Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Cô Bán Cà Rem

Sau gần một tuần thăm viếng những đền đài tuyệt vời của Miến Điện, chúng tôi từ thủ đô Yangon, Miến Điện bay sang thủ đô Vientiane, Lào.

Một ngày, đoàn chúng tôi đi thăm một ngôi chùa cổ trong thủ đô Vientiane (Vạn Tượng). Khi chiếc xe buýt chở chúng tôi vừa dừng lại trên con đường trước cổng chùa và khi anh huớng dẫn viên có tên T.C. của đoàn vừa bước xuống xe, chúng tôi đã thấy ngay một người đàn bà cỡi chiếc xe đạp chở thùng kem trờ tới:
– Em đây, có em đây!

Người đàn bà nói tiếng Việt vì vừa nhận ra anh hướng dẫn viên TC mà cô đã gặp trước đây. Tôi dùng chữ cô vì người đàn bà nầy còn rất trẻ khoảng 25-30 tuổi. Cô mừng rỡ chào hỏi anh TC và mời mọi người mua cà rem. Cô ăn mặc giản dị, áo ngắn tay dài, quần dài đen, đầu choàng một chiếc khăn đen đến cổ và đội thêm chiếc nón cời Việt Nam. Gặp lại cô bán cà rem quen trong những chuyến du lịch trước, anh hướng dẫn viên cũng mừng, tự nguyện đãi cả đoàn cà rem. Ban đầu, nhiều người, trong đó có tôi, còn do dự cầm cây cà rem vì sợ bị tiêu chảy trên đường du lịch. Anh hướng dẫn viên vội trấn an mọi người:
– Mời các anh chị ăn cà rem cho đỡ khát. Tôi đãi mọi người. Cà rem của chị nầy tôi và nhiều anh chị du khách khác đã từng ăn mà không bị gì. Chị tự tay làm lấy, rất vệ sinh. Các anh chị đừng ngại.
Tôi chọn một cây cà rem vị sầu riêng. Trời nóng. Cây cà rem mát rượi trong miệng và thơm ngon. Mọi người hết ngần ngại, bắt đầu ăn cà rem ngon lành. Vừa trao cà rem cho mọi người, cô bán cà rem vừa đảo mắt nhìn quanh như đang tìm một người nào. Cô hỏi anh TC:
– Mẹ em có đi chuyến nầy không anh?
– Không, chị à!
Anh TC trả lời. Cô hỏi tiếp:
– Vậy mẹ em có được khỏe không anh?
– Bà vẫn khỏe nhưng đã băt đầu lẫn rồi.
Anh TC lại trả lời. Mặt cô bán cà rem chợt buồn rười rượi. Anh TC hỏi:
– Sao không thấy chồng chị đi cùng như những lần trước?
– Dạ, chồng em bị bệnh nên không qua Lào chuyến nầy được.
Cô bán cà rem đưa tay chỉ vào một người đàn ông gầy nhom và nói:
– Đây là anh bạn của chồng em, cùng qua Lào với em chuyến nầy.
Chúng tôi, có người chưa ăn xong cà rem, đã vội theo anh TC đi thăm chùa. Cô bán cà rem ân cần cảm ơn đoàn chúng tôi đã mua cà rem của cô và gởi lời thăm người mà cô gọi là mẹ, không có mặt trong đoàn lần nầy.

Thăm xong ngôi chùa cổ thật đẹp và chụp nhiều hình, chúng lên xe buýt đi nơi khác. Lúc nầy anh hướng dẫn viên TC mới kể lại câu chuyện của bà mẹ và cô bán cà rem trong một chuyến du lịch năm trước đó.

Trong chuyến trước, đoàn du lịch cũng mua cà rem cùa cô trước ngôi chùa nầy. Nghe cô nói giọng Trung lờ lợ, một nữ du khách lớn tuổi trong đoàn, bác sĩ M. Đ., lại gần hỏi cô:
– Này em, em người ở vùng nào ngoài Trung vậy?
– Thưa mẹ, con người Đồng Hợi (Đồng Hới).
Bà du khách giật mình:
– Thì ra tôi đoán đúng. Tôi cũng người Đồng Hợi đây em nhưng tôi đã xa quê lâu lắm rồi, chưa lần về thăm.
Hai người đàn bà đều xúc động sau khi nhân ra nhau cùng quê. Bà du khách nghẹn ngào:
– Em này, mà sao em phải lưu lạc tận xứ Lào nầy vậy?
– Thưa mẹ, nhà con nghèo, vợ chồng con không tìm ra việc làm để nuôi hai đứa con ăn học nên chúng con mỗi năm phải qua đây mấy tháng, làm cà rem bán kiếm tiền.
Bà du khách mùi lòng, bước nhanh lên xe buýt mở chiếc bóp đựng tiền:
– Này em, tôi thương hoàn cảnh gia đình hai em quá. Đây, tôi xin tặng cho hai cháu ở nhà chút quà.
Nói xong bà run run đưa tặng cô bán cà rem hai tờ giấy bạc loại 100 đô la. Cô bán cà rem bật khóc:
– Mẹ ơi, mẹ cho con nhiều quá, con không dám nhận đâu. Con cảm ơn mẹ nhiều nhưng con không dám nhận đâu.
Bà du khách an ủi:
– Em ơi, tôi với em cùng quê nhưng tôi già quá rồi, không có hy vọng gì có dịp trở lại thăm quê để được gặp em lần nữa. Em nhận cho tôi vui được gặp em nơi đất khách quê người. Xin em nhận cho chút tình đồng hương…
Bà du khách thuyết phục cô bán cà rem một hồi, cô mới chịu nhận món quà vừa năn nỉ bà du khách:
– Mẹ ơi, chúng con cảm ơn mẹ thật nhiều nhưng mẹ phải ăn cho con một cây cà rem nghe mẹ.
Bà du khách nhận cây cà rem từ tay người bán và ôm chầm lấy cô. Hai người đàn bà đều thút thít.
Anh TC nói thêm:
– Quý anh chị biết không, số tiền hai vợ chồng chị ấy kiếm được mấy tháng bên Lào đủ nuôi gia đình và hai con ăn học cả năm.

Nghe xong câu chuyện tình đồng hương, vợ tôi mặt buồn thiu:
– Biết vậy, em cũng xin tặng hai em bé con cô ấy một chút quà.
Tôi an ủi vợ tôi vừa đùa cho nàng đỡ tiếc đã hụt dịp làm việc thiện:
– Vậy là mình huề 1-1 nghe. Năm 2009, anh quên cho quà chú bé bị bệnh tim ở Tuy Phước, Bình Định, Giờ em hụt chuyện làm phước cho con cô bán cà rem. Nhưng đùng lo, hành trình của chúng mình còn dài, em sẽ có dịp làm việc thiện.

Khi đến Angkor Wat, Angkor Thom, vợ tôi và nhiều bà trong đoàn đã có dịp thương những đứa trẻ gầy gò đi bán quà lưu niệm như sáo, hình ảnh cho du khách.


Trẻ Thơ Cambodia

Nguyễn Trác Hiếu
Chiều 29 tháng 3 năm 2014

8 BÌNH LUẬN

  1. RE: Cô Bán Cà Rem
    Cảm ơn anh Hiếu đã chia sẻ một mẩu chuyện đời trên con đường du lịch. Em cũng rất thích tìm thấy những câu chuyện trên đường mình đi. Mới biết còn bao nhiêu cuộc đời bất hạnh, những phấn đấu của con người vượt lên số phận, và cảm ơn ông Trời đã ưu ái ban cho mình nhiều may mắn trong cuộc sống, phải không anh?

  2. RE: Cô Bán Cà Rem
    Cảm ơn Diệu Tâm đã đọc và viết đôi lời. Càng đi xa càng gặp, càng thấy nhiều mảnh đòi bất hạnh và càng thấy mình may mắn nhưng bất lực.

  3. RE: Cô Bán Cà Rem
    Anh Hiếu mến, “may mắn nhưng bất lực” em nghĩ không chỉ xảy ra với chúng ta mà còn cả với những người dù giàu có và quyền lực. Trong chừng mực nào đó, mình chỉ có thể làm trong điều kiện cho phép và khả năng mình có. Có ít thì mình giúp ít, có nhiều thì giúp nhiều, chứ nếu mình nghĩ có giúp đỡ ai đó cũng chỉ như “muối bỏ biển” rồi bỏ qua cơ hội cho một con người thì thật là buồn anh nhỉ. Như câu chuyện anh kể, chỉ với 100 USD mà bằng cả “số tiền hai vợ chồng chị bán cà rem kiếm được mấy tháng bên Lào đủ nuôi gia đình và hai con ăn học cả năm” thì thật là đáng giúp. Hèn chi mà chị Bạch Yến buồn là phải! Nhưng hãy nghĩ mình không giúp được người này thì có người khác vậy, mỗi con người đều có duyên lành anh Hiếu ơi!

  4. RE: Cô Bán Cà Rem
    “Anh TC nói thêm: – Quý anh chị biết không, số tiền hai vợ chồng chị ấy kiếm được mấy tháng bên Lào đủ nuôi gia đình và hai con ăn học cả năm.”

    “Như câu chuyện anh kể, chỉ với 100 USD mà bằng cả “số tiền hai vợ chồng chị bán cà rem kiếm được mấy tháng bên Lào đủ nuôi gia đình và hai con ăn học cả năm”
    [i]

    Qua 2 trích đoạn, hình như ý của tác giả và DT khác nhau thì phải (?)[/i]

  5. RE: Cô Bán Cà Rem
    Có lẽ ý anh Hiếu là “số tiền 200 USD” ( 2 tờ giấy bạc loại 100 đô la ) = số tiền cô bán cà rem “kiếm được trong mấy tháng và đủ nuôi gia đình và hai con ăn học cả năm”? Vì Anh Bạn Già SG thắc mắc nên em “giải toán” ra cho rõ ràng như vậy đó được không anh Hiếu ơi?
    Và nếu như vậy thì … cô bán cà rem sẽ tích lũy được số tiền kiếm được trong những tháng còn lại? Thí dụ cô kiếm được 200 USD trong 7 tháng ( em thí dụ thôi, vì không biết mấy tháng là … mấy tháng vậy anh Hiếu? ) thì mỗi tháng cô kiếm được 28.57 đô la. Tiền kiếm được trong 7 tháng đã đủ ăn và nuôi 2 con ăn họ cả năm rồi. Vậy cô sẽ tích lũy được 85.71 đô la/năm? Hình như cũng còn … khá hơn cô bán cà rem ở … VN ? 😆

  6. RE: Cô Bán Cà Rem
    Ý chà, anh nghe sao kể lại vậy. DT tính toán rắc rối ra và dường như DT đã hiểu lầm lời văn của anh.

    200 đô la là chút quà bà du khách đồng hương tang cô bán cà rem một lần. Mà mấy khi gặp người đồng hương Đồng Hới rộng rãi.

    Tiền bán cà rem của 2 vợ chồng chị ấy mấy tháng bên Lào là chuyện khác. Anh hưóng dẫn viên du lịch không nói chi tiết. Năm sáu tháng không chừng, cho đến mùa mưa rả rich it du khách anh chị ấy mới trở lại Đồng Hới. Như vậy thu nhập không thể khoảng 200 đô la mà nuôi song đủ gia đình một năm. Mùa nắng, du khách tứ phương đến Lào rất đông, không riêng gì người Việt. Theo anh đoán, chị bán cà rem tâm sự với anh HDVDL chuyện đi xa làm ăn và chắc chắn vì lịch sự anh HDV không tò mò gặn hỏi chị thu nhập được bao nhiêu một năm làm ăn xa. Anh ấy cũng nghe sao nói lại vậy thôi. Anh nầy 55 tuổi đầu, đạo đức, trình độ cao, anh đi du lịch với anh ấy nhiều năm chưa bao giờ thấy anh ấy nói phịa chuyện gì.

    Ngay giờ nầy, cá nhân anh cũng không biết giá cây cà rem là bao nhiêu vì được đãi ăn. Nghe câu chuyện phải rời con thơ đi làm xa của cặp vợ chồng trẻ người Đồng Hới, anh cũng cảm động nên viết lại, chia xẻ với bạn bè thôi. Dĩ nhiên phán đoán và long tin thay đổi tùy độc giả.

  7. RE: Cô Bán Cà Rem
    Hì hì em đâu có tính toán rắc rối làm chi đâu anh Hiếu! Tại anh bạn GSG … thắc mắc nên em đùa vậy thôi 🙂 Như vậy nghĩa là 2 câu chuyện khác nhau và em đã hiểu nhầm.
    Cảm ơn anh đã giải thích.

  8. RE: Cô Bán Cà Rem
    Sao lại quan tâm đến những con số? cái tình cảm của người cho mới đáng quý, dù hai trăm đô hay hai trăm ngàn VN thì vẫn đáng quý. Tôi nhớ một câu chuyện trong đó có nguoi học trò đã tặng cho thầy mấy quyển sách cũ, nguoi thầy đã rơi lệ bởi vì đó là quyển sách mà thầy đã từng mang theo cả đời, nghèo quá mới bán đi.
    tôi nhớ chuyện mấy củ khoai của một cô gái đã lén ném qua cho cái đám tù cải tạo, để rồi mươi mấy năm sau một nguoi tù đã tìm đến và họ nên duyên…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả