Mùa hè đối với tôi hồi còn đi học thật sự là những ngày thư giản tuyệt vời! Không như mấy đứa con tôi sau này học thêm, học kèm, học nghề đủ thứ…điều đó khiến cho tụi nhỏ chẳng còn hơi sức đâu mà vui chơi…
Những tháng năm của tuổi học trò thời tiểu học, trong khoảng thời gian không đến trường, ngoài chuyện rủ mấy đứa em về quê ngoại chơi, tôi hay lang thang tới mấy rạp hát cải lương xem nghệ sĩ tập tuồng, về nhà chúi mắt chúi mũi vào đọc truyện Mầm non, Tuổi hoa. Lên trung học, ngoại mất, tôi thưa dần chuyện về quê chơi, tôi giành hầu hết kì nghỉ cho việc đọc truyện Tuổi Ngọc, Tuổi hoa tím và Ngàn thông hoặc cùng bạn bè đến những nhà sách Đại chúng, Bình minh , Tao đàn trên đường Gia long thèm thuồng nhìn ngắm những quyển truyện mới xuất bản. Tôi cũng đôi lần đánh bạo làm vài bài thơ con cóc hay viết ít câu chuyện nhảm nhí gửi đi…Sau nhiều ngày chờ đợi cũng không đến nổi uổng công, tên tôi với những bút danh khá kêu luôn được xếp nghiêm trang ở phần “Thư từ và bài vở nhận được” nằm cuối những trang báo.
Tôi còn vẽ tranh, thời bấy giờ tôi mộ nhất là họa sĩ Vi Vi, tranh tôi bắt chước nét bút của anh: Những cô bé có đôi mắt to long lanh luôn làm tôi say mê. May mắn hơn mấy bài văn thơ chút xíu, tranh tôi vẽ bằng mực Tàu thỉnh thoảng có in trên báo dành cho tuổi mới lớn. Vậy thôi, cũng đủ làm tôi tự nghĩ mình là một nhân vật nổi tiếng hách xì xằng dữ lắm! Nhưng mấy đứa bạn vô tâm của tôi, tụi nó cứ dửng dưng như không biết bạn của tụi nó đã thành một ” nghệ sĩ” đích thực. Đi đến đâu, dù vắng vẻ hoặc đông đảo thiên hạ, tụi nó vẫn ngổ ngáo gọi tôi ” Ròm ơi, Ròm hỡi” vang trời dậy đất! Tôi tự ái quá chừng chừng nhưng làm bộ như khinh, ta đây chẳng thèm nói ra. Vậy mà chỉ sau một mùa hè thả sức vui chơi, đến năm tôi vào học lớp mười, trong khoảng thời gian không lâu, tôi đã gần như trở thành một người rất khác, đã có những xao xuyến, những ưu tư, tôi nghĩ: Tôi đã là “người lớn” so với tôi trước đây thật rồi!
Cái hộc bàn trường Nữ trung học chúng tôi hồi đó không giống như những hộc bàn tôi từng biết từ thủa còn đi học cho đến khi ra đời đi dạy: Đó là cái hộc bàn có nắp! Mỗi khi muốn bỏ cặp hoặc lấy ra, chúng tôi buộc phải giở nắp. Mà những lần như thế, cái hộc bằng gỗ đen bóng ấy phát ra tiếng động rất khó chịu. Vì lẽ đó, chúng tôi chỉ dám đụng tới nó trong giờ nghỉ hay ra chơi. Giờ học, họa hoằn lắm chúng tôi mới dám đụng đến cái hộc bàn mà chúng tôi cho là vô cùng kinh dị. Nhưng rồi chẳng bao lâu nó trở thánh cái hộc bàn thần kỳ mang đến cho tôi nhiều kỉ niệm đáng khắc nhớ.
Tôi khó mà quên được một sáng sớm trong tháng đầu niên học, vừa đến lớp, tôi mở hộc, vốn tính tinh nghịch tôi định ném mạnh cái cặp vào cho bỏ ghét, tôi kịp dừng lại, thật ngạc nhiên, có kẻ đã bỏ dưới đáy một phong thư trắng tinh sạch sẽ và có một cái gói nhỏ đặt lên trên. Sợ có đứa bạn quỷ quái nào chọc phá, tôi nghi ngờ len lén đưa mắt ngó quanh quan sát. Hình như tụi nó ngây thơ vô tư hơn ngày thường tôi vẫn thấy. Tôi vội vội vàng vàng giở phong bì ra đọc trước. Những giòng chữ mực tím nghiêng nghiêng tròn trĩnh dễ thương đập vào mắt tôi:
” Chị H thương! Tụi em là Mai Lộc và Hoài Liên học lớp Tám 1 buổi chiều cùng phòng với chị nè. Chị cho tụi em làm quen với chị nha! Tặng chị gói ô mai coi như là món quà ra mắt.”
Một luồng gió mát vô hình làm tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu. Mở gói giấy nhỏ, ba cục ô mai vàng đẫm cam thảo to tướng khiến tôi không cưỡng nỗi nhón ngay một viên bỏ vào miệng. Thật may! Mấy đứa bạn quỉ sứ của tôi nó chưa biết, nếu không thì cái thư kia sẽ bay khắp lớp học và những viên ô mai hấp dẫn sẽ được tụi nó chia đều cho cả lớp, coi như là đi đứt! Không biết hai cô bé có nhầm tôi với ai không lại viết thư làm quen còn “hối lộ” ô mai cho tôi??? Sao hai nhỏ biết tên tôi chứ? Lạ ghê! Nhưng những lời lẽ trong thư và gói ô mai đã làm tôi sung sướng đến tê người và nhanh chóng quên đi những hồ nghi ban đầu.
Giờ ra chơi, tôi lần đầu tiên ngồi lại trong lớp nắn nót mấy hàng trả lời hai cô bé xa lạ mà theo tôi chắc là rất đáng yêu.Sau vài lần liên lạc tôi mới biết thì ra tôi có tật hay vẽ hình bỏ lung tung vào bàn học và còn làm bảnh ký vào đó cho nên hai cô bé biết tên tôi là điều dễ hiểu. Thư đi tin lại ít lâu, hai nhỏ đòi tôi một cái hẹn gặp mặt, trong khi bản thân tôi gặp gỡ là việc tôi ngại nhất trong đời. Buồn bực nhớ lại chuyện cậu Bảy tôi, mỗi lần có dịp ghé nhà, cứ tình cờ thấy tôi diện áo dài trắng đi học là in như rằng đôi môi của cậu lại trễ xuống tận cằm và cậu thường chép miệng :
– Thiệt! Ngữ nó, chắc mai mốt có Mọi mới lấy chớ ai thèm!
Tôi rầu rĩ không biết cậu tôi nói thật hay nói chơi. Nhà tôi ở ngay Bến xe, ngày nào tôi lại không thấy Mọi đi qua! Mấy ông Mọi đen thui đó có bao giờ chịu mặc cái quần cho tử tế, mấy ổng toàn đóng mấy cái khố trống trước hụt sau nhìn bắt ớn! Lấy mấy ổng, tui thà ở giá cho rồi. Vậy mà bây giờ Mai Lộc và Hoài Liên lại đòi diện kiến, tôi trốn đâu cho được? Thôi thì ” một liều ba bảy cũng liều”.
Giờ ra chơi hôm ấy đến thật nhanh. Đứng trên hành lang, tôi đã nhìn thấy hai cô bé để tóc dài cùng thắt bím, cả hai đều mặc áo dài trắng may bằng lụa băng tơ đang tươi cười bước tới. Sau màn giới thiệu, tôi cảm giác Mai Lộc như đã gặp ở đâu rồi, thấy quen lắm! Cố nghĩ, mãi mà tôi chịu không nhớ ra. Điều khiến tôi vô cùng thoải mái là hai cô bé không tỏ vẻ gì thất vọng khi gặp tôi tận mặt. Tôi tự tin hơn và bắt đầu trò chuyện vui vẻ thân mật với hai nhỏ. Mai Lộc có làn da trắng hồng, trên mặt có ít chấm tàn nhang, tuy nhiên điều đó chẳng hề làm giảm vẻ đáng yêu của nhỏ chút nào. Hoài Liên cũng tròn trĩnh như Mai Lộc nhưng nước da ngâm và đặc biệt cô bé có đôi môi lúc nào cũng tươi đỏ như sắc máu.
Từ lần gặp gỡ đó, chúng tôi bớt đi những lá thư hộc bàn và ngược lại tăng thêm những gói ô mai, kẹo dừa và xí muội…Đôi khi có giờ trùng buổi ba người chúng tôi còn thường đi về chung với nhau. Nhưng đoạn đường về chung không dài bao nhiêu vì tới đường Lê Lợi là chúng tôi lại phải chia tay, tôi và các bạn cùng lớp rẽ hướng khác hoặc lên xe lam về nhà.
Chúng tôi ngày càng quấn quýt, hai nhỏ đến nhà tôi chơi vài lần và nằng nặc mời tôi ghé thăm nhà hai đứa. Một sáng bất ngờ lớp tôi được nghỉ hai giờ cuối, theo chân Mai Lộc và Hoài Liên, ôm chiếc cặp nặng trĩu tôi cùng hai nhỏ về nhà Mai Lộc. Mãi trò chuyện, tôi vô tình không hay đang bước trên con đường Trần Cao Vân đã lâu tôi tránh chẳng đi về đó nữa…Ngần ngại tôi theo sau hai cô bé vào một quán chè nhỏ trên đường. Cái quán này tôi cảm giác dường như cũng quen lắm! Tôi tự nhủ có lẽ lúc trước ngày nào tôi cũng lội bộ qua đây nên nhà nào tôi lại chẳng thấy quen! Trong quán, ngoài mấy ly chè tượng trưng đặt trong tủ kính, xung quanh có ít bộ bàn ghế nhỏ cho khách ngồi. Quán lúc này chưa có ai…Tôi dè dặt đưa mắt nhìn quanh trong lúc Mai Lộc nhanh nhẹn chạy vào nhà trong lấy nước. Trên tường treo toàn hình gia đình, ba má và anh chị em của Mai Lộc. Trái với tôi là con một, nhà Mai Lộc anh em khá đông. Hình như tới bảy người!
Qua những phút đầu có hơi rụt rè, chúng tôi bắt đầu tranh nhau trò chuyện tíu tít. Hai nhỏ mượn tập thơ chép tay của tôi, vừa lật từng trang, hai nhỏ vừa khen tôi chọn toàn những bài thơ hay, hai nhỏ rất thích. Cả hai còn hết lời ca ngợi tôi trang trí và vẽ hình đẹp nữa!. Nghe hai nhỏ liếng thoắng tôi cứ như đang phiêu trên mây bềnh bồng. Đột nhiên tiếng cười giòn tan quen thuộc vang lên sau lưng làm tôi giật mình đánh rơi tập thơ xuống đất! Hấp tấp cúi xuống nhặt tập thơ, tay tôi chạm phải bàn tay con trai vuông vức. Hết hồn, rụt nhanh tay lại, tôi ngẩng lên:
-Ý…
Hắn:
-Ủa…
Không tin vào mắt mình: Chính hắn! Gã đồng môn Cường Để cùng học võ với tôi ở sân vận động Quy nhơn năm xưa. Tái mặt, trán rịn mồ hôi, tôi cười gượng gạo. Hắn vẫn cầm tập thơ trên tay, tròn mắt ngó thẳng vào mặt tôi cười đáng ghét;
– Lâu ngày mới gặp…H mà cũng thích đọc thơ hả? Chà! Vẽ coi cũng được đó chớ!
Tôi muốn chui xuống đất độn thổ cho rồi. Tôi “mà” sao? Bộ chỉ có mấy đứa con gái điệu chảy nước, ẻo lả như cọng bún mới biết đọc thơ chắc! Tôi đi mà không chịu coi ngày, đồ ma ám! Khó ưa! Nóng nảy giật phắt tập thơ, cười như mếu, trước sự ngạc nhiên của Mai Lộc và Hoài Liên, tôi tạm biệt hai cô bé vội vã ra về. Ra tới cửa, tôi còn kịp nghe loáng thoáng tiếng Mai Lộc hỏi hắn:
-Anh chị …biết nhau trước rồi há?
Con đường lâu ngày không lui tới, hôm nay sao có nhiều đá dăm đến vậy? Tôi đi mà vấp vướng chúi nhủi suýt té tới mấy lần. Thốt nhiên tôi chợt nhớ tới ngoại tôi. Lúc còn sống ngoại thường mắng tôi: “Cái mặt ngó sớn sác như thằng lác mắc mưa”. Lời ngoại quả không sai chút nào! Sao tôi ngố đến vậy được chứ.Giờ tôi mới kịp nhận ra Mai Lộc chính là cô bé mặc váy hồng dễ thương ngồi trong quán chè này với hắn độ nào. Hèn gì lúc mới gặp, tôi cứ thấy Mai Lộc quen quen… Trời hại tôi rồi! Lòng bâng khuâng, hồi hộp trào dâng. Một nỗi niềm buồn vui lẫn lộn, sượng sùng khó tả. Tôi không hiểu tôi nữa! Tôi tự nhiên thấy sợ những lần gặp mặt ngay cả với hai cô bé tóc bím kia. Trước những món quà được gói kín trong hộc bàn trả công tôi vẽ hình (có kèm thêm những cánh hoa , phiến lá ép khô của hắn ) cũng làm tôi trở nên e ngại. Tôi lại thẩn thờ, chẳng còn can đảm, hứng thú để theo hai nhỏ vào quán chè đó nữa..
Cho đến chiều kia, chân bước lang thang một mình trên đường Võ Tánh, từ xa tôi thấy hắn đang gò lưng trên chiếc xe đạp, mái tóc húi cua thường thấy của dân Cường để dựng đứng vì ngược gió. Tôi lật đật đi sát vào hàng hiên, thả bộ lơ làm như không nhìn thấy. Hắn bất ngờ tấp xe vào lề đến trước mặt tôi chận tôi lại hỏi:
-Sao dạo này không thấy H lại nhà mình chơi? Mai Lộc em mình nó mến H lắm, nó và Hoài Liên cứ nhắc H miết!
Đường Võ Tánh hôm đó bỗng nhiên như ngắn lại. Nó không đủ để trải hết những cảm nhận suy nghĩ của tôi về hắn .Tôi cứ mặc mình trong suy tưởng miên man. Người tôi lơ lơ lửng lửng…
Một hôm nghỉ học, tôi đang ngồi trong bếp canh nồi cơm, vừa nấu cơm tôi vừa lẩm nhẩm hát. Hắn đến! Cầm phong bì trong tay hồi lâu, hắn chẳng nói tiếng nào, tôi cũng im như thóc. Hắn đặt phong bì lên bàn rồi ra xe phóng mất biệt. Tim đập dồn dập, tôi mở phong thư như muốn hụt hơi. Một tấm thiệp trắng mỏng cắt khắc sắc sảo hình bông hồng cũng màu trắng hiện ra. Những dòng chữ đánh máy không bỏ dấu lại rất mờ nhạt khiến tôi không biết có phải vì tôi quá hồi hộp hay không , tôi đọc mãi mà chẳng hiểu hắn ghi gì..
Mối tình học trò khờ khạo, nhiều hờn giận trách cứ trẻ con và đầy ắp nông nổi đó vậy mà cũng kéo dài được ba năm. Như những đám mây xanh trên xa cao kia: Chúng đan vào nhau một lúc nào đó, những cơn gió vô tình ngang qua, thổi chúng bay đi về những hướng đời khác nhau. Thời gian dần trôi, hắn và tôi cùng lớn lên, tình cảm xưa phai nhạt, chúng tôi chia tay…
Rất lâu sau, có dịp đi Chợ Lớn, tôi gặp lại Hoài Liên.Cô bé lúc ấy có lô hàng bán bánh kẹo trong chợ. Vẫn mái tóc dài, vẫn gương mặt đầy đặn phúc hậu và đôi môi đỏ như tô son thủa nào. Trông em chẳng khác xưa là mấy. Qua Hoài Liên, tôi mới biết: sau khi thôi học, Mai Lộc về một huyện nhỏ làm kế toán, được ít lâu, không hiểu vì lý do gì, Mai Lộc cắt tay tự sát. Sáng hôm sau mọi người phát hiện thì đã muộn.
Tôi chợt nhớ cái giếng trời ngày xưa ở giữa nhà anh em Mai Lộc, những chậu cây tim tím hoa trắng không rõ tên, hoa cẩm chướng cánh bé li ti và nhiều bụi hoa mười giờ đỏ thắm, có cả dây leo sống đời lá xanh mượt thả rơi lơ lửng xuống lưng chừng vách…Hồi đó hắn hay trêu Mai Lộc vụng về nên tưới cây nào là héo cây đó, thậm chí là cây cỏ dễ trồng như hoa mười giờ cũng không bao giờ ra hoa nổi. Mai Lộc mà siêng lên sộ nước vào nó là coi như cây chỉ còn trơ lá. Tôi bất giác buồn thương vô cùng nghĩ đến cuộc đời ngắn ngủi của Mai Lộc; tựa như cây mười giờ ngày xưa của em không bao giờ nở hoa.
Chúng tôi xa trường, cái hộc bàn thần kì ngày cũ chỉ còn trong hoài niệm. Ở đó tôi có tình cảm chị em dễ thương với Mai Lộc và Hoài Liên. Ở đó tôi có những rung động êm ái ngọt ngào.
Và bỗng chốc, giữa mùa hè năm nay, sau bấy nhiêu tháng ngày đằng đẳng, trong phút giây kí ức một thời quay lại chiếm kín trí óc tôi, nó làm tôi nghe lòng mình se sắc ngập đẫm nhớ nhung. Chừng như có sợi khói cay nào vương vào trong mắt …
Đào Thanh Hòa
1/7/2011
RE: Bước Chân Tôi…
Nhỏ viết về những ngày xưa thân ái thật nồng nàn và đáng yêu quá đỗi. Nhỏ nhắc lại làm mình cũng nhớ đến nhiều kỷ niệm về cái học bàn quái chiêu này. Tiếng kêu kẻo kẹt của nó làm mình thót tim đến nhiều lần! Chắc người thiết kế cái bàn học này có dụng ý gì chăng, chứ đúng như Hòa nói, mình cũng chưa bao giờ thấy lại cái kiểu bàn này lần nào nữa trong đời.
Cảm ơn những xẻ chia quá ngọt ngào ở một khúc đời nghen Hòa. KT
RE: Bước Chân Tôi…
ĐTH có lối viết văn của người “ngày xưa tôi đã đi học vo” câu nào câu nấy dòn tan, mình rất khoái!
Hy vọng “hắn” sẽ vừa ôm cháu ngoại vừa rung đùi cười mím chi khi đọc mẫu chuyện này
Gửi Đào thanh Hòa
Tôi thích đọc về tuổi học trò , bởi nó luôn gợi nhớ và tạo cho người đọc một cảm giác chân thật . Ở đây ĐTH đã nhắc lại những cái tên địa danh rất rỏ ràng mà bất cứ cô cậu học trò nào ở đó cũng phải có kỷ niệm với nó , đó là một cái hay ! Nhất là cái bàn học , tôi cũng đã từng ngồi bên một cái bàn như vậy từ xa xưa lắm ,và hình như phía trước của nó còn có một cái lỗ để bỏ lọ mực vào thì phải ! Cái bàn với biết bao nhiêu câu chuyện khởi đầu cho những mối tình học trò mà tôi nghĩ là ở nơi nào cũng giống nơi nào ! ĐTH đã dẫn dắt người đọc rất tốt vào trong tình bạn trước ( Ở đó tôi có tình cảm chị em dễ thương với Mai Lộc và Hoài Liên ) rồi mới tới tình yêu rất nhẹ nhàng của học trò bằng một lá thư ” tỏ tình ” ( Cầm phong bì trong tay hồi lâu, hắn chẳng nói tiếng nào, tôi cũng im như thóc. Hắn đặt phong bì lên bàn rồi ra xe phóng mất biệt.)Có điều này tôi hơi thắc mắc :
( Những dòng chữ đánh máy không bỏ dấu … )sao không là những chữ viết bằng mực tím hả ĐTH ? . Và chuyện tình đó kết thúc ( Như những đám mây xanh trên xa cao kia: Chúng đan vào nhau một lúc nào đó, những cơn gió vô tình ngang qua, thổi chúng bay đi về những hướng đời khác nhau….) êm ả và thơ mộng nhưng lại hơi tiếc ( với tôi thôi )khi tưởng sẽ được đọc nhiều hơn về chuyện của hai người , như vậy có phải là quá tham không ĐTH ? Cám ơn ĐTH đã nhắc nhở lại một thời tuyệt vời nhất của đời người . Chúc Hòa vui và viết thêm thật nhiều về ngày xưa đó. Gửi tặng ĐTH 4 câu thơ về ” tình cảnh khó khăn ” của người đưa thư để thông cảm nhe ( hì hì ) :
Tiểu thư ơi hởi tiểu thư ơi!
Em khiến hồn tôi lạc mất thôi
Trang thư định viết đưa hôm ấy
Ngơ ngẩn nên quên …chữ nghĩa rồi !
(NĐH)
Thân ái.
Bước Chân TôI…
Câu chuyện xem chừng đơn giản, nhưng dướI ngòI bút của ĐTH đọc thấy…mê luôn. Cám ơn những câu văn và cách kể chuyện thật hấp dẫn và bay bướm. Cám ơn H.
RE: Bước Chân Tôi…
Những kỷ niệm thời mới lớn, lớp học, tình bạn, tình cảm đầu đời v.v.. dường như ai cũng đã trải qua, khó quên nên đi theo ta suốt cuộc đời. Không nhiều thì ít, chị cũng thấy thấp thoáng đâu đó trong bài viết của Hòa những hình ảnh và kỷ niệm ngày nào của riêng mình. Cảm ơn những xẻ chia rất dễ thương Hòa ơi!
Kim Tiến!
Mi đã gây áp lực làm cho ta phải tháo vốn! Đó! Giờ mi muốn xử ta sao mi xử!
Ôi ta lại …hận mi nữa rồi Gà con ơi!
Chị HX mến!
Thật tiếc chị ơi! “hắn” của ngày xưa đã ” quy tiên” rồi. Cơ hội để hắn ngồi rung đùi đọc chuyện viết về hắn không còn nữa.
Mong là chị sẽ luôn “khoái” khi đọc bài H viết.
Anh Ngô Đình Hải!
“Tiểu thư ơi hởi tiểu thư ơi!
Em khiến hồn tôi lạc mất thôi
Trang thư định viết đưa hôm ấy
Ngơ ngẩn nên quên …chữ nghĩa rồi !”
Cảm ơn anh đã có nhận xét và “bình loạn” rất chân tình về bài viết của ĐTH. Anh lại còn tặng 4 câu thơ thật “giết người”. Anh Hải à! Hồi đó ngu khờ lắm! Làm gì biết đến những ngôn ngữ đẹp…Nhưng đó lại là chuỗi ngày khó quên.
Con gái thích viết mực tím chớ còn mấy gã thì đâu có vậy đâu! Hi hi…Chúc anh Hải luôn vui.
Lê Du Miên!
Một ly nước đường tuyệt ngọt cho người viết! Cảm ơn Lê Du Miên!
Chị Diệu Tâm thương quý!
Đôi lúc giữa cuộc sống hiện tại có gì phiền muộn, chỉ cần “rờ tua” lại “Ngày xưa Hoàng Thị…” là cảm thấy tươi lên liền đó chị!
RE: Bước Chân Tôi…
… gom đủ một tuyển tập truyện ngắn chưa dzạ? … hà mơ màng cái ngày Hòa bán sách mà hà thu tiền làm quỹ NTHQN … haha …
Diệp Hà!
Ê! Đừng xúi dại nghen! Gom tiền in sách, bán ra hổng ai mua ở đó khóc!
RE: Bước Chân Tôi…
Truyện của Hoà gợi nhớ lại cái thuở “chị em hộc bàn” ngày xửa ngày xưa…
Ê Hòa, in sách bán hổng ai mua thì mình tha hồ mà đọc 😛 😉 😆
Huệ ơi! Huệ à!
Hồi đó nhỏ có em hay chị học bàn không dzậy?
Mình nhớ lớp mình sát bên nhà ông cai mập. Cô giáo mới lên văn phòng có chút việc, là cả lớp nhốn nháo, qua cửa sổ, mua những ly chè xanh đỏ, Cô giáo trở về, trời ơi cái học bàn quái ác làm reo khi nắp bàn đóng lại rầm rầm cùng một lúc. Thế là cô đi từng bàn mở nắp bàn lên, đứa nào có ly chè nằm trong học của mình là bị phạt. Bây giờ Tiến không nhớ là cô nào và cô phạt bọn mình cái gì? Nghĩ lại thấy vui ghê phải không? KT
RE: Huệ ơi! Huệ à!
Có chớ Tiến, không nhớ gì nhiều, nhớ là khi đến lớp là dở hộc bàn lên để xem có thư không, chẳng hiểu lúc đó mình viết cái gì mà hình như mỗi ngày đều có viết vài ba câu??? may là chị em hộc bàn chứ mà anh em hộc bàn không biết tính sao đây 😉 😛
RE: RE: Huệ ơi! Huệ à!
Haha nhỏ này tưởng tượng vui quá ta. 😆
Hồi đó Tiến cũng thấy vui với chuyện chị em học bàn quá chừng mà sao giờ Tiến không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ giống Huệ thôi, ngày nào cũng mở học bàn ra xem có thư không? cũng nôn nóng, cũng đợi chờ….và mình biết đợi chờ từ đó hỉ? 😉 KT
Hà Kim Huệ!
Ta sẽ tặng cho nhà ngư núi sách đó đặng nhà ngư chết ngộp luôn!
Hoà ơi! Hoà à!
Mi bắt ta lên rừng hái lá diêu bông ta cũng đi nữa đó! Cảm ơn nhỏ thật nhiều! KT
RE: Bước Chân Tôi…
Đào Thanh Hòa mến!
Đọc xong bài này mình cũng thấy như có gì vương vương trong mắt!
Đây là bài viết tiếp theo bài ” Ngày Xưa Tôi Có Đi Học Võ ” mà mình rất thích!( Đề nghị Admin đăng lại cho bà con ai chưa coi thì coi 🙂 )
Mình cũng thấy…giận cái ông cậu Bảy của Hòa! Trời Đất Thiên Địa ơi! Một đứa cháu dễ thương, tài hoa như vậy mà ổng nỡ nào muốn [i]gả[/i] cho…Mọi ( những người mà theo Hòa tả là [i]không bao giờ chịu mặc…cái quần cho tử tế…[/i]hì hì… )
Mình cũng thấy thích câu mà NĐH đã bàn :
[i]Như những đám mây xanh trên xa cao kia: Chúng đan vào nhau một lúc nào đó, những cơn gió vô tình ngang qua, thổi chúng bay đi về những hướng đời khác nhau. [/i]
Những mối tình đầu đời thuở học trò vụng dại hay làm cho ta thấy bâng khuâng tiếc nuối như vậy, phải không?
Rất cám ơn Hòa!
Chúc vui khỏe!
ĐO.
Chị Đông Oanh quí mến!
Cảm ơn chị đã bỏ công bênh vực cho con nhỏ “sớn sác như thằng lác mắc mưa”! Cảm ơn chị đã đồng cảm với những rung động bâng khuâng đấu đời! Và nếu còn có thể chị và các bạn sẽ còn bị hành hạ bởi cái sự ngáo ộp của con nhỏ đó đài dài trong những mẩu chuyện còn lại….Hi hi
Chúc chị luôn vui khỏe!
RE: Chị Đông Oanh quí mến!
Hi Hi! Hòa ơi! Đang rất muốn được [i]thưởng thức thú đau thương của sự bị… hành hạ [/i]đó! 😛
Thân mến! ĐO.
RE: Bước Chân Tôi…
Hoà ơi , Vân nhớ ngày xưa cũng có lần nhận thư làm quen ở hộc bàn . Thư đầu không dám trả lời , mấy thư sau thấy viết vui quá nên mạnh dạn trả lời . Thư qua thư lại được vài hôm mới biết đó là 2 chị học trên mình 3 lớp . Lâu quá không nhớ , chỉ nhớ có một chị tên Phượng . Đến một hôm đang ngồi học , mình có cảm giác có ai đó đang nhìn lén mình qua cửa sổ , quay lại thấy có 2 chị đang rúc rích cười nhìn mình , tự nhiên mình mắc cở , cúi mặt giả lơ . Giờ nhớ lại thấy sao hồi đó mình nhát quá , hai chị thiệt là dễ thương vậy mà mình cũng sợ .
Huỳnh Mộng Vân!
Ừ! Hồi nhỏ nhút nhát, thấy ai cũng sợ, ngay cả mấy chị học cùng trường lớp trên cũng sợ! Bây giờ có tuổi rồi …khác! Ai sợ mình hổng sợ thì thâu, mình ứ sợ ai hè hè…
RE: Bước Chân Tôi…
ĐTH thân mến,
Dù đến trễ nhưng V cũng kịp theo hết những Bước Chân Của H. Phần chia sẻ thì đọc đến thỏa thê! Đó là “lợi thế” của người đến sau phải không? . V cũng có thời chị em hộc bàn y chang như vậy nên phục tài kể chuyện của H quá. Cảm ơn “nhà văn” ĐTH. 🙂
Ngô Thanh Vân !
Mình phải cảm ơn bạn hiền đã luôn theo đọc và ủng hộ những bài viết gần như hồi kí của mình về quảng ngày học trò. Đó chính là chuỗi ngày tươi đẹp và trong sáng đáng yêu nhất của mỗi chúng ta.
Xin tặng cho tất cả các bạn bằng tất cả tình cảm, niềm rung động chân thành của người viết. Thân mến!