Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Những Câu Kinh Chấp Chới

Là con nhà có đạo, tôi đã được mẹ dạy cho làm dấu, khi vừa đầy năm và được đọc kinh bổn cùng với học chữ – lớp vở lòng -. Chính vì thế những câu kinh như nằm sẵn trong con người tôi, tuôn chảy trong dòng máu của tôi, len lỏi vào từng thớ thịt của tôi. Kinh bổn theo tôi lớn lên mỗi ngày và lặng lẽ xen vào cuộc sống của tôi – một cách hiện diện hết sức khiêm nhường nhưng đầy uy nghi lẫm liệt – thế mà tôi đã đọc kinh, đã nghe người khác đọc kinh trong sự dửng không, tẻ ngắt ròng rã hằng bao nhiêu năm trời, cho mãi đến khi tôi biết An thì những câu kinh bỗng dưng có sức sống tràn trề, như được phủ trùm lên trên đó tất cả những gì là mới mẻ, lạ lùng và hết sức kì diệu – những câu kinh như rất khác -. Những câu kinh được đọc bởi An và vẳng sang từ ngôi nhà đối diện.

Chị cả tôi vẫn bảo: “Cái An như nữ tu ai mà người ta yêu”. Chị kế tôi không đồng ý nên cãi lại: “Bà thì biết gì. Nó ra dáng nữ tu nên có vẻ thánh thiện, trong trắng. Con trai chết vì thế chứ chả phải chết vì những cái ngữ sành sỏi đời như bà đâu, thưa bà”. Hẳn là chị kế tôi muốn nói xỏ, nói xiên chị cả tôi đấy mà vì theo lời mẹ tôi vẫn hay nhắc lại thì bà chị đầu của tôi “nấp na, nấp nỏm” sớm lắm cơ và mới nứt mắt ra đã muốn chuyện chồng, con. Mẹ tôi một mực không chịu vì thấy tính chị còn nhiều cái đểnh đoảng. Chị đòi tự tử và trốn vào buồng trùm chăn kín cả người. Thấy thế bố tôi dọa:

“Ngày xưa bà trẻ ai cấm duyên bà. Nay bà già bà cấm duyên con bà. Nó có ra làm sao thì bà đừng có mà trách tôi đấy nhé!”. Thế là cưới. Mẹ tôi ấm ức chả cho đãi đằng gì. Chỉ làm vài ba mâm để đón họ nhà trai tới xin dâu và cho người trong nhà ăn uống một bữa. Chị tôi cáu lắm. Bây giờ vẫn còn cáu và luôn bảo: “Tao mà làm được một cái đám cưới cho ra trò thì đã chả phải ra nông nỗi như thế này”. Cái nông nỗi mà chị tôi muốn nói đến là: chồng chị ấy có bồ đuổi hất chị ấy ra khỏi nhà, may mà cũng còn có cái quán phở của gia đình để cho chị ấy nương thân. Mỗi lần nhắc đến chuyện hôn nhân của chị, bố tôi mặt sa sầm: “Cái thằng chó. Thế mà xoen xoét cái mồm: con yêu Thanh thật lòng. Còn dám vác mặt đi học đạo. Đạo nghĩa gì cái loại ấy. Đúng là thứ Giuđa chả chước chứ chả ngoa một tí nào”. Còn mẹ tôi thì mỉa mai: “Đấy ông còn sợ nó ra làm sao nữa không hở? Mồm con già này nó đố mà có sai nhé! Đã bảo mọi việc của con cái cứ để đấy cho tôi lo liệu có phải yên không nào?”. Chắc vì bị ngay cú thất bại ở đám đầu tiên trong nhà, những đám sau bố tôi dát hẳn. Có được hỏi đến ý kiến chỉ lầm bầm: “Tùy chúng mày với mẹ chúng mày. Tao thì biết gì. Phở. Thế là xong”. Bố tôi vốn rất giỏi chuyện phở, mọi việc liên quan đến phở. Gia đình tôi làm nghề bán phở đến đời bố tôi là thứ hai. Đời trước ông bà nội tôi mở tiệm phở ở Hải Phòng rồi di cư vào nam – ở xứ đạo An Bình gần ngã ba ông Tạ trong Sài Gòn -. Ông bà nội tôi vẫn bán phở và lấy tên là “Bắc Hà” rồi chuyển sang bố mẹ tôi. Cả gia đình tôi dọn ra ngoài này vì nghe nói bố tôi bất mãn với cha xứ của họ đạo sao đấy và đã thề độc với mọi người là đi thật xa.

Ngày ấy ngoài trung đặc sệt lính Mỹ và người tứ xứ đến làm ăn. Hàng quán chủ yếu là để phục vụ chuyện ăn chơi và một tiệm phở ngon thì có lý vô cùng. Thế là ở ngay thành phố này có phở “Bắc Hà” và không chỉ một địa điểm mà có đến ba và đều của gia đình tôi cả.

Sau giải phóng các tiệm ăn ế ẩm lắm. Nhà tôi đã bỏ nghề có đến trên chục năm trời và suốt thời gian ấy gặp ai bố tôi cũng nói chuyện phở cho đỡ nhớ, đỡ nghiền. Gia đình tôi đông con. Có đến tám anh chị em. Vì tên các cụ nhà tôi có vần “Th” ở đầu nên tên tất cả các con đều như thế. Những nào: Thanh, Thạch, Thịnh, Thái, Thông, Thương, Thi, Thư. Mẹ tôi bảo: “Đẻ mãi ngán quá đến đứa thứ tám, mẹ muốn khoan khoan một tị rồi hãy tiếp tục, thế nên mới đặt tên là Thư ai dè hết sạch, thôi hẳn và chả phải thư nữa”. Từ bảy sáu đến tám tám: mười hai năm liền không mua bán làm ăn gì lại con đông, mấy ngôi nhà ở ngoài phố của gia đình tôi đành phải bán lần hồi và cuối cùng là cả nhà về sống ở con hẻm này và cũng tại đây phở “Bắc Hà” lại được hồi sinh. Bố tôi là người vui nhất. Lúc đầu mở lại khách khứa cũng lưa thưa, vì địa thế yếu quá, sau người ta biết tiếng và mấy năm nay hàng ăn của gia đình tôi đông khách lắm. Nườm nượp từ sáng sớm đến tận khuya. Nhà chẳng phải thuê mướn một ai. Có gần chục con người nào là dâu, rể, trai, gái, cháu nội, cháu ngoại túm tụm lại mà làm và bố mẹ tôi nuôi tất tần tật. Các anh và em trai tôi sống trong nhà không nói đến làm gì. Các chị và em gái của tôi hoặc ở nhà chồng hoặc ở nhà riêng đều đủ mặt ở cửa hàng mỗi ngày. Người nào việc ấy cứ gọi là tăm tắp. Đố kể có ai dám ho he, chứ không thì chẳng thể nào yên với bố tôi được đâu, dù từ năm ngoái do yếu bố tôi đã nhường hẳn công việc ở cửa hàng cho ông anh đầu của tôi. Anh Thạch dẫu sao cũng là con trai trưởng trong nhà. Việc này cũng khiến chị cả của tôi hậm hực, mặt sưng, mày sỉa và đá thúng đụng nia mất một thời gian.

Nhà tôi cũng Thiên Chúa giáo như nhà An nhưng không có lệ đọc kinh chung mà đọc thế nào được cơ chứ, vì vào khoảng nhà An ngồi trước bàn thờ, thì bên nhà tôi đang bán buôn tấp nập và ở gian bếp phía sau, tôi đang ngồi chồm hổm dang những nhát búa rõ mạnh để chặt xương bò. Cứ ngày hai bận: sáng sớm và chiều tối. Sáng sớm để ninh nhừ cho buổi tối có nước bán và tối đến ninh nhừ cả đêm để có mà bán cho ngày hôm sau. Mà cũng lạ không hiểu sao những lúc chặt xương bò của tôi lại luôn trùng với giờ đọc kinh ở bên ấy. Tôi đảm trách công việc này của gia đình từ sau khi ở nhà dòng trên Đà Lạt về. Nói theo cách của người có đạo như chúng tôi thì: “Chúa có gọi tôi nhưng lại không chọn tôi”. Thôi thì đành vậy chưa biết sao giờ. Trở thành một linh mục không chỉ là ước mơ của gia đình dành cho tôi mà là của cả dòng họ nhà tôi nữa. Tôi đã vào dòng trên hai mươi năm trời chỉ để lên đến chức Thầy là hết. Xót xa thế đấy. Tôi đã làm nhọ mặt bố mẹ tôi thế đấy. Những ngày đầu mới về cứ thấy tôi lóng nga, lóng ngóng, hết đi ra lại đi vào, hết lên lầu lại xuống đất, mẹ tôi lộ hẳn vẻ đăm chiêu, bố tôi cũng không đừng được, phải nói: “Thế mà mẹ mày đã bàn đến việc làm lễ thụ phong với lại lễ mở tay rồi đấy. Lễ, lễ, lễ với chả lạc. Rõ chán!”. Chị cả tôi bô bô: “Không tu được thì về lấy vợ, chứ làm sao nào. Cứ…cứ làm như cháy nhà không bằng…”. Con anh Thạch tôi vừa múc phở luôn tay, vừa cười: “Để xếp cho chú ấy khoản chặt xương bò đang còn khưyết…”. Tôi ngồi nghe hết lời của những người thân bàn tán mà buồn đến nẫu cả ruột. Từ một cảnh sống yên tĩnh, nề nếp trong chủng viện cuộc sống của tôi như đảo lộn toàn bộ với thứ không khí tất bật, đông đúc của gia đình và hàng quán, với mùi xương bò gây gây đặc keo, với những tiếng húp nước phở sùm sụp của những người khách xấu ăn. Nếu không có An chắc tôi khó lòng chịu đựng nổi.

Vừa chặt xương, tôi vừa ngóng cổ lắng nge âm thanh từ bên nhà An vọng sang và thích thú nhận ra giọng An lẫn chung với giọng mọi người. Giọng của An nhỏ, chắc và rất trong không phải như giọng mẹ An rê ra và hơi ồm oàm hay như của mấy đứa cháu An to, khàn khàn và ngắn củn. Khoảng thời gian của ván kinh mà nhà An đọc luôn dài hơn khoảng thời gian tôi phải chặt xương, thế nên vừa xong việc là tôi vội lỉnh ngay lên lầu và ra đứng ngoài lan can trông hẳn về phía nhà An để nghe cho rõ. Và thế đấy: những buổi sớm, những ban đêm. Những giờ kinh nguyện bên nhà An làm cho lòng tôi như được cất cánh và chấp chới lượn bay lên khỏi cuộc sống vốn thật đơn điệu, nhàm chán và tẻ buồn này và không rõ từ bao giờ, sao mà tôi thương đến thế giọng đọc kinh của An: “Kính mừng Maria đầy ơn phước…”. Giọng đọc kinh An nghe như có nhạc điệu vậy mà hay lắm cơ. Mỗi kinh giọng đọc của An mỗi khác. Kinh “vực sâu” giọng An nghe rất thảm thiết nhưng kinh “Đức Chúa Thánh Thần” giọng An cao hơn và nghe chừng vui vui. Không những thế hình như An còn đem cả tâm trạng của mình vào giọng đọc kinh và tôi đã tinh ý để tâm quan sát hàng bao nhiêu lần và đoán ra được. Giả dụ như lúc chiều, tôi thấy An ngồi chơi với mấy người bạn ở phía trước nhà. Chẳng biết có chuyện gì mà trông An căng thẳng quá thể và tối đến y như tôi đã phỏng chừng giọng đọc kinh An cứ khang khác thế nào, xem ra sự bực bội nhiều đến mức chỉ muốn phát gắt lên ngay thì mới thỏa hay như một lần khác. Trước giờ kinh nguyện chẳng biết có điều gì thú vị mà cô cháu An cười có đến nôn ruột ra chứ không phải bỡn. Chắc gặp lúc mẹ An không có nhà và giọng đọc kinh của An sau đấy thì chẳng làm sao mà bình thường được. Háo hức làm sao và như lây cả sang tôi khiến ngồi chặt xưong mà tôi cứ phải mủm mỉm cười. Tôi dựa theo những giờ đọc kinh bên nhà An để vui, buồn, bực dọc hay sung sướng trong một ngày. Tôi luôn cảm thấy nao lòng mỗi khi bên nhà An có tiếng hát vì tôi biết chắc sau bài hát “kính Đức Mẹ hằng cứu giúp” ấy, là đến kinh “Trông cậy”, “Cám ơn” và ván kinh bên nhà An phải chấm dứt. Đôi khi giờ kinh bên nhà An trễ. Cũng có nhiều nhặn gì cho cam. Chỉ độ mươi, mười lăm phút thế mà tôi đã luống cuống đâm lo và chặt xương bò đã không thể chính xác được rồi.

Chuyện kinh bổn bên nhà An cũng là đề tài muôn thuở của gia đình tôi. Mẹ tôi trầm trồ: “Cũng là người có đạo với nhau cả mà sao gia đình họ sốt mến thế không biết còn nhà mình độc một duộc khô khan và chĩa sang tôi: “Cả cái ông tu xuất này nữa. Liệu đấy”. Bố tôi cắt ngang: “Đạo cứ phải đọc kinh ngày hàng mấy bận như thế thì mới gọi là đạo à!”. Còn các anh, chị, em út của tôi thì mỗi người một ý và rất nhiệt tình để phê phán hay ngợi khen. Tôi ngồi nghe bộc lộ hẳn sự khó chịu và mãi lâu mới dẫm dẳng: “Việc của người ta kệ nguời ta. Cớ gì đến nhà mình đâu chứ!”. Và trong bụng nghĩ thầm không có những giờ kinh nguyện bên nhà An, tôi khéo có mà chết khô như những cục xương bò vẫn phải chặt mỗi ngày để nấu phở: to, dài, khúc khuỷnh và xương độc xương, chả dính nổi một tí thịt thà và ao ước giá mà bên An đọc kinh thêm vài ba bận nữa mỗi ngày. Càng ngày tôi càng thấp thỏm trông ngóng An nhiều hơn. Trông được thấy An quét cái sân phía trước. Thèm nghe tiếng An nói chuyện với mẹ, các cháu – cười cợt hay gắt gỏng – trông đến giờ An đọc kinh…Những đêm mất ngủ tôi hay nghĩ đến An và những đêm ngủ say, tôi lại mơ thấy An gấp bội lần. Cũng vì An mà tôi đã nhận với cha xứ một chân dạy giáo lý cho trẻ con vì tan lớp cũng là giờ bắt đầu hiệp lễ mỗi chiều và An có chiều nào mà vắng mặt ở nhà thờ đâu chứ! Cha xứ cũng gợi ý tôi tham gia vào ca đoàn và giữ một chân chơi keyboard. Tôi ưng bụng quá chỉ muốn “ừ” ngay vì biết rõ An đang sinh hoạt ở ca đoàn nhưng cũng còn phải ra vẻ khách khí nên từ tốn trả lời: “Thưa cha để con sắp xếp công việc vì nhà con bán buôn nên cũng bận”. Bận chẳng qua là nói cho có chuyện chứ bận gì đến tôi, dù mọi người trong gia đình tôi có ai mà được rãnh. Ngay như hai đứa bé nhất nhà là thằng Thi và cái Thư, có hôm khách đông bưng bê đến rạc cẳng và không có thời gian để mà học hành nữa ấy chứ. Còn bố mẹ tôi mang tiếng là già yếu đã khoán hết cho con cháu nhưng hai cụ có ngày ngồi rửa bát đến mỏi cả lưng. Tôi thì vẫn vậy. Chỉ mỗi việc là chặt xương bò. Khách đông phải dùng đến lượng nước nhiều thì xương bò phải chặt nhiều mà khách giảm thì lượng xương bò phải chặt cũng giảm và vẫn chỉ ngày hai bận. Thời gian làm việc có nhỉnh ra hơn những ngày hàng quán bán đắt nhưng hãy còn nhàn chán. Tôi cũng muốn tham gia thêm một ít việc của gia đình nhưng ai nấy đều gạt phăng. Bảo tôi thì biết làm gì. Giá mà tôi có thể sang thăm An những khi rỗi nhỉ?

Gia đình An sống khép kín lắm kìa! Chả mấy khi thấy nhà bên đấy mở toang cửa lớn. Chỉ hai cánh cửa sổ là có nhưng lại bị tấm màn thật dày, che kín bưng. Chị cả tôi bĩu môi: “Chả thấy ai may màn cửa lạ như thế. Mà khiếp nhỉ, có gì ở trong nhà mà phải đậy điệm kỹ thế?”. Chị kế của tôi lại lên tiếng bênh vực: “Cái cách sống người ta nó vậy. Họ thích thế. Không hay hơn cái cách sống trống huơ, trống hoắc của bà à?”. Bố tôi lắc đầu: “Nhà có con gái đến tuổi lấy chồng thì cũng phải thông thoáng, cởi mở để có người còn tới chứ cái kiểu ấy…Tao e cái An chết già”. Mẹ tôi một mực bào chữa: “Họ như thế mới gọi là khôn. Họ làm cao cho con họ đấy chứ đâu lại như ông. Giai vừa vào nhà đã vơ vội cho con rồi gã, cưới nhanh như đồ kẻ cướp. Bởi thế…”. Mẹ tôi bỏ lửng câu nói nhưng cả nhà đều biết mẹ tôi định ám chỉ việc gì. Mọi người trong gia đình tôi vẫn hay thắc mắc là nhà tôi bán phở rất ngon và có thể nói là rẻ nữa. Cả xóm này đều đến ăn phở hoặc mua về. Tịnh có nhà An là không dù tiệm phở của gia đình tôi đã ở ngay trước mặt. Bố tôi không ưa gia đình An và cái mà ông cụ không ưa nhất là không thấy ăn phở “Bắc Hà”. Tôi đã chứng kiến cảnh ông nhìn chòng chọc sang nhà An và lẩm bẩm: “Chả nhẽ họ chê phở mình dở rồi lại đi ăn, uống ở những mãi đâu đâu, thế mới rõ là cái loại người…dở hơi”. Tôi không đồng ý với bố tôi và cũng chả đồng ý với một ai ở trong nhà nhưng chỉ dám hậm hực lấy một mình. Điều tôi quan tâm không phải là chuyện ăn, uống của nhà An mà là làm sao tôi có thể băng qua con hẻm và sang nhà An một cách bình thường.

Đã bao lần tôi nằm mơ thấy cánh cửa lớn nhà An mở suốt ngày và An luôn đứng phía trước dõi mắt trông sang bên đây cười với tôi rõ tươi như có ý mời. Thi thoảng, tôi lại còn dám mơ được cùng An ngồi đọc kinh trước bàn thờ Chúa, Đức Mẹ. Những câu kinh lóe sáng từ đôi môi của An cứ chấp chới như những bóng nắng ở ngoài trời, lung linh và đẹp đẽ.

Vào ca đoàn được nửa tháng và cùng tập hát với nhau được dăm lần thì tôi biết An đã có người yêu. Khốn nạn. Chẳng phải ai xa lạ. Té ra là thằng Đạt, bạn với thằng Thông em tôi, từ ngày còn học cấp III. Thảo nào mấy lần tôi thấy nó và thằng Thông ngồi đồng ở trước cửa hàng trô trố mắt trông sang nhà An như có ý kiếm tìm. Giời ạ! Phải như mà An yêu ai tôi đỡ phải uất, đằng này, cái thằng Đạt. Người thì bé loắt choắt, đi đứng thì hấp ta, hấp tấp, nói năng thì láu táu. Nói nhanh, nuốt chữ liên miên nên hay vấp là phải thôi. Đã thế người bắc thì nói tiếng bắc đi, lại còn giả giọng trung nên lúc thì nói tiếng bắc, khi thì lòi tiếng trung. Lai lai chả ra cái thể thống gì mà nghề ngỗng thì có ra làm sao đâu chứ! Làm cái anh thợ chụp ảnh dạo suốt ngày lởn vởn ở bãi biển và các công viên. Cũng may là vào ca đoàn (chắc là An rủ) nên được các cha chiếu cố cho chụp hình lễ cưới ở nhà thờ lâu nay. Từ lúc biết An yêu Đạt, tôi sống vật vờ khổ sở. Cũng hãy còn ngóng chờ những giờ đọc kinh bên nhà An. Cũng hãy còn thích thú nhận ra giọng An lẫn chung với giọng mọi người nhưng ngán chặt xương bò lắm rồi. Cầm đến cái rựa là thấy bãi hoãi hết cả người. Thằng Thông bảo với tôi Đạt yêu An, những tám năm nay đã nhờ người đi hỏi nhưng mẹ An vẫn chưa chịu, làm tôi thêm hụt hẫng. Tôi bỗng trở lại với tâm trạng của mình khi mới rời Chủng viện. Đúng là lúc ấy tôi nao núng quá vì nghĩ phải rời xa một lối sống mình đã quá quen thuộc, suốt một thời gian dài – một tổ ấm vô cùng vững chắc – trong khi dòng đời bên ngoài thì hết sức bấp bênh. Tôi sẽ làm gì? Sẽ sống ra sao? Cùng mối quan hệ với gia đình, mọi người. Rồi chuyện vợ, con…Nghĩ đến đâu lạnh người đến đấy. Kinh khiếp quá. Ngao ngán quá nhưng làm sao đừng được. Phải xuống đời thôi, vì nhà dòng đâu còn chỗ cho tôi nữa, dẫu ở đây tôi thật bình yên với cuộc sống êm xuôi và thư thả. Tôi cũng đã bình yên đấy thôi suốt quãng thời gian vừa qua, khi nghĩ An chưa thuộc về ai. Còn bây giờ? Sao mà tôi chống chếnh thế này! Tôi ở lại thêm nhà thờ sau thánh lễ để cầu nguyện. Tôi ngồi thêm bên cây đàn sau giờ tập hát để đánh hết bài thánh ca này đến bài thánh ca khác mà tâm hồn vẫn không chút an bình. Tôi lại thấy nhớ những tháng, ngày ở Chủng viện, thấy nhớ Đà Lạt và nghe ra cuộc sống của mình sao trống rỗng, vô vị và buồn quá. Lần đầu tôi thấy thương thân đến xót xa nhưng không rõ mình có nuối tiếc gì không nữa. Về một thời trai trẻ năng nổ đã trôi qua cùng bao năm đằng đẵng ở Chủng viện và những năm sống với gia đình cùng một chuyện duy nhất là: chặt xương bò cho nhà nấu phở!

Bố tôi đến là tinh. Cụ nhìn tôi ra chừng ái ngại và một hôm lúc tôi đang làm việc, đến ngồi bên, bảo nhỏ: “Hay là mày lấy vợ đi con”. Mẹ và các chị dâu, chị gái có làm mối cho tôi mấy đám. Cũng xinh, giỏi giang lại người bắc di cư, Thiên Chúa giáo như hoàn cảnh của gia đình tôi mà tôi hãy còn tặc tè. Thấy thế mẹ tôi nguýnh nguẩy: “Còn gì nữa mà kén cá, chọn canh hả con? Bốn mươi bây giờ đấy anh ạ! Khi ấy có ma nó lấy. Dưa để lâu dưa khú thôi con ơi!”. Nghe. Các chị tôi cười ầm lên. “Mẹ làm như chú ấy là con gái không bằng”. Lại càng kiến tôi thêm xấu hổ.

Tôi không nghĩ mình lấy Liên đâu. Tinh cờ thế nào tôi lại gặp một đứa bạn cùng tu xuất như mình nhưng đã vợ con đâu đấy hẳn hoi. Thì ra lâu nay gia đình nó cũng ở trong tỉnh này mà tôi đâu biết, để thi thoảng lại chơi cho đỡ buồn. Biết tôi vẫn như ngày ra khỏi dòng, bạn tôi bảo: “Để tao giới thiệu”. Thế là tối ấy nó chở tôi đến nhà Liên. Mẹ con Liên đang đọc kinh và chúng tôi đứng trước cửa chờ. Phương hích vai tôi:

– Bây giờ mà vẫn có gia đình đọc kinh dài thế cơ à?

– Đọc như thế này thì khéo còn dài hơn cả bên nhà An nữa đấy chứ!

– An nào?

– À! Ở trước cửa nhà tao. Hàng xóm ấy mà.

– Thế à? Tao đã nghiệm ra đọc kinh dài chỉ được cái chia lòng, chia trí.

– Chứ còn gì nữa. Ngay như chúng mình ngày ở Chủng viện cũng chỉ chủ yếu tập trung vào lời cầu nguyện riêng chứ kinh bổn gì mấy.

– Ừ! Thế mới là phải chứ!

Rồi ván kinh cũng hết. Bạn tôi gõ rất nhẹ và Liên ra mở cửa. Phương giới thiệu ngay: “Đây là Thịnh, bạn của anh hồi ở Chủng viện”. Mẹ Liên ngồi đó lên tiếng: “Chắc thầy cũng đã lập gia đình như thầy Phương đây rồi”. Tôi cười: “Chưa mới rõ khổ chứ bác”. Và thấy Liên cúi mặt còn mặt mẹ Liên có ánh cười. Ra về bạn tôi bảo: “Nguyên việc tu xuất là được bảy điểm rồi. Còn ba điểm do thầy thôi đấy thầy nhé!”. Tôi bảo: “Ừ! Để xem”. Và thấy Liên cũng hay hay. Lại có nét đẹp hiền hiền rất giống Đức Mẹ. Xem chừng tôi cũng có cảm tình nên nửa tháng sau phải trở lại dòng trên Đà Lạt để chứng giấy tờ tôi đã gọi điện cầu hôn Liên ở đấy và đúng một tháng sau chúng tôi lấy nhau. Một tháng đủ cho các thủ tục: đạo và đời. Đủ cho các loại lễ nghi: bắc và trung không chịu kết hợp. Đủ cho những tranh luận lôi thôi giữa hai đàng: gái và trai. Ba Liên đã mất và ông chú thay quyền có lúc tức quá đòi trả lễ. Còn bố tôi mặt đỏ gay ngồi giữa hàng hét tướng lên: “Dẹp, dẹp tất. Chả cưới cũng chả xin gì sất. Để xem họ đòi hỏi trả treo ở những đâu nào?”. Ông anh đầu của tôi thế mà đến là tội. Giao hẳn cho vợ chuyện múc phở phục vụ khách, cứ hai nhà chạy đi, chạy về như con thoi. Một mình anh ấy đứng ra giảng hòa, dàn xếp. Anh tôi đã khéo nói làm sao mà bố tôi chịu có thêm một lễ đại nạp theo đúng phong tục miền trung và gia đình An cũng đồng ý rước dâu chứ không phải đưa dâu y hệt như người ngoài bắc. Ai tranh cãi mặc ai. Nhà nào lo việc nhà nấy. Tôi cứ bình chân như vại, ngày hai bận bổ rựa chặt xương bò. Lại chặt rất hăng, hăng nhiều so với ngày trước khiến cả nhà phải trêu: “Sắp lấy vợ có khác. Sung”. Tôi cố lặng thinh chỉ một hai lần vuốt mồ hôi đầy mặt, ngửa cổ hỏi lại: “Thế à?”. Và phải cố gằn chứ không thì khéo cả người đổ sụp xuống vì nhận ra giọng đọc kinh của An rõ mồn một, dẫu lẫn chung với mọi người. Giọng đọc kinh của An xen kẽ, hòa trộn vào cái âm thanh khô khốc, cộc lốc của những tiếng rựa phang mạnh lên những chân xương thật rắn cứ kéo dài ra nhòe nhoẹt và chấp chới giữa lưng chừng trời, không bay vút lên được nên đành sà xuống ngay cạnh tôi và đau đáu một niềm thương quặn thắt.

Vì Liên là con duy nhất nên gia đình, họ mạc Liên đã đặt thẳng vấn đề ở rể. Bố mẹ tôi lúc đầu không chịu. Ai lại để cho con mình chịu cái kiếp “chó chui gầm chạn” như thế bao giờ, sau thấy tôi cương quyết quá đành bằng lòng và thế là cô dâu mới chỉ phải ở nhà chồng đúng ba ngày. Đêm tân hôn tôi lặng người nghe tiếng đọc kinh bên nhà An vọng sang trong sự thích thú, ngậm ngùi, sung sướng và khổ đau…Lúc ấy cũng phải gần đến nửa đêm. Mà sao lại có chuyện lạ như thế này nhỉ? Mọi hôm bên nhà An vẫn đọc rất sớm cơ mà. Tôi nằm im bên Liên. Lặng lẽ ngóng nghe từng chữ, từng câu kinh dội suốt vào người mình, dội suốt vào tâm trí mình và mơ màng đến những đâu đâu. Tôi như quên đi bên mình đang có một cô vợ vừa làm đám cưới trong ngày và đang chờ đợi tôi thực hiện các chức năng làm chồng. Những lời kinh An đọc, bài thánh ca An hát dẫn đưa tôi trở lại thảm cỏ ngát xanh trải dài và rộng mênh mông ở sân Chủng viện. Khung cảnh tĩnh mịch, trang nghiêm ở nhà nguyện vào những giờ suy ngẫm, cầu nguyện một mình. Tiếng harmonium thong thả rơi đều trên những hàng cây, dãy hành lang hun hút và cả một khoảng trời u xám và đẹp đến não nề của những mùa đông nơi nhà dòng…Những lời kinh nguyện từ bên nhà An tràn sang chỗ tôi nằm đạp dí lên những háo hức, thèm khát ở trong tôi và đưa tâm hồn tôi trồi lên, trồi lên mãi. Khi ván kinh nhà An hết, tôi nhìn sang bên thấy Liên đã ngủ say và không chỉ một đêm tân hôn. Có đến ba đêm tôi ở vào tâm trạng như thế. Tôi vẫn chưa thể bước hẳn vào đời sống vợ chồng, từ ngay trên cái giường ngủ của mình và dù rất vô tâm, tôi vẫn nhận thấy thái độ đầy bực dọc và thắc mắc ở Liên, mỗi sáng ra.

Về sống với Liên được một tuần lễ đầu, tôi đã biết tỏng Liên lấy tôi chẳng qua vì tuân theo đức vâng lời. Tôi là dân đi tu ra nên rất hiểu ba lời khấn của nhà dòng, là: “khiết trinh, khó nghèo và vâng lời”. Nữ tu ở trong dòng thì vâng lời bề trên và nữ tu ở ngoài đời thì vâng lời mẹ là phải lắm rồi. Còn với một người sùng đạo đến độ cuồng tín như bà mẹ vợ của tôi thì gả con cho một người tu xuất là một thắng lợi và cũng do gia đình cô ấy theo đạo chỉn chu quá nên chuyện kinh sách, nhà thờ, nhà thánh được đưa lên hàng đầu, như sáng sớm cả nhà khóa cửa đi lễ và về đến nhà là đọc kinh ngay. Ngày ba bận và không dưới hai tiếng đồng hồ. Cứ đúng giờ là không ai bảo ai và có đang mắc dở việc gì cũng phải bỏ đấy để đi đọc kinh đã. Ngồi bắt sốt cả ruột và sau những ván kinh mà tôi đã chăm chỉ đọc như thế, mẹ Liên có vẻ thương quí tôi hơn. Còn Liên tôi cũng không rõ lắm. Tôi đến với Liên vốn đã rất mơ hồ. Cầu hôn, làm đám cưới với Liên trong cái mơ hồ. Bước vào ngôi nhà của Liên, ở lại và làm chồng Liên cũng trong sự mơ hồ đấy chứ!

Ngoài đời vẫn có câu “bụt chùa nhà không thiêng”, mà quả là thế. Lúc chúng tôi chưa lấy nhau, mẹ Liên cứ một điều thầy, hai điều thầy ra chiều nể nang và lời nói của tôi hiệu nghiệm lắm kìa. Vậy mà lúc tôi đã là rể của cụ, cái trọng lượng trong những gì tôi thốt ra thành ngôn ngữ, tôi áng chừng nhẹ không đến một phần trăm gam. Tôi đưa ra đề nghị gì về chuyện nhà cửa, làm ăn là cụ gạt phắt ngay: “Con tu xuất ra nên chẳng hiểu nhiều việc đời, không khéo lại bị người ta lừa cho mà mất trắng”. Thế có tức không chứ! Lúc trước thì cái tu xuất của tôi làm cụ tin tưởng, còn bây giờ cái tu xuất của tôi làm cụ ái ngại, lo lắng mà nói gì đến cụ, ngay cả Liên cũng thế. Tôi có lần cáu quá, to tiếng: “Em bỏ tiếng thầy . Gọi anh là anh và cho anh làm chồng như thế này đây hả?”. Của đáng tội. Việc chuyển cách xưng hô của chúng tôi cũng gây ra lắm điều phải nghĩ ngợi. Liên lúng túng làm sao khi gọi tôi là anh và tôi thì có khác gì, mà việc ấy xảy ra trước ngày cưới của chúng tôi dễ chưa đến mười hôm. Tôi nói tôi sống với mẹ con Liên là nói rất thật thà, vì tôi ngẫm ra chả có một việc gì của vợ chồng tôi mà Liên lại không mách lại mẹ cô ấy và bà cụ mới vô tư làm sao, khi can dự vào cuộc sống của vợ chồng tôi hết sức nhiệt tình. Chẳng hạn như việc muốn đi làm để kiếm ra tiền của tôi. Tôi chỉ bàn bạc với Liên thế mà cô ấy đem kể lại hết với mẹ và bà cụ làm mọi cách để ngăn chặn chuyện này. Mẹ Liên chỉ muốn tôi đi dạy giáo lý, đi tập hát, chơi đàn cho ca đoàn ở nhà thờ xong về ở tiệt trong nhà: “Thầy thì phải cho ra thầy. Mình không đi trọn con đường tu thì đành phải xuất, nhưng dẫu gì cũng là người ở nhà dòng, sao lại lăn xả ra đời để bươn chải kiếm miếng ăn như thế”. Về điều này thì không chừng mẹ Liên lại giống với mẹ tôi rồi đấy. Mẹ tôi vẫn luôn sĩ diện. Tôi là thầy và không bao giờ cụ cho tôi chường mặt ra ngoài hàng phở để làm lụng bất cứ một việc gì dù là nhỏ nhặt như mang rau húng ra cho khách. Chỗ làm của tôi ở gia đình ngần ấy năm không kín đáo lắm đấy sao! Một xó bếp và rất nhiều xương bò cần được chặt. Với cách xếp đặt của mẹ Liên, tôi có quá nhiều thời gian thừa thãi để nhớ An, những giờ đọc kinh bên ấy và cái không khí đông đúc rộn ràng của hàng phở nhà tôi.

Liên nhận mùng về nhà may. Công việc nhiều lắm. Tôi muốn phụ giúp vợ một tí như xếp lại những cái mùng đã may xong nhưng mẹ cô ấy cũng không cho, bảo: “Nhỡ ai người ta vào bất ngờ, thấy kỳ. Ai lại để cho con rể làm như thế. Rể cũng có năm bảy đường rể. Rể đây dù gì cũng là thầy, cũng sắp là cha”. Tôi nghe không cãi, chỉ nén tiếng thở dài không dám thả ra cho hết. Vui hay buồn đây nhỉ? Có một hôm trong lúc dọn dẹp lại cái tủ quần áo của hai vợ chồng, tôi tình cờ làm rớt ra một lá thư và tò mò đọc. Thì ra thư của người tình Liên, ngày trước. Anh chàng chả biết người ngợm ra sao mà viết thư “hóm” ra trò. Đọc, ấn tượng lắm. Tôi chỉ xem sơ qua có mỗi một lần mà in đậm vào trong trí và thuộc làu làu: “Trước em anh đã từng cặp cô hàng bia, cô kế toán, cô hàng cà phê, cô bán thịt. Và sau một thời gian anh nhận ra: bia bọt uống quá đâm say sưa be bét. Sổ sách tính mãi đâm nhức đầu. Cà phê đắng qua, uống mãi còm người. Vidéo, phim ảnh xem mãi mắt cũng mờ. Cứ hát mãi e rằng thanh quản mòn đi ấy chứ! Còn thịt thà nói thế chứ ăn mãi cũng phải chán. Đúng không? Thế là anh quyết định chọn em. Em khôn lắm làm ngay cái nghề may mùng và đã cho anh chui vào trong đó. Vậy em nhớ chận kỹ các phía và bốn góc cẩn thận để nhốt kín đời anh lại với em, trong một cái mùng…Một cái mùng may cho rộng rãi, cao ráo Liên nhé!”. Đêm hôm ấy. Tôi buồn ngủ sớm nên lên phòng ngay, sau giờ đọc kinh trong khi Liên còn đang tắm táp ở dưới nhà. Lúc chận cho kín cửa mùng kẻo muỗi vào nghĩ đến lá thư tôi cứ phải cười ngặt nghẽo mãi. Cười. Chỉ buồn cười chứ tịnh không xót xa, bực bội, ghen tuông gì cả. Đến là hay thật.

Phải có sự can thiệp tích cực của các cha ở nhà thờ và ý kiến ông chú của Liên, tôi mới được đi dạy dù Phương giới thiệu cho tôi chỗ kèm này đã lâu. Vợ chồng tôi đã có con đầu lòng. Có con nhỏ Liên đâu may được nhiều và mọi chi phí trong nhà khoán cả cho bà ngoại làm sao tiện. Thi thoảng, tôi cũng bế con về nhà và bố, mẹ luôn dấm dúi cho như một cách trợ giúp ấy mà. An vẫn chưa lấy chồng nhưng nghe Thông bảo Đạt đã có vợ. Đạt nó chờ An lâu quá mà cha mẹ nó cũng già yếu lắm rồi. Đạt phải có gia đình cho các cụ được vui. Hôm gặp nhau ở nhà thờ tôi hỏi An:

– Em độ rày thế nào?

An không trả lời nhưng rất ngập ngừng khi hỏi lại:

– Anh lúc này thế nào?

Tôi hãy còn đang lúng túng An đã nói ngay:

– Anh thì còn thế nào nữa. Vì có bao giờ mà chẳng vậy. Chỉ được cái nhạt và ngốc mà thôi.

Câu nói của An đeo đẳng tôi mãi. Trong lúc nghĩ ngợi và cả những khi làm việc. Còn trong những giấc mơ tôi ư? Chới với và lẩn quẩn mãi những câu kinh An đọc. Những câu kinh khi rời rạc thì như thể tiếng mưa rơi. Không xối xả, dữ dội khiến đường sá và công việc bị đình ách, làm phiền nhiễu đến cuộc sống và hết cả mọi người. Mưa đây cũng không nhỏ rây rây dăm ba hột chỉ tổ làm vướng víu, khó chịu mà kiểu mưa vừa phải tí ta, tí tách đủng đỉnh, thư thả vừa làm dịu khí hậu, vừa làm trời mát mẻ khiến cho tâm hồn con người ta thanh thản, nhẹ nhỏm hẳn ra. Nhưng giá như lúc nào giọng đọc kinh của An cũng được như thế. Cũng rời rạc. Đằng này, có những lúc nghe ra thật gấp gáp, hối hả và liên tục. Những câu kinh xâu chuỗi vào nhau, quyện chặt lấy nhau thành những dây gai thật dẻo và buộc ràng lấy tôi thật chặt, xiết tôi rất nhiều vòng khiến tôi không làm sao thở được cứ ú ớ suốt đêm làm Liên phải gọi dậy và lay hỏi đến mấy lần. Quan hệ vợ chồng của tôi với Liên cũng cứ vầy vậy. Cũng chả có gì để nồng nàn và cũng không đến nỗi tẻ lạnh lắm đâu. Tôi yêu con đến điên cuồng. Đến phát rồ lên được. Đôi khi tôi thấy con gái tôi giống An. Lúc thì ở đôi mắt khi ngước lên. Lúc thì ở cái vai hơi chúi xuống. Một tí thôi. Rất là phảng phất cũng đủ giật thót cả người. Có những buổi tối chở con ra đường hóng mát. Con ngồi đàng trước và tôi cứ đinh ninh có An ngồi phía sau, rất gần để tôi quay lại, hoảng hốt. Có những lần đút cho con ăn hay tắm rửa cho con mà cứ nghĩ có An ngồi bên cạnh, thật sát để rồi một chỗ trống làm mình bắt hụt nghiêng, loạng choạng. Từ lúc con gái ra đời, tôi hay nhớ An và cái hàng phở của gia đình bỗng có một sức hút ma quái và mãnh liệt, khiến tôi lắm khi cưỡng chống đến bã cả người. Ngoài chuyện ấy ra, dường như tôi vẫn là một người đàn ông rất tốt của gia đình. Liên hay khoe chuyện tôi nuôi con giỏi với hết cả mọi người. Còn mẹ Liên thì hãnh diện lắm về chuyện ngoan đạo của tôi. Từ lúc sinh đến giờ dù chưa dám trễ nải nhưng Liên đã không còn nhiệt tình lắm ở những giờ đọc kinh chung với cả nhà. Tôi thì càng ngày càng tích cực và ngày ba bận đọc chứ mười bận đọc tôi vẫn cứ hăng hái như thường. Tôi đã tìm được một nơi ẩn núp tuyệt vời, khi trốn tôi vào những câu kinh mở ngõ và trốn tình tôi trong những giờ kinh ngã nghiêng, đảo điên, hư hư mà thật thật. Chúa đã đóng đinh đời mình trên cây Thập Tự và em đã đóng đinh đời tôi vào những lời kinh.

Lúc sáng. Vợ chồng có chuyện khủng khẳng với nhau và lần đầu sau năm năm lập gia đình. Tôi bỏ giờ đọc kinh ban trưa, bỏ cả bữa cơm ở bên nhà Liên, bế con trở về quán phở của bố mẹ. Tôi nói với ông anh đầu: “Từ hôm nay anh cho em về làm lụng, bán buôn với nhà ta anh nhé!”. Anh tôi cười: “Chán đi dạy kèm rồi à? Ừ! Thì chặt xương bò. Vẫn còn khuyết từ lúc chú lấy vợ đến giờ mà lúc này phải chặt nhiều xương thì mới đủ nước bán đấy!”. Tôi “vâng” và thấy lòng thanh thản lạ lùng. Thế là tôi lại được về với gia đình. Lại được sống trong cái không khí ồn ã, tất bật của hàng quán với mùi xương bò đặc sệt, gây gây và quyến rũ đến vô cùng. Lại được ngày hai bận quai tay bổ rựa lên những khúc xương khúc khuỷnh, chả dính nổi một tí thịt thà, trong tiếng đọc kinh từ nhà đối diện vọng sang và lẫn trong tất cả là tiếng của An: chênh vênh mà bám riết, níu giữ bao buộc ràng…

Nguyễn Mỹ Nữ

3 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những Câu Kinh Chấp Chới
    [i]Tôi đã tìm được một nơi ẩn núp tuyệt vời, khi trốn tôi vào những câu kinh mở ngõ và trốn tình tôi trong những giờ kinh ngã nghiêng, đảo điên, hư hư mà thật thật. Chúa đã đóng đinh đời mình trên cây Thập Tự và em đã đóng đinh đời tôi vào những lời kinh.[/i]
    Thật tội nghiệp cho anh chàng tu xuất …thất tình này! [i]Chúa đã gọi anh mà không chọn anh[/i], để cho anh phải nếm mùi [i]đời là bể khổ[/i]!
    Cám ơn Mỹ Nữ! Một truyện ngắn hay!
    ĐO.

  2. RE: Những Câu Kinh Chấp Chới
    Cảm ơn Mỹ Nữ về một truyện ngắn rất hay.
    ĐO nói “Chúa đã gọi anh mà không chọn anh”, đúng vậy ĐO ơi. Nhưng anh chàng tu xuất này đã chấp nhận để người đẹp “đóng đinh” mình. Đời không làm anh khổ mà chính tình yêu đã làm anh khổ! Ai bảo anh yêu làm chi? 🙁 Mình có gặp lại một số anh bạn học La San ngày xưa, có anh cũng là thầy tu xuất. Anh về VN chỉ mong gặp lại người yêu cũ, dù chỉ một lần rồi thôi, vì nay anh đã có vợ rồi. Nhưng cô ấy giận không thèm cho anh gặp. Anh đành nhờ mình nhắn lại một câu: “Suốt đời chỉ yêu mình cô ấy thôi”. Mình trả lời là sẽ không nhắn, vì sao? Vì cô người yêu cũ sẽ chẳng sung sướng hơn khi nghe câu đó, và người vợ hiện tại biết được cũng sẽ rất buồn! Mình chợt thấy hình ảnh anh ấy qua câu chuyện Mỹ Nữ viết ở đây. Hình như tình yêu của những chàng tu xuất có gì đó .. đặc biệt hơn người khác.

    • RE: RE: Những Câu Kinh Chấp Chới
      Anh chàng tu xuất này thích bị nàng [i]đóng đinh [/i]vậy là anh chàng này ưa “[i]thú đau thương[/i]”, phải vậy không Tâm? 😛

      Nói thật, với truyện này Mỹ Nữ làm mình trăn trở: Hạnh phúc của Thịnh và Liên bấp bênh quá! Và tại sao Thịnh lại thấy hình ảnh An ( người Thịnh thầm yêu ) qua đứa con gái yêu của mình và vợ? Chua xót quá! Tình yêu và hạnh phúc sao… phức tạp quá!!! 😕

      Mình cũng có cô bạn có chồng tu xuất! Có lần họp mặt, bạn bè hỏi chuyện tình của hai người.
      Chồng nói: [i]Tai bị bả dụ nên tui hổng trọn đường… tu! 😳 [/i]
      Vợ nói: [i]Tại bị ổng dụ nên tui mất… thời con gái! 😮 [/i]
      Bạn bè nói:[i] Vậy…hổng biết ai…dụ ai! Ha Ha Ha! 😆 [/i]
      Có điều mừng là hai vợ chồng rất hạnh phúc và vẫn rất ngoan đạo không bỏ lễ bữa nào( chắc là lo đi xưng tội với Chúa hay là lo đi cảm tạ Chúa (?) Hi Hi! Có Chúa biết!!! )
      ĐO.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả