Từ Orlando, Florida tôi về đây, Washington DC, nghỉ lễ và thăm cháu ngoại 10 ngày. Đêm qua, tôi vào mạng toàn cầu tìm tin tức của mấy bác sĩ và y tá quen người Tân Tây Lan từng phục vụ ở bệnh viện Đa Khoa Qui Nhơn từ năm 1969 đến năm 1975.
Phải nói ngay là tôi rất vui mừng khi hình ảnh của bác sĩ Margaret Neave (MN) và y tá Bernadette O’Neil (Bernie) hiện lên trên khung ảnh của chiếc laptop tôi mang theo. Phút vui mừng chưa dứt thì tôi lại buồn vì được biết bác sĩ Margaret Neave đã qua đời cách đây 3 năm, năm 2007 ở tuổi 87. Tôi biết tin nầy khi đọc bài viết của phóng viên Diana Dekker của tờ Dominion Post ở Wellington, New Zealand, viết ngày 20 tháng giêng năm 2007 về bác sĩ Margaret Neave. Bài viết bằng Anh ngữ dưới đây của Diana Dekker sẽ giúp các bạn biết thêm về cuộc đời của bác sĩ Margaret Neave, một đời hiến dâng cho trẻ em nghèo khó và bệnh tật.
Tôi muốn viết về bác sĩ MN vì tôi đã cảm phục bà ngay từ ngày đầu gặp gỡ bà ở bệnh viện Đa Khoa Qui Nhơn khi tôi về phục vụ tại Quân Y Viện Qui Nhơn năm 1971. Tôi cảm phục bà vì bà đã dành cả cuộc đời chăm sóc sức khỏe cho hàng chục ngàn trẻ em bất hạnh, bệnh tật ở nhiều nơi nghèo khổ của thế giới.
Lần chót tôi nhận được thư của bác sĩ Margaret Neave là cuối năm 1979 khi tôi đến Mỹ được nửa năm. Lúc ấy bà đang tình nguyện săn sóc người tị nạn Việt Nam trong các trại tị nạn ở Hong Kong. Sau khi tôi vượt biển thành công đến Mã Lai thì vợ con tôi từ Sài Gòn về Qui Nhơn vượt biển sang Hong Kong tháng 5 năm 1979. Khi ấy bác sĩ MN đã có mặt trong trại tị nạn và đang săn sóc sức khỏe cho thuyền nhân. Bà nhận ra vợ con tôi và dù bận rộn vẫn phúc đáp thư tôi. Bà tiếp tục săn sóc thuyền nhân cho đến năm 1985 mới rời Hong Kong đi làm việc nơi khác.
Bà được sinh ra ở Wellington, New Zealand. Khi tôi được 1 tuổi thì bà tốt nghiệp đại học, trở thành y tá rồi sau đó được huấn luyện ở Anh Quốc để trở thành một bác sĩ Nhi Khoa. Khi tôi vừa bước vào ngưỡng cửa y khoa thì bà đã là bác sĩ, tình nguyện đến đảo Tokelo trong Thái Bình Dương săn sóc trẻ em nghèo bệnh tật thay vì mở phòng mạch tư sinh sống sung túc ở Wellington. Năm 1969, bà là một trong những thành viên của Đoàn Y Tế Tân Tây Lan (New Zealand Medical Team) đến Qui Nhơn săn sóc sức khỏe cho người dân tỉnh Bình Định.
Bà dáng cao, nhanh nhẹn, tuy ít nói, ít cười nhưng ánh mắt dịu hiền. Bà viết rất nhanh và chữ viết của bà giống như những lằn ngang dài dợn sóng hay những đường tâm điện đồ rung nhĩ. Chỉ có hai người đọc được chữ viết của bà là cô y tá Burnie và bà. Năm 1971, ở tuổi 51, bà làm việc hăng say, tận tụy ở Trại Nhi Khoa, bệnh viện dân y Qui Nhơn. Có lần, sáng tinh mơ, tôi đi trực QYV về ghé lại thăm các bệnh nhân tí hon ở trại nhi đồng, tôi còn thấy bà ở đó băng bột, truyền dịch, chích thuốc cho những bệnh nhân trẻ em của bà. Tôi hỏi bà đêm qua bà có ngủ không, bà mỉm cười đáp, “Có, tôi có ngủ vài tiếng”.
Khu nhi đồng bệnh viện Đa Khoa Qui Nhơn rất chật hẹp, có lúc bệnh nhân không có chỗ nằm. Vậy mà, tuần nào bà cũng cùng người thông dịch lái chiếc LandRovers đi xa ra miền quê Bình Định tìm kiếm những trẻ em bị bệnh nặng đem về bệnh viện Qui Nhơn chữa trị. Quận An Lão thuộc tỉnh Bình Định xa xôi và nguy hiểm, bà cũng không ngại tới. Chúng tôi nhiều người lo âu cho tính mạng của bà, bà phớt lờ những lời khuyên, tiếp tục đi tìm kiếm trẻ em bệnh tật mang về chữa. . Năm 1972, bà đích thân đến tận nhà tôi chữa sưng phổi cho con gái tôi cho tới khi cháu khỏi bệnh.
Năm 1973, bà xin được viện trợ từ chính phủ Tân Tây Lan để xây lại khu Nhi Khoa rộng và đẹp hơn cho bệnh viện Đa Khoa Qui Nhơn, chứa nhiều bệnh nhân nhi đồng hơn. Phỏng tính ra, trong suốt 6 năm dài phục vụ tại Qui Nhơn, bác sĩ Margaret Neave đã cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân nhi đồng thuộc tỉnh Bình Định. Cả 2 đoàn Nội Thương và Giải Phẩu Tân Tây Lan cũng đã cứu chữa hơn nhiều ngàn bệnh nhân người lớn khác. Người dân Bình Định chắc chắn không bao giờ quên ơn các bác sĩ, y tá và nhân viên của 2 Đoàn Y Tế Tân Tây Lan.
Tưởng cũng nên nhắc đến vài người khác nữa trong đoàn y tế Tân Tây Lan. Trưởng đoàn y tế Tân Tây Lan là bác sĩ Jack J. Enwright. Bác sĩ Enwright là một y sĩ giải phẩu nhiều kinh nghiệm, đức độ, trầm tĩnh, điềm đạm. Tôi không bao giờ quên, một đêm trăng, tôi và ông ngồi trước sân bệnh viện QN bàn thảo tìm cách cứu một người cháu gái của tôi bị xuất huyết vào tháng chót của thai kỳ và đã được ông giải phẩu. Tánh trầm tĩnh của ông đã an ủi tôi không ít vào dịp đó.
Tháng 3 năm 1975, rời Qui Nhơn vào Sài Gòn, ông vẫn nấn ná lại Sài Gòn chờ tin chiến sự cho đến phút chót. Ông là một trong những người bước lên trực thăng trên nóc toà đại sứ Mỹ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1978, khi tôi vượt biển đến Pulau Bidong, West Malaysia, ông biên thư thăm hỏi tôi và khuyên tôi nên đi Mỹ vì điều kiện hành nghề Y Khoa ở New Zealand rất khó khăn. New Zealand năm 1975 chỉ có khoảng 1 triệu dân và đang dư thừa bác sĩ. Tôi đã làm theo lời khuyên của ông.
Bác sĩ Jack J Enwright qua đời năm 2000, mười năm sau khi ông trở lại thăm bệnh viện Qui Nhơn vào năm 1990.
Một người nữa tôi muốn nhắc đến là bà y tá Bernie hiện đang sống ở Wellington, New Zealand. Bernie là y tá nhi khoa. Bà làm việc hăng say, tận tụy, không kể ngày đêm. Có lần tôi ghé thăm trại nhi đồng vào lúc nửa đêm và chứng kiến một bệnh nhân trẻ em đang làm kinh. Tội vội vã chạy tìm dụng cụ cấp cứu và dưỡng khí. Cô y tá trực Việt Nam cũng kịp thời tỉnh giấc tức tốc gọi điện thoại cho Bernie. Bà Bernie đang ngủ trong một trailer trong khu Kiwis gần Gành Ráng nhưng chỉ mấy phút sau đã có mặt ở trại nhi đồng chích thuốc chống kinh giật cho em bé. Tôi hỏi, “Bà bay hay sao mà đến nhanh vậy?” Bernie mỉm cười, “Đường trống, tôi phóng xe bạt mạng, nếu không em bé chết thì tội nghiệp lắm. Cảm ơn bác sĩ đã tình cờ thấy em làm kinh và giúp chúng tôi”. Lúc rảnh tôi thường ghé trại nhi đồng giúp bác sĩ Neave và bà Bernie. Tôi được nhờ làm những việc nhỏ nhặt như băng bó, chích thuốc, chích hút nước tủy sống những em bị nghi là viêm màng não… Nhiều lúc nhìn Bernie ôm ru trong tay những em bé gầy guộc, xanh xao, lở lói không chút ngại ngùng như bà đang ru chính con ruột của bà, một niềm xúc cảm dâng lên trong lòng tôi. Tôi thật sự cảm phục những con người xa lạ từ một phương trời xa xăm, quên mình, tới đây săn sóc đám trẻ em bệnh tật Việt Nam.
Tôi còn giữ được hình Bernie dạy chúng tôi chơi baseball trên bãi biển Qui Hòa, Bình Định. Khi hôm, vợ tôi nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt nhân ái của Bernie, đã thở dài, “Ôi thời gian! Làm sao mình đi thăm được Bernie trước khi bà ấy ra đi như hai bác sĩ Enwright và Neave.” Tôi lạc quan hơn vì bà cũng không lớn tuổi hơn chúng tôi mấy và chúng tôi cũng có ước muốn đi thăm hai nước Úc và Tân Tây Lan. Tôi đã nhờ Hội Y Sĩ Tân Tây Lan tìm hộ tôi địa chỉ, điện thoại và điện chỉ của bà Bernie để liên lạc.
Tháng 3 năm 1975, trước khi rời Qui Nhơn, tôi ghé lại trại Nhi Đồng bệnh viện dân y Qui Nhơn. Bệnh viện vắng tanh. Trong trại nhi đồng một số em chân bó bột còn đang được treo lủng lẳng trong nôi. Có em đi được ôm chầm lấy tôi, ánh mắt lo âu, miệng gọi mẹ cha. Lòng đau như cắt, đến lượt tôi, băng bó cho những trẻ em bị thương tích máu me đầy người, trao các em lại cho vài nhân viên lẻ loi còn ở lại bệnh viện rồi nuốt lệ ra đi.
Năm 1990, hai bác sĩ J J Enwright và Margaret Neave trở lại thăm bệnh viện Đa Khoa Qui Nhơn và tặng bệnh viện nhiều dụng cụ y khoa, thuốc men. Tấm bảng bằng đồng gắn trước Trại Nhi Khoa (được bác sĩ MN xây dựng năm 1973), đã được một nhân viên bệnh viện gỡ xuống cất đi. Năm 1990, tấm bảng được tặng lại cho bác sĩ Neave. Tôi lấy làm lạ về điều nầy. Dù không có tấm bảng gắn trên Trại Nhi Khoa thì người dân Bình Định cũng biết rằng Trại Nhi Khoa được chính phủ Tân Tây Lan viện trợ xây cất qua danh nghĩa của bác sĩ MN và họ cũng không bao giờ quên ơn đoàn người Tân Tây Lan nhân ái đã đến săn sóc họ trong nhiều năm.
Đêm qua, tôi cũng được xem tấm ảnh mới chụp gần đây của 5 cặp vợ chồng, vợ Việt Nam trong áo dài VN, chồng Tân Tây Lan thuộc đoàn Kiwis. Họ lấy nhau trong khoảng năm 1970-1975 tại Qui Nhơn, Bình Định. Hôn nhân của họ vẫn tốt đẹp, hạnh phúc đến hôm nay.
Tôi buồn vì bác sĩ Margaret Neave đã ra người thiên cổ nhưng tôi mừng đã viết được đôi dòng về bà để tỏ lòng biết ơn bà một đời hy sinh cho trẻ em bất hạnh trong đó có nhiều ngàn trẻ em bệnh tật của tỉnh Bình Định nghèo khó và những trẻ em Việt Nam trong các trại tị nạn ở Hong Kong trong đó có các con tôi nay đã thành nhân. Tôi mong sao một ngày nào đó sẽ liên lạc được với Bernie, thăm viếng bà và bà sẽ giúp chúng tôi đặt một bó hoa lên mộ bác sĩ Margaret Neave và mộ bác sĩ J J Enwright ở Wellington, New Zealand. Nếu chưa qua đời, giờ nầy bác sĩ Margaret Neave đã được 90 tuổi.
Nguyễn Trác Hiếu
Washington DC ngày 29 tháng 12 năm 2010
Về Bác Sĩ Margaret Neave
Trong hành trình nghề nghiệp dài và đầy nghị lực của bác sĩ Margaret Neave, bà đã cứu mạng hàng nhiều ngàn trẻ em bất hạnh trên khắp thế giới. Trẻ em là đời sống của bà dù chính bà lại không có con.
Tại một xứ nghèo nầy đến một xứ nghèo khác như Tokelau, Samoa, Việt Nam, Tân Guinea, Vanuatu và tại các trại tị nạn ở Hồng Kông, bà đã dồn hết mọi năng lực và năng khiếu của bà để chữa trị các bệnh nhân. Một số công tác thiện nguyện bà thực hiện là cho Quỹ Cứu Trợ Trẻ Em. Bà cũng là thành viên của cơ quan thiện nguyện VSA. Bà là bác sĩ đầu tiên được cơ quan nầy gởi ra ngoại quốc và bà đã đến Qui Nhơn năm 1969 cùng với Đoàn Y Tế Tân Tây Lan.
Bà thường tránh né những tưởng thưởng từ quê hương bà Tân Tây Lan và từ Việt Nam nơi mà bà nghĩ rằng bà đã để ra nhiều năm làm việc và tạo nhiều ích lợi. Bà cũng được những cộng tác viên của bà kính nể như là một người giúp truyền bá Thiên Chúa Giáo một cách tốt đẹp. Bà thường đứng chéo tay qua ngực và một gọng kiếng cắn giữa hai hàm răng. Bà không phải là người để cãi cọ. Bà đã thấy được tất cả những gì một cuộc sống bất hạnh có thể ảnh hưởng đến một đứa bé. Có lần được hỏi tại sao bà đã hiến dâng cả cuộc đời để làm việc tại những xứ nghèo mà không tạo dựng một phòng mạch tư với nhiều lợi lộc ở Tân Tây Lan, bà đáp một cách khó hiểu, “Thật là thú vị khi được nhìn thấy những gì mà loài người có thể làm được”.
Bà được sinh ra ở Wellington trong một gia đình có hai người con gái. Mẹ của bà là một y tá. Cha của bà là một luật sư, đã qua đời vì bệnh thương hàn khi bà được 2 tuổi. Bà lớn lên trong một gia đình lớn thân yêu và đã thường xuyên liên lạc với mọi người trong gia đình. Tại trường Marsden, năm 1937, bà là người đầu tiên muốn trở thành một y tá và sau đó là một bác sĩ. Nhà trường phải dàn xếp cho bà theo học các môn khoa học cần thiết.
Bà tốt nghiệp đại học Otago năm 1943. Bà làm việc ở Wellington và bệnh viện Hutts trước khi đi học để trở thành bác sĩ Nhi Khoa ở Anh Quốc. Trong 11 năm làm việc với Sở Y Tế mà bà bắt đầu từ giữa năm1950, bà tham gia một công trình khảo cứu về y tế ở các đảo vùng Polynesia mà bà biết được những khó khăn của cộng đồng Maori và bà đã đến đảo Tokelau năm 1963 như là một thành viên của một đòan y tế dẫn đầu bởi bác sĩ Randall Elliott. Năm 1965 bà tình nguyện phục vụ ở các trạm y tế hương thôn miền Tây đảo Samoa, ở đó bà khai triển dịch vụ Nhi Khoa tại bệnh viện Apia thành một chương trình đầy đủ Sản Phụ và Con Thơ.
Và rồi, bà đến Việt Nam. Bà làm việc với Đoàn Y Tế Giải Phẩu Tân Tây Lan. Bà thành lập một trạm y tế cho trẻ em tại bệnh viện Qui Nhơn và phát triển thêm một trạm khác về phía Bắc thành phố Qui Nhơn. Bà thường để dành nhiều ngày trong tuần đi tìm và khám bệnh trẻ em tại những vùng quê Bình Định. Khi Đoàn Y Tế Tân Tây Lan đến Qui Nhơn, bệnh viện Qui Nhơn chỉ có vỏn vẹn 6 bác sĩ cho dân số khoảng 1 triệu người trong tỉnh Bình Định.
Đã từng làm việc ở Samoa, bà không ngạc nhiên về những gì bà tìm thấy ở trẻ em Việt Nam như bệnh đường tiêu hóa, sưng phổi, bệnh ngoài da, bệnh thiếu dinh dưỡng. Năm 1972 bà chuyển từ bệnh viện tỉnh qua Nhà Trẻ được hổ trợ bởi Quỹ Cứu Trợ Trẻ Em của Anh Quốc, từ nơi đó bà có thể chú tâm vào Nhi Khoa. Bà trở lại với Đoàn Y Tế Giải Phẩu Tân Tây Lan vào năm 1973, phớt lờ những lời khuyến cáo về những nguy hiểm trong thung lũng An Lão, bà tiếp tục một cách can đảm đi tìm và chữa các trẻ em bị bệnh nặng.
Bà được di tản một lần với Đoàn Y Tế Tân Tây Lan vào tháng 3 năm 1975 khi Bắc quân sắp chiếm thành phố Qui Nhơn. Những cố gắng của bà đã làm cho thủ tướng Tân Tây Lan, Norman Kirk, vào năm 1973, đề nghị xây dựng Trại Nhi Khoa tại bệnh viện Qui Nhơn dưới danh nghĩa của bà. Năm 1990, bà trở lại Qui Nhơn với Đoàn Y Tế Tân Tây Lan mang theo nhiều dụng cụ y khoa giúp cho bệnh viện. Tấm bảng bằng đồng ghi tên bệnh viện được một nhân viên bệnh viện gỡ giấu đi khi Bắc quân đến, nay được đem ra khỏi chỗ giấu. Bà luôn luôn hổ trợ người Việt trong suốt cuộc đời bà.
Sau khi rời Việt Nam vào năm 1975, bà làm việc tại một bệnh viện phía tây cao nguyên Papua, Tân Guinea, tại đây bà ước tính một trong mười đứa trẻ được sinh ra sẽ chết trong năm đầu của đời chúng. Tại đây, một đồng nghiệp người Tân Tây Lan của bà đã chứng kiến sự làm việc không mệt mỏi của bà. Nhiều khi bà làm việc đến nữa đêm, săn sóc nhiều tá trẻ em bị bệnh tại trại Nhi Khoa lớn mà bà trách nhiệm, xong bà sang giúp đỡ trại bên. Bà bị bắt buộc làm việc với chi phí hạn hẹp nhưng bà luôn luôn cố giữ cho trại có được những thùng nước muối lớn pha đường dành cho trẻ em bị tiêu chảy và ói mửa. Bà phát minh ra những lồng ấp sơ sài dành cho những trẻ sơ sinh thiếu tháng và những chiếc nôi gỗ treo lủng lẳng trong đó có những bóng đèn nằm trong lon thiếc để tạo ra nhiệt lượng.
Ở Papua Tân Guinea cũng như ở những xã hội sơ đẳng bà phải làm việc với những ông lang vườn. Các bà mẹ người bản xứ tin rằng mỗi lần con cái bị bệnh là chúng sẽ chết nên phải có ông lang vườn tham gia chữa trị. Bác sĩ Neave đã khuyên các bà mẹ hãy để con trong bệnh viện cho bà chữa trị chung với các ông lang vườn nhưng trong một cuộc phỏng vấn bà nói, “Tôi chưa bao giờ thấy các ông lang vườn xuất hiện”.
Bác sĩ Neave cũng sang làm việc ở Lào và sau đó là làm việc 6 năm dài tại các trại tị nạn ở Hồng Kông, nơi đó bà có được nhiều tài nguyên và hổ trợ hơn là ở Vanuatu hay ở Việt Nam. Năm 1985 bà trở về Tân Tây Lan, làm việc tại một trạm y tế miễn phí Te Aro ở Wellington. Năm 1988, khi bà được 68 tuổi, bà đến chữa bệnh ở đảo Pentecost thuộc vùng Vanuatu, một vùng đầy dẫy sốt rét, như là một thiện nguyện viên của cơ quan VSA. Tại Vanuatu, bà khám phá ra rằng những bà mụ vườn ở đây cũng khá tuy rằng nhiều người còn dùng dao tre bén để cắt cuốn rún trẻ sơ sinh đưa đến bệnh phong đòn gánh.
Cuối cùng, vì tuổi già, bà phải ngưng công việc mà bà đã làm suốt cả đời bà và trở về sống trong một căn nhà nhỏ tại một chung cư ở Thorndon và nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè và người thân. Bà mất năm 2007 ở tuổi 87.
Bản Anh Văn viết bởi Diana Tekker
Nguyễn Trác Hiếu phỏng dịch
RE: Bác Sĩ Margaret Neave, Một Đời Tận Tụy
Anh Hiếu ơi,
Thật là những tấm lòng vĩ đại. Trái đất của chúng ta luôn có những người hy sinh cả cuộc đời vì tha nhân để cân bằbg cho những điều ngược lại, phải thế không anh Hiếu. Em thấy mình quá nhỏ bé! Cảm ơn anh đã chia sẻ những tình cảm anh đã dành cho những con người cao cả có tấm lòng vàng. Cảmơn. KT
Bác Sĩ Tom Dooley, MD
Tiến ơi,
Em vào Google Search tìm Dr. Tom Dooley, My Story mà đọc về một bác sĩ khác đã tận tụy với dân Đông Dương từ năm 1945 cho đến khi qua đời rất trẻ vì bệnh nan y. Năm 1979, anh vừa đến Mỹ thì một người bạn Mỹ đã tặng anh cuốn sách trên.
Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã từng viết về Dr. Tom Dooley như sau, “Few, if any, men…have equalled Dr. Doley’s exhibiton of courage, self-sacrifice, faith”
Trời lạnh, có đi trượt tuyết không? Nhớ đội helmet vì dường như em té đẹp lắm. 😆
RE: Bác Sĩ Margaret Neave, Một Đời Tận Tụy
Anh Hiếu à,
Em có đọc tiểu sử của Bác sĩ Tom Dooley anh Hiếu ạ. Ông mất khi còn quá trẻ khi mà bầu nhiệt huyết đang độ chín mùi. Thật đáng tiếc, phải không?
Ông có ba tập truện được xuất bản, đó là:
Deliver Us From Evil
The Edge Of Tomorrow
The Night They Burned the Mountain
Không biết anh đã đọc hết chưa? Cảm ơn anh đã gợi ý!
Tính dẫn BiBo đi tập thêm truợt tuyết mùa này đấy anh vì năm nay tuyết nhiều, tha hồ….Còn em thì phải cẩn thận chứ gãy tay hay chân thì chết, biết bao giờ lành! KT