Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiBiên KhảoĐặc San Trường Cường Để Và Nữ Trung Học...

Đặc San Trường Cường Để Và Nữ Trung Học Qui Nhơn – Phần Ba (2013-2016)

Nguồn: Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn 2016.

Đặc San Trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn, Phần I, giới thiệu 8 số niên san, từ năm 1998 – 2005. Phần II, giới thiệu tiếp 7 số từ 2006 – 2012. Phần III, kỳ này, lẽ ra phải đợi đến năm 2020, để có 7 số từ 2013 – 2020, mới cân xứng với hai phần trước. Nhưng năm 2015 không phát hành, và đến năm 2016 này, Ban Tổ Chức qua 19 năm hoạt động, thành phần nhân sự mỗi ngày một cao tuổi… Chính Lá Thư Tòa Soạn của Đặc San, vào năm 1913, nơi trang 11, cũng đã nhìn nhận: “Chúng ta không thiếu những tấm lòng, chúng ta không ngại ‘chiến đấu’ và vượt qua những tất bật áo cơm của cuộc sống để chia xẻ, để gánh vác, tuy nhiên không ai trong chúng ta cầm giữ được nhịp bước của thời gian và tuổi tác cùng sức khỏe luôn là những lực cản khó vượt qua, khó cưỡng chống. Thực tế này đã buộc những người có trách nhiệm điều hành tổ chức phải suy nghĩ.” Vì thế, lần “tựu trường” năm nay, cố gắng tổ chức thật bài bản “Một Lần Cho Mãi Mãi” để khắc sâu vào ký ức của chúng ta. Có thể nói, lần Tổ Chức Đại Hội này phải to lớn hơn, đông đảo hơn mọi lần. Và tập Đặc San số 18 phải mang ý nghĩa là tập kỷ yếu của 19 năm nhìn lại sự hoạt động của Gia Đình Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn. Rồi sau đó, có lẽ không còn giữ lệ hằng năm nữa, mà tùy theo hoàn cảnh và sức lực. Bởi vậy, bài “Đặc San Trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn, Phần III” cũng vội vã lên đường cùng với Đại Hội 2016, giới thiệu nốt những Đặc San Trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn còn sót lại.


XVI – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2013

Đây là tập niên san lần thứ 16, với chủ đề “Đâu Đó Chúng Mình” dày 432 trang (không kể trang bìa), bao gồm các mục sau đây:

01 – Dẫn nhập: 11 trang (từ 1 – 11)

Nơi trang 4, Tòa Soạn lần lượt chép:

– Phiên âm đoạn Cổ Thư “Nhất tự vi sư” [1]:

Nhất tự vi sư, hà tư vấn
Bán tự vi sư, bất khả đàm
Sư vi bản, trí quốc dân, hữu đạo dã
Khinh sư, quốc bất thịnh, thế đạo loạn dã.

– Cựu học sinh Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn mãi mãi kính nhớ và suốt đời ghi ơn quý Thầy Cô đã quá cố: Đinh Thành Chương, Thái Vĩnh Thung, Trương Ân, Nguyễn Phụ Chính, Đỗ Linh, Bùi Luận, Võ Ái Ngự, Trần Thị Gia, Lương Thanh Danh, Đinh Hữu Nghĩa, Đặng Thị Yến, Nguyễn Thế Triết, Lê Hữu Tuyển, Vũ Phan Long, Tạ Quang Khanh, Trần Quốc Sủng, Huỳnh Ngọc Du, Lê Trọng Sơn, Huỳnh Kim Phát, Phạm Ngọc Quan, Phan Tú Lục, Phạm Ngọc Bích, Nguyễn Mộng Giác.

– Nguyện sống xứng đáng với sự dạy dỗ và kỳ vọng của quý Thầy Cô.

Nơi trang 7, Thái Tẩu tặng bài thơ qua nét thư họa của tác giả:

Đâu đó chúng mình lại gặp nhau,
Yêu thương nào khác thuở ban đầu.
Vui buồn sướng khổ đem ra kể,
Tháng sáu hằng năm nối nhịp cầu.

Hai câu cuối đã mở đầu cho những tâm tình “đem ra kể,” san sẻ cho nhau mỗi dịp “tựu trường” tại Houston “tháng sáu hằng năm,” hàn huyên trong mùa Đại Hội để “nối nhịp cầu” trong tinh thần “nghĩa thầy trò bất diệt” và “tình bằng hữu vô biên.”

Thật vậy, trong tiểu mục Lời Vào TậpVới Chút Tâm Tình Thay Lời Nói Đầu” lá thư Tòa Soạn, nơi trang 8, đã phản ánh: “Đại Hội ‘Mười Lăm Năm Nhìn Lại,’ kỷ niệm mười lăm năm sinh hoạt của gia đình cựu học sinh Cường Để – Nữ Trung Học Qui Nhơn đã kết thúc trong tiếng cười hân hoan, trong ánh mắt rộn vui và trong sự quyến luyến ngậm ngùi phút chia tay của hơn sáu trăm quý Thầy Cô và Anh Chị Em từ khắp nơi tìm về họp mặt. Dư âm và những hồi ức tốt đẹp về tính quy mô và tình thân ái trùm tỏa khắp mọi nơi đã theo quý Thầy Cô và Anh Chị Em về quê nhà, về Úc Châu, Âu Châu, Gia Nã Đại và khắp các tiểu bang tại Hoa Kỳ. Và vài tuần lễ sau ngày vui này, sáu bài viết về ‘dư âm một lần họp mặt’ đã được gửi về cho ĐS CĐ – NTH. Sáu bài viết, sáu tâm tình của những đứa con ngày cũ đã nói thay cho nhiều người, nói thay cho những tấm lòng luôn luôn nghĩ tới nhau, luôn hướng về nhau và luôn muốn làm một chút gì thật ý nghĩa cho nhau.”

02 – Phố nhỏ, Trường Trường xưa, Thầy Bạn cũ: 54 trang (từ 12 – 65)

Ban Biên Tập trích bài thơ của Trần Trung Đạo, phơi bày nỗi luyến nhớ Cố hương, và mái Trường xưa:

Tôi mơ ước mai này khi thức dậy
Bỗng thấy mình đang đứng giữa quê hương
Con chim nhỏ hót mừng tôi trở lại
Quảng đường quen rực sáng ánh sân trường.

Chào cô gái học trò đang tới lớp
Cho tôi làm bụi cỏ mọc ven đê
Để mỗi sáng thở mùi thơm lúa chín
Lỡ mai xa tôi nhớ lối quay về.

Tiết mục này có số trang đứng hàng thứ 2, Tòa soạn dành 53 trang, đăng các bài sau đây:

– Tiểu sử các thầy Hiệu trưởng Cường Để, đây là bài viết của Ban Biên Tập dựa theo bài viết của thầy Lê Đại Đồng, có tựa đề“ Những Người Đã Mất Nhưng Vẫn Còn,” đăng trong Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học 1999.

– “Những Kỷ Niệm Khó Quên” của Ythnguyen, trong phần kết, chép vần thơ mà tác giả học thuộc lòng, khi còn bậc tiểu học:

Thầy ơi! Thầy khổ đã bao lần,
Mái tóc sương pha đã mấy phần.
Có những chiều tà mưa phủ trắng,
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân.

– Đào Thanh Hòa có bài “Ngày Xưa, Tôi Có Đi Học… Võ” thuật lại cảm giác mơ mộng của người con gái trong tuổi học trò.

Tiếp theo là loạt bài bày tỏ nỗi tiếc thương trước sự ra đi của thầy Nguyễn Mộng Giác, gồm:

– Lời Tòa Soạn “Tưởng Nhớ Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Mộng Giác.”

– Thầy Hồ Sĩ Duy với bài thơ trường thiên “Hoài Niệm Về Nguyễn Mộng Giác” có câu:

Những thù hận trút dầy trang sử chính,
Danh anh hùng, biến thành kẻ ‘ngụy vong’(9).

Và ghi chú:“Gia Long cho nhà Tây Sơn là Ngụy và Nguyễn triều đã bôi bác chính sử.” Tác giả nói đến chuyện Gia Long đối xử với Tây Sơn.

Nhưng thế đời, lịch sử cũng đã đôi lần rập khuôn lại. Chẳng hạn, chuyện đóng cọc trên sông Bạch Đằng là mồ chôn giặc phương Bắc: Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; và năm 1288, Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên, chỉ cách nhau 350 năm; đó là chưa kể năm 981, Lê Hoàn thắng lớn quân Tống cũng trên sông Bạch Đằng. Ca dao còn truyền lại:

Sâu nhất là sông Bạch Đằng,
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.

Ai cũng biết hễ cầu cứu giặc phương Bắc là mất nước, thế nhưng lịch sử cũng lập lại: năm 937 Kiều Công Tiễn cầu viện quân Nam Hán, năm 1406 các quan nhà Trần cầu cứu nhà Minh, năm 1788 Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh. Nếu không có Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Huệ đánh đuổi giặc, thì nước ta đã trở thành quận huyện của Tàu từ lâu rồi.

– Thầy Hà Thúc Hoan có bài “Kính Nhớ Bạn Hiền” đọc trong buổi Lễ Cầu Siêu hương linh thầy Nguyễn Mộng Giác tại chùa Già Lam ngày 8- 7- 2012.

– Để tưởng nhớ vị thầy hiền hòa khả kính, Tòa Soạn Đặc San cũng đăng lại bài phỏng vấn thầy Nguyễn Mộng Giác vào năm 1998.

– Cuối cùng, Ngu Yên với bài “Nguyễn Mộng Giác thức từ giấc mơ.”

03 – Một chỗ dành riêng: 18 trang (từ 66 – 83)

Đây là tiết mục truyền thống, trang trọng dành riêng cho các Thầy Cô đã dạy ở trường Trung Học Cường Để. Trong Đặc San 2013, mục này có các bài sau đây:

– Cô Vương Thúy Nga luận về hai chữ hạnh phúc qua bài “Hạnh Phúc thời @.”

– Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, thầy Tôn Thất Ngạc họa thành 4 bài, mang đầu đề khác nhau: Đây Thôn Vĩ Dạ, Hoa Phượng Vĩ, Hoa Hè, Hoa Học Trò. Ngoài ra, thầy Tôn Thất Ngạc có bài thơ “Nhớ Quê Sau Sáu Mươi Năm Xa Cách,” sáng tác để thân tặng người chị ruột kính mến.

– Thầy Lê Văn Ba, bút hiệu Hoàng Duy, ca tụng công nghiệp của Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng, qua bài thơ “Thương Nhớ Qui Nhơn” là địa danh tỉnh Bình Định thời bấy giờ.

– Bà Trần Thị Hồng Hoa, một phụ huynh học sinh Trường Cường Để, góp bài “Trở Lại Cố Đô.”

– “Niềm Vui Bất Ngờ” là đầu đề do tòa soạn đặt ra để lược trích bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Trường, cựu Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa và Thanh Niên, đề cập đến ngày Đại Hội Trường Trung Học Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn, và một số bài viết trong Đặc San.

04 – Dư âm một lần họp mặt: 40 trang (từ 84 – 123)

– Nguyễn Kim Tiến với bài “Dư Âm.”

– Kim Huê và Lê Công Dũng có bài “Nhóm Nhất C Đi Dự Ngày Hội Lớn Của Cường Để Và Nữ Trung Học: 15 Năm Nhìn Lại.

– Hà Xưa và Ngọc Bông viết bài “Bên Lề Một Cuộc Vui: Đại Hội Cường Để & Nữ Trung Học, Houston 2012

– Đỗ Thị Lệ Rặc ở Philadelphia, góp bài bút ký “Vài Ngày Ngắn Ngủi Nhưng Thật Khó Quên

– Nguyễn Lương ở Horsham, gởi bài “Kỷ Niệm Khó Quên,” viết tặng quý Anh Chị trong nhóm Nhất C và những người bạn thân thiết của tôi.

– Cuối tiết mục, Tòa soạn dành 11 trang (từ trang 124 – 134) giới thiệu tập ảnh ôn lại những thành quả “Nhìn Lại, Mười Lăm Năm Nhìn Lại.” Mở đầu bằng 4 câu thơ của Nguyễn Tư, đầy bi hùng và xúc động:

Mắt rưng rưng lệ cờ vàng,
Tiếng hô xé nát ruột gan thân này.
Hạ kỳ súng bắt đều tay,
Xin chào đất nước lần này nữa thôi.

Tiếp theo là bộ sưu tập, nào hình ảnh thủ tục cử hành lễ trang trọng, nào hình ảnh cả nghìn người về dự Đại Hội ngồi kín cả hội trường, nào những phái đoàn từ trời Âu, Úc, Việt Nam, Canada, và khắp các tiểu bang của Hoa Kỳ về tham dự, nào những đoạn phim ngày cũ, nào hình ảnh 15 số Đặc San những năm trước. Điểm xuyết các hình ảnh đó là những lời thuyết minh ngắn gọn, nhưng mang đầy sức sống vào mỗi ảnh.

Đặc biệt là hình ảnh lễ vinh danh Thầy Cô, Tòa soạn đã lồng vào 4 câu thơ của Việt Thao, thể hiện cái truyền thống văn hóa tri ân của dân tộc Việt:

Mang ơn từ lớp vỡ lòng,
Nắm tay con viết những bông mực nhòe.
Giảng đường lời ấm tiếng loa,
Dạy con kiến thức, dặn ra giúp đời.

05 – Xa hơn cửa Lớp sân Trường: 36 trang (từ 135 – 170 )

– Việt Thao (Đào Đức Chương) từ San Jose (CA) gửi bài “Phước An Thương Hội” kể lại kinh nghiệm xót xa khi các nhà khoa bảng Nho học của Bình Định, trong thập niên 1930, bước vào lãnh vực thương trường làm kinh doanh.

– Khúc Minh (Từ Lê Ngô) ở Houston (TX) viết bài “Vần Luật Các Thể Thơ Luật” khảo sát các thể thơ, từ thơ cũ đến thơ mới.

– Huy Lực (tức Tiến sĩ Bùi Tiên Khôi), nguyên cựu học sinh lớp Đệ Tứ niên khóa đầu tiên của Trường Cường Để, hiện ở Houston (TX) có bài “Việc Làm Từ Thiện Tại Hoa Kỳ.” Theo thống kê, người Mỹ lòng nhân ái rất cao, hiện có hơn 1 triệu tổ chức từ thiện họat động khắp Hoa Kỳ, và năm 2005, dân Mỹ đã góp vào các quỹ từ thiện hơn 261 tỷ đô la.

– “Nói Chuyện Với Nhà Văn Nguyễn Thị Vịnh,” là đầu đề do Tòa Soạn đặt ra cho bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Thị Vịnh, khuôn mặt nữ duy nhất trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhân dịp Bà từ Na Uy đến Houston ra mắt sách.

06 – Góp lại tự bốn phương: 37 trang (từ 171 – 207)

Đúng nghĩa với tiết mục “Góp Lại Tự Bốn Phương” có 28 “nàng thơ” từ Quê nhà, từ Norway, France, từ miền Đông đến miền Tây và miền Nam đến miền Bắc Hoa Kỳ, góp mặt trong trang thơ này. Mượn vần thơ để trải lòng, mỗi người một tâm trạng, nhưng đều mang một mẫu số chung là luyến nhớ ngày cũ trên Quê Hương, dưới mái trường xưa; qua các thi phẩm:

Ngày Về” của Nguyễn Ngọc An (Los Angeles, CA), “Trường Nữ Trường Tan” của Triều Phong Đặng Đức Bích (San Jose, CA), “Vọng Hè Xưa” của Đỗ Thị Thu Ba (Everett, MA), “Mưa Qua” của Lê Thị Lĩnh Cơ (France), “Thức Trăng” của Lan Cao (Hooston, TX), “Nguyên Tiêu” và “Đợi Người” của Lê Minh Châu (California), “Như Người Trong Tranh” của Tuyết Đào (Phù Cát, Bình Định), “Tạm Biệt” của Nguyễn Xuân Đóa (Bàu Cá, Đồng Nai), “Dakbla Còn Nhớ Sông Ba” của Túy Hà (Houston, TX), “Nhớ Về Quê Mẹ” của Hà Thúc Hùng (Virginia), “Ngọn Cỏ May” của Nguyên Lương (Philadelphia), “Về Lại Quê Xưa” của Thùy Linh (Dâu Cường Để, Võ Bị 14), “Gửi Người” và “Gửi Em Phố Huế” của Trần Bá Lang (Houston, TX), “Xin Đừng Hỏi” của Ythnguyen (Canton, GA), “Ngày Bay Thứ Nhất” của Hoàng Nguyên, “Bên Dòng Sông Mississippi” của Ngu Uyên Nguyễn Thị Nguyệt, “Hoa Phượng” của Phan Nam, “Như Lá Thì Thầm” của Phạm Tương Như; “Hoa Hồng”, “Nhà Quê” và “Tình Mẹ” của Nguyễn Hữu Nhật (Norway); “Giấc Mơ” của Yên Sơn (Houston, TX), “Oakviie Truyết Lại Rơi” của Hùng Văn Thiệt (Oakvile), “Ta Về” của Lê Phước Tích (Thừa Thiên), “Qui Nhơn Và Tôi” của Vĩnh Tuấn (Houston, TX), “Em Ơi! Em Gắng Đợi” của Thái Tẩu (Houston, TX), “Tình Yêu Thời Áo Trắng” của Thanh Tùng (Sài Gòn, Việt Nam), “Tôi Vẫn Nhớ” của La Xuân Mai (Pearland, TX), “Lay Động Tình Xưa” của R Xưa, “Bài Thơ Cho Em” của V3, “Nhớ Về Con Sông Thị Nại” của Ngu Yên.

07 – Đâu đó chúng mình: 49 trang (từ 208 – 256)

Tiết mục này chỉ có 4 bài nhưng đến 48 trang, xếp hàng thứ 3 trong Đặc San 2013.

– Carolyn Do ở Philadelphia, có bài “Một Thoáng 15 năm” nhắc đến từng bạn cùng học Ban C ngày cũ, thỉnh thoảng xen một vài câu thơ, làm cho bài viết thêm đậm đà thi vị:

Giật mình tóc đã múi tiêu,
Mới hay đời đã về chiều còn đâu.
Ngày xưa nào biết u sầu,
Ngày nay đời đã mộng nhầu mơ tan.

– Huỳnh Mộng Vân, từ Việt Nam gửi đến Tòa Soạn 2 bài viết “Vũ Đoàn Yamahavu” và “Hội Ngộ Chúc Mừng Thầy Cô Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam,” giới thiệu vũ đoàn Yamahavu, thành lập tại Qui Nhơn từ năm 2001, gồm 8 thành viên cựu học sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn, niên khóa 1968 – 1975, mục đích giúp vui trong dịp họp mặt Thầy Cô và cựu học sinh hằng năm.

– Peace Nguyen ở Houston góp bài “Tôi Làm Văn Nghệ” thuật lại sự tập dượt văn nghệ chuẩn bị cho ngày Đại Hội.

– Đào Đức Chương viết bài “Đặc San Cường Để Nữ Trung Học Qui Nhơn” Phần II, giới thiệu tiếp 6 quyển Đặc San từ năm 2006 – 2012. Cuối bài, trong phần Cảm tưởng thay lời kết, có đoạn: “Tính đến cuối tháng 6 năm 2012, Gia Đình Cựu Học Sinh Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn được mười lăm tuổi đời, ghi dấu 15 lần Đại Hội với 15 lần phát hành Đặc San… Nhìn lại quá trình sinh hoạt, Ban Tổ Chức Đại Hội được luân phiên thay thế, còn Ban Thực Hiện Đặc San có Nguyễn Mạnh An Dân gánh vác suốt 15 năm trời. Nếu không vì lòng nhiệt thành yêu Trường, yêu Bạn, yêu Thầy, thêm vào đó là khả năng chuyên nghiệp và sự yêu nghề, thì An Dân làm sao đủ sức gồng gánh và chịu đựng suốt đoạn đường dài.

08 – Những đóa hoa khác màu: 57 trang (từ 257 – 313)

Trong Đặc San 2013, tiết mục này chiếm số trang nhiều nhất, gồm các bài sau đây: Lê Thị Chân Tú ở Việt Nam, tác giả bài “Một Lần.. Và Mãi Mãi”; Bùi Đăng Khoa ở Đức, có bài “Sài Gòn – Qui Nhơn”; Huỳnh Thị Kim Oanh ở Houston & Phạm Huy Lê viết bài “Chiều Cuối Năm Của Chị Oanh Và Tôi”; Trần Thị Cẩm Hoa ở Bá Linh (Germany), góp bài “Quê Hương Còn Đó Nỗi Buồn”; Đàm Nguyễn Chí Minh ở Houston, có bài “Tôi, Đả Tự Viên ‘Vô Song’”; Lê Thị Hoài Niệm viết bài “Chuyện Từ Căn Nhà Ngói Đỏ” và bài “Cành Sung Có Thật”. Cuối cùng, là bài “Những Đoạn Rời Nhân Tháng Tư Buồn,” Nguyễn Mạnh An Dân thuật lại những gương chiến đấu, những mẫu chuyện tình đồng đội trong trận mạc, và bi hùng nhất là đoạn đề cập đến 4 câu thơ của Nguyễn Tư trong thi phẩm “Hạ Kỳ Lần Cuối.

09 – Trang cho những người viết và đọc trẻ: 15 trang (từ 314 – 328)

Tòa soạn giáo đầu tiết mục này bằng 4 câu thơ của Nguyễn Hữu Nhật:

Chữ quốc ngữ ở xứ người,
Giữ gìn như thể con ngươi mắt mình.
Chợt nghe đôi trẻ tỏ tình,
Tiếng mẹ đẻ soi nhạc hình như reo.

– Cháu Mỹ Dung Trần là trưởng nữ của Trần Thị Cẩm Hoa cựu học sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn, sinh trưởng ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, có bài “Peace Among The Vietnamse.” Cháu An Dân Nguyễn Jr. đã dịch ra Việt ngữ với đầu đề là: “Hòa Ái Trong Lòng Người Việt.”

– Peace Nguyễn ở Houston (TX) với bài “Mẹ Tôi” gãy gọn trong 2 trang giấy nhưng mẫu chuyện rất chân tình và cảm động qua lời văn bình dị nhẹ nhàng, dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc.

– Hà Thúc Hùng ở Virginia viết bài “Truyền Thống Tôn Sư Trọng Đạo Tại Việt Nam Ngày Nay.” Tác giả nêu 10 trường hợp học trò đánh thầy trọng thương ngay trên bục giảng, là những “cậu ấm, cô chiêu” của các đại gia, quan chức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Và 1 trường hợp thầy Hiệu trưởng đã nhẫn tâm làm chuyện đồi bại… với nhiều nữ sinh vị thành niên trong trường.

10 – Ca khúc: 7 trang (trang 329 – 335)

Trong Đặc San 2013, có 4 nhạc phẩm:

– “Bình Định Anh Hùng” thơ của Đặng Đức Bích, Đắc Đăng phổ nhạc.

– “Dấu Xưa” thơ của Thanh Tùng, nhạc của Đậu Kinh Luân.

– “Mây… Bụi” thơ của Thanh Vân, nhạc và lời của Lê Ngọc Châu – Lê Trung Diệu Châu.

– “Cùng Em Dạo Bước Chiều Thu” lời của Yên Sơn, nhạc của Nhất Hạnh.

11 – Giới thiệu sách: 12 trang (trang 336 – 347)

Tòa soạn nhận được 4 tác phẩm của phụ huynh học sinh và cựu học sinh Cường Để, và giới thiệu cùng bạn đọc trong tập Đặc San này:

– “Hồng Hoa Thi Tập” của Bích Thu, phụ huynh của Lê Trọng Quyến, xuất bản năm 2012 tại Việt Nam.

– “Vời Vợi Ngày Qua” của Tôn Thất Long, ở Quảng Ngãi, xuất bản 2011. Ở đoạn kết, lời bình của Tòa Soạn viết: “Vời Vợi Ngày Qua, với quê xưa, với người cũ, với những điều rất thường, rất nhỏ, rất không là gì, nhưng lại là tất cả trong trái tim đa cam cảm của người thơ Tôn Thất Long.”

– “Gửi Lại Đời Sau” của Huy Lực Bùi Tiên Khôi ở Houston (TX), xuất bản 2013. Tác phẩm gồm Văn, Thơ, Nhạc. Nội dung tập sách thể hiện qua 4 câu thơ mà tác giả trình bày ở trang bìa trước:

Tỵ nạn đời người lắm đổi thay,
Đầu xanh thoắt bạc có ai hay.
Quê người giòng mực tuôn tha thiết,
Gửi lại đời sau chuyện kiếp này.

– “Quê Hương Trong Tâm Thức” của Cù Hòa Phong ở Houston (TX), xuất bản năm 2013. Toàn tập gồm thơ văn nhạc qua tuyên ngôn của tác giả:

Ta dở không ra ngoài ánh sáng,
Kiếp này mãi mãi bút thơ điên…

12 – Những tiết mục thường lệ: 85 trang (từ 348 – 432)

– Tin Tức và Thông Báo nội bộ: Tòa soạn đăng các tin vui, tin hội ngộ, tin chia buồn của gia đình cựu học sinh Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn. Báo cáo thu chi từ ngày 5- 11- 2012 đến ngày 5- 11- 1013. Danh sách Thầy Cô và các cựu học sinh cùng quý thân hữu đã ủng hộ cho Đại Hôi và Đặc San 2013.

– Nói Với Nhau: Tòa soạn dành 16 trang (từ trang 360 – 375) phúc đáp hay nhắn gửi đến thầy cô Nguyễn Văn Trường (Houston, TX), thầy Tô Minh Tâm (Louisiana), ông bà Phạm Văn Nhuệ (Sugarland, TX), cô Nguyễn Kim Tiến (Voodbury, MN), anh Bùi Đăng Khoa (Germany), cô Nguyễn Thái Thủy (Dallas, TX), anh Hồ Văn Bửu (Annadele, VA), chị Hồ Thị Kim Khách (Florida), bạn Trần Minh Trung (San Jose, CA), các chị Lê Thị Chân Tú (Việt Nam) và Nguyễn Thy Tứ (GA), cô Huỳnh Mộng Vân (Việt Nam), bạn Ngu Yên – Ngọc Phụng (Houston, TX), chị Nguyễn Đàm Minh Chí (Houston, TX), các cháu Hùng Lê Trần, Doãn Võ, Phúc Mai & Bé Nhè: Đoàn thanh niên “Cư An Tư Nguy” (Pheonis, AZ), Thưa riêng với những đả tự viên tài tử, Nhắn tin chung những anh chị em đã gửi bài cho Đặc San CĐ – NTH.

– Danh Sách cựu Giáo sư & cựu Học sinh Trung Học Cường Để và Nữ Trung Học: Tòa soạn dành 54 trang (từ trang 377 – 430) ghi địa chỉ và số phone của từng người. Danh sách này được cập nhật hằng năm, nên càng ngày càng dài, tuy nhiên vẫn chưa đủ vì qua 20 niên khóa sĩ số phải nhiều nhiều hơn nữa.

– Mục lục trong số này ghi nơi trang 431 và 432.


H 16: Hình bìa Đặc San 2013

XVII – ĐẶC SAN CƯỜNG ĐỂ & NỮ TRUNG HỌC, NĂM 2014

Đây là tập niên san lần thứ 17, với chủ đề “Bầy Bướm Trắng Biển Qui Nhơn” kỷ niệm 50 (1964 – 2014), Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn khai giảng niên khóa đầu tiên. Trong bản “Nữ Trung Học Hành Khúc” nhạc và lời của thầy Nguyễn Văn Xứng, một Giáo sư âm nhạc của trường, cũng đã từng gọi “loài chim áo trắng.”

Nơi đây biển xanh đùa sóng bạc
Nơi đây hàng thông đang reo vui
Nơi đây của loài chim áo trắng
Nơi đây Nữ Trung Học vạn niềm vui.

Xuyên suốt tập Đặc San dày 422 trang (không kể trang bìa), lần lượt trình bày các tiết mục. Xin mời quý độc giả dạo qua tập san này:

01 – Dẫn nhập: 7 trang (từ 1 – 7)

Dẫn nhập: Tòa Soạn đã dành trọn trang 7 cho bốn câu thơ của Thái Tẩu viết về “Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn,” được trình bày qua thư pháp của tác giả:

Nhớ Lớp Trường, Thầy Cô, Bạn cũ
Năm mươi năm Trường Nữ Quê nhà
Áo em bay tựa cánh thiên nga
Gói ước mộng từng trang sách vở.

02 – Lời vào tập: 3 trang (từ 8 – 10)

Ban biên tập dành 3 trang dàn trải tâm tình cùng bạn đọc, đúng hơn là quý Thầy Cô cùng những cựu học sinh của hai trường và các thân hữu, trong bài viết có đoạn:

Từ 17 năm nay, ‘Houston – tháng 6’ đã trở thành một cái gì rất gần gũi, rất thân quen, rất nồng ấm, rất xuyến xao. Như một ước hẹn không tên, như một mời gọi không nói bằng lời. Tiếng gọi tìm về với bạn, với thầy, với thành phố nhỏ, với ngôi trường nghèo ngập tràn kỷ niệm vào mỗi tháng sáu ở Houston đã luôn có và mãi đậm nét trong lòng mỗi chúng ta…”

Và “Khi những lời này được viết ra, không còn đầy 3 tuần lễ nữa là đến ngày hội lớn: Đại Hội Mở Rộng toàn thế giới, kỷ niệm 50 năm ngày trường Nữ Trung Học khai giảng niên khóa đầu tiên…

Mười bảy năm đã trôi qua, nhiều anh chị em đã không còn, nhiều anh chị em khác đã có dấu hiệu mỏi mòn bởi vết hằn năm tháng, tuy nhiên, tấm lòng cho nhau, vì nhau luôn vẫn nồng nàn, trọn vẹn như ngày đầu tìm đến bên nhau.

03 – Phố nhỏ – Trường Trường xưa – Thầy Bạn cũ: 50 trang (từ 11 – 60)

Có thể nói tiết mục này đi vào lòng người nhiều nhất vì chất đầy những kỷ niệm, những đùa nghịch vô tư, những tình cảm dễ thương của một thời áo trắng dưới mái học đường, qua các bài viết dưới đây:

– Võ Xuân Đào, từ Việt Nam gửi bài “Chuyện Lớp Tôi Bây Giờ Mới Kể.” Là cựu học sinh Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn & Cường Để Qui Nhơn từ năm 1968 – 1975), tác giả kể những kỷ niệm đùa nghịch chừng mực, và rất dễ thương của tuổi học trò suốt 7 niên khóa. Vui nhất chuyện “Chiếc nịt dây chuối” và “Nguồn gốc tên gọi.

– Ngọc Lan kể lại những kỷ niệm dưới mái trường Nữ Trung Học Qui Nhơn qua bài “Cô Hiệu Trưởng Trường Tôi.

– Gà Ri góp bài “Cây Cà Rem & Những Giận Hờn,” kể lại những lần giận hờn bạn bè của tuổi học trò thơ ngây.

– Nguyễn Ngọc Lan với bài “Hai Đứa Giận Nhau,” cũng là chuyện giận hờn vớ vẩn dưới mái trường Nữ Trung Học.

– Nguyễn Kim Tiến ở Woodbury (MN), tác giả bài “Nhớ Về Cô Mỹ Linh,” kể lại chuyện cô giáo dạy cách viết nhật ký và làm thơ.

– Huỳnh Mộng Vân, cựu học sinh Trường Nữ Trung Học QN, từ Việt Nam gửi bài “Những Kỷ Niệm Vui Về Thầy Nguyễn Thế Triết.

– Triều Phong Đặng Đức Bích ở San Jose (CA) viết bài “Ghềnh Ráng,” một thắng cảnh của xứ Bình Định nói riêng, và của Miền Trung nói chung.

– Đoàn Thi Vân với bài “Sóng Nhảy Bờ Xa, Quê Xưa Một Thuở” qua lối hành văn trôi chảy, lời văn đầy ắp cảm xúc, dàn trải mẫu chuyện “tha hương ngộ cố tri” tại trại tỵ nạn Ga Lăng, rồi lưu lạc, rồi tình cờ gặp lại trên bàn tiệc “Phú Phong,” trong ngày Đại Hội Cường Để & Nữ Trung Học năm 2013.

– Ngoài ra, còn có bài của bà Tạ Hạnh Đức hiện ở Bắc California, chị ruột của thầy Tạ Quang Khanh (Giáo sư Trường Cường Để), kể lại vụ nổ tại Sân Vận Động Qui Nhơn vào đêm 7- 1- 1972, em trai của bà bị thương, và em dâu là cô Đặng Thị Yến [2], Giám học Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn bị tử thương. Tòa soạn đã đặt tên “Một Phút Lắng Lòng” cho mẫu chuyện thương tâm này. Một vết thương khó lành của “Phố nhỏ – Trường Trường xưa – Thầy Bạn cũ.”

04 – Một chỗ dành riêng: 22 trang (từ trang 61 – 82)

Giáo đầu cho tiết mục này, Tòa Soạn trích 4 câu thơ của Việt Thao (Mang ơn từ lớp võ lòng...), để nhắc lại công ơn của Thầy Cô. Tiếp theo là các bài viết của Thầy Cô gửi về tham dự trong tập Đặc San năm 2014 này:

– Thầy Tôn Thất Ngạc, cựu Hiệu trưởng Trường Cường Để, hiện định cư tại Houston (TX), là tác giả bài thơ “Kỷ Niệm Đại Hội 50 Năm Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn.”

Nữ Trung Học Qui Nhơn và những tên tuổi không thể quên” là tiểu mục Tòa Soạn đăng lại hai bài viết cũ về Trường Nữ Trung Học: Bài 1, “Phỏng Vấn Cô Trần Thị Gia Hiệu Trưởng Đầu Tiên của Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn,” trích từ Đặc San Cường Để năm 1965, thực hiện trong thời Việt Nam Cộng Hòa. Bài 2, “Học Trò Cũ Tưởng Nhớ Cô Trần Thị Gia,” trích từ “Tuổi Nhỏ Và Những Năm Tháng Khó Quên” của Nguyễn Kim Kiều, đăng trong Đặc San Cường Để 1998.

– Kế đến là bài viết của cô Vương Thúy Nga, cựu Hiệu trưởng thứ 2 của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, hiện ở Houston (TX), trả lời phỏng vấn của An Dân. Cô kể lại hai sự kiện quan trọng xảy ra trong thời gian tại chức: Vụ nổ tại Sân Vận Động Qui Nhơn vào đêm 7- 1- 1972, cô Giám học của trường tử thương; và việc Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn tạm thời đóng quân trong khuôn viên Trường, nhưng họ rất tử tế và kỷ luật.

– Tiếp nữa là cuộc phỏng vấn cô Lê Thị Cúc, cựu Hiệu trưởng sau cùng của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, hiện định cư ở Boston (MA). Cô Cúc cũng có hai sự kiện đáng nhớ trong thời gian tại chức: Chuyện vui là năm 1994, tổ chức thành công hội chợ trong 3 ngày, tại khuôn viên Trường với nhiều trò chơi bổ ích. Chuyện bực mình là có một vị chỉ huy cao cấp nhất của tỉnh, xin cho 2 con vào học lớp 12, hồ sơ không hợp lệ (học bạ trường tư), Trường không nhận. Vài ngày sau, họ bổ túc học bạ của trường công ở tỉnh lân cận, nên không thể tiếp tục từ chối.

– Thầy Hồ Sĩ Duy từ Việt Nam gửi bài “Thăm Thầy Cũ” thuộc thể thơ mới, gồm 13 đoạn, trích đoạn 10:

Đơn giản lắm, một mối tình sư phụ
Rất thanh cao và cũng rất hiền hòa
Rất âm thầm và cũng rất kiêu sa
Như lẽ sống của tâm hồn kẻ sĩ.

– Bà Trần Thị Hồng Hoa, môt phụ huynh học sinh, có bài thơ “Hoài Cảm Cố Đô,” chất đầy thổ ngữ miền sông Hương núi Ngự, ngọt ngào giọng Huế:

Năm ni Mạ đã bảy mươi rồi
Tuổi thọ răng mà chẳng đặng vui.

– Thầy Hoàng Duy Lê Văn Ba, ở Westminster (CA) sáng tác bài “Em Và Anh” với hai câu kết:

Em là khối ngọc long lanh,
Anh chàng thợ đá tạo thành trân châu.

– Tòa Soạn cho đăng lại bài “Trinh Vương, Một Kỷ Niệm Đẹp” của Thầy Nguyễn Mộng Giác, để nhớ đến Thầy sau 2 năm từ trần. Nhận xét về Trường Trinh Vương, tác giả viết: “Trường có đầy đủ tiện nghi cần thiết cho việc dạy và học. Lớp học có sĩ số hợp lý (không quá đông đảo, chen lấn nhau trong một diện tích hẹp như các tư thục khác), kỷ luật học đường nghiêm chỉnh.

05 – Bầy bướm trắng biển Qui Nhơn: 14 trang (từ 83 – 96)

Nhân Đại hội Kỷ niệm 50 năm thành lập trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, Tòa Soạn giới thiệu tập album gồm 25 hình ảnh, gợi nhớ kỷ niệm về một thời áo trắng dưới mái trường thân yêu ngày cũ.

06 – Đâu đó chúng mình: 22 trang (từ 97 – 118)

– Nguyễn Diệu Tâm với những đổi thay nuối tiếc qua bài “Qui Nhơn Ngày Trở Lại.

– Đào Thanh Hòa viết bài “Họp Mặt Học Sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn Niên Khóa 1968 – 1975.” Tác giả kể lại nếp sinh hoạt của nhóm Văn nghệ chuẩn bị cho cuộc trình diễn trong ngày Đại Hội.

– Huỳnh Thị Kim Oanh ở Houston (TX) với ngón sở trường tùy bút, tác giả viết bài “Cường Để Mình.”

07 – Góp lại tự bốn phương: 42 trang (từ 119 – 160)

Kỳ Đặc San nào cũng vậy, đông đảo nhất là tiết mục thi ca. Năm nay, có 33 tác giả quy tụ 35 bài thơ, vần điệu mượt mà tươi mát, đơm bông phô sắc: “Giữa Chiêm Bao” của Lâm Cẩm Ái, “Thơ Khơi Niềm Nhớ” của Triều Phong Đặng Đức Bích, “Bốn Mùa Trong Em” của Đỗ Thu Ba, “Hồn Lưu Nguyễn” của Lê Thị Lĩnh Cơ, “Nụ Hôn Nắng” của Lan Cao, “Hẹn” của Phạm Ngọc Dao, “Thấy Ghét Người Dễ Sợ” của Hạt Dưa, “Nắng Thu” của Tuyết Đào, “Quán Mưa Chiều” của Nguyễn Xuân Đóa, “Mùa Phượng Vĩ, Tiếng Ve Sầu” của Hà Thúc Hùng, “Sau Cơn Mưa” của Lam Hồng, “Hương Xưa” của Thùy Linh, “Tôi Chờ Em” của Huỳnh Minh Lệ, “Tiếc Thương Bạn” của Võ Ngọc Lam, “Đừng Phai” của Nguyễn Công Lượng, “Về Lại Mái Trường Xưa” Trầm Tưởng Nguyễn Công Minh, “Xuân Mong Chờ” Lam Nguyễn, “Cảm Ơn Thành Phố Qui Nhơn” của Phan Tưởng Niệm, “Tháng Hai Áo Trắng” của Phạm Tương Như, “Tà Áo Trắng” của Lâm Phú, “Bến Xưa” của Mặc Phong Nguyễn Văn Quýnh, “Anh Đi Rồi” Nguyễn Bích Sơn, “Tàn Thu Và Nỗi Nhớ” Yên Sơn, “Đâu Rồi Trái Tim Tôi” của Lê Phước Tích, “Giấc Mơ Êm Ái” của Huỳnh Văn Thiệt, “Tình Em” Nguyễn Thị Tiết, “Thế Là” của Huỳnh Ngọc Tín, “Ta Cảm Ơn Người” Vĩnh Tuấn, “Hoài Niệm” của Thanh Tùng, “Áo Dài Tôi” của Ngô Thanh Vân, “Mưa Chiều Phố Cũ” của Nguyễn Văn Học Xuyên, “Ngoài Sự Thật” R Xưa, “Tô Phở Việt Nam” của Ngu Yên, “Nỗi Nhớ” của Phạm Ty Lan, “Thu Sầu” của Ngô Thu Hồng.

Dạo qua vườn thơ đủ màu sắc, 35 đóa hoa đều duyên dáng, nhưng mỗi đóa có một nét đẹp riêng. Đơn cử bài “Thơ Khơi Niềm Nhớ” của Triều Phong Đặng Đức Bích, có đoạn:

Người ơi xa cách muôn trùng
Sao như vẫn thấy ở cùng dậu thưa
Bên nầy giọt nắng đong đưa
Bên kia hoang lạnh sao chưa tìm về.

Hoặc bài “Mùa Phượng Vĩ, Tiếng Ve Sầu” của Hà Thúc Hùng, nhớ quá ngày tháng cũ qua tiếng kêu khắc khoải:

Cảnh cũ ngày xưa giờ đổi khác
Đổi cả tên trường ta mến thương
Người xưa thân ái, giờ xa vắng
Để lại lòng ta bao vấn vương.

08 – Xa hơn cửa Lớp sân Trường: 37 trang (từ 161 – 197)

Cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Houston thành lập Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, với sáng kiến phục hồi truyền thống Văn Hóa Vinh Quy Bái Tổ của tổ tiên. Hằng năm, tổ chức lễ vinh danh các tân khoa từ Đại học, Cao học, Tiến sĩ. Buổi lễ Vinh Quy Bái Tổ được cử hành theo truyền thống: những hồi chiêng trống gọi hồn dân tộc, niệm hương làn khói lung linh, cờ ngũ hành trọng thể, lọng che uy nghiêm, lính lệ đồng phục áo đỏ nẹp vàng, nón dấu chỉnh tề. Năm 2013, có 35 tân khoa ghi danh tham dự, gồm 12 tân khoa có học vị Bachelor, 6 tân khoa có học vị Master, và 17 tân khoa có học vị Doctorate thuộc nhiều trường Đại học khác nhau tại nhiều tiểu bang Hoa kỳ. Nguyễn Quý Cảnh viết bài “Ngày Truyền Thống Vinh Quy Bái Tổ.” Mai Loan tường thuật buổi lễ năm 2013, qua bài “Ngày Truyền Thống Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam.”

Đào Đức Chương góp bài “Nhà Tây Sơn Qua Ca Dao” gồm hai phần. Vì khuôn khổ Đặc San, kỳ này đăng Phần I “Thời Kỳ Khởi Nghĩa (1771 – 1778),” kỳ sau sẽ đăng Phần II “Thời Kỳ Mở Đầu Thống Nhất Đất Nước (1787 – 1802).

09 – Trang cho những người viết và đọc trẻ: 19 trang (từ 198 – 216)

Trong tiết mục này Tòa Soạn cũng trích 4 câu thơ của Nguyễn Hữu Nhật, để nhắc nhở cộng đồng người Việt tỵ nạn ở thế hệ thứ 2 tiếp tục bảo tồn tiếng Việt nơi xứ người: “Giữ gìn như thể con ngươi mắt mình.”

Trong 19 trang dành cho tiết mục này, Tòa Soạn trích đăng hai bài song ngữ “Chiếc Nỏ Thần” và “Anh Hùng Dân Tộc” của Trần Văn Điền, trong tập “Ngày Xưa Quê Hương Tôi: Once In Viet Nam” (Tủ Sách Song Ngữ Hương Việt). Tiếp theo cũng trích đăng bài “Đông Dương Và Nam Phong Tạp Chí” và bài “Gia Định Báo” của Bút Chì phụ trách mục “Giải đáp Thắc mắc” của độc giả Tạp Chí Làng Văn (Canada). Kế đến, bài “Thư Cho Con Gái,” của thân mẫu Nguyễn Kim Tiến, gửi cho con gái cưng, bày tỏ cảm xúc của bà, khi biết được con mình chọn ngành giáo dục, và thích học tiếng Việt để dịch sách từ Việt ra Anh. Cuối cùng là bài thơ “Yêu Em” của Cung Vũ, Bích Giao dịch ra Anh ngữ “Loving You.

10 – Những đóa hoa khác màu: 102 trang (từ 217 – 318)

Tiết mục này dày cộm nhất, chiếm ¼ quyển Đặc San, có 12 cây bút tham gia, hành văn nhiều thể loại: truyện ngắn, tùy bút, hồi ký, thuật ký, tự thuật, chuyện cực ngắn, tạp ghi, trích văn, bình văn, qua các bài sau đây:“Mẹ Tôi” của Thanh Thảo Nguyễn (Oklahoma), “Một Mảnh Đời Tôi: Mẹ” của Cao Ngọc Bông, “Qui Nhơn Mối Tình Đầu” của Carolyn Đỗ viết tặng TNL., “Viết Cho Anh… Chuỗi Ngày Gian Nan” của Kim Loan ở California, “Thì Thầm: Tình Yêu Của Em” của Nguyễn Bích Sơn, “Từ Mẫu Xứ Người” của Đàm Nguyễn Chí Minh, “Những Mẫu Chuyện Rời Rạc” gồm 4 chuyện cực ngắn của Nguyễn Quốc Tuyên, “Mùa Cũ” của Thu Thủy, “Mẹ Chồng Tôi” của Yth Nguyễn Thy Tứ, “Trần Hoài Thư Và Cảm Nghĩ” của Phạm Lê Huy, “Xi Nê Đồng Hạng” của Huỳnh Thị Thùy Hạnh, “Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau” của Hoàng Ngọc Tuấn.

11 – Ca khúc: 6 trang (từ 319 – 324)

Góp mặt vào Đặc San 2014, có 4 bản nhạc: “Ánh Trăng” nhạc và lời của Nhật Hạnh, “Tình Mùa Thu Nở” nhạc và lời của Đắc Đăng, “Mùa Thu Và Ta” thơ của Túy Hà, Tuấn Chương phổ nhạc, “Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa” nhạc và lời của Vũ Thanh.

12 – Giới thiệu sách: 11 trang (từ 325 – 342)

Trong năm 2014, Tòa Soạn nhận được 5 tác phẩm sau đây:

– Thi tập “Mặc Tư” (黙 思) của Lam Nguyên, gồm 44 bài chữ Nho, xuất bản 2013. Mỗi bài đều có phiên âm và dịch thơ của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, Hàm Yên, Lạc Phố, Linh Thoại, Nam Xuyên, Ngọc Tân, Nguyên Kim, Nguyên Mỹ, Song Nguyên, Tôn Thất Long, Tuấn Việt, Trần Quốc Bảo, Triều Giang, Trúc Hiên, Vân Trình, Y Xuyên, Yên Hà. Ngoài ra, từ Việt Nam, Lê Phương Nguyên dịch 42 bài.

– Thi tập hồi ký “Tràn Đầy” của Kiều Lam, xuất bản 2012. Giáo sư Nguyễn Hữu Thời viết lời giới thiệu.

– Truyện thơ “Hồn Vọng Phu” của Vũ Thanh, viết xong 2009. Thi phẩm có 21 hồi, gồm 2466 câu thơ lục bát.

– Thi tập “Nhạt Nắng” của Nguyễn Xuân Đóa.

– Tác phẩm “Tiểu Phượng Hoàng” của thầy Tôn Thất Ngạc, xuất bản 2014, gồm nhiều bài thơ và những đoản văn.

13 – Những tiết mục thường lệ: 80 trang (từ 343 – 422)

a/ Tin Tức và Thông Báo nội bộ:

– Trung tuần tháng 6- 2013, Gia Đình CHS Cường Để & Nữ Trung Học họp mặt bầu cử Tân Ban Đại Diện nhiệm kỳ 2013- 2016 và phát hành Đặc San 2013.

– Ngày 23- 3- 2014, Gia Đình CHS CĐ & NTH Họp mặt Tân niên và thành lập Ban Tổ Chức Đại Hội 2014.

– Những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Gia Đình CHS CĐ & NTH mừng đón cô Lê Thị Cúc, thầy Võ Đen & anh Nguyễn Xuân Đóa ghé thăm Houston.

– Gia Đình CHS CĐ & NTH với những chung vui xẻ buồn.

– Bản tổng kết tình trạng Thu, Chi từ ngày 5- 12- 2013 đến 5 10- 2014.

– Danh sách Quý Thầy Cô & Anh Chị Em yểm trợ.

b/ Nói Với Nhau: Tòa soạn dành 11 trang (từ trang 351 – 361) phúc đáp hay nhắn gửi đến quý thầy cô: Tôn Thất Ngạc (Houston, TX), Lê Thị Cúc (Dorchester, MA), Phan Văn Minh & Ngọc Anh (Virginia), Tuyết Đào (Việt Nam). Và quý Anh Chị Em Cựu Học Sinh CĐ & NTH Qui Nhơn: Đào Đức Chương (San Jose, CA), Alexander Nguyễn, Thùy Hạnh (Việt Nam), Đông Nguyễn (California), Kim Tiến (Woodbury, MN), Nguyễn Hoàng Vinh (Little Rock, Akansas), Ngu Yên (Houston, TX), Thưa riêng với những đả tự viên tài tử, Nhắn tin chung anh chị em đã gửi bài cho Đặc San CĐ – NTH.

c/ Danh Sách cựu Giáo sư & cựu Học sinh Trung Học Cường Để và Nữ Trung Học: Tòa soạn dành 58 trang (từ trang 363 – 420) ghi địa chỉ và số phone của từng người. Danh sách này được cập nhật hằng năm, càng ngày càng dài, tuy nhiên vẫn chưa đủ vì qua 20 niên khóa sĩ số phải nhiều nhiều hơn nữa.

d Mục lục trong số này ghi nơi trang 421 và 422.


H 17: Hình bìa Đặc San 2014

LỜI KẾT CHO MƯỜI TÁM SỐ ĐẶC SAN

Từ ngày 22- 2- 1998, thành lập Gia Đình Cựu Học Sinh Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn tại Houston (TX), hằng năm vào cuối tháng 6 dương lịch thầy trò của hai trường kéo nhau về Houston “tựu trường.” Thắm thoắt đã 18 năm (1998 – 2016), nếu kể cả lần Đại Hội 2016 sắp diễn ra là được 19 lần mở hội. Trong đó, 18 lần tổ chức tại Houston, và 1 lần tại Dallas (TX) vào năm 2009. Song song với các lần Đại Hội, 17 số Đặc San đã phát hành trong những năm qua, và số 18 sắp hoàn thành, sẽ phát hành vào tháng 6 năm 2016. Đặc biệt, các Đặc san đều có tên gọi riêng, mang dấu ấn chủ đề:

01/ Đặc San 1998, chủ đề Tiếng Chim Gọi Đàn, mới đầu bài vở còn khiêm tốn, chưa phân loại tiết mục, với vỏn vẹn 254 trang, trong đó danh sách Thầy Cô và Học sinh chỉ được 10 trang.

02/ Đặc San 1999, chủ đề Hướng Tới Một Tương Lai, bài vở đa dạng, các tiết mục được hình thành, chứa đầy 456 trang. Nhờ “Tiếng Chim Gọi Đàn” danh sách Thầy Cô và cựu Học sinh tăng vọt lên 32 trang.

03/ Đặc San 2000, chủ đề Gõ Cửa Thời Gian, bài vở càng phong phú, có thêm 3 mục mới “Những Đứa Con Ngày Cũ và Đàn Cháu Tương Lai,” mục “Cho Người Viết và Đọc Trẻ,” và mục “Những Đóa Hoa Khác Màu.” Vì thế, số trang tiếp tục tăng đến 511, trong đó danh sách Thầy Cô và Học sinh cũng tăng đến 41 trang.

04/ Đặc San 2001, chủ đề Những Dòng Sông Hội Ngộ, đã có nhiều tác giả từ Canada, Âu Châu, Úc Châu, Thái Lan, và Việt Nam tham gia, tập san dày 472 trang, nhưng danh sách Thầy Cô và Học sinh tăng lên 45 trang.

05/ Đặc San 2002, chủ đề Đàn Chim Tha Hương. Sau 5 năm phát triển không ngừng, số trang Đặc San đã bão hòa ở số 440 trang, danh sách Thầy Cô và Học sinh cũng còn tăng thêm 1 trang.

06/ Đặc San 2003, chủ đề Thoáng Hương Xưa, dày 412 trang, nhưng danh sách Thầy Cô và cựu Học sinh vẫn tăng tới 57 trang.

07/ Đặc San 2004, chủ đề Xôn Xao Dĩ Vãng, gợi nhớ một thời áo trắng đã qua, tập san dày 458 trang, còn danh sách Thầy Cô và cựu Học sinh vẫn giữ mức cũ.

08/ Đặc San 2005, chủ đề Cường Để – Năm Mươi Năm – Trường Cũ. Đánh dấu một cột mốc quan trọng Trường Cường Để (1955 – 2005), tập san dày 464 trang, trong đó có bài “Trường Trung Học Cường Để, Qui Nhơn” của Đào Đức Chương, đăng từ trang 12 đến 26.

09/ Đặc San 2006, chủ đề Ngày Xưa Thân Ái, dày 384 trang. Nơi mục “Những Đứa Con Ngày Cũ Và Đàn Cháu Tương Lai,” Tòa soạn vinh danh cháu Nguyễn Quang Quỳnh Trâm, nhà văn hữu danh trong làng báo Mỹ, làm chủ bút tờ báo Colorlines ở Oakland, nhưng vẫn chọn bút hiệu bằng tiếng Việt thân thương: Trâm Nguyễn.

10/ Đặc San 2007, chủ đề Mười Năm Nhìn Lại, lần họp mặt này cũng đánh dấu kỳ Đại Hội thứ 10 của Gia Đình Cựu Học Sinh Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn tại Hải ngoại (1998 – 2007). Đặc San thứ 10 có thêm hai tiết mục mới: “Tiếng Vọng Từ Những Nỗ Lực” với 18 tác giả tham gia; và “Nối Lại Vòng Tay” gồm 7 bài viết. Toàn tập dày 432 trang.

11/ Đặc San 2008, chủ đề Tiếng Gọi Gần Xa, với 432 trang. Đúng với chủ đề, Đặc san lần thứ 11, Tòa soạn từ Houston đã “Nói Với Nhau” với quý Thầy Cô, với bạn đồng liêu, đồng song, đồng môn, và thân hữu, không những ở các tiểu bang nước Mỹ, mà còn ở Canada, Đan Mạch, Đức, Pháp, Bỉ, và Việt Nam.

12/ Đặc San 2009, chủ đề Nối Lại Vòng Tay, dày 448 trang. Đại Hội họp mặt 2009, lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas, cuốn Đặc san số 12 này cũng theo chân Thầy Cô và đoàn cựu Học sinh CĐ & NTH đến Dallas để ra mắt độc giả.

13/ Đặc San 2010, chủ đề Một Thời Để Nhớ, số trang vẫn ở mức bình thường là 466 trang, nhưng danh sách Thầy Cô và cựu Học sinh tăng tới 61 trang. Kể từ Đặc San năm này, Tòa Soạn đã kết nối với diễn đàn Cuongde.org, nên bài vở của Đặc San không chỉ phổ biến trên báo giấy, mà còn mở rộng trên báo mạng.

14/ Đặc San 2011, chủ đề Ngày Đó Chúng Mình, dày 452 trang, trong đó danh sách Thầy Cô và Học sinh vẫn là 61 trang.

15/ Đặc San 2012, chủ đề Mười Lăm Năm Nhìn Lại, dày 452 trang. Song song với 15 lần Đại Hội, Đặc San CĐ & NTH Qui Nhơn cũng bắt đầu Giới thiệu 15 lần phát hành. Trong khuôn khổ trang báo, năm nay trình bày 8 số, từ năm 1998 đến 2005.

16/ Đặc San 2013, chủ đề Đâu Đó Chúng Mình, dày 432 trang. Trong tập này giới thiệu tiếp 7 số Đặc San, từ năm 2006 đến 2012.

17/ Đặc San 2014, chủ đề Bầy Bướm Trắng Biển Qui Nhơn, dày 422 trang. Mời xem chi tiết Đặc San 2013 và 2014, ở phần trên của bài này.

18/ Đặc San 2016, chủ đề sẽ là: Một Lần Cho Mãi Mãi. Chưa có Đặc San số 18, nhưng chúng ta cũng đã biết hướng đi và tổng thể nội dung của tập san này qua Bức Thư Xuân năm Bính Thân, Tòa Soạn gửi đến quý Thầy Cô cùng Anh Chị Em cựu học sinh CĐ & NTH và Liên trường Trung Học & Chuyên Nghiệp Qui Nhơn, có đoạn viết:

Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn số 18, năm 2016 với chủ đề ‘Một Lần Cho Mãi Mãi’ sẽ được thực hiện và phát hành trong ngày Đại Hội như một món quà đặc biệt mang tính Kỷ Yếu để đời, chú trọng vào hai nội dung tiêu biểu: ‘Quê Xưa Rộn Rã Lớp Trường’ tổng hợp những hình ảnh, những tài liệu, những sinh hoạt đặc biệt vể Trường xưa Thầy Bạn cũ, và ‘Tha Phương Tìm Lại Chút Hương Xứ Người’ với ‘Viết Từ Những Trái Tim Chung Nhịp’ và ‘Nhìn Lại Một Đoạn Đường’ như một cách giữ lại những hình ảnh, những tình cảm, những kỷ niệm mà Thầy trò chúng ta đã chung sức xây dựng và vun bồi nơi xứ người suốt gần 20 năm qua.”


H 18: Thiệp chúc Tết của Ban Tổ Chức

Những người con của Trường Xưa, vốn được hấp thụ Triết lý Giáo dục: Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng của nền Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. Dù họ ra đi với hai bàn tay trắng, tỵ nạn nơi xứ người, đối diện với cuộc sống chén cơm manh áo. Nhưng họ đã vượt mọi khó khăn cách trở, tìm gặp nhau trong tinh thần kính Thầy, mến Bạn. Rồi Gia Đình Cựu Học Sinh CĐ & NTH đã hình thành, sinh hoạt hăng say suốt đoạn đường dài, đến nay được 19 năm, và thực hiện 18 số đặc san. Là một bộ sách đồ sộ, trong 17 số đã phát hành có đến 7387 trang, và nếu tính Đặc San số 18 sẽ phát hành, chúng ta có khoảng 7850 trang chuyên đề nói về Trường Xưa Bạn Cũ.

Nếu có thể được, 18 số Đặc San đem vào CD hay lên trang mạng, để làm kỷ niệm và lưu lại cho thế hệ mai sau.

San Jose, ngày 24- 2- 2016

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG


GHI CHÚ

[1] Bài “Nhất tự vi sư” ra đời bởi điển tích sau đây:

Thời xưa, có nhà sư Tề Kỷ (Qi Ji) làm bài thơ ngũ ngôn bát cú với đầu đề là “Tảo Mai (早梅)” nghĩa là Mai nở hoa sớm. Nhà sư tìm đến Trịnh Cốc (Zheng Gu; ? – 897), một thi sĩ nổi danh, mới 7 tuổi đã biết làm thơ, đỗ Tiến sĩ năm 887, và có hàng nghìn thi phẩm; nhờ nhuận sắc bài thơ. Trịnh Cốc xem và nhận xét: Chủ đề bài thơ là “Tảo Mai,” mà nở sớm thì làm sao có đến mấy cành đồng loạt nở hoa. Ông bèn đổi chữ “sổ” (數) ở câu 4 thành chữ “nhất” (一):

Tiền thôn thâm tuyết lý,
前 村 深 雪 裏,
Tạc dạ nhất chi khai.
昨 夜 一 枝 開。

Việt Thao dịch:

Đầu xóm vùi trong tuyết,
Một cành đêm nở hoa.

Chỉ sửa một chữ mà bài thơ trở nên nổi tiếng, Tề Kỷ bái phục tài của Trịnh Cốc, bèn tôn lên bậc thầy. Chỉ dạy một chữ mà trở thành thầy, do tích ấy bài cổ thư “Nhất tự vi sư” ra đời.

Để nội dung bài cổ thư được rõ ràng hơn, chúng tôi tạm phục chế nguyên bản chữ Nho:

一 字 为 师, 何 諮 問
半 字 为 师, 不 可 談。
师 为 本, 置 國 民, 有 道 也
輕 师,國 不 盛, 世 道 亂 也。

Và tạm dịch:

Một chữ làm thầy, chi phải hỏi
Nửa chữ cũng thầy, chẳng nên bàn.
Thầy làm gốc, dựng dân nước, quả đúng vậy,
Xem nhẹ thầy, nước chẳng thịnh, đời loạn vậy.

[2] Bà Tạ Hạnh Đức là chị ruột của thầy Tạ Quang Khanh, và là chị chồng của cô Yến, trong bài, nơi trang 51, bà viết là “Đặng Thị Bạch Yến.” Có lẽ bà ấy quen với tên thường gọi trong gia đình, nhưng hai vị cựu Hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Qui Nhơn (cô Vương Thúy Nga và cô Lê Thị Cúc) đều xác nhận là tên của cô Đặng Thị Yến không có chữ “Bạch” trong các giấy tờ hành chánh của trường này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả