hai có “Cháu Đào Việt Thi” người làng Vinh Thạnh (huyện Tuy Phước), cha mẹ đều là cựu học sinh Cường Để; cháu tốt nghiệp Computer Science trường UC Berkeley (CA), trúng giải Hoa Hậu Áo Dài năm 2002 Miền Bắc California, tổ chức tại San Jose.
10/ “Sáng Tác Văn Nghệ“, đông đảo cây bút tham gia, gồm các tác phẩm: “Biển Quên, Biển Nhớ” của Phạm Thị Quang Ninh; “Ngày Đó… Có Thầy” tác giả Không Tên; “Người Mất Dạy” của Thanh Hư; “Bạn Bè” của Nguyễn Mỹ Nữ; “Chuyện Trời Biết” của QN/OKC; “Hai Người Vợ” của Phan Thành Tri; “Màu Thời Gian” của Carolyn Đỗ, giáo đầu bằng hai câu thơ đượm màu triết lý: “Bây giờ ta chẳng còn ta, Đã tiêu dáng cũ, đã nhòa hình xưa”; bài “Mông Lung Hoài Niệm” của Vĩnh Yên; “Tình Yêu! Rằng Thì Là Gì?” của Đắc Đăng & Thu Ba; “Từng Giọt Ngậm Ngùi” của Phan Tưởng Niệm; “Tình Đầu” của Cù Hòa Phong; “Trúc Xinh Trúc Mọc Đầu Đình, Em Xinh Em Đứng Một Mình Cũng Xinh” của Nguyễn Xuân Quang; “Đẹp Làm Đẹp Cái Đẹp” của Ngu Yên.
11/ Về “Ca khúc” đầu tiên có bản: “Xin Mắt Lệ Thôi Rơi Trên Quê Hương” nhạc và lời của NĐC, lời ca thống thiết: “Ôi! Sầu xa xứ không ai không buồn, Xa lìa quê cũ như sông xa nguồn, Tôi thầm mong muốn quê hương thôi rạc rày, Dân tộc tôi nay nuốt quá nhiều sầu cay.” Tiếp đến có bản “Anh Về Lại” thơ của Nguyên Lương, nhạc của Nguyễn. Bản “Hạ Xưa” thơ của Cù Hòa Phong, do Đắc Đăng phổ nhạc. Bản “Lung Linh Giọt Lệ” nhạc và lời của Xuân Điềm. Bản “Tiếng Trống Trường Xưa” nhạc và lời của Đông Triều.
12/ “Nói Với Nhau” mặc dù Tòa Soạn rất bận nhưng vẫn dành 12 trang cho mục này: nối kết thân tình giữa Ban Biên Tập với tác giả góp bài, và với các bạn đọc.
VI – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2003
H 6: Hình bìa Đặc San 2003
Bức thư Tòa Soạn, đoạn kết đã viết: “Qua năm thứ Sáu, dường như thời gian và những vướng bận cuộc sống có làm thể chất của chúng ta ít nhiều hao mòn, có làm cho tâm hồn của chúng ta đôi khi thấy mệt mỏi. Tuy nhiên ngày nào chúng ta còn nghĩ về nhau và còn có nhau, chúng ta sẽ làm được điều vì nhau, cho nhau. Việc gì ‘tôi’ không làm được, ‘chúng tôi’ không làm được, ‘chúng ta’ nhất định sẽ làm được.”
Và chúng ta đã làm được, Đặc San năm Thứ Sáu mang chủ đề “Thoáng Hương Xưa“, trình làng với nhiều bài vở khởi sắc và thêm gây mùi nhớ:
1/ “Phố Nhỏ Trường Xưa – Thầy Bạn Cũ” có bài: “Nhớ Ơn Thầy Cô” của Ngô Ngọc Minh gửi từ quê nhà, lời lẽ chân tình biết ơn công lao giảng dạy của Thầy Cô. Bài “Cảm Nghĩ Về Một Bài Thơ Trong Ngôi Mộ Cổ” của Thư Trang, luận cổ suy kim vai trò của người thầy giáo. Tiếp theo là những bài viết cũng đầy ắp kỷ niệm, tình cảm thắm thiết không kém, gồm các bài “Xóm Cộng Hòa” của Bùi Đăng Khoa; “Kỷ Niệm Một Lần Họp Mặt” của Nguyên Lương; “Tản Mạn Một Chuyến Về Thăm Quê Hương” của Cao Thế Định; “Đâu Rồi Kỷ Niệm Xưa” của Lê Ngọc Châu; “Kỷ Niệm Chợt Về” của Tô Hưng Thạnh; “Nỗi Lòng Khó Quên” của Nguyễn Thanh Sơn; “Tiễn Anh” của Huỳnh Thị Kim Oanh; “Bình Hoa” của Đinh Kim Liên.
Có một bài viết khác, đáng nói hơn hết, lần này không phải là của học sinh viết cho Thầy, mà lại là Thầy viết cho trò, qua bài “Thư Viết Từ Một Bài Luận Cũ” của Thầy Nguyễn Đức Giang. Tòa Soạn viết lời giới thiệu: “Bài viết sau đây là một bức thư riêng của Thầy Nguyễn Đức Giang gửi cựu học sinh Đào Đức Chương. Mặc dù bức thư riêng, nhưng ý nghĩ cảm động của nó chắc chắn làm tất cả chúng ta bồi hồi xao xuyến về tình nghĩa thầy trò tuyệt vời tưởng như chỉ có trong hư cấu tiểu thuyết. Chúng tôi xin phép Thầy được giới thiệu bài viết này như một kỷ niệm chung và xin được chọn cho nó đề tựa ‘Thư Viết Từ Một Bài Luận cũ’.”
2/ “Một Chỗ Dành Riêng” gồm 8 bài viết của Thầy Cô: “Nhớ Thương Cường Để” thơ của Người Thầy Cũ; “Gửi Bạn Ta” thơ của Gs Cựu Hiệu Trưởng: Tu Sĩ An Trụ; “Gọi Tên Một Dòng Sông” thơ của Gs Phong Đăng; “Sợi Tóc Nửa Chiều” thơ của Gs Trần Nhất Hoan; “Cầu Siêu Cho Một Người Có Đạo” của Gs Nguyễn Đức Giang, có thể nói đây là trang hồi ký, kể lại cuộc đời nhà giáo, với những kỷ niệm lý thú mà Thầy đã trải qua. Sau cùng là bài của Gs Nguyễn Văn Trường, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục, viết đề tài “Hạnh Phúc Gia Đình” và ký tên Hồ Đắc Trang A Nguyễn Văn Trường.
3/ Mục “Góp Lại Từ Bốn Phương Tung Ra Khắp Muôn Phương“, gồm nhiều và rất nhiều thơ của các tác giả: Bùi Kim Lan, Bùi Văn Luông, Đặng Đức Bích, Đỗ Thị Thu Ba, Hoàng Vũ, Học Xuyên, Lệ Cúc, Lê Dũng, Lan Cao, Mang Đức Long, Nguyễn Hiền Thanh, Nguyễn Công Hoàng, Ngu Yên, Ngô Ngọc Minh, Nhật Hạnh, Phạm Nam Quân, Phan Tưởng Niệm, Sĩ Tâm, Tô Hưng Thạnh, Tuyết Đào, Tôn Thất Long, Trần An Bình, Thư Trang, Tôn Nữ Bảo Khanh, Thái Tẩu, Từ Lê Ngô, Việt Thao, Vĩnh Tuấn, Nguyễn Hữu Nhật.
Đọc xong bài thơ cuối, phải thành thật mà nói, ít nhiều gì, bài nào cũng có cái hay, cái rất thơ của nó. Tuy nhiên, bài mà gợi cho chúng tôi một chuỗi dài kỷ niệm, là bài “Lời Cho Con” của Học Xuyên, nơi trang 121: Nguyễn Văn Tịnh Chí và Nguyễn Văn Học Xuyên là bạn cùng lớp với tôi, suốt ba niên khóa (1955- 1958) dưới mái Trường Cường Để cũ. Nguyễn Văn Tường Phương (em của Chí và Xuyên), niên khóa 1962- 1963, là học sinh lớp Đệ Lục C Trường Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn, và người viết bài này, dạy lớp của Phương, 6 giờ Quốc văn mỗi tuần [1], nên biết nhiều về Em: học kỹ thuật mà lại giỏi văn chương. Xin thắp một nén hương lòng cho tử sĩ Nguyễn Văn Tường Phương, khi đọc đoạn thơ của Học Xuyên:
Rồi một mùa hè quê mình lửa đỏ,
Mây phủ đen trời Hoài Ân, Du Tự
Cầu Bồng Sơn chiều xôn xao tin dữ!
Chú Phương con đi biền biệt không về.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, định mệnh lại đưa đẩy gặp người nhà của Học Xuyên một lần nữa: Bác Cửu An (thân phụ của Học Xuyên) già yếu và người viết bài này cùng tù “cải tạo”, cùng một phòng ở Trại 1 Kim Sơn (còn gọi là K 18). Học Xuyên tả về tình trạng của cha:
Thương Ông Nội con tuổi trời héo hắt
Nơi rừng hoang còn mang kiếp tù đày!
Chưa hết, chúng tôi còn cảm thông nhau quảng đời đi kinh tế mới “Quê miền Trung, vào sống tận miền Nam”. Vâng, Học Xuyên ở miền đất rẫy Đồng Nai, còn tôi vào tận vùng cỏ tranh ở huyện Bình Long tỉnh Sông Bé, anh viết “Chiều đất rẫy, nhìn mưa buồn ảm đạm.”
Và đoạn kết, càng đi vào lòng người, Học Xuyên (còn ở trong nước) rót buồn vào thơ:
Ba bây giờ như đời gỗ mục,
Cũng mặc cho đời bụi phủ với thời gian…
Lớn lên con, lớn lên rồi con hiểu
Thế hệ của Ba tím ruột bầm gan!
4/ Với mục “Xa Hơn Cửa Lớp Sân Trường“, trong tập này có các bài: “Hội Thơ Không Hẹn Mà Gặp” của Đào Đức Chương; “Lo Cho Trương Kế” của Hồng Huy; “Đào Duy Từ, Người Vượt Tuyến Vào Nam Tìm Tự Do Đầu Tiên Trong Lịch Sử” của Hứa Hoành; “Chương Trình Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Em Khuyết Tật Tại Hoa Kỳ” của Nguyễn Cửu Phi Long.
5/ “Đàn Chim Tha Phương” là tập Album chứa 27 hình, mới có cũ có. Nhất là những hình chụp trước năm 1975, những lần Trường tham dự trại, tổ chức du ngoạn. Nay còn giữ được, quý vô cùng.
6/ “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai“, trong mục này Tòa Soạn giới thiệu lớp trẻ thuộc thế hệ thứ hai có: Cháu Nguyễn An Thanh với “Tương lai đầy hứa hẹn của một cháu bé 14 tuổi”, và cháu Võ Hoàng Chinh đạt “Thành tích dài của một học sinh 16 tuổi.” Với thế hệ thứ nhất, Tòa Soạn giới thiệu CHS Xuân Điềm và CHS Đắc Đăng hai “Khuôn mặt thân quen” của các bạn Cường Để.
7/ “Cho Người Viết và Đọc Trẻ” có các bài “Vietnammese Youngsters Today” của cháu Trần Tú Phương ở Đức; và nhà văn Ngô Trung Du đã dịch ra Việt ngữ với tựa đề “Tuổi Trẻ Việt Nam Hôm Nay”. Bài thơ “Mẹ” của Nguyễn Mạnh An Dân, kèm theo bài dịch có tựa đề là “Mother”, chuyển ngữ bởi Thành Phạm. Bài “Bình Định Trong Lòng Một Đứa Con Nhỏ” của Đào Việt Thi; bài “Tựu Trường” của Ngọc Tuyết. Ngoài ra có bài “Một Số Thành Ngữ, Tục Ngữ Thông Dụng” của Bút Chì, Tòa Soạn trích từ Nguyệt San Làng Văn (Canada).
8/ “Sáng Tác Văn Nghệ” mục này giống như mục “Thi ca”, cũng phong phú không kém, gồm các bài: “Ngày Tháng Qua Của Mẹ” cảm nghĩ rất thành thật từ đáy lòng của Carolyn Do đối với Mẹ hiền. “Lụa Cát Năm Xưa” truyện ngắn của Cù Hòa Phong, lấy không gian vùng cầu Tân An (Bình Định) làm bối cảnh. “Thương Ơi…Người Bạn Cũ” của Đặng Hữu Ái, dẫn nhập bằng câu thơ “Những thằng bạn một thời cắp sách, Tàn đao binh ai mất ai còn?”. Bài “Cái bong bóng heo” của Huỳnh Thị Kim Oanh, pha trộn giữa hồi ký và tùy bút, rất hay. “Quới Nhơn” của Không Tên. Và hai bài “Khi Hãy Còn Thở Được”, “Một Bước Ngoặc Và Tuổi Bốn Mươi” của Nguyễn Mỹ Nữ, chuyện có thật, tác giả đã kiên cường tìm lẽ sống trước hai căn bệnh cố hữu của mình. Ngoài ra còn nhiều sáng tác sinh động không kém như bài: “Có Những Giấc Mơ” của Phạm Thị Quang Ninh; “Vòng Tay Học Trò” của QN/OKC; “Quê Hương Của Con Đó Sao?” của Trần Thị Cẩm Hoa; “Tình Câm” của Thanh Hư; “Cội Nguồn” của Gs Hoàng Thế Diệm; “Quả Bóng Thăm Dò” của Phan Thành Tri.
9/ “Ca Khúc” trong tập này có đến 5 bản: “Khúc Hát Liên Trường” nhạc và lời của Xuân Điềm; “Cho Tôi Sống Lại” nhạc và lời của Đắc Đăng; “Uống Rượu Cùng Anh” lời của Nguyên Lương, nhạc của Nguyễn; “Trách Chim Đa Đa” nhạc và lời của Nhật Hạnh; “Chia Tay Tuổi Học Trò” nhạc và lời của Đông Triều.
VII – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2004
H 7: Hình bìa Đặc San 2004
Gọi là “Chút tâm tình thay lời nói đầu” Tòa Soạn gửi đến bạn đọc, trong đó có đoạn: “Mỗi con người là một đại diện, mỗi sự việc là một thí dụ điển hình. Thầy trò, anh chị em, các con cháu đã đến với nhau. Chúng ta tập hợp được một tập thể ‘chúng ta’ mà khi nhắc đến không thấy ngượng miệng vì đại ngôn, tiếm vị…”
“Cái tập thể bảy năm gắn bó với tất cả tình thân ái, sự tương kính và lòng trách nhiệm phải tiếp tục bước tới. Phải cố gắng hết sức mình bằng tinh thần ‘Cường Để mà’, ‘Nữ Trung Học mà’.Tất cả đã đồng ý với nhau như vậy. Xin cùng nhau, chúng ta bước tới.” Và cho ra đời đứa con tinh thần Thứ Bảy, Đặc San 2004 mang chủ đề “Xôn Xao Dĩ Vãng“, lần lượt đi vào các tiết mục:
1/ “Thầy Cô và Chúng Tôi“, mục mới phát sinh, Tòa Soạn dùng bài thơ “Tâm Thư Cho Thầy” của Việt Thao làm lời Dẫn nhập (xem ‘Đoạn Phim Ngày Cũ’, Đặc San 2000). Tiếp theo, mục này lần lượt trình bày tình cảm của trò đối với thầy, không những lúc còn cắp sách đến trường, mà ngay cả khi thành đạt và mãi mãi về sau: Trần Quý Cảnh chỉ học ở Trường Cường Để 1 niên khóa (1963- 1964), lớp Đệ nhất B2, nhưng qua bài “Thầy Tôi”, đã dành 8 trang nhắc đủ 8 vị Giáo sư phụ trách các môn học ở lớp này. Tôn Thất Long với bài “Thầy Hiệu Trưởng” cũng dành 6 trang nhắc đến thầy Đinh Thành Chương. Carolyn Đỗ có bài “Cô Giáo Tôi” nói về Cô Thanh Tùng. Phan Đình Ninh qua bài “Dù Chỉ Một Lần Thôi, Thầy Ơi!”, gặp lại thầy cũ trong một hoàn cảnh đặc biệt nhưng vẫn giữ đúng lễ. Lê Ngọc Châu, đại diện các bạn ở xa, dự tang lễ thầy Phạm Ngọc Quan tại Đức Quốc, và tường thuật qua bài “Ngày Tiễn Đưa Thầy”.
2/ “Một Chỗ Dành Riêng“, mục này không thể thiếu, Tòa soạn trang trong đăng các bài: “Huế – Viện Đại Học Cha Luận Và Chúng Tôi” của cựu Tổng Trưởng Giáo Dục Gs Nguyễn Văn Tường; “Câu Chuyện Thời Gian” của Gs Vũ Quốc Oai; “Đọc Thư Em” và “Nắng Texas Nắng Quê Nhà” thơ của Gs Phong Đăng; “Mê Khúc Tháng Mười” thơ của Gs Trần Nhất Hoan.
3/ ” Ngày Đó Chúng Mình“, mục này dẫn nhập bằng 4 câu thơ “Kỷ niệm không là gì, Khi thời gian bôi xóa, Nhưng lại là tất cả, Lúc lòng ta còn ghi.” Tiếp theo là loạt bài chuyên đề viết về Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn tức Trường Ngô Chi Lan, qua các đề tài “Nữ Trung Học – Nhớ Mãi” của Ánh Nguyễn; “Nhớ Quá Ngày Thơ” của Võ Thị Hoa; “Một Chút Gì Để Nhớ” của Vũ Hàn Minh; “Ngày Xưa Còn Nhớ” của Lệ Thùy; “Lớp 12 Ngày Đó… Bây Giờ” của Tê Hát.
4/ Một mục quen thuộc khác, có mặt thường trực từ Đặc San năm 1999, đó là mục “Xa Hơn Cửa Lớp Sân Trường“, kỳ này có các bài: “Đầm Thị Nại” của Đào Đức Chương đề cập đến địa danh, địa hình, địa giới xưa và nay, truyền thuyết, lịch sử, biến cố cửa Cách Thử bị lấp, tiềm năng kinh tế. “Cũng Nên Chỉnh Lại” của Hồng Huy, phân tích chữ nghĩa đã dùng sai trong một số thành ngữ. “Đàng Sau Những Hào Quang” của Trần Cẩm Tú, bàn về những tệ nạn trong giáo dục và viết văn. “Miranda Và Nền Dân Chủ Pháp Trị Hoa Kỳ” của KBC, khái quát về luật lệ của Mỹ.
5/ “Góp Lại Tự Bốn Phương Tung Ra Khắp Muôn Phương” góp thơ từ các tác giả: Đặng Đức Bích, Đỗ Thị Thu Ba, Huy Lực – Bùi Tiên Khôi, Nguyễn Đắc Đăng, Học Xuyên, Lê Phương Nguyên, Trần Cẩm Tú và Vương Quyền Quý, Mang Đức Long (2 bài), Người Áo Trắng PBNT, Ngu Yên, Trần Hoài Thư, Việt Thao (4 đoản khúc), Nguyễn Công Hoàng, Nguyễn Hữu Nhật, Thái Tẩu (6 đoản khúc), Từ Lê Ngô, Phan Tưởng Niệm, Lan Cao, Vĩnh Tuấn (2 bài).
Thái Tẩu đã chuyển cảm nghĩ của mình về Đại Hội Cường Để & Nữ Trung Học lần thứ Bảy và Đặc San 2004, lấy chủ đề “Xôn Xao Dĩ Vãng” qua lời thơ chân thành:
Nằm nghe trời đất chuyển sang hè
Dĩ vãng xôn xao tiếp hiện về
Cái thuở học trò vui đẹp quá,
Phượng hồng, bướm trắng, ánh trăng quê.
6/ “Dư Âm Một Lần Họp Mặt“, mục này gồm những bài nói về kỳ Đại Hội Năm 2003, các tác giả về Houston tham dự, trình bày cảm nghĩ của mình qua nhiều thể văn như tạp ghi, ký sự, tùy bút, hát tuồng. Loạt bài ấy có: “Hát Bội” của Võ Ngọc Uyển; “Về Một Chuyến Đi” của Đèo Văn Hôm; “Ráng Đi Để Gặp” của Huỳnh Thị Kim Oanh; “Những Vòng Tay” của Kim Liên; “Ý Nghĩ Rời, Từ Một ‘Cường Để’ Ở Xa” của Lê Đình Khang; “Lại Gặp Thầy” của Thanh Tuệ.
7/ Tập Album “Thoáng Hương Xưa“, ôm ấp 38 tấm hình, mới có, cũ có, toát lên nghĩa thầy trò, tình bè bạn, và mãi mãi thủy chung, dù “Trường lớp cũ đã xa cùng năm tháng” thì hôm nay “Thoáng Hương Xưa tìm lại giữa quê người.”
8/ “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai” của năm 2004, Tòa Soạn giới thiệu: cháu Nguyễn Hiền Tài “Người sinh viên xuất sắc”, và cháu Lê Đình Kim “Người hai lần nhận bằng bác sĩ ưu hạng.”
9/ “Cho Người Viết và Đọc Trẻ” gồm các bài viết: “Does The Preserving of Tradition Represent An Obstacle To Development?” của Trần Mỹ Dung ở Paris; “Giữ Gìn Truyền Thống Có Làm Cản Trở Sự Phát Triển Không?” của Ngô Trung Du; “Gánh Nặng Trên Vai Gầy” Lê Quang Hoàng Đức.
10/ “Chút Quà Cho Tuổi Trẻ”, Tòa Soạn giới thiệu hai bài thơ “Hôn Nhau Lần Cuối” của Nguyễn Bính và “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” của cung Trầm Tưởng; cả hai đều được Hoài Văn Tử dịch ra Anh văn, có tiêu đề là “Kiss You for The Last Time” và “Sadder Than Everd.”
11/ “Nhắc Nhau Để Nhớ“, loạt bài này đã có từ Đặc San năm trước nhưng chưa có mục riêng, nay có chỗ đứng ở mục này và vẫn là bác Bút Chì phụ trách giải đáp những câu hỏi để làm giàu kiến thức cho bạn đọc qua các đề tài: Gia Định Báo, Điện Ảnh Việt Nam – Bước Phôi Thai, Nhạc Cụ Cổ Truyền Việt Nam (Trích từ Làng Văn, Canada).
10/ “Sáng Tác Văn Nghệ” lần nào cũng vậy, mục sáng tác thơ, văn là phong phú nhất. Năm 2004, có các bài: “Món Ngon Qui Nhơn” của Bùi Đăng Khoa hiện ở Đức; “Những Cơn Mưa Và Một Mùi Hương” của Nguyễn Mỹ Nữ; “Hột Xoàn Và Kim Cương Quyền” của QN/OKC; “Qua Rồi Ngày Tháng Cũ” của Tô Hưng Thạnh; “Ngoại Tôi” của Trần Thị Cẩm Hoa; “Hy Vọng” của Ngọc Tuyết; “Đất Việt Trời Hoa” của Mang Đức Long; “Tình Đầu” của Thanh Hư; “Mùa Xuân Đến Muộn” của Phan Tưởng Niệm; “Lúa Mùa” của Cù Hoa Phong; “Chuyện Một Người Muốn Lấy Những Cái Đã Mất” của Đặng Phú Phong.
11/ Mục “Giới Thiệu Sách” năm nay Tòa Soạn đề cập đến: Tác phẩm “Trong Mê Cung” của Nguyễn Trung Hối, nxb Văn Học ấn hành. Tác phẩm “Tuyển Tập Văn Nghệ 2004” của Văn Thi Hữu & Vĩnh Tuấn, nxb TT Văn Bút Nam Hoa Kỳ ấn hành. Tác phẩm “Những Đóa Mẫu Đơn” của Đặng Phú Phong, nxb Văn Hóa Nam CA ấn hành.
12/ “Ca Khúc” tiêu biểu nhất có bản “Xôn Xao Dĩ Vãng” của Novan, tên nhạc phẩm trùng khớp với chủ đề Đặc San 2004. Khởi đầu ca khúc:
Dĩ vãng nào làm xao xuyến hồn tôi
Tôi đi tìm một hình bóng xa xôi
Mong gặp em trên đường phố vắng
Con phố xưa hai đứa cùng trường.
Ngoài ra còn các bản: “Cường Để Trường Xưa” nhạc và lời của Đông Triều; “Em Ơi Thu Về Rồi” nhạc và lời của Lê Hưng & Nguyên Phan; “Cho Con Ngày Vui” nhạc và lời của Cù Hòa Phong & Nhật Hạnh; “Mẹ” nhạc và lời của Đắc Đăng & NMAD.
VIII – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2005
H 8: Hình bìa Đặc San 2005
Lá thư ngỏ “Tám Năm, Nhìn Lại và Hướng Tới” của Tòa soạn, phần mở đầu có đoạn: “Khi tờ báo này đến tay quý Thầy Cô & Anh Chị Em, Đại Hội Họp Mặt và Phát Hành Đặc San lần Thứ Tám, mang chủ đề ‘Cường Để – Năm Mươi Năm – Trường Cũ‘ đã được tổ chức tại thành phố Houston, tiểu bang Texas Hoa Kỳ. Nhân dịp này, thay mặt Gia Đình CHS & ĐS CĐ – NTH chúng tôi xin kính gởi lời chào tái ngộ và lời cầu chúc an thịnh đến tất cả thành viên của Đại Gia Đình Cường Để – Nữ Trung Học cũng như tất cả quý thân hữu và quý đồng hương.”
Một trang đặc biệt không thể thiếu trong mỗi Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học, là trang ghi dòng chữ Mãi mãi kính nhớ và suốt đời ghi ơn quý Thầy Cô đã quá cố, trang trọng nêu quý danh từng vị: Đinh Thành Chương – Thái Vĩnh Thung – Trương Ân – Nguyễn Phụ Chính – Đỗ Linh – Bùi Luận – Võ Ái Ngự – Trần Thị Gia – Lương Thanh Danh – Đinh Hữu Nghĩa – Đặng Thị Yến – Nguyễn Thế Triết – Lê Hữu Tuyển – Vũ Phan Long – Tạ Quang Khanh – Trần Quốc Sủng – Huỳnh Ngọc Du – Lê Trọng Sơn – Huỳnh Kim Phát – Phạm Ngọc Quan.
Để kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Mẹ, Đặc San Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học lần Thứ Tám có nhiều đặc biệt:
Trang bìa trình bày nhiều hình ngày cũ, minh họa sự phát triển và trưởng thành của ngôi trường đứng hàng đầu trong số 49 trường trung học của tỉnh nhà, tính đến tháng 4 năm 1975. Nội dung lại có nhiều tiết mục chứa nhiều bài viết phong phú.
1/ “Phố Nhỏ – Trường Xưa Thầy Bạn Cũ“, bài “Trường Trung Học Cường Để – Qui Nhơn” của Việt Thao – Đào Đức Chương, lược khảo về lịch sử Trường Cường Để từ lúc tiền thân đến giai đoạn hình thành, ghi chép đủ 20 niên khóa (1955- 1975). Bài “Cường Để – Sinh Hoạt Học Đường” của Novan Phạm, cũng đề cập đến nếp sinh hoạt của Trường, nhưng hướng về khía cạnh văn nghệ và thể thao. Bài “Ôi, Cường Để!” của Lê Thị Chân Tú, ghi lại tâm trạng của tác giả khi từ Huế chuyển vào học Trường Cường Để. Bài “Người Thầy Học Cũ” của Lệ Thùy, tường thuật buổi gặp gỡ Thầy cũ từ Pháp về thăm quê nhà. Bài “Trường Mẹ Và Nỗi Nhớ” của Đèo Văn Hôm, khắc sâu những kỷ niệm thời cắp sách. Bài “Qui Nhơn Trong Trái Tim Tôi” của Trần Quý Cảnh, gợi nhớ nếp sinh hoạt của Qui Nhơn ngày cũ êm đẹp biết bao.
Và còn nhiều bài nữa, mục “Phố Nhỏ…” chiếm ¼ tập san, đầy ắp những trang hồi ký như cuốn phim quay lại một thời tuổi mộng dưới mái trường Cường Để, qua các bài: “Ngày Đó Xa Rồi” của Lĩnh Cơ; “Cô Ngọc Lan, Cô Giáo Của Tôi” của Võ Thị Hoa; “Nếu” của Phạm Thị Quang Ninh; “Những Mảnh Vụn Của Một Học Sinh Lưu Lạc” của Nguyễn Thạch; “Xuân Nhật Do Đa” của Tôn Thất Long; “Thư Gởi Bạn” của N.T.C.A. Nguyễn Thị Kiều; “Tháng Giêng Ắp Đầy…Những Giỏ Xe” của Huyền Minh.
Riêng bài “Mùng Ba Tết Thầy” của Nguyễn Nhạn Sơn, nhắc đến thầy Võ Ái Ngự, một tình bạn tại quân trường Sĩ quan Trừ bị, khóa 12 Thủ Đức.
2/ “Một Chỗ Dành Riêng” gồm các bài “Nhớ Về Cường Để Thương Về Kỷ Niệm Xa Xưa” của Gs Hiệu Trưởng Tôn Thất Ngạc, viết về việc điều hành và cơ cấu tổ chức của Trường; “Khởi Đi Từ Cường Để Qui Nhơn” của Gs Nguyễn Đức Giang; “Mùa Xuân Trong Mắt Tôi” của Gs Vương Thúy Nga; “Bài Không Tựa Cho Một Người Đã Mất” của Cô Ngô Thị Hoa, Phu nhân cố Gs Hiệu Trưởng Trương Ân; “Bữa Ăn Trưa Ngoài Trời” của Gs Hoàng Thể Diệm; “Tình Quê” thơ của Gs Phong Đăng; “Như Từ Ánh Lửa” thơ của Gs Trần Nhất Hoan; “Cường Để Mến Thương” thơ xướng họa (2 bài) của Gs Tôn Thất Ngạc; “Đi Thăm Con Cải Tạo” của Bà Trần Thị Hồng Hoa (Phụ huynh cựu học sinh).
3/ “Góp Lại Từ Bốn Phương Tung Ra Khắp Muôn Phương“, có 18 tác giả tham gia, vườn thơ càng phong phú cả lượng và phẩm qua vần điệu của: Đặng Đức Bích, Đỗ Hiếu Nam, Hà Thúc Hùng, Lệ Cúc (2 bài), Lê Thị Lĩnh Cơ, Lan Cao, Lê Phước Tích, Lê Thị Ngọc Yến, Ngu Yên, Nguyễn Kim Tiến, Nguyên Triết, Nguyễn Xuân Đóa, Như Chi, Ngô Ngọc Minh, Thi Kim, Trần Thức, Túy Hà, Vĩnh Tuấn, Yên Sơn.
Gs Lê Thị Lĩnh Cơ qua bài “Hương Xưa”, trong đoạn kết đã gửi gắm tâm trạng của người học trò, cũng là cô giáo của Ngôi Trường ngày cũ:
Cường Để còn đây, thầy xưa bạn cũ
Nhớ đám học trò đứng lớp ngày xưa
Nhớ vòm keo xanh xưa bóng lặng lờ
Tiếng gà gáy giữa buổi chiều êm ả
***
Nhớ áo ai bay giữa sân trường lộng gió
Tóc xỏa mượt mà để chấm ngang vai
Học trò hôm qua, cô giáo hôm nay
Cuộc đời đẹp như một trang giấy trắng.
4/ “Dư Âm Một Lần Họp Mặt” dành cho các tác giả ghi lại cảm nghĩ chuyến về tham dự Đại Hội. Mục này gồm những bài viết của: Lê Ngọc Châu ở Munich (Đức Quốc) với bài “Chuyến Đi Trong Ký Ức”, tác giả dành 15 trang giấy tường thuật chi tiết cuộc hành trình về tham dự Đại Hội, chứa chan tình cảm khi gặp lại thầy xưa bạn cũ. Với Lê Trinh Thục ở Atlanta (GA), qua bài “Kỷ Niệm Làm Văn Nghệ”, ghi lại lòng nhiệt thành của các bạn trong Ban Văn Nghệ tự phát, từ bốn phương trời về đây giúp vui cho ngày Đại Hội. Dư âm ngày họp mặt 2004 với những xao xuyến mừng vui khi gặp gỡ, bùi ngùi lưu luyến lúc chia tay, còn vang vọng trong bài “Về Một Chuyến Đi” của Lê Thị Đoan Hương ở Paris (France); và bài “Nàng Tôn Nữ” của Lê Thị Lệ Huyền ở San Diego (CA).
5/ “Xa Hơn Cửa Lớp Sân Trường” tác giả thường trực ở mục này có Đào Đức Chương với bài “Vụ Án Văn Học: Con Rồng Cháu Tiên” tường thuật vụ bút chiến vào năm 1931, kéo dài 11 tháng, giữa Phan Khôi (cấp tiến) và phe Tản Đà (bảo thủ), tranh biện trên các tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, An Nam Tạp Chí, Đông Tây, Trung Bắc Tân Văn. Hồng Huy viết bài “Thói Quen Trong Ngôn Ngữ”, lý luận về cách đọc và viết cho đúng một số thành ngữ, từ ngữ và một số tên họ người ta.
Ngoài ra, có bài “Những Tập Tục Của Người Thượng Tại Cao Nguyên Việt Nam” của Từ Lê Ngô. Tác giả đề cập về văn hóa của người Thượng từ nhà ở, làm mắm, nấu rượu, tục cà răng căng tai, hôn lễ, cuộc sống lứa đôi.
6/ “Xôn Xao Dĩ Vãng” là tập Album, trình làng 32 hình ảnh tiêu biểu cho lần Họp Mặt Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn năm 2004. Tòa Soạn thay lời tựa bằng câu thơ “Ngày xưa rộn rã sân trường, Bây giờ tìm lại chút hương xứ người.”
7/ “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai” năm 2005 vinh danh hai học sinh thuộc thế hệ thứ hai của Trường Cường Để:
– Cháu Nguyệt Hạ Trần Đào xuất sắc các môn học và đạt thủ khoa tốt nghiệp bậc trung học, được các trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ cấp học bỗng và mời ghi danh nhập học, như trường: Havard University Scholarship cấp 240.000 Mỹ kim, American University Presidental Scholarship cấp 120.000 Mỹ kim.
Cháu Nguyễn Định Thành từ lớp 1 đến lớp 7 đều được xếp hạng A. Học lớp 7 mà dự kỳ thi SAT đạt số điểm 1020, một mầm non đầy triển vọng, được chọn vào đội tuyển UIL (Universal Interscholastic League).
8/ Mục “Trang Cho Người Viết & Đọc Trẻ” gồm những bài viết của con em các cựu học sinh Cường Để và Nữ Trung Học. Năm 2005 có sự tham gia của cháu Trần Cẩm Loan ở Berlin (Đức Quốc) qua bài “Should The Young Vienamese In The World Return To Their ‘Roots’ To Help Building Up Vietnam – Their Home Country?”; Ngô Trung Du dịch ra tiếng Việt, lấy tựa đề “Tuổi Trẻ Việt Nam Hải Ngoại Có Nên Về Giúp Nước?”. Cháu Đào Việt Thi ở San Jose (CA) viết bài “Những Đóng Góp Tiêu Biểu Của Phụ Nữ Việt Nam Trong Lịch Sử”, nêu 9 vị nữ lưu đã làm nên lịch sử: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái Hậu Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan, Huyền Trân Công Chúa, Lương Thị Minh Nguyệt, Trạng Nguyên Nguyễn Thị Duệ, Đô Đốc Bùi Thị Xuân.
Ngoài ra, CHS Nguyễn Mạnh An Dân có đôi lời nhắn nhủ với lớp trẻ, qua bài “Bạn Trẻ Tôi Lại Muốn Nói Với Bạn”, được Linh Tran Brown dịch ra Anh ngữ thành bài “Young Friend Let’s Have Another Chat.”
9/ “Sáng Tác Văn Nghệ” với sự đóng góp đông đảo của các cây viết: Trần Cẩm Hoa, giới thiệu các món ăn ngon của đất thần kinh qua bài “Hương Hoa Xứ Huế”; Peace Nguyen có bài : “Mẹ Tôi”, nội dung rất cảm động; Lê Huy ghi lại một kỷ niệm về yêu qua bài “Mưa Chiều Kỷ Niệm”; Phan Tưởng Niệm viết bài “Dấu Xưa” là trang hồi ký về đoạn đời chiến binh; Đặng Hữu Ái có bài khảo sát “Bầy Cá Salmon”; Huỳnh Thị Kim Oanh, sở trường về tùy bút, đã góp bài “Đến Về Rồi Đây”; Nguyễn Mỹ Nữ cũng gửi bài tùy bút “Lá, Bên Ngoài Khung Cửa Sổ”; Bùi Đăng Khoa kể lại những kỷ niệm yêu đương trong tuổi học trò qua tác phẩm: “Lang Mang Về Tình Yêu”; tác giả QN/OKC luận bàn chuyện xưa về những người đàn bà đẹp lừng danh qua bài “Hồng Nhan Họa Thủy”; Thanh Hư với bài “Đời Ơi! Tôi Cười”, kể lại câu chuyện tình của mình hay của người (?), gây nhiều xúc động cho người đọc.
10/ Về “Ca Khúc” trong Đặc San 2005 có ba bản nhạc gồm: “Qui Nhơn Dĩ Vãng Xôn Xao” nhạc và lời của Khánh Hưng; “Cường Để Trường Xưa” nhạc và lời của Novan Phạm; “Hạnh Ngộ” thơ của Tuyết Đào, nhạc của Nguyễn.
CÒN HẸN MỘT KỲ, THAY CHO LỜI KẾT
Năm nay (2012), Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học vừa tròn 15 tuổi đời. Nhìn lại bước đường đã qua, có ba mốc điểm lớn: Năm 1998, lần họp mặt đầu tiên và đứa con “tinh thần” được chào đời. Năm 2005, kỷ niệm 50 năm Trường Cường Để, cũng là năm Đặc San Thứ 8 trình làng. Và năm 2012, đánh dấu Đặc San Thứ 15 phát hành. Vì khuôn khổ trang báo có hạn, không thể đăng trọn bài. Dựa vào những mốc điểm trên, lần này xin giới thiệu 8 quyển Đặc San đầu, hẹn năm 1913 sẽ tiếp phần bài còn lại.
San Jose (CA), ngày 8- 5- 2012
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1] Khi mới thành lập Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn, những niên khóa đầu, Trường mở thi tuyển học sinh vào lớp Đệ thất. Ngoài những môn Kỹ Thuật, học sinh Đệ Thất và Đệ Lục còn phải học chương trình giáo khoa giống như bên phổ thông. Về sau, Trường nhận thấy hai lớp Đệ thất và Đệ lục, tuổi các em còn nhỏ, không thể thực tập ở các xưởng máy, nên chỉ thi tuyển học sinh lớp Đệ ngũ. Trường không còn các lớp Thất Lục nữa, nên số giáo sư dạy về văn hóa cũng giảm. Chương trình dạy 2 năm (lớp Đệ ngũ và Đệ tứ) cho bậc Đệ Nhất cấp, và 3 năm (lớp Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất) cho bậc Đệ Nhị cấp, nhằm đào tạo học sinh tốt nghiệp Tú tài Kỹ thuật, nên các môn học về phổ thông có phần giảm thiểu.