Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Bà Tôi

Mỗi khi nghĩ về một hình ảnh người đàn bà chịu khổ chịu cực, một đời chỉ biết lo cho chồng nuôi con trông cháu, hy sinh tất cả mọi thứ không hề nghĩ gì đến bản thân mình… là tôi cảm thấy hình ảnh này rất gần gũi với bà ngoại của tôi. 

Bà ngoại của tôi được sinh ra vào những năm đầu thế kỷ 20. Bà lấy ông ngoại tôi sinh được hai người con gái, mẹ tôi và dì tôi. Mẹ tôi là con đầu lòng nên sau khi mẹ tôi lấy chồng thì ông bà ở chung với gia đình tôi. Khi tôi bắt đầu bước vào những năm tiểu học thì ông tôi mất. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không nhớ nhiều về ông, sau này nghe kể lại là ông rất thương hai cô con gái, mỗi khi đi đâu xa biết hai đứa con gái thèm ăn gì thích gì là mua khiêng về cho con không ngại nặng nhọc… và rất cưng cháu, tôi còn nhớ man mán có những lần ông dẫn đàn cháu ngoại chúng tôi xuống biển chơi cả buổi đem theo cơm vắt muối mè để lũ cháu đang tuổi lớn sau khi tắm biển, thả diều đói bụng có ăn…

Ông mất lúc bà tôi đã ngoài 60 tuổi, bà rất thương dì tôi nhưng bà đã tiếp tục sống với mẹ tôi vì thấy gia đình tôi cần có bà hơn để quán xuyến trong ngoài…

Trong đầu óc trẻ thơ của tôi, bà với dáng đi thoăn thoắt lưng luôn thẳng, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm và mỗi khi cười thì miệng trống trơn chỉ còn có cái lợi chớ không còn một cái răng nào. Bà tôi tuy không biết chữ nhưng mỗi khi nói chuyện gì với ai đều dẫn chứng ca dao tục ngữ hay thơ vì vậy mà những năm tháng tuổi nhỏ của tôi đầy ắp những ca dao tục ngữ cũng nhờ bà. Mỗi ngày bà có bà bạn già hàng xóm sang chơi têm miếng trầu ăn và nói dăm ba câu chuyện…

Tuổi thơ của tôi luôn gắn liền với hình bóng của bà. Tôi còn nhớ rất rõ trong đầu cái ngày đầu tiên tôi đi học, tôi được bà cho hai cái bánh in gói trong giấy bóng gương xanh đỏ, tôi vùng vằn chê ít cầm lấy nhưng quăng ngay dưới giường gần đó, bà tôi thấy nhưng không nói gì, cũng không năn nỉ, chỉ nhìn tôi một cái rồi bỏ đi. Trưa hôm đó tôi đi học về, ở nhà chưa kịp dọn cơm trong bụng đói cồn cào, tôi liếc thấy không ai để ý đến mình bèn lẳng lặng bò xuống gầm giường lượm lại hai cái bánh lúc sáng không thèm lên ăn một cách ngon lành.

Hồi nhỏ tôi ngủ chung giường với bà, mà tôi lại hay có cái tật vòi vĩnh đòi bà gãi lưng cho, bà thì thương cháu nên chìu. Rồi đến ngày cuối năm bạn biết đó Qui Nhơn mình trời se se lạnh, tôi lại được bà nấu nồi nước sôi pha cho âm ấm để tắm tất niên. Lớn thêm một chút nữa là buổi tối tôi được đi coi hát cải lương với bà mỗi khi có đoàn hát trong Sài Gòn ra lưu diễn… hồi đó nào là Thành Được-Út Bạch Lan, nào Hữu Phước-Thanh Nga, nào Lệ Thủy, Mỹ Châu với Minh Vương, Minh Phụng… tôi cứ theo bà mà thuộc nhiều tuồng, mỗi đêm sau khi tan hát trước khi đi về nhà tôi luôn được bà kêu cho uống một ly sữa đậu nành ở trước rạp hát, riết rồi tôi cũng không biết là tôi đi theo bà vì mê coi hát hay vì mê ly sữa đậu nành!? 

Lên đến cấp hai chúng tôi đang tuổi lớn thì chiều chiều bà hay luộc cho anh em tôi mỗi đứa một cái trứng gà ăn với muối tiêu, còn không thì cũng được chén đậu hủ nước đường gừng… Còn đồ ăn để phần cho cháu, tôi là cháu gái nên lúc nào cũng bị nhận phần ít nên lúc đó tôi thường hay phân bì ấm ức với mấy ông anh trai là vậy. 

Lên đến cấp ba thì bà bắt đầu sai tôi phụ bếp… nói thiệt với mấy bạn tôi hồi đó ham chơi hơn ham làm nên mỗi khi bà sai làm cái gì tôi hay giả bộ làm trật hay giả bộ điếc không nghe… Riết rồi có lẽ bà chán con cháu dỡ và lười nên “tha” tôi luôn, vậy là tôi thoát nạn! Xong trung học tôi vô Sài Gòn học đại học và mỗi dịp Tết hay hè tôi về Qui Nhơn, đó là dịp để bà mặc sức than thở hay tâm sự với tôi nhiều việc đã xãy ra ở nhà trong thời gian tôi đi học xa…

Đến năm tám mươi mấy tuổi thì bà tôi bắt đầu nặng tai, mà thời đó những năm thập niên tám mươi máy trợ thính ở Việt Nam không có hay thuộc hàng xa xỉ nên coi như chuyện giao lưu với thế giới chung quanh của bà tôi bắt đầu hạn hẹp. Những năm cuối đời bà tôi có khi nhớ khi quên… và bà đã ra đi nhẹ nhàng khi tuổi đã ngoài chín mươi.

Phải đến nhiều năm sau này khi tôi đã lập gia đình có con cái, tôi mới thật sự thấy thương bà. Những lúc ngồi bên con tôi hay nhắc đến những kỷ niệm với bà, nhớ ngày xưa tôi được bà gãi lưng, còn bây giờ cưng con thì tôi gãi lưng cho con. Còn lúc nhỏ nhà đông anh em tôi thường hay giận hờn bà vì bị chia phần ăn ít còn bây giờ thì tôi vừa giải thích với con món gì bổ vừa dỗ con ăn… Tôi quan niệm rằng ngày nào con còn sống dưới mái nhà cha mẹ thì con còn sung sướng, rồi mai kia mốt nọ ra đời thì mỗi đứa vì nhu cầu sinh tồn sẽ phải tự thân vận động… Cũng như tôi ngày xưa vụng về nhiều thứ nhưng rồi xa nhà ra đời, lấy chồng có con thì cũng phải biết tém vén, biết coi trong ngó ngoài đâu ra đó…

Bây giờ thì bà tôi đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Hằng năm mỗi khi có dịp tôi thường ghé thăm mộ bà, không nhang không hoa với tay không tôi ghé thăm bà. Đến nơi tôi nhặt vài ba cộng cỏ dại với lá khô ở chung quanh mộ cho sạch sẽ rồi tìm kiếm cho mình chút bóng mát đâu đó và ngồi thầm thì với bà nhắc lại những chuyện xưa mà tôi cứ ngỡ như đêm nào bà cháu tôi còn nằm chung giường nói chuyện với nhau…

Thanh Quí

 

5 BÌNH LUẬN

  1. RE: Bà Tôi
    Chị Thanh Quí ơi, kỷ niệm với bà sao mà đẹp quá, ngọt ngào quá đầy ắp trong ký ức chị nhỉ. Tiến không có nhiều diễm phúc như chị mà vẫn thấy như những kỷ niệm ấy là của mình…Cảm ơn chị đã chia xẻ với bạn bè ở đây những tình cảm thân thương của riêng chị một thời tuổi nhỏ. KT

  2. RE: Bà Tôi
    TQ ơi, bạn đã nói đến một điều rất thật: chúng ta thường chỉ nhận ra những điều quý giá khi nó đã mất đi, nhất là thứ tình cảm gần gũi bên cạnh mình: tình ông bà, cha mẹ.
    Cho đến lúc làm cha mẹ chúng ta mới chợt hiểu, thì bàn tay ấm áp ve vuốt sau lưng đã không còn.
    Cám ơn bạn đã gợi lại thứ tình càm rất thân thương: tình bà cháu.
    Hx

  3. RE: Bà Tôi
    Cám ơn bạn đã chia xẻ những kỷ niệm thân thương về bà ngoại mình.
    Bài viết của bạn làm D nhớ bà ngoại quá! Cũng có những quả trứng luộc, những ly sữa đậu nành…nhưng không những khi D còn nhỏ xíu mà mãi đến tận khi D có đứa con đầu lòng(con so về nhà mẹ!), sáng sáng được bà luộc cho ăn! Giờ thì bà ngọai D cũng đã không còn, và nhắc lại thì thương nhớ làm nhòe cả hai mắt.
    nd

  4. RE: Bà Tôi
    Đã từ lâu, mình cũng có suy nghĩ viết về ngoại mình. Đó là người bà mà theo chủ quan của mình là người phụ nữ đẹp nhất và tuyệt nhất mà mình biết. Hôm nay đọc những giòng chị viết, nước mắt cứ như muốn tuôn chảy…Mình nhớ bà mình quá! Cảm ơn chị đã có bài về bà thật chân tình đầy cảm xúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả