Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănLời Cảm Ơn Muộn Màng

Lời Cảm Ơn Muộn Màng

Đã bao nhiêu lâu rồi kể từ sau năm 75 cứ mỗi khi anh về lại quê nhà, ngày đó là thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, có dịp là anh luôn hỏi thăm những bạn bè đồng trang lứa của anh ở ngoài quê tin tức về anh C.. Anh C. không phải là bạn học cùng lớp với anh mà thật ra anh C. thuộc lứa đàn em, học dưới anh một lớp, cùng lớn lên ở Tuy Hòa và cùng đi học chung một trường trung học của tỉnh nhà với anh ngày đó. Nhưng rồi bạn bè ngày cũ của anh cũng chỉ biết được tin tức vỏn vẹn một điều duy nhất là anh C., người mà anh đang cố công tìm kiếm nhiều năm đã cùng với vợ con lên tàu rời VN vào những ngày u ám cuối tháng tư năm 75. Và rồi những khi trà dư tửu hậu bàn chuyện thế sự với bạn bè, ngồi bên ly cà phê sữa nóng và ai đó với điếu thuốc lá trên tay trước mặt anh, những lúc như vậy anh lại đau đáu một nỗi niềm, mong muốn có ngày được gặp lại anh C. dù chỉ một lần.

Ngày đó đậu tú tài toàn phần xong cũng như những bạn bè khác đồng trang lứa ở quê anh rời Tuy Hòa vô Sài Gòn đi học đại học. Và những năm cuối của thập niên 60 khi mà tình hình chính trị ở trong nước càng lúc càng sôi động căng thẳng giữa hai miền Nam Bắc, giữa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc, anh lúc đó là sinh viên sống có lý tưởng và với nhiệt huyết tuổi thanh niên anh đã tham gia phong trào học sinh sinh viên tranh đấu chống Mỹ xâm lược, đòi hòa bình và dân chủ với mục đích cuối cùng là không mong gì hơn hòa bình độc lập dân tộc được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Anh C. cũng như hầu hết những thanh niên khác lớn lên ở trong miền Nam sống dưới thời chiến, đậu tú tài xong anh tình nguyện ghi tên xin gia nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, đi theo con đường binh nghiệp góp phần chiến đấu để bảo vệ miền Nam tự do, ngăn chận sự xâm lược từ chính quyền miền Bắc. Ở đây tôi không luận bàn coi thử con đường hai anh đi, con đường nào ai đi đúng, tôi chỉ biết mỗi anh đã chọn cho mình một con đường đúng với cái lý tưởng của mình theo đuổi lúc đó, cả hai anh đều có lòng yêu nước và đã chọn lựa con đường tranh đấu bảo vệ tổ quốc mình theo cái lăng kính riêng của mỗi người.

Một vài ba năm sau trung học trôi qua và rồi bỗng nhiên một ngày thật không ngờ anh đã gặp lại anh C., anh đã gặp lại anh C. không phải ở tại quê nhà Tuy Hòa, cũng không phải ở cái đất Sài Gòn phồn hoa đô hội mà hai anh đã gặp lại nhau ở trên một chuyến tàu hải quân ngoài nhiệm vụ thường ngày giám sát biển Đông thỉnh thoảng lại kết hợp áp tải tù nhân chính trị đưa ra Côn Đảo. Anh và anh C., hai người với hai vị thế khác nhau, anh lúc đó bị còng chân ở dưới gầm tàu đã đại diện cho sinh viên học sinh tranh đấu bị giam cầm khi sống cho lý tưởng của mình, còn anh C. là một sĩ quan hải quân đại diện cho chính quyền VNCH. Hai người đàn ông đó đã chạm mặt nhau với một thoáng gật đầu, rồi anh C. vội vã quay đi và sau đó trở lại đưa cho anh một ly cà phê sữa nóng rồi mồi trao tay anh một điếu thuốc lá, chỉ vậy thôi không nói không rằng anh C. lại lẳng lặng quay đi và hai người đàn ông đã không gặp lại nhau từ đó.

Sau 75 anh có về lại Tuy Hòa cố mong tìm kiếm anh C. nhưng không gặp và cái hình ảnh ly cà phê sữa nóng với điếu thuốc lá ngày đó đã được trao từ tay anh C. qua đến tay anh cứ đi theo anh mãi cho đến tận những năm tháng sau này, cho dù rằng anh ngày hôm nay đã cai thuốc lá từ lâu lắm rồi, từ cái ngày mà thằng con trai của anh bắt đầu lớn. Chỉ có vậy thôi mà cái hình ảnh đó cứ luôn thôi thúc anh phải đi tìm kiếm cho bằng được anh C. để nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng, phải nói anh thật sự cảm kích cái hào sảng của anh C., của kẻ chiến thắng dành cho người chiến bại trong hoàn cảnh lúc đó và theo cách nhìn của bao nhiêu người thời đó. Và anh cũng đã nhiều lần làm theo những gì con tim mình mách bảo nhưng bạn bè anh ở quê nhà không ai có tin tức gì thêm về anh C..

Và rồi thật may mắn không ngờ một tin vui đã đến sau bao nhiêu năm anh mong đợi, anh đã có được trong tay cái địa chỉ và số điện thoại nhà của anh C. ở Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas từ một người bạn đồng hương, anh dự định mùa hè 2012 sẽ đi qua Houston thăm đứa con gái đi du học trước đó nhiều năm và bây giờ cháu đã lấy chồng định cư ở bên này, tiện thể sẽ kết hợp đi thăm anh C. luôn.
***

Tôi vẫn không quên cái xế trưa của một ngày hè oi bức năm 2012 ở Texas, khi chúng tôi đã đến Austin và đang đứng trước cửa nhà anh C. bấm chuông với một chút hồi hộp ở trong lòng. Như đã được anh thông báo trước đó qua điện thoại cánh cửa nhà được mở rộng, một người đàn ông với khuôn mặt phúc hậu và mái tóc bạc trắng tôi đoán chắc chắn đó là anh C. đứng đưa tay ra chào đón và mời chúng tôi đi vô nhà. Phút đầu tiên giữa khách và chủ nhà có đôi chút ngập ngừng bỡ ngỡ nhưng rồi sau đó hai anh ngồi từ từ nhắc lại những chuyện xưa tích cũ với những người đã quen biết cùng thành phố ngày đó và rồi câu chuyện lại đưa đẩy đến lần chạm mặt của hai anh ở trên chuyến tàu hải quân áp tải những tù nhân chính trị ra Côn Đảo của nhiều năm về trước. Anh đã nhắc lại cái ly cà phê sữa nóng và điếu thuốc lá lúc đó nó quý giá đối với anh như thế nào, cho một người tù chính trị đã nhiều ngày bị vùi dập giam cầm trong bốn bức tường hẹp, tôi nghĩ đó như là một lời cảm ơn muộn màng gởi đến anh C. sau gần nửa thế kỷ từ anh. Theo như anh C. đã kể, những lần về VN trước đó anh C. cũng có đôi lần hỏi thăm tin tức về anh qua những bạn bè đồng hương, đơn giản vì chỉ để muốn biết đời sống anh bây giờ ra sao vậy thôi chớ trong lòng rất ngại vì thấy anh giờ đây quyền cao chức trọng, sợ nếu có liên lạc với anh thì sẽ dễ bị người đời hiểu lầm…. Trước lúc chia tay anh còn dặn dò anh C. khi nào có dịp về lại VN nhớ liên lạc sớm với anh để hai người có nhiều dịp gặp mặt chuyện trò thăm hỏi nhau.

Và sau buổi gặp gỡ đầy xúc động đó chúng tôi đã giã từ anh C. để leo lên xe đi tiếp, mỗi người chúng tôi đều có được cái cảm nhận thật dễ chịu. Anh có lẽ đầy xúc động với những gì đã xảy ra trong ngày hôm đó, tôi cũng vậy. Tâm hồn tôi đa cảm, chuyện này thật ra là chuyện lòng của anh nhưng sao khi tôi nghe anh kể qua cũng như sau khi tôi được chứng kiến cảnh hai anh tay trong tay ở ngày gặp lại, tôi thấy cái chuyện ly cà phê sữa nóng với điếu thuốc lá năm nào không còn là chuyện riêng của hai anh nữa và tôi đã nhìn thấy nó như một câu chuyện hay đầy tình người mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gặp được trong cái đời sống hằng ngày này.

Thanh Quí
26.12.2015

2 BÌNH LUẬN

  1. Trả lời: Lời Cảm Ơn Muộn Màng
    Cảm ơn Qui đã cho biết một truờng hợp của tình Bạn trân quý ! Một nguời đã mời thuốc
    và caphê cho nguời Bạn cũ lúc thiếu thời còn sau 75, nếu gặp nhau trên đất T.H hay B.Đ không biết “Anh” cư xử ra sao ???!!!

  2. lời cảm ơn muộn màng
    Dù thế sự có thế nào, tôi vẫn tin rằng tình bạn của họ là thủy chung như nhất…Xin bạn Thanh Q9 hãy yên lòng ! Cảm ơn tác giả bài viết Thanh Qui!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả