Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Bạn Xưa

Lâu rồi tôi không viết. Những cảm hứng, say sưa trên phím gõ từng có thời gian lóc cóc xôn xao làm cảm xúc trong tôi như tuôn trào, bay bổng, tưởng chừng đã nguội lạnh. Sáng nay, mở mail một niềm vui nho nhỏ chợt đến khi đọc hai chữ mở đầu trên cánh thư điện tử: Hòa ơi! Tên của ba mẹ đặt đã có thời gian dài không ai gọi, trường Nguyễn Huệ của thời tiểu học đã trả lại cho tôi cái tên trong khai sinh. Một cái tên, mà theo suy nghĩ của riêng của tôi: cái tên thật bình thường, bình thường hơn những cái tên bình thường khác. Bạn đến trước nhà bao giờ cũng: Hòa ơi! Tiếng gọi đó lâu dần đối với tôi đã trở nên quen thuộc, thân thiết và dễ nghe đến vô cùng. Tôi thích cách gọi trên!

Giờ tôi lại đọc hai tiếng đó, những con chữ gõ trên bàn phím mà tưởng như tôi đang nghe bên tai tiếng bạn gọi ngoài hiên …
Hòa ơi..
Gia đình mình sẽ ra Quy Nhơn và về Tam Quan thăm mộ ông bà.
Nếu có dịp được gặp lại các bạn thì vui lắm
Tiện thì cho mình xin số ĐT nha.
Số ĐT của mình là …

Một bạn học cùng thời tiểu học cách đây đã bốn mươi năm, chúng tôi tình cờ gặp lại trên trang web Hương xưa. Cái tên đặc biệt ấn tượng Ngô Càn Chiếu giúp cho tôi và Hà Kim Huệ ở một nơi thật xa xôi đã nhận ra bạn mình. Ngay tức khắc, sân trường Nguyễn Huệ rộng thênh thang với những tán cây bàng tỏa rộng, những thân phượng uốn cong tự nhiên và những hàng cây me tây to cao sừng sững, những trái me dài thòng thược đen bóng, hương thơm ngây ngất của hoa me tây lan tỏa trong gió thu như quay trở lại cùng tôi hôm nay với biết bao kỉ niệm thời bé thơ.

Khi chúng tôi bước vào năm học lớp Ba D do cô Băng Châu hướng dẫn, cũng là năm đầu tiên tôi được vô học trường công. Cô giáo của chúng tôi xinh lắm! Mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt yêu kiều kiểu như ca sĩ Phương Hoài Tâm thời bấy giờ . Dáng cô rất đẹp, những chiếc áo dài may khéo và những hoa văn màu thanh nhã càng làm tôn vẻ đẹp dịu dàng của cô. Chúng tôi hết sức quý cô . Giọng Huế trầm bổng của cô khi giảng bài khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Nhưng rồi chẳng bao lâu, sang nửa niên học sau, ( nếu tôi nhớ không lầm), cô Băng Châu chuyển sang lớp khác và cô Xuân Ba (mẹ của bạn Lê Thị Bích Liên) thay vào. Cô Xuân Ba có vẻ nghiêm với học trò hơn và cô rất ân cần, dạy dỗ uốn nắn chúng tôi trong từng lời ăn tiếng nói. Tôi nhớ hồi đó khi chúng tôi chép bài mới, bao giờ cũng vậy dưới hàng chữ thứ ngày tháng năm là phải ghi một câu cách ngôn hay tục ngữ. Khi thì “Cá không ăn muối cá ươn….”,hay “Gần mực thì đen gần đèn…” lúc lại “Công cha như núi Thái sơn..”.vân vân và v v..Bây giờ điều đó không còn nữa. Có lẽ nhờ thế mà thời đó chúng tôi nhớ và thuộc nhiều tục ngữ ca dao hơn học trò ngày nay chăng?

Nhưng rồi các giờ học cũng nhanh chóng trôi qua, giờ chơi đến, chúng tôi chạy ùa ra khỏi lớp tha hồ mà nghĩ ra lắm trò nghịch ngợm, huyên náo cả sân trường. Đây là thời điểm khiến đám học trò tiểu học chúng tôi vô cùng phấn khích! Những đứa con gái có phần chững chạc, lớn trước tuổi thì thường chọn trò ô làng, đánh nẻ ngồi bên hành lang trông có vẻ hiền lành điềm đạm. Mấy đứa hiếu động hơn thì chọn nhảy lò cò hay nhảy lên nhảy xuống bậc thềm trước lớp với trò ma da lên bờ. Nhưng ồn ào khuấy động nhất vẫn là môn rượt bắt và u quạ. Ôi thôi những trò chơi phí sức khiến chúng tôi mệt lữ, quần áo đầu tóc bê bết mồ hôi không hiểu sao ngày đó chúng tôi lại say sưa đến vậy. Hồng Anh, Nguyễn Thu, Thu Ba, Phùng Bích Thủy là những cái tên đáng gờm và thường giữ vai trò thủ lĩnh. Bù lại những nhóc tì nhanh nhẹn lì đòn, ranh mãnh đôi lúc khiến cho phe đối phương khốn đốn, sơ hở là bị “chết” như chơi. Bích Liên, Phùng Chí Bình, Hà Kim Huệ bao phen gây cho mấy nhỏ bạn có thân hình “khổng lồ” chưng hửng vì thua đau. Điều đó lại trở thành niềm vui sướng không thể tả cho mấy nhỏ ốm đẹt như tụi tôi.

Nhiều khi chơi mãi cũng chán, mấy nhóc lại xoay qua chọc ghẹo nhau. Lớp tôi thời đó đặc biệt có nhiều bạn hát rất hay. Nhất là đám con trai. Nổi trội có bạn nam với cái tên rất lạ: Ngô Càn Chiếu, đến một bạn khác ốm tong teo, cái đầu húi cua bày rất nhiều sẹo là Cương. Còn số khác nữa lâu rồi tôi quên mất tên…Ngoài những bài hát thiếu nhi, các bạn cũng tập tành hát những bản nhạc bolero người lớn. Đến năm học lớp Nhì, thầy Hà Văn Trình thỉnh thoảng lại cho các bạn lên bục để khoe giọng. Người thường xuyên được vinh dự hát cho thầy và cả lớp nghe nhiều nhất là bạn Chiếu. Những “Phố vắng em rồi“, “Nỗi buồn hoa phượng” hay “Sắc hoa màu nhớ” . Với chất giọng trong, cao vút bạn làm cho cả lớp thật sự ngưỡng mộ, những tiếng vổ tay tán thưởng có lẫn tiếng huýt sáo của tụi con trai kéo dài ít nhiều nói lên điều đó. Tuy nhiên, không vì nhờ tài hát hay mà bạn ấy được ” tha mạng” trong những pha trêu chọc. Chỉ vì một lần sinh hoạt ngoài trời, tình cờ bạn ấy đứng gần nhỏ Bích Liên, theo trò chơi mọi người buột phải nắm tay nhau, chỉ có vậy Chẳng hiểu bạn nào đã nghĩ ra, cứ lâu lâu tôi lại nghe các bạn cả nam lẫn nữ “ngân nga“:

– Sông Thương nước chảy lững lờ,,,
Ai xuôi Càn Chiếu đứng chờ Bích Liên.

Câu thơ họa mang tính “cáp đôi” đã làm cho Bích Liên tức đỏ mặt. Khỏi nói, mỗi lần bị trêu như thế, vốn sẵn tính cáu bẳn, Càn Chiếu môi mím lại, tay nắm chặt nắm đấm, đùng đùng nổi xung rượt các bạn chạy xịt khói…sân trường tung bụi tít mù. Và những trận cười ngây thơ lại nổ ra làm rung cả hàng cây me tây sừng sững.

Những bạn nhỏ với tôi thời tiểu học, mỗi bạn mang một nét mặt, một tính cách khác biệt. Hơn bốn mươi năm trôi qua, biết bao lần những hàng cây me tây trong sân trường tôi thay lá. Bạn bè xa hết cả. Ai rồi còn nhớ kỉ niệm xưa. nhớ cái ghế đá đơn độc trước lớp học cùng nhau giành ngồi ôn bài. Nhớ những giây phút còn bé thơ chạy nhảy đùa chơi dưới hàng cây thân thương.

Đêm nay, trong không gian quen thuộc của quán cà phê Gia Nguyễn, thật khó tin tôi đã gặp lại Ngô Càn Chiếu. Bạn xưa đi mãi tận trời âu nay đã về. Giờ đây với công việc hàng ngày, Ngô Càn Chiếu vẫn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ca hát của mình: sáng tác và tiếp tục hát. Một đêm nhạc đã được tổ chức ở Sài gòn. Giờ với cây đàn ghi ta, bên người bạn đời nhỏ nhắn và xinh đẹp có cái tên thật đáng yêu: Thư Hiên, Ngô Càn Chiếu của lớp tôi thủa nào lại cất tiếng hát. Không còn âm hưởng trong trẻo của cậu bé con ngày xưa, thay vào đó là chất giọng ấm trầm, vang cao đầy nội lực. Căn phòng nhỏ với hơn chục người bạn bỗng trở nên ấm áp thân tình.



Ngô Càn Chiếu và đêm nhạc được tổ chức ở Sài gòn.

Tôi lặng nghe trong nỗi bồi hồi, lắng lòng nhớ lại khoảng ngày bé thơ của thời tiểu học…tưởng như mình còn đang ngồi lại trong phút giây với lớp học, bạn bè tận năm nào mới đó mà nghe chừng đã xa thật xa…

Ngô Càn Chiếu, bà xã Thư Hiên, Hòa và Lâm Cẩm Ái quán Gia Nguyễn -Qui Nhơn.

Ngô Càn Chiếu chia sẻ: Hồi nhỏ mình không thích tên của mình, bạn bè trêu ghẹo, gán ghép lung tung…nhưng rồi nhờ cái tên “không giống ai” này mà có lần về quê Tam quan, khi vào khách sạn một người quen, nghe tên đã nhận ra bạn từng học chung thời …mẫu giáo.
Với tôi và nhiều bạn khác cái tên ấy chắc chỉ duy nhất một người đặt. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, nhìn thấy trên trang web Hương xưa cái tên Ngô Càn Chiếu, , tôi gần như reo lên. Sau phản hồi của tôi không lâu, Hà Kim Huệ cũng góp mặt nhắc nhở những kỉ niệm ở trường Nguyễn Huệ. Thật là cuộc hội ngộ đặc biệt của những người bạn xưa trên mạng. Điều đó cũng đủ khiến chúng tôi dâng tràn niềm vui.

Đâu đó, những người bạn ngồi chung trường chung lớp với chúng tôi, kẻ còn người mất sau hơn bốn mươi năm chúng tôi rời trường. Để lại đó những kỉ niệm mà nay ngôi trường xưa, theo thời gian đã có lắm đổi thay. Duy hàng cây trong sân ngày nào vẫn mãi rủ bàn tay đầy lá, che chở cho đám học trò con ngày ngày cắp sách đến trường. Trong đám học trò ngày nay, có cô cậu bé con nào, cảm nhận được niềm hạnh phúc sung sướng của mình khi đang còn được bước đi trên con đường đến lớp quá đỗi thân quen ấy không?

Mùa thu đã về, những cơn mưa rả rích suốt đêm…Tình cờ đôi lần đi ngang cổng trường Nguyễn Huệ cũ, hoa phượng cuối mùa hè phơi mình đỏ thắm cả sân trường. Người quét gom hoa phượng chắc là không ít nhọc nhằn. Và họ có biết đâu rằng, những bông phượng rơi nhuộm màu sặc sỡ vô tư ấy đã khiến biết bao trái tim của những người từng trải qua tuổi học trò như chúng tôi phải thầm thổn thức? Ngày khai trường đã cận kề, cháu ngoại tôi đã bắt đầu chuẩn bị cặp sách, quần áo vào năm học mới. Vậy mà giờ đây, có khác thường lắm không, khi một bà ngoại như tôi, chiều nay lại nhìn cơm mưa đầu thu và thở dài trong niềm nhớ nhung những ngày đầu năm học, nhớ làm sao khoảng ngày tuổi nhỏ thánh thiện trong ngần, tôi và các bạn thân yêu của tôi đã từng trải qua.

Cảm ơn tiếng gọi của bạn tôi Hòa ơi! Để hôm nay bao kí ức xưa lại ùa về trong trìu mến.

Đào Thanh Hòa.
12/8/2013

13 BÌNH LUẬN

  1. RE: Bạn Xưa
    Hòa ơi, Hòa hỡi, Hòa ơi!
    Ở trên cõi đời em nhớ những ai
    Ngày xưa có những chàng trai
    Thương mái tóc dài bỏ học theo em
    Ngô Càn Chiếu có theo không
    Sao gặp lại em thấy lòng nôn nao?
    Bốn mươi năm có là bao
    Gặp nhau thương nhớ tuôn trào thành sông
    Khen em bộc lộ cõi lòng
    Đời người ai chẳng lúc mong, lúc chờ

    • RE: Bạn Xưa
      Hởi anh Nguyễn Trác Hiếu ơi!
      Trên cõi đời này em nhớ …chi ai?
      Làm gì diễm phúc ai theo
      Bạn em hồi nhỏ chỉ là bạn…thôi!
      Ghẹo em chi tội vậy anh trai?
      Nhà em mà cháy anh chừng vạ lây! Hic hic hic…

  2. RE: Bạn Xưa
    Hòa ơi, chị hiểu tâm trạng bồi hồi của Hòa khi gặp lại bạn xưa! Mừng lắm, vui lắm! Là bạn nam, hay nữ, dĩ nhiên những rộn ràng có thể như nhau và … không giống nhau. Nhưng vẫn là sự mừng vui khi bạn xưa còn nhớ đến mình, đi tìm mình, muốn gặp lại mình. Phải có một tình cảm mến thương thế nào mới như thế, người bạn ấy ngày xưa đã nhìn mình với cặp mắt đặc biệt hơn những bạn khác, mến mình hơn các bạn khác. Bạn cũ thì nhiều, ngoài những bạn thân hay chơi với mình và còn liên lạc nhau đến giờ này thì còn lại mình cũng đâu thể nào nhớ hết? Trường hợp chị quên khá nhiều, vì bạn xưa từ thời tiểu học đến đại học và còn rất nhiều bạn đồng nghiệp, bạn trong công việc về sau, làm sao mình nhớ hết? Sẽ chỉ có một số người gây ấn tượng hơn cả, có gì đó để mình nhớ! Đôi lúc chị thấy xấu hổ khi gặp lại một người bạn cũ mà mình chẳng nhớ đó là ai nếu gặp ngoài đường. Khi bạn hỏi “Bạn nhớ mình không?” Chị đã ú ớ “Ờ ờ … hồi đó trong lớp bạn ngồi chỗ nào?” Rồi thấy buồn cho chính mình! Không lẽ trí nhớ mình tệ đến thế? Không lẽ mình vô tình đến thế?
    Thật vui khi gặp lại bạn cũ. Biết được bạn bây giờ sống tốt, hạnh phúc, càng vui, phải không Hòa?

    • RE: Bạn Xưa
      Chị thật sự đã có những cảm nhận như trong từng suy nghĩ của em. Em vui lắm! Em hạnh phúc lắm không tưởng tượng nỗi còn có thể gặp lại bạn mình- đã có khoảng thời gian và không gian quá dài và quá xa để còn có thể hội ngộ. Nhất là một bạn tài hoa và ấn tượng như Ngô Càn Chiếu. Điều đáng nhớ là bạn ấy vẫn còn theo đuổi niềm đam mê ca hát và sáng tác của mình.

  3. RE: Bạn Xưa
    Bài viết của Hòa đã làm mình nhớ lại khung trời tiểu học dưới mái trường Nguyễn Huệ như Hòa ,lúc đó mình học Năm C đến Nhất C,lớp toàn con gái ,còn Hòa học Nhất D có cả nam lẫn nữ.Trường mình đất rộng lại có nhiều cây to,bóng mát ,đặc biệt là me tây ,bọn học trò tụi mình tha hồ chơi há Hòa.
    À mà người ta học chung với Hòa có mấy năm tiểu học , còn tui lên trung học còn chung lớp,chung trường ,chơi với nhau tới giờ ,gọi nhau biết mấy ngàn lần Hòa ơi mà sao hông có gì còn nẫu gọi một tiếng Hòa ơi lại nhớ nhiều đến vậy hả bồ tèo? 😆

  4. RE: Bạn Xưa
    Lại nữa rồi! Cái giọng hàm chứa nhiều ganh tị và hậm hực của bạn mình Huỳnh Mộng Vân. Kiểu gì kỳ dzậy ta?

  5. Bạn xưa
    Hòa ui, bái phục trí nhớ của bạn ròm!!! Còn nhớ gì nữa, viết cho bạn bè đọc với …Mình không nhớ gì về cô Châu hết (xin lỗi cô).
    Lại “đụng” với HMVân rồi 8) 😉

    • RE: Bạn xưa
      Hà Kim Huệ ơi là Hà Kim Huệ! Đi đâu mất biệt bi giờ mới xuất hiện dzẫy ngừ?
      Còn nhiều thứ để kể để nói lắm nhưng mà mình không có thời gian…Chừng nào gặp nhau hẳn hay nghen!

  6. RE: Bạn Xưa
    Tận những ngày tiểu học mà Hoà kể lại say sưa vanh vách. Cái thời con nít (đã biết cáp đôi) thật dễ thương! Đọc “Bạn xưa”, nể ĐTH giữ được bao nhiêu là ký ức về thầy cô, bạn bè, những trò nghịch ngợm…
    Chúc mừng H đã gặp lại bạn xưa với tên và người rất đặc biệt, khó quên.

  7. RE: Bạn Xưa
    Vân ơi! Chính mình cũng không tưởng tượng nỗi là có ngày mình gặp lại NCC. Nếu bạn ấy có một cái tên bình thường hơn, không có giọng hát đặc biệt thời học trò chắc là không có gì ấn tượng để bọn mình nhớ đến bạn ấy trong khoảng thời gian dài như vậy..
    Vui vì đã lâu mới gặp lại Vân trên sân trường này.

  8. Cảm ơn bạn tôi 🙂
    Đọc bài viết của bạn xưa chợt thấy bao nhiêu kỷ niệm tuổi nhỏ quay về. Cảm ơn Đào Thanh Hòa nhiều nhiều 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả