Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Lá Thư Tháng Hai

Các em thương mến,

Đầu năm Quý Tỵ này mình xui quá nên không “mở hàng” chúc Tết mồng Một hay ba ngày Tết với các em được vì mình bệnh cho đến hôm nay, may là cũng đang còn “mồng ”  – hôm nay là mồng 8 Tết – nên mình “khai bút” đầu năm viết lá thư hằng tháng gởi đến các em.

Nhớ hôm trước có em yêu cầu kể chuyện Tết mà mình chỉ có một chữ “cúm” để kể cho các em nghe thì bậy quá nên mình sẽ kể chuyện Rắn cho các em nghe nha! Vì năm nay là năm con Rắn.

Con Rắn là một con vật rất phức tạp đối với tâm lý loài ngưòi vì mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi hệ thống tư tưởng .. có một quan điểm, một thái độ, một niềm tin, kính trọng, tôn thờ v.v.. khác nhau về con rắn. Nổi bật nhất, ngưòi Việt Nam chúng ta cho rằng con rắn là kẻ phản bội, là tượng trưng cho sự trả thù truyền kiếp (thông qua chuyện con rắn trả thù Nguyễn Trãi trong lịch sử VN) nhưng đối với ngành y khoa thì Rắn lại có được mối mỹ cảm, nếu không tại sao biểu tượng của ngành Y lại là một con rắn quấn quanh một chiếc đũa trong một chiếc ly để pha thuốc ? Có những dân tôc thờ rắn như Thái Lan, Lào, Cambốt, Ấn Độ, Ai Cập , Ba Tư v.v.. cho nên nói chuyện Rắn thì 3 ngaỳ 3 đêm chưa hết !!Smile

Mình chỉ nói sơ lược cho các em nghe một chút về những sử thi, những chuyện thần thoại/huyền thoại về thần Rắn Nãga của Ấn Độ, qua vài nước láng giềng quen thuộc với chúng ta mà thôi . Nãga không chỉ là tên gọi một loài rắn bình thưòng mà còn là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên, có thể tàn phá hay cứu giúp loài người cho nên đã được nâng lên hàng thần linh, do vậy, con ngưòi mới lập đền thờ, cúng tế v.v.. Nãga khi đến Trung Quốc thì đã hoá thân thành Rồng với sắc thái qúi phái linh thiêng mà tất cả các vua Trung Hoa đều lấy Rồng làm biểu tượng cho vương triều của mình [ long bào (áo rồng, áo của vua) , long mão (mũ Rồng ) v.v..] và cấm không cho ai trong nhân gian đưọc dùng hình tưọng này …

Khi nền văn hoá Ân độ truyền đến Đông Nam Á, Rắn Nãga đến Cambốt đã hoá thân thành người. Chuyện kể rằng ngưòi con gái của Vua Rắn Nãga tình cờ gặp một chàng trai của dòng họ Bà La Môn của Ấn Độ; họ yêu nhau, kết hôn với nhau và sinh ra con cái tạo lâp nên dân tộc Cambốt. Trong nền văn hoá Cambốt, Rắn Nãga được tạc thành tượng 7 đầu để thờ trong các đền như Đế Thiên Đế Thích : 7 đầu tượng trưng cho 7 màu của cầu vồng ; các đầu số lẻ (1,3,5,7) tượng trưng cho phái nam với năng lực vô lượng vô biên và bất tử còn số đầu chẵn ( 2,4,6) tượng trưng cho nữ giới với năng lực hữu hạn, tạm bợ …  Thế nhưng các em biết không ? các nước Cambốt và Lào đều theo chế độ mẫu hệ đó nha !! Smile

Dân tộc Thái Lan và dân tộc Lào cũng thờ thần Rắn Nãga vì họ cho rằng thần Rắn Nãga vị chúa tể cai quản dòng sông Cửu Long. Ngưòi dân Thái và dân Lào sống quanh năm dọc theo dòng sông Cửu Long và tin rằng cúng tế thờ phụng thần Rắn sẽ được thần che chở, phù hộ cho họ tai qua nạn khỏi lúc làm ăn sinh sống qua lại trên sông nứơc. Mỗi năm vào ngày 15 tháng 11 ( Lịch của Lào) lễ cúng tề Thần Rắn được cử hành trọng thể tại quận Phonephisai tỉnh Nong Khai của Thái Lan với pháo bông rực rỡ trong đêm đó.

Vài hàng sơ lược về Rắn như vậy đã nha! Em nào là Ky tô hữu thì kể tiếp chuyện tại sao con Rắn tượng trưng cho sự cám dỗ của Satan (theo Kinh Thánh) và em nào là Phật tử thì kể chuyện Rắn Nãga thành Phật (theo trong Kinh Pháp Hoa, đây là con gái của Long Vương tên gọi Long Nữ).

Rồi trở lại huyền thoại “100 trứng 100 con” của dân tôc Việt nam chúng ta với Lạc Long Quân và bà Âu Cơ không phải cũng là “con Rồng cháu Tiên” hay sao. Rồng Việt Nam có phải là hoá thân của Rắn Nãga từ Ấn Độ?

Thương mến tạm biệt các em với lời cầu chúc một năm mới vui tươi khỏe mạnh thành đạt và tốt lành đến với gia đình nhỏ của các em.

tn

5 BÌNH LUẬN

  1. RE: Lá Thư Tháng Hai
    Cô thương kính,
    Thật cảm động khi những dòng khai bút đầu năm của cô là những lời thương mến dành cho học trò và hơn thế nữa trong khi cô chưa thật sự khoẻ hẳn sau cơn cúm.
    Lời của cô bao giờ cũng là những học hỏi cho con dù là ngày xưa khi còn làm học trò hay bây giờ khi tóc đã không còn xanh nữa (ngày xưa thì còn chuyện trả bài nên không dám quên lời nào 🙂 , bây giờ thì không phải trả bài nữa nhưng không phải vì vậy mà không nhớ).
    Câu chuyện đầu năm Cô kể thật thú vị với những huyền thoại hấp dẫn về rắn từ hành trình của Thần rắn Nãga cho tới con rắn biểu tượng của ngành Y Dược, đã từ bao giờ nhìn thấy con rắn quấn quanh chiếc gậy của thần Esculape mà trong thần thoại là ông tổ của Y khoa nhưng lại chưa tìm hiểu cho thật rõ ngọn ngành của biểu tượng đầy mỹ cảm về Rắn ấy.
    Con xin gủi thêm cái link sau đây, viết về biểu tượng của ngành Y. để san sẻ với bạn bè
    [url]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tai-sao-ran-la-bieu-tuong-nganh-y-695857.htm[/url]
    Kính mong Cô mau chóng bình phục và an vui
    Thương kính
    Dao

  2. RE: Lá Thư Tháng Hai
    Cô thương kính! Đầu năm con Rắn xin chúc cô được nhiều sức khỏe, bệnh cúm của cô sẽ nhanh chóng hồi phục.
    Cảm ơn cô về câu chuyện rắn thần Nãga ở các nước Đông Nam Á. Đúng như cô kể thật vô cùng hấp dẫn, chuyện rắn thần kể mấy ngày cũng chưa hết cô ạ! Đến mỗi nơi lại nghe nhiều câu chuyện khác nhau. Em rất sợ rắn, vậy mà nhìn hình tượng rắn thần Nãga sao thấy uy nghi và đẹp quá.
    Ở kinh thành Angkor Thom – đế chế Kh’mer xưa, có một ngôi đền vàng Phimeanakas cao đến hơn 40 m tương truyền là nơi nhà Vua Rajendravarman II, người tạo nên ngôi đền vào cuối thế kỷ 10, hằng đêm đã đến để nghỉ đêm với rắn thần Nãga 9 đầu – hóa thân thành một cô gái đẹp, nếu đêm nào Vua không đến thì xứ sở của ông sẽ gặp tai họa.
    Đến Thái Lan cũng thấy nhiều tượng hình rắn thần Nãga. Để các bạn có thể “tưởng tượng” ra được vẻ đẹp của rắn thần trong hình dạng một người phụ nữ đẹp, em xin chia xẻ một bức ảnh mà em đã chụp trong vườn hoa Nong nooch. Rắn đẹp như thế này thì ông nào mà không bị cám dỗ, kể cả nhà vua có rất nhiều cung tần mỹ nữ thưa cô! 🙂

    [img]http://nthqn.org/index.php/gallery/image?format=raw&type=img&id=5005[/img]

  3. Kính gởi Cô Thúy Nga
    Rất cảm động khi biết cô bị bệnh chưa khỏi mà cũng không quên học trò và bạn đọc.
    Bài viết của cô cho người đọc rõ hơn cái nhìn mỹ cảm về Rắn, nhất là hình tượng của Răn trong y học.
    Đầu năm chúc cô mạnh khỏe để viết bài cho chúng em đọc.
    HML

  4. RE: Lá Thư Tháng Hai
    Lúc còn dạy ở vùng quê gặp trận lụt lớn rắn chui vào đầy bếp nên em có dip “diện kiến” mấy chú rắn, thấy ớn lắm cô ơi!
    Mà người dân tộc miền núi công nhận có những bài thuốc trị rắn cắn rất hay. Có một thầy giáo bị rắn hổ mang cắn, chân lập tức xưng phù to lên, mọi nguoi tính đưa anh nầy về trạm xá, ông già làng nói”mấy thầy cõng ông này đi tới trạm xá là ổng chết liền” sau đó ông ta chạy đi hái một mớ lá gì đó nhai đắp vô vết thương, lập tức nó xộp xuống và hết ngay.
    Không biết y học đối với những ca rắn độc cắn có thuốc nào để trị không? nếu không chắc phải lên miền cao mà xin mấy vị già làng bài thuốc này quá!
    bài viết của cô làm em đọc một hơi đó cô ơi!

  5. RE: Lá Thư Tháng Hai
    Cô kính mến,
    Đọc lá thư đầu năm cô “khai bút”, có tin vui là cô đã vượt qua bệnh cúm, có những câu chuyện về [i]một con vật rất phức tạp đối với tâm lý loài ngưòi [/i] và lời chúc đầu năm đầy thương mến…
    Cô ơi, ấn tượng của em về “chú tỵ” luôn là ghê ghê, sợ sợ… nhưng những câu chuyện thực hay thần thoại, một khi có sự góp mặt của con giáp này thì thật là hấp dẫn! Riêng biểu tượng rắn trong y khoa thì quả là đầy mỹ cảm đó cô!
    Em kính chúc thầy cô và gia quyến một năm mới dồi dào sức khỏe, an vui… để cô sẽ thảnh thơi viết cho chúng em những là thư đầu tháng. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả