Tôi đọc Tâm hồn cao thượng của tác giả Edmon de Amicis qua bản dịch Hà Mai Anh hồi lớp Nhất, đến giờ tôi vẫn nhớ câu chuyện bàn tay sạch nhất.
Trong giờ học, cô giáo muốn khám tay các em trong lớp. Cô hỏi : - Bàn tay em nào sạch nhất, giơ cao lên. Mọi bàn tay trắng trẻo đều giơ lên. Chỉ có một em duy nhất giấu đôi tay dưới gầm bàn. Cô lại gần em, hỏi : - Sao em không giơ tay ? Đứa bạn bên cạnh nói : - Tay nó bẩn lắm cô. Lem luốc đầy thuốc nhuộm. Cô hỏi : - Sao vậy em ? - Dạ, em giúp mẹ nhuộm đồ cho khách. Em có rửa kỷ mà thuốc nhuộm không phai. Cô giáo dịu dàng nắm đôi tay em giơ cao. Nhìn các vết mực xanh bám trên tay em ấy, cả lớp cười ồ. Cô giáo ôn tồn nói với cả lớp : - Đây là bàn tay sạch nhất , vì là bàn tay có ích. Có thể, sau mấy mươi năm, câu chuyện tôi kể không đúng lắm, nhưng nội dung câu chuyện là vậy.
Dễ chừng đã hơn năm mươi năm trôi qua, sáng nay ngồi nhớ lại mùa Thu ở Qui Nhơn. Nhà tôi ở khu Sáu, cách chùa Lộc Uyển khoảng một trăm thước. Buổi chiều, tôi thường ghé chùa ngồi trước thềm, nghe tiếng mõ gõ đều đều của vị sư già ngồi trong chính điện đang tụng kinh. Tiếng mõ trầm buồn, khác hẳn những tiếng động bên ngoài, một vài chiếc xe gmc chở đầy lính Mỹ chạy qua. Họ thường ném xuống những lon nước ngọt, những bịch bánh kẹo, sô cô la cho trẻ con hai bên đường. Họ còn rất trẻ, da đỏ tía, tóc vàng rơm và nụ cười trắng tinh. Những đứa trẻ vẫy tay chào họ, cúi nhặt những gói quà tặng, vui mừng chia phần cho nhau.