Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănSân Cỏ Đại Học Xá

Sân Cỏ Đại Học Xá

Là dân xứ biển, lần đầu tiên xa nhà đi học, không hiểu sao lúc ấy tôi lại chọn Đà Lạt, chắc một phần vì nghe lời xúi dại của nhỏ bạn, một phần vì hồi nhỏ có lần theo ba tôi đến Viện Đại Học Đà Lạt vào mùa xuân, cái bầu trời hoa đào rực rỡ tôi cứ thôi thúc tôi hoài…

Khăn gói lọc cọc lên Đà Lạt, không có ai quen, tôi cùng nhỏ bạn may mắn xin vào được Kiêm Ái một cư xá ở ngay trong trường rất tiện cho việc đi học. Hồi ấy chỉ có hai cư xá nữ là Bình Minh và Kiêm ái mới được ưu tiên ở trong khuôn viên của Viện, còn nam thì phải ra ngoài. Hí hững vậy mà ngày đầu tiên từ cửa sổ cư xá, nhìn xuống phố Đà Lạt, những vuông cửa với ánh đèn vàng hiu hắt, bồng bềnh trong sương mù, tôi đã khóc ròng vì nhớ nhà. Tôi nghĩ chắc minh sẽ trở lại Sài Gòn thôi. Nhưng rồi không. Tôi đã ở lại đó suốt hai năm, hay nói đúng hơn là suốt một thời tuổi trẻ, vì sau 75 dù chỉ mới tròn hai mươi tuổi, tôi lại thấy mình bỗng trở nên già háp.

Từ chỗ tôi ở đến lớp học chỉ cách nhau có một con dốc nhỏ, vậy mà sáng nào hình như tụi tôi cũng  trễ. Gặm miếng bánh mì hay nắm xôi vội vàng, tròng vào cổ chiếc áo thun, cột thêm cái áo len dưới hông để rãnh tay ôm sách vở, soi tới lui trước gương sơ sơ có một chút, vậy mà lại trễ! Tôi với nhỏ bạn vừa đi vừa chạy, thở hào hển, lần đầu tiên thấy mình thở ra khói dù không hút thuốc  nên khoái quá cứ há miệng thở phù phù! Không may đụng phải người lạ (sau này lại hóa ra vừa may vừa rắc rối vì được nghe hắn đàn, rất hay)

Dân cư xá hầu hết là có đạo, chỉ có vài mạng là ngoại đạo trong đó có tôi. Những ngày đầu tiên sơ vào phòng gọi chúng tôi đi nhà thờ vì nghĩ rằng lần đầu tiên xa nhà tụi nhỏ thế nào cũng chễnh mãng. Đang quấn trong chăn ấm thì bàn tay lạnh ngắt của sơ thò vào, khốn nỗi trong ba đứa cái chân của tôi khá dài nên bao giờ tôi cũng bị tóm trước nhất “Dậy đi lễ, dậy mau, gớm con gái gì ngủ khiếp thế” Tôi lọc cọc bò dậy theo các bạn đi  lễ là vì ham vui. Leo lên con dốc nhỏ để tới khu nhà nguyện Năng Tĩnh, sương mù trắng xóa, những đọt thông ẩn hiện chập chờn, bầy con gái với những chiếc áo xanh khoát  đỏ lố nhố như trong một tấm thiệp giáng sinh ngộ nghĩnh.

Tôi ngồi ở hàng ghế nhìn lên, ngôi nhà nguyện trắng rất đơn sơ và  thanh khiết, và tôi thì không thuộc nỗi một câu kinh. Nhưng lại cảm thấy thật dễ chịu, cảm giác này đã khiến tôi đôi lần trở lại đây mà không cần sơ kéo chân!

Sơ Yến, người trông coi cư xá của chúng tôi có nụ cười thật hiền hòa, nhưng lại không bao giờ “tha” cho chúng tôi một lỗi nhỏ nào. Chỉ cần phơi quần áo vô ý để chiếc áo lót ra ngoài là vài hôm sau đã nghe tiếng chuông rung “họp” dưới phòng ăn “Các chị làm gì mà vô ý vô tứ thế, phơi quần áo sao lại để hết các thứ ra ngoài” nhỏ T, một cô nàng nổi tiếng nghịch ngợm, vờ ngây thơ hỏi  “ Sơ nói để các thứ ra ngoài là thứ gì ạ?” thế là sơ Yến đỏ mặt và chúng tôi che miệng cười (cười to chắc sẽ có cuộc họp tiếp theo!)

Con gái hay sợ ma mà lại khoái nghe chuyện ma. Tối tối ngồi nghe mấy nàng kể về những còn ma Hời ở sau dãy nhà tắm, ma Hời đeo vòng kiền nhe hàm răng trắng nhỡn! Úi trời, từ đó hễ cứ đi tắm hay đi nhà vệ sinh buổi tối là phải kéo theo hai ba mạng, đứa vào trong đứa đứng ngoài làm vệ sĩ!

Cư xá hơn hai trăm mạng toàn là con gái, bởi vậy cái sân cỏ của cư xá quanh năm cứ cụt lủn vì bước chân của người lạ. Khách mời đã đành, khách không mời cũng tự động tới. Cái phòng khách vốn nhỏ xíu lại ở sát ngay phòng các Sơ nên tiếp người thân thì có thể ngồi phòng khách, tiếp “người dưng ” thì các nàng lại kéo nhau ra ghế đá ngoài sân cho thoải mái.

Theo luật thì buổi tối sau chín giờ là chúng tôi đều phải về phòng không được ra ngoài. Lối vào độc nhất thì phải đi qua phòng các sơ nên “chị” nào về trễ là sơ biết ngay. Vì vậy nàng nào đó đã có sáng kiến vạch một lổ hổng bên hông rào để chui vào cho lẹ. Tuổi trẻ hình như bao giờ cũng thích phá lệ, từ đó dù là ban ngày đi về chúng tôi cũng khoái chui rào hơn là đi bằng cổng chính! Chui rào vừa lẹ, lại vừa được ngắm những bông hoa quỳ dại vàng rực, đi cổng chính chỉ được ngắm ông bào vệ mặt hầm hầm, ngu sao đi cổng chính!

Rồi tin miền trung bão lụt, chúng tôi tham gia cùng nhóm thân hữu Qui Nhơn ôm thùng đi lạc quyên khắp phố Đà Lạt. Cái lạnh của Đà Lạt không ngăn nôi bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chúng tôi lại có thêm những người bạn “nẫu” thật vui tính, mỗi lần đi ngang qua khu nhà trọ lại thấy mấy cái đầu húi cua lô nhô kêu réo “Nẫu đi đâu dìa đó?”

Mùa noel năm đó, cư xá chúng tôi tổ chức lửa trại, có mời các cư xá bạn như Bình Minh và Rạng Đông tham gia. Chị Sử, đúng là một Chị Cả của cư xá, lo toan chu đáo từ những ngọn đuốc ở lối đi ngoài sân cho đến những thanh củi cho lửa trại.

Diệu Hương ( về sau là nhạc sĩ Diệu Hương) lúc ấy là trưởng ban văn nghệ, đã ráo riết chuẩn bị nhiều tiết mục độc đáo cho cư xá, ngoài phần ca nhạc rất phong phú, còn có màng biểu diễn thời trang, hóa trang độc đáo, một vũ điệu Tây Ban Nha rất nhộn nhịp. Thú thật lúc được Diệu Hương gọi tham gia “vũ đoàn” tôi dãy nãy, vì hồi nào tới giờ tôi có biễu diễn trước đám đông bao giờ! nhưng rồi cái giọng Huế ngọt lựt của cô nàng khiến tôi nghe bùi tai “Không có khó mô, để Hương bày cho, như ri nì…” Con gái Huế thường nhỏ nhắn, nhưng Diệu Hương thì lại cao và rất “Tây” nên đóng vai con trai. Bên cạnh các bạn tôi một lúc sau tôi đã thấy mình chạy nhảy loi choi như một dân Tây Bán Nhà thứ thiệt!

Ánh lửa bập bùng, tiếng hát vút cao, tiếng đàn trầm ấm. Tuổi trẻ say mê, vô tư hơn bao giờ hết. Hết củi thì đốt vỏ xe, mặc kệ mùi cao su khét lẹt, mặc kệ đêm tàn, những tiếng hát vẫn cất lên, tiếng cười làm tung tóe giọt sương đêm…

Nhưng khi chia tay nhau về nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới chân, nhìn mấy tảng đá trắng nằm lạnh lẽo bên sân, không hiểu vì sao tôi có cảm giác thật buồn. Đêm đó cũng là đêm giáng sinh cuối cùng của chúng tôi ở cư xá, đêm vui cuối cùng của quãng đời sinh viên.

Hơn ba mươi năm sau tôi mới có dịp về thăm lại trường xưa. Cư xá của chúng tôi đã không còn, sân cỏ cũng không còn, trên nóc ngôi nhà nguyện Năng Tĩnh ngôi sao trắng giờ đã thành ngôi sao đỏ.

Thời gian đã xóa đi nhiều thứ. Nhưng một thời tuổi trẻ vô tư hiền hòa của chúng tôi vẫn mãi mãi còn đó. Giọt sương trên sân cỏ, viên sỏi trắng ở lối đi, những chuyến lạc quyên, đêm đốt nến ngồi bên bạn bè …tất cả vẫn hằn sâu trong ký ức của chúng tôi  “Ta hỏi em đá có ngậm ngùi chia xa…linh hồn ta linh hồn đá cuội…” Tôi nghe khúc hát thêm lần nữa, ngoài cửa sổ sương mù giăng kín, đêm giáng sinh xứ người lạnh ngắt, và tôi nhớ đến nẫu người cái sân cỏ ngày xưa.

25/12/2010

Hx

7 BÌNH LUẬN

  1. RE: Sân Cỏ Đại Học Xá
    Hà ơi! Thời tuổi trẻ vô tư hiền hòa vẫn còn mãi trong tâm thức của mỗi người, không bao giờ quên được, đúng không?
    [i]…Không may đụng phải người lạ (sau này lại hóa ra vừa may vừa rắc rối vì được nghe hắn đàn, rất hay…[/i]
    Cái [i]người lạ đàn hay [/i]này đáng ngờ lắm nghen! Sao không thấy nhắc đến? 😛
    Thân mến! ĐO.

  2. RE: Sân Cỏ Đại Học Xá
    Chị Hà ơi,
    Bài viết hay, dễ thương và đẹp quá chị ơi. Những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ vẫn mãi âm ỉ trong mỗi chúng ta. Chị làm Tiến nhớ lại khói sương của ĐL, ăn bắp luộc và bánh mì baguettes…

    Tiến cũng có đôi lần ghé thăm Đà Lạt mù sương…Nhớ nhất là mùa hè 1968, ngày nào cũng lên đồi Cù và hay đi lại những con đường MImosa nở vàng rực hai bên đường. Chị có còn nhớ đường Phan Đình Phùng ở nơi chân dốc. Tiến ở ngay dưới chân dốc ấy đấy. Từ dưới chân dốc mình đi thẳng lên chợ Hòa Bình…Nhớ quá phải không chị? Cảm ơn một bài viết về ĐL sương mù…KT

  3. RE: Sân cỏ Đại học xá
    Viện Đại học Đà Lạt đẹp lắm! Lần nào lên Đà Lạt mình cũng thích đến đó, đi vòng quanh rồi lên chỗ cao nhất ngồi lặng yên ngắm nhìn Đà Lạt trong sương.
    Hà được học và nội trú ở đó thật là thích! Kỷ niệm thật là đẹp! Ở đó chắc tâm hồn các bạn đầy mộng mơ vì khung cảnh đep và nên thơ quá.
    Mình cũng có 3 năm ở nội trú, nghịch phá kinh khủng, giờ nghĩ lại thấy vui vui. Cũng trốn đi chơi, đến giờ điểm danh nhờ bạn xin phép bệnh, lấy cái gối ôm giả làm người, lấy mềm trùm lên…

  4. RE: Sân Cỏ Đại Học Xá
    Oanh ơi, chuyện người lạ chắc hổng dám nhắc tới, sợ người quen bây giờ nổi quạo!

    KTiến à, đi dạo khu Hòa Bình ăn bánh mì Paguettes và hột bí rang là cái thú của dân ĐL đó. Hồi đó ăn cái gì mà hổng ngon!

    Hạnh Nhân, mình có đọc nhiều bài của HN nghe cái tên quen quá, nhưng chưa nhớ ra, chắc tại bây giờ già rồi đầu óc hơi lú lẫn! hôm nào post hình lên cho “dòm” chút coi

    Cám ơn các bạn đã đọc “sân cỏ ĐHX”

    Hx

  5. Đà Lạt xưa
    Hồi đó Hà có biết Thanh Hà Hồng Nam không, hắn cũng học ở ĐL và rất lí lắc tinh nghịch. Nay thì không còn..

    • RE: Đà Lạt xưa
      Phuong Hồng có phải là Hồng Phượng (còi) không đây? nếu vậy rất vui gặp lại bạn cũ, HPhượng bây giờ đang ở đâu vậy? mong tin đó.
      Mình không biết TH, HN, chắc các bạn học CTKD còn mình bên Văn Khoa
      Hx

  6. RE: Đà Lạt xưa
    Đúng rồi đó Hà, Phượng Hồng là Hồng Phượng(còi). Bây giờ Hồng Phượng về hưu rồi, đang ở Sài Gòn.
    Hồng Phượng bận nên ít lên mạng lắm. Phượng gửi lời thăm Hà.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả