Hình như không có hình ảnh nào êm ã và thanh bình bằng hình ảnh những cánh cò.
Lúc nhỏ mỗi lần về quê ngoại, đi qua những cánh đồng lúa bao la của Phú Yên tôi lại thấy hình ảnh những cánh cò trắng muốt, bay mà như không, nhẹ tênh như cánh diều, vút nhẹ phía sau đuôi cò là vệt mây hồng rất nhẹ của buổi hoàng hôn. Vì những chuyến xe đò Thuận Thành về đến quê ngoại tôi bao giờ cũng là vào lúc hoàng hôn. Tôi thương những cánh cò lắm, có lẻ là vì câu ru của má tôi
“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
lúc ấy tôi còn bé, không hiểu gì ngụ ý của người lớn, chỉ thấy thương thương thân cò phải ăn đêm vất vã. Lớn lên một chút, năm lớp đệ tứ đệ tam gì đó, học giảng văn nghe thầy giáo giảng bài thơ tặng vợ của Trần Tế Xương mới biết người ta ví con cò như người đàn bà, người vợ
“Lặn lội thân cò khi quảng vắng,
Eo xèo mặt nước lúc đò đông”
Thầy tôi bảo rằng Trần Tú Xương rất thương vợ nên đã đưa hình ảnh Con Cò vào thơ văn, một điều mà trước đây các văn nhân thi sĩ ít khi làm, họ thường chỉ tả “Phong hoa tuyết nguyệt”. Còn tôi nghĩ thầm” Thương vợ sao không ra gánh dùm vợ bao gạo có phải đỡ hơn không!” Làm thơ rồi lại xúm nhau bình thơ, lại bảo vợ rang thêm mớ đậu phọng làm món nhấm cho thi nhân! Vợ bắt cái trả đất lên bếp rơm, khói cay sè mắt, thi nhân ngồi rung đùi, hồn thơ lai láng…
Tội nghiệp, hết là Con Cò rồi sau này tiến bộ hơn trong ca dao nàng được trở được thành Nắm cơm nguội để chồng ăn khi đói lòng
“Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng”
Chắc có người sẽ bảo với tôi là Con Cò kiểu này mới là khôn! Một điều nhịn chín điều lành, nhịn cho yên cửa yên nhà, nhịn để chồng thương tình không có vợ bé ( Tôi vẫn ngờ hai câu thơ này là “tác phẩm” rất khôn của đàn ông, chứ đàn bà lúc ấy vẫn chưa mấy người biết chữ, có đâu mà lên tiếng cho mình).
Có hai câu chuyện về đàn bà khiến cho tôi rất cảm động, một là câu chuyện “Người mẹ” của Pearl Buck, và hai là câu chuyện thật về cuộc đời của một người bạn má tôi. Câu chuyện “Người mẹ” của Pearl Buck làm cho tôi rơi nước mắt, nhưng câu chuyện đơn giản do má tôi kể lại làm cho tôi trăn trỡ nhiều đêm, vì nó là chuyện của đời thật.
“Chị P đẹp, hiền và ít nói lắm, hình như lúc ấy chỉ có thương một người, nhưng nghe lời cha mẹ nên phải đi lấy chồng. Gia đình chồng ở làng bên cạnh, ngày đám hỏi cũng chỉ thấy thoáng bóng chàng rễ lướt qua. Tối tân hôn P mới biết chồng của nàng là một người dị tướng chứ không phải là người đàn ông hôm đám hỏi, họ đã tráo chú rễ. Nàng giận dữ phản kháng, người đàn ông cục cằn chiếm đoạt. Nàng đã bỏ vể nhà, nhưng mẹ nàng khóc “dù sao con cũng là gái có chồng rồi, phải về với chồng thôi con ơi.” Nhiều tháng trôi qua, khi vết thương lòng của nàng vừa dịu, nàng lại nghe tin hắn đang tằn tịu với người đàn bà khác. Một buổi tối P đã treo cổ tự tử, người ta đỡ cái xác của nàng xuống, cái xác của người đàn bà trẻ măng và nhẹ tênh, hình như nàng đã không ăn uống gì nhiều ngày rồi.”
Tôi đã mường tượng đến những đêm người đàn bà ngồi bên cửa, nước mắt ráo hoảnh vô hồn. Tôi thấy thương thân phận của người đàn bà vô cùng. Cái chết của người bạn đã làm cho má tôi thêm nghị lực. Bà cương quyết lấy người mình thương dù ông bà ngoại có cản trở thế nào. Tôi ngưỡng mộ má tối về điều này lắm.
Đó là chuyện ngày xưa, còn chuyện Con Cò ngày nay xem ra phức tạp hơn nhiều. Gần nhà tôi lúc ấy là một khu cư xá, có hai vợ chồng là dân công chức, nàng đúng là một thứ Con Cò ngày nay rất mẫu mực, nói năng dịu dàng, chăm chút chồng từng chút một. Ấy vậy mà đùng một cái lại nghe họ bỏ nhau! Anh chông lăng nhăng với cô nào đó, cô vợ ôm đứa con nhỏ mới sáu tháng bỏ đi không bao giờ trở lại. Nàng không “hiền” chút nào? Hay nàng là người đàn bà rất can đảm? hay chỉ là một người đàn bà có trái tim dễ bị tổn thương? Quá nhạy cảm? Câu trả lời thật không phải dễ dàng.
Sau lưng nhà tôi lại là một xóm lao động, con hẻm cụt, đi về gì cũng có một lối, bởi vậy mọi người biết nhau rõ mồn một. Trong con hẻm có một người đàn bà vẫn được mọi người gọi là “Bà chằn” vì bà ta hay la lối và chữi nhau với chồng. Căn nhà tôn hơn hai mét bề ngang, sáu mét bề dài, hôm nào nóng nực ngủ không được lại nghe họ chữi nhau, chữi inh õi, cục cằn. Hình như lại vì ghen. Ông chồng làm nghề chạy xe ba-gác, lâu lâu lại nổi hứng chở xe miễn phí cho “con nhỏ” bán rau nào đó, vậy mới có chuyện. Và sau mỗi trận chữi bới nhau dữ dội, tôi lại thấy Bà Chằn te tách ra đầu hẻm mua về một chai bia, ít gói đậu , có hôm sang là dĩa gỏi vịt. Mái tóc rối bời chưa kịp chải, mấy đồng bạc lẻ ít ỏi nhàu nát trong tay… tôi lại thấy Bà Chằn lại hiện thân là một Con Cò, một con cò vụng về, nóng nảy, nhưng yêu chồng. Vẫn rất yêu chồng.
Và rồi bây giờ bôn ba qua xứ người, lặn lội trong thứ thời tiết khắc nghiệt, kiếm miếng ăn giữa những người không cùng ngôn ngữ. Con Cò dường như không còn yểu điệu như ngày xưa. Con Cò ngày nay phải học làm nhiều thứ lắm. Làm kế toán ban ngày nuôi con, làm câu thơ ban đêm cho mình, làm người đàn bà ương bướng tranh cải với chồng đôi khi, làm người yêu nhớ nhung khi chồng đi vắng, làm bạn với đứa con gái tuổi teen, bước thấp bước cao vẫn thấy mình hụt hẫng. Cuốc sống xô đẩy khiến cho đôi khi nàng như một sợi dây gai xù xì, nhưng rồi nhìn kỷ, sợi dây gai chính là vẫn chỉ là kết hợp của những sợi tơ mềm mỏng manh.
…Có một lần lái xe ban đêm, trời lành lành rất thú vị, tôi quay cửa kính xe kín bưng, hát to và nhịp tay trên vô lăng. Tôi thấy mình thong dong như một người đàn ông, ừ, đàn bà đâu phải là con cò, đàn bà tự lái xe, lái cả máy bay hông chừng đó!… Đèn đêm nhấp nháy, tôi chợt thấy tấm bảng “Cali Super Market” và trực nhớ mình phải mua bao gạo. Loay hoay bỏ bao gạo vào xe tôi chợt buồn cười khi nghĩ mai mốt mình có lái máy bay chắc sau đuôi máy bay cũng đèo theo bao gạo. Hình như ngó tới lui tôi cũng đâu khác gì Con Cò của Trần Tế Xương mấy đâu!
01/2011
Hà Xưa
RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Trước đây nghe Khang than thở:”thân cò lặn lội”
Nay nghe H cũng làm CÒ, mà cò này coi bộ dzui à!!
Hình như phụ nữ Vn mới vậy?
RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Con Cò Hà Xưa ơi! Chừng nào lái máy bay nhớ hú một tiếng cho tui quá giang với nghen! 😛 Bây giờ ở VN làm [i]cò [/i] ( cò nhà, cò đất… ) giàu lắm đó!
Bài viết hay, hơi tếu tếu, nhưng ngẫm ngợi cũng rất ngậm ngùi… Mình rất thích ý này :
[i]Cuốc sống xô đẩy khiến cho đôi khi nàng như một sợi dây gai xù xì, nhưng rồi nhìn kỷ, sợi dây gai chính là vẫn chỉ là kết hợp của những sợi tơ mềm mỏng manh. [/i]
Cứ việc [i]nổi hứng viết lung tung[/i] vậy nghen Hà ơi!
ĐO.
RE: RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Diễm xưa ơi
Vui và buồn là hai trạng thái lẫn lộn, nhiều khi khó nhận ra lắm. Nhưng trước mắt cứ vui cái đã, phải hông My
Hx
RE: RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Ừ, phải chi mấy ổng mà biết yếu điểm của “sợi gai xù xì” thì trăm trận trăm thắng rồi.
tính lái máy bay mà hỏng đủ chiều cao Oanh ơi
hx
re: Con cò…con cò
Đọc bài của Hà xong nghe lòng nao nao…
Con cò ở Mỹ cũng là… con cò!
Tụi mình là những con cò lặn lội ngày đêm, từ lâu đã quên mất bản thân mình, chỉ còn gia đình, chồng con, rồi bây giờ lại đến cháu nữa.
Thật ra, trong sự hy sinh cũng có rất nhiều niềm vui. Mình phải học cách sống lạc quan như Hà.
RE: re: Con cò…con cò
HN ơi,nhưng đã đến lúc cũng phải lo bản thân mình một chút nhé các bạn, ngoại ngũ tuần cả rồi đó!
Cuộc sống ở Mỹ stress lắm, nên mình thích nhìn mọi chuyện nhẹ nhõm một chút. Vừa nấu bếp vừa mở nhạc lên, bị té trầy đầu gối thì hãy an ủi là mình chưa gãy xương! hì!hi!
Hx
Cò
Thân cò lặn lôi bờ ao, biết bao giờ mới được bay thẳng cánh như trong hình trên!
RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Đàn bà chắc khó bay thẳng cánh nỗi lắm Phượng ơi! Thôi kệ cứ bắt ghế nhìn cái trụ đèn tưởng mình đang đi Paris cũng được!
Rất vui gặp lại bạn cũ, hổng biết bây giờ P ra sao rồi, email cho mình theo địa chỉ trên nhé
RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Admin ơi
Tự nhiên có thêm được hình cánh cò dễ thương quá, cảm ơn admin nghen, chắc dạo này admin bù đầu vì web ngày càng đông dui.
RE: RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Chị Hà ơi,trang web đông vui cũng là niềm vui của nhóm admin mà.Cảm ơn chị.
Thân
Nhóm admin
RE: Con Cò Ơi … Con Cò!
Chị Hà ơi,
Thân cò không ngại đường xa….dù đường có xa dịu vợi, phải không chị Hà?
Bài viết như một tâm trạng cò đi ăn đêm, kiếm gạo nuôi chồng tiếng hát nỉ non…Tiếng hót nghe đứt ruột, đứt gan…Còn hình những cánh cò cho Tiến cái cảm giác cô đơn dù đang bay giữa bấy đàn…hình ảnh bầy cò cổ dài cánh mỏng làm Tiến nhớ đến câu hát :’con cò cò bay lả lả bay la..Bay qua qua đồng lúa bay về về đồng xanh..Tình tính tang tang tính tình….” Cảm ơn chị. KT