Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Anh Ra Đi Mùa Thu

Thu đi, Thu lại đến. Còn người thì đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Buồn tận đáy hồn. Quên thì được an lạc, nhớ thì buồn da diếc. Nhớ đến người bạn già đã vĩnh viễn ra đi vào một buổi chiều mùa Thu ảm đạm của mười lăm năm về trước. Nhớ đến anh, một người nghệ sĩ tài hoa, cô đơn, pha một chút ngông, nhưng luôn luôn sống hết lòng với bạn bè.


Trời tháng mười đôi khi thật thấp, nhưng cũng có lúc thật xa. Cành lá xôn xao khoe đủ các sắc màu; vàng, cam, nâu đỏ, đậm nhạt. Đỏ ối, vàng rực cả một góc trời, kiêu sa khoe sắc dưới nắng Thu nhè nhẹ, làm cho lòng người xao xuyến, thổn thức. Dĩ vãng như từ ngàn xưa rủ nhau về làm cho hồn mình ngây ngất. Tất cả đến và đi trong vô thường, vô thường là chuyện bình thường, nhưng sao mình vẫn chưa quen và vẫn luôn để tâm hồn luôn vấn vương với trần cảnh, làm khổ đau. Vẫn thường nhắc nhở với chính mình, nơi đây trong mỗi sát na là tịch diệt, là vắng lặng, là an vui. Nhưng tâm vẫn luôn là: tâm viên, ý mã.

Anh đã ra đi vào mùa Thu, như chiếc lá vàng cô đơn rơi rụng trong những ngày đẹp, buồn, cuối thu. Bạn bè dăm người đưa tiễn anh đi, mãi mãi nằm yên trong lòng đất lạnh “lạc loài trên xứ lạ, đi về ta với ta”. Ta đến như thế và ta đi cũng như vậy, có gì là tự ngã của ta đâu? Thật ngắn ngủi. Chỉ một thoáng, giật mình nhìn lại tóc đã ngã màu sương khói. Anh ra đi để lại trong lòng bạn bè biết bao nhiêu ngậm ngùi, thương nhớ, nuối tiếc và hoài niệm. Hoài niệm những ngày còn ở quê nhà. Những ngày đất nước tàn cuộc, tất cả các anh và chúng em như nhưng đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa. Sống cho qua ngày đoạn tháng, không mục đích.

Nhưng cũng thật kỳ lạ, những ngày đất nước rã rời đó lại là những ngày đưa tình người của chúng ta lại gần hơn, bạn bè lại tìm đến nhau để chia xẻ nỗi buồn quê hương nhược tiểu. Đó là những ngày buồn đáng nhớ nhất. Nhóm của chúng tôi chỉ dăm bảy người, ngày nào cũng tụ tập ở nhà anh Đỗ Viết Chung trong khu Võ Tánh gần chợ Thái Bình. Chị Bạch Yến vợ của anh Chung, là một người phụ nữ duyên dáng, đảm đang, lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở, luôn chăm sóc những bữa nhậu cho bạn bè thật chu đáo. Nhớ anh Tố Hải (giáo sư, thi sĩ về vườn) chỉ cần mở miệng là thơ tuôn trào lai láng; anh Toàn là giáo viên, biệt danh là Toàn đồng hồ, nghề tạm bán đồng hồ ở chợ An Đông, nhưng lại có ngón đàn guitar tuyệt kỷ và cũng là một con chiên rất ngoan đạo; anh Chính đẹp trai cao ráo đạo mạo, cô nào mới nhìn chàng cũng dễ bị bệnh tương tư, chàng cũng có ngón đàn piano tuyệt diệu nghe réo rắt những chiều mưa buồn trong nhà thờ Huyện Sĩ, còn anh Trí già nghệ sĩ lúc nào cũng ngân nga bài “Đường xưa lối cũ”, giọng trầm ấm, cuốn hút lòng người, vì có lẽ đó là bài nhạc tôi rất thích thời đó. Có Lê Hoa, nàng có đôi mắt đẹp, mơ màng. Cũng một thời tình tự với Chính piano nhưng không thành và nàng cũng đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi mới vừa ngũ thập tri thiên mệnh. Buồn như vậy đó, đời người ngắn ngủi, mới thấy đó. Vui chưa trọn đã đi mất tiêu rồi. Ngoài ra cũng có những người bạn nghệ sĩ trong khu Võ Tánh, thường kéo đến chung vui mỗi chiều, ăn nhậu, ngâm thơ, đàn hát (thường thì sau khi lớp dạy nhạc của anh Đỗ Viết Chung). Đặt biệt là người bạn già của chúng tôi, anh Hoành Linh Duy, một nghệ sĩ tài hoa, nhưng mệnh bạc. Anh là một nghệ sĩ rất ngông, tính bốc đồng, nhiệt tình, hết lòng với bạn bè. Và cũng chính cái ngông này đã làm cho cuộc đời anh nhiều lận đận và bỏ qua nhiều cơ hội tốt trong làng âm nhạc. Anh viết hàng trăm bản nhạc tình, nhưng chỉ dành riêng cho anh mà không cần phổ biến. Với anh âm nhạc là hồn, là máu, là tủy. Đôi khi bạn bè chỉ cần nói: Duy, mầy viết một bài cho Bạch Yến, cho Lệ Hồng đi, thì chỉ cần hơn nửa tiếng đồng hồ là đã có đầy đủ một tác phẩm ra đời. Hình như cả cái đầu của anh ta chứa toàn là những dòng nhạc, chỉ chờ có dịp là tuôn ra. Anh là nghệ sĩ đi theo mây về với gió, chỉ cần một chiếc lá rơi, một cơn mưa nhẹ, một bong bóng nước vỡ, một giọt nước mắt, một nụ cười, một dáng dấp, một màu áo cũng làm cho lòng anh rung lên những cung điệu thật diệu kỳ, ấm áp những tâm hồn cô đơn.

Sài Gòn ngày ấy buồn lắm. Đất nước cũng đang rung lên một điệu nhạc u buồn khó tả. Tất cả mọi người phải tập sống, tập quên, tập bỏ và tập giữ gìn cái miệng. Còn riêng nhóm chúng tôi thì sống trong cô đơn và trốn chạy, ngày nào cũng tụ tập nhà anh Viết Chung, ăn nhậu, đàn ca múa hát đến khi ngà ngà lại kéo nhau đi khắp hang cùng ngõ hẻm của phố Sài gòn nghêu ngao tình khúc lãng quên. Chia nhau từng miếng cay đắng và ngọt bùi trong những ngày tàn cuộc.

Cuộc vui nào cũng tàn, đau khổ nào cũng có ngày chấm dứt. Đó gọi là vô thường. Mọi người cũng sẽ chia tay, đi theo con đường mà họ phải đi. Đi tạm, rồi vĩnh viễn ra đi.

Bây giờ là mùa thu, giữa tháng mười, lá vàng ngập cả lối đi. Lòng bồi hồi xúc động, nhớ đến người bạn già nghệ sĩ đã vĩnh viễn ra đi vào những ngày gần cuối thu. Lòng tưởng nhớ, tưởng niệm đến một nhạc sĩ tài hoa nhưng đã sớm trở thành người thiên cổ: Trời cuối thu rồi anh ở đâu / Nằm trong đất lạnh chắc anh sầu?

Sơ lược về người bạn già đã một thời rong chơi khắp phố Sài Gòn. Tố Hải, Bạch Yến, Toàn, Chính … bây giờ các anh chị ở nơi đâu ? Có nhớ đến ngày giỗ của người bạn già không?

Hoàng Linh Duy ( 1940- 1998) tên thật là Nguyễn Tự Nguyên, sinh năm 1940, Hải Dương Bắc Việt. Di cư vào Sài Gòn 1954. Trại sinh Pavie Lamothe Phú Thọ.

Cựu sĩ quan QLVNCH, Đại Đội Trưởng Bộ Binh, ngành CTCT. Vượt biển qua Philippines 1987, đến Mỹ 1989

Đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ ngày 16 tháng 10 năm 1998 vì bệnh gan, hưởng thọ 58 tuổi.

Âm nhạc: Học nhạc từ năm 1956, Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông,Quốc Gia Âm Nhạc. Đại Học Thành Nhân. Có chứng chỉ hòa âm và ca trưởng.

Viết ca khúc từ năm 1957, trường ca từ 1961 (Miền đất hồi sinh, Việt Nam chiến đấu ca, Anh em một nhà, Đi tới ngày mai, Ngày vui, Xuân thắm quê hương, là những bài đoạt giải nhất, nhì do ngành truyền thông tổ chức 1966, 1967, 1968, 1972).

Đã sáng tác trên 300 ca khúc (Riêng 64 bài phổ thơ Hà Huyền Chi).

Tác phẩm:

Những bài phổ thơ Hà Huyền Chi: Trên cánh đồng mây, Gái Bắc Ninh, Gặp làm chi đây, Hãy thương nhau hơn thương mình đôi chút, Nguyệt cầm, Nỗi nhớ lạ lùng…

Bài Nguyệt cầm, viết theo cung đô trưởng của HLD là một trong những bài hay nhất trong số 64 bài thơ phổ từ thơ của HHC. Bài thơ hay và buồn, bài hát trôi theo dòng buồn của thơ mà ngây ngất, sũng ướt, nhất là những câu: Em xa nhưng tình gần / Ba năm hai lần gặp /Có tình không dám tỏ /Tất gang mà đợi chờ.Từ Re thứ chuyển xuống Fa trưởng, chữ “nhưng, gần” nó mượt mà và buồn quá đỗi.

Nghệ sĩ là như thế đó, đến rồi đi, để lại biết bao tác phẩm sâu tận đáy hồn. Rồi bỗng nhiên ra đi để lại cho người biết bao thương nhớ và luyến tiếc..

Carolyn Đỗ

Link bài Chiều trên phố Bolsa nhạc Hoàng Linh Duy:

http://nhacso.net/nghe-nhac/chieu-tren-pho-bolsa.V1FUVURe.html

11 BÌNH LUẬN

  1. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Carolyn ơi,
    Đọc bài viết nghe buồn quá! Dẫu biết đời sống là cõi tạm nhưng chúng ta, người ở lại, vẫn luôn nặng lòng nhớ thương người ra đi và người ra đi trước giờ phút ấy cũng hoang mang, nuối tiếc, đau đớn thân xác. Những tình bạn đến từ cùng một niềm đam mê văn chương, văn nghệ nó cũng quyến luyến vô cùng Carolyn ơi. Nó như những thỏi nam châm kết hợp chúng ta lại với nhau, có phải?

    Tiến chia sẻ nỗi nhớ của C nghen. Một nỗi nhớ man mát khi mùa thu về làm xốn xang trái tim nồng ấm tưởng chừng như nguội lạnh bởi vô thường của đời sống. KT

  2. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Đọc bài viết buồn của Carolyn vào buổi chiều Sài Gòn trời cũng đang buồn như sắp đổ mưa. Có một chút trùng hợp về người nghệ sĩ tên C cũng có ngón đàn piano tuyệt vời trong các nhà thờ SG và cũng vào thời mà “Sài Gòn ngày ấy buồn lắm”. Lúc đó có những bản nhạc đã được sáng tác âm thầm không biết để làm gì ngoài chỉ đàn hát cho nhau nghe!
    Cảm ơn Carolyn đã chia xẻ ở đây một nỗi nhớ!

  3. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Hi Tiến. Đã chia xẻ những nỗi vui, buồn với mình. Cũng giống như bản nhạc ( Người yêu tôi bệnh, trước năm 75, khi mà mình sinh hoạt trong nhóm Du Ca ở Qui Nhơn tụi mình thường hay hát: Ngày nào có nhau giúp nhau cho thật nhiều, ngày nào mất nhau sớt chia chảng được đâu.) Chúc Tiến những ngày cuối tuần vui vẻ và an lạc.

  4. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Hi chị Diệu Tâm. Đúng là Sài Gòn thời đó buồn quá phải không chị. Chúng mình bơ vơ, lạc lõng, thang thang, rã rời không mục đích. Không biết có phải Chính piano như chị biết không? Anh chàng này, gia đình là những con chiên ngoan đạo. Anh Đỗ viết Chung là nhạc sĩ viết nhạc Thánh ca. Cả nhóm bạn họ là người Công Giáo, chỉ mình em là không. Bọn em lang thang suốt đêm buồn , vui lẫn lộn. Những kỷ niệm đáng nhớ lắm chị ạ. Rất cám ơn chị chia xẻ. Chúc chị vui khỏe. CD

  5. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Hi Carolyn, nghe Carolyn nói ngày xưa sinh họat trong nhóm Du Ca ở Qui Nhơn, lúc đó tui cũng có xẹc qua xẹc lại, dù tui không biết hát 😆 . Vậy Calrolyn có nhớ một ông Linh đen trưởng đoàn Du Ca ở Qui Nhơn không? Lúc tui chọt dzô Du Ca tui nhớ có Trịnh Thu Dung và Hoài là cặp đôi hoàn hảo hát nhạc Trịnh công Sơn thiệt tới

  6. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Hi một người đi với một người. Tôi ở trong nhóm Du ca cách đây đã 40 năm rồi chắc chắn là không còn nhớ gì cả, chỉ nhớ có anh chàng Tuyên, tổ trưởng của tổ mình thôi. Vì anh chàng này ôm ốm cao cao, cũng được trai, hát hay, lại rất hoạt bát , nên đến bây giờ vẫn còn nhớ mại mại.Ngày đó Ba tôi không cho tôi đi sinh hoạt đoàn thể, nhưng tôi thích nên trốn đi sinh hoạt, tôi có đi Phật tử và vovinam nữa, đêm sân vận động bị nổ cũng có tôi trong nhóm Vovinam. Vẫn còn nhớ anh Hòa bớt và Bích Liên . Sinh hoạt đoàn thể rất vui. Bây giờ nhớ lại cũng rất vui vì có một thời mình được may mắn được sinh hoạt với các bạn. Thân mến . Chúc dzui dze nhé

  7. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Cách hành văn khiến người ta chìm trong ý thức của tác giả. Tôi thích cách viết này bởi tôi luôn viết theo cách mà Carolyn Đỗ đã diễn đạt. Bài viết thành công… hay lắm…

  8. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Thơ của anh cũng thế.Đầu óc bảo thủ của tôi lâu nay chỉ chấp nhận thơ tiền chiến thôi. Tôi mê nhất là thơ của Đinh Hùng, nó lãng đãng mơ màng, chập chờn khi tỉnh khi mê làm cho tôi cảm thấy ngất ngây theo thơ. Bây giờ bỗng dưng lại thích thơ của Bùi Giáng kỳ lạ.
    Trời đất lạnh và lòng anh không thõa
    Gởi hồn đi phương hướng hút theo ngàn
    Hồn ngơ ngác loay hoay về cõi dạ
    Có bao giờ dạ thõa giữa không gian
    Bây giờ tôi cũng rất thích những bài thơ anh viết, nó cũng xoáy vào lòng của người đọc. Bây giờ tôi cũng rất hâm mộ các nhà thơ, văn của trang nhà nthqn, tất cả các anh chị làm thơ và viết văn rất hay và rất đáng khâm phục. Chúc những ngày vui và khỏe mạnh. Thân. CD

  9. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Hòa Bớt ở cùng xóm với tôi và chơi với nhau từ thơ ấu nhưng hắn thiên về VÕ và tôi thiên về VĂN. Mới gặp hắn đây, bây giờ vợ chồng bán bún bò tại nhà vẫn khỏe mạnh.

  10. RE: Anh Ra Đi Mùa Thu
    Hi Thiên Di, Hòa bớt là sư huynh của mình. Khi học Vovinam anh Hòa là khóa 1 còn mình khóa 8, Sau đó anh ta được làm huấn luyện, và dạy các lớp sau nầy.Như vậy là trong xóm của anh gọi là xóm vì có hai chàng văn, võ song toàn. Chúc vui khỏe. CD

  11. Anh ra di mua thu
    Đọc xong bài viết tôi lại nhớ lại những ngày vừa mới quen Carolyn (Lúc đó chưa có tên Carolyn) ở Sài Gòn đã mất tên.
    Trong số những tên tuổi bạn bè của Carolyn ngày ấy được nhắc đến, (không có tôi nhưng có một người trùng tên) hình như tôi có gặp anh Chung và Bạch Yến một lần thì phải ? Anh Duy lúc đó chắc đã vượt biên rồi nên tôi không được quen.
    Đúng như C. nói, SG lúc đó buồn lắm. “Buồn, như ly đầy không có ai cùng cạn..”.Thật đúng như tâm trạng của tôi lúc đó… sau này đi Mỹ nghe được bài hát đó mới biết ông nhạc sĩ Y Vân cũng buồn, không khác gì mình và bao nhiêu người khác ở ngay cái thời mà người ta gọi là ” Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay !”
    Lúc đó mình hầu như đã mất tất cả, chỉ còn bạn bè làm niềm an ủi. À, mà còn một thứ khác chẳng ai lấy đi được, trừ thời gian, đó là tuổi trẻ !
    Bây giờ nhớ lại vẫn tiếc cái tuổi trẻ đã mất, nhưng làm sao tách được cái tuổi trẻ đó ra khỏi thời đại được !
    Cả một quãng đời chỉ còn là hoài niệm .
    Và rồi, mai kia mốt nọ..Eo ôi,.không phải chỉ là một quãng…
    Nhưng dù sao cũng cảm ơn C đã đưa tôi về vùng tuổi trẻ ngày nào.
    VT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả