Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Ngáp Được Ruồi

Trong cuộc đời, có khi chúng ta cố gắng hết sức mình nhưng kết quả thì không được bao nhiêu – có khi, chúng ta chỉ làm rất ít mà kết quả lại hơn cả những gì mong ước- Và trong trường hợp này dân gian thường có câu diễn tả rất chính xác : ” Chó ngáp phải ruồi!”

Không biết các bạn có gặp những chuyện như vậy không? Riêng mình thì chắc cũng “ngáp” được vài, ba ” con”…

Khi còn bé mình học ở trường làng. Hết lớp một ( ngày xưa gọi là lớp 5) thì không còn lớp để học phải xuống thị trấn để học. Muốn vào lớp hai ở trường mới ( ngày đó gọi là lớp tư) thì phải thi. Lúc học ở trường làng mình học cũng khá, lúc nào cũng hơn chị Phúc, chị kế mình ( hai chị em cùng học một lớp). Nhưng thi vào lớp hai thì chị Phúc đậu còn mình thì rớt! Điểm toán thì cao nhưng điểm văn thì tệ quá, vậy là rớt! Buồn như chấu cắn!

Xuống ngồi lớp một được một tháng thì thầy nhận ra mình ngồi ” nhầm” lớp, thế là đề nghị cho mình lên lớp hai, học chung với chị Phúc, hú hồn!

Đến khi lên lớp năm ( lớp nhất hồi đó) thì chuẩn bị thi đệ thất. Hồi đó rất quan trọng! Mình và chị Phúc xuống Qui Nhơn để được anh Việt, chị Hương luyện thi.

Sáu trăm bài tính mẫu, một trăm bốn mươi mốt bài tính khó không là gì với mình cả, lúc nào cũng được anh Việt, chị Hương khen. Vậy mà… oạch một cái, rớt luôn! Trăm sự cũng tại cái môn văn quái ác!

Mình ” thù ” nó! .

Năm đó tản cư, gia đình khó khăn nhưng má cũng ráng cho mình học tiếp đệ thất ở trường tư thục Tây Sơn.

Mỗi lần đối diện ” kẻ thù” là mình run! Mình cố gắng hết sức để chống cự nó, bản năng sinh tồn mà! Chỉ cần được điểm trung bình thôi là mình mừng lắm lắm…

Đến giữa năm học thì đổi thầy dạy văn. Thầy mới còn trẻ nhưng rất nghiêm. Thầy hút thuốc nhiều nên môi thầy tím ngắt. Đã vậy, thầy còn dạy văn nên mỗi lần nhìn thấy thầy là mình ” rét”!

Hôm đó thầy cho đề bài văn : tả một người bạn thân của em.

Lần nào làm văn cũng vậy, mình liếc mắt nhìn chung quanh, sao các bạn nhiều ý thế nhỉ? Viết từ trang này qua trang kia…Còn mình thì không biết cái gì để viết nữa… mà đã hết hai trang giấy đâu…Thôi thì, lấy tờ giấy khác, gạch cái đường vạch chừa lề lớn hơn một chút, ráng viết chữ thật to như con gà mái để thấy bài nó dài hơn, đỡ sợ!

Lúc nào mình cũng xong trước mà không dám nộp. Nhìn lên, thấy thầy ngồi nghiêm hút thuốc, mặt không có một chút mùa xuân, thấy mà ớn!

Rồi cũng qua đi, tới tuần phát bài. Hai nhỏ bạn ngồi bên cạnh nhận được bài trước, rên rỉ : thầy mới này khó ghê, cho điểm gì mà keo, mà ác thế không biết! Thôi rồi, kỳ này chắc tiêu!

Chờ mãi xem đời mình sắp” tàn” chưa mà không thấy! Sao thế nhỉ ? Sao cả lớp ai cũng có bài mà mình thì không? Có lẽ nào- mình bị lên đoạn đầu đài sao, tệ đến thế ư? Trời không nóng mà lưng mình ướt đẫm mồ hôi!

Mình cố nhớ lại tuần trước mình làm gì, mình tả một người bạn thân, mà mình có ai là bạn thân đâu, suốt ngày chỉ chơi với chị Phúc! Mình càng sợ thầy thì mình càng hay nhìn thầy và rồi mình tả bạn mình có những nét giống hệt… như thầy. Bạn tôi có đôi môi thâm tím như người … hút thuốc quá nhiều! Thôi chết rồi!

Và câu kết luận : Thấy bạn lúc nào cũng ngồi nghiêm trang, khuôn mặt buồn không một chút mùa xuân, tôi vẫn thường khuyên bạn… nhưng bạn vẫn ngồi lặng im không nói. Thôi rồi!

Mình không dám hỏi ai mà cũng chẳng dám nhìn ai nữa, người như biến thành tượng đá dính chặt vào cái ghế!

Rồi cái gì đến cũng phải đến! Các bạn nhận bài xong, thầy đứng lên, cả lớp hết lao xao, im phăng phắc! Thầy nói:

– Các em biết tại sao mà các em bị ít điểm không? Bỡi vì các em cứ rập khuôn theo bài văn mẫu, em nào cũng ” bạn em mắt bồ câu, mũi dọc dừa…”. Làm văn thì phải tả thực, nói đúng những gì mình nghĩ… Cả lớp, chỉ có bài bạn Hạnh Nhân là tả thực, tả đúng… Đó mới gọi là văn, văn của chính mình…

Mình có mơ không nhỉ? Mình cấu vào tay, đau quá! Vậy là thực rồi!

Vâng, thưa các bạn, lần ấy mình ” ngáp” được một con ruồi to tướng!

Mình không bao giờ quên tên thầy, đó là thầy Giang – Thầy Nguyễn Giang.

Rồi cuối năm mình thi lại đệ thất và bắt đầu vào học trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. Từ đệ thất lên đến đệ nhị, hết học cô Vân, thầy Tú, thầy Bút, thầy Triết… chưa bao giờ mình ” ngáp” được con ruồi nào!

Nhưng mình lại ” ngáp” được con ruồi ở chỗ khác!

Số là mình rất sợ môn nữ công! Mình cũng biết là nữ mà lại dốt nữ công là không nên, mình cố gắng lắm! Nhưng rồi ” mèo cũng hoàn mèo”. Được điểm trung bình là mừng húm! Cô Nhĩ hiền thế mà cũng mấy lần la mình.

Một lần là học đan áo len. Mỗi lần cô chỉ là mình ráng trố mắt ra nhìn cho kỹ và cố gắng làm thật đúng. Nhưng không biết thế nào mà mình đan xong vạt sau và một vạt trước là hết len. Mình ra chợ mua len tìm mãi không có loại giống như vậy, nếu cùng màu thì khác loại sợi mà cùng sợi thì khác màu…Ngày mai là phải nộp áo rồi, không làm sao kịp, mình quyết định mua loại len cùng màu mà khác sợi. Và kết quả là cái áo len của mình hai vạt trước, một vạt ngắn, một vạt dài, trông rất kinh dị! Cô Nhĩ gọi mình ra la riêng ( cô rất dễ thương) : Em nhìn cái áo len của em đây này, coi có được không…? Dĩ nhiên là không được rồi, và mình rất xứng đáng bị điểm kém!

Một lần khác, cô dạy cắt áo dài trên giấy. Mình quyết tâm, không phải chỉ nhìn cô mà nhìn các bạn nữa, cố gắng không làm sai! Nhưng rồi mình cũng bị điểm dưới trung bình. Mình nghĩ mãi không ra tại sao mình cũng làm như các bạn mà mình lại bị điểm thấp. Mình quyết định lên hỏi cô. Cô bảo : Em làm đúng hết nhưng xếp vải bị ngược!

Thú thật với các bạn, đến giờ này mình cũng không hiểu ” xếp vải ngược” là sao nữa. Mình có biết may vá gì đâu!

Nhưng rồi mình ” ngáp” được một con ruồi ngay môn nữ công!

Năm đệ tam cô Nhĩ cho học làm bao gối, cái bao gối màu hồng bằng vải cotton. Ban đầu thì cô dạy rút chỉ, làm đường ren chung quanh gối. Đến phần thêu nổi trên bao gối thì cô tính vào điểm thi. Không biết như thế nào mà mình quên mất. Đến mai nộp mà tối đến gần khuya mới nhớ . Cô dặn rất kỹ, thêu nổi, cái hoa thì màu đỏ, cái lá thì màu xanh lá cây, cái cuống hoa thì xanh lục.

Lấy chỉ ra thì chỉ có mấy búp chỉ màu tím. Khuya lắm rồi, còn ai bán nữa đâu mà mua! Thôi thì hoa lá gì cũng tím hết…Nhưng thêu nổi thì hết đêm chắc được một cái bông với một cái lá! Mà bao nhiêu chỉ tím ấy cũng chắc gì đủ (cả chùm hoa!). Thôi thì, lấy bút chì ra vẽ ( cái khoản này thì mình hơi bị giỏi), tạo ra những đường viền chạy dọc theo những cánh hoa và ría lá, rồi thêu bằng mũi veston, giống như làm khuy nút, rất nhanh…Có còn hơn không! Được vài ba điểm còn hơn là zero!

Vậy mà bạn biết không- Không thể tin nổi- Mình đã ” ngáp” được một con ruồi to tướng!

Cô không tuyên dương gì cả, nhưng mình sướng ” rên mé đìu hiu” vì lần đầu tiên mình được điểm nhất môn nữ công, mà lại là điểm thi nữa chứ!

Cái bao gối ấy mình mang theo suốt bên mình,”ôm ấp” nó cho đến khi nó rách teng beng…

Rồi trời xui đất khiến gì không biết mà má mình lại muốn mình học Nữ hộ sinh( mặc dù kết quả thi Tú tài bán rất tốt). Vậy là mình gạt nước mắt bước vào Nữ Nhi Quốc thứ hai: Nữ Hộ sinh Sài Gòn (Kiếp trước mình là dân cư của Nữ Nhi Quốc mà!).

Không thích, nhưng mình vẫn cố gắng học cho vui lòng má! Năm 1974, mình được dự lễ ra trường của các chị. Thật là thích, ai đậu cao thì được ưu tiên lên chọn nhiệm sở trước, còn đậu thủ khoa thì khỏi nói : được ở lại trường làm huấn luyện viên, được đi tu nghiệp…

Nhưng đến năm 1975, năm mình ra trường, thủ khoa được mời đi… kinh tế mới!

Các bạn thấy không, rõ ràng cuộc đời không phải là một bài tóan : 1+1=2, nó là một bài văn, mà đã là văn thì nó luôn quái ác: 1+1 có khi lại =0 và có khi 0+0 thì nó ra một ” con ruồi” !

Mình bỏ nhiệm sở về quê , tìm một chỗ làm gần nhà để được sống gần má. Loanh quanh thế nào mình lại gặp ” Kẻ thù xưa” : nghiệp văn!

Nhưng lần này thì mình đã nghiệm ra chân lý của cuộc sống : tại sao phải sợ Văn khi cuộc đời chính là một Bài Văn!

Mình đã học được cách ” sống chung với lũ” và viết tiếp phần thân bài ” ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” của mình.

Bây giờ mình nghĩ : phần thân bài như vậy đủ rồi và mình đang bắt đầu phần kết luận.

Chắc các bạn sẽ hỏi : ” Rồi sau này có ngáp thêm được con ruồi nào nữa không?”

Xin thưa: Có đấy, lớn có, nhỏ có, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng những con ruồi sau này rất khác với con ruồi ngày xưa : hương vị của nó có một chút gì đắng đắng, cay cay!

Còn con ruồi ngày xưa, con ruồi của tuổi học trò, nó có mùi ô mai, nó ngọt như con ong ướp đầy mật và thơm mùi… phấn hoa !

Hạnh Nhân

18 BÌNH LUẬN

  1. RE: Ngáp Được Ruồi
    Chị Hạnh Nhân ơi,
    Bài viết hay và dí dỏm quá, gợi lại biết bao nhiêu kỷ niệm học trò. Em nhớ em cũng ngáp mà không được con ruồi nào trong giờ toán của cô Kiều Nhi chị Nhân ơi, mỗi khi dò bài Cô thường đảo mắt một vòng, không thuộc bài nên mặt mày tái mét, vậy là Cô kêu lên bảng chỉ đành ngáp ngáp thôi!
    Thoáng chút bùi nguì thương nhớ thời tuổi dại khi đọc đoạn cuối : Con ruồi thuở học trò và con ruồi hôm nay.
    Cảm ơn chị Hạnh Nhân.

    Dao

  2. RE: Ngáp Được Ruồi
    Chị Hạnh Nhân ơi ,
    Đọc bài cuả chị rất là , dễ thương và hay nữa cơ . Tại chị cứ khiêm nhượng vậy thôi . Nhưng mình cũng phải công nhận ngươì xưa nói không sai ” Hay không bằng hên” và ” Học tài thi phận”, nhiếu khi cũng xảy ra trên cõi đòi ô trọc này phải không chị? Còn em công nhận chị viết văn rất thực và hay , nên chị cứ tiếp tục viết cho tụi em đọc , em bảo đãm rất nhiều người được đợi chờ để đọc văn của chị đó , thân mến chào chị , Ngọc Lan.

  3. RE: Ngáp Được Ruồi
    HN ơi, bài viết rất dí dỏm, chứng tỏ thầy Giang “nhìn” rất đúng người. Cứ viết thật+ chút dí dỏm+ chút tấm lòng là “trúng ruồi” liền phải không các bạn.

    Haxua

  4. RE: Ngáp Được Ruồi
    một bài viết dí dỏm và dễ thương quá đi thôi Cho mình đồng cảm cùng cái thời học nữ công cô Nhĩ
    Hạnh Nhân,cái tên rất ư là quen Bạn học 12 mấy năm 1975?

  5. Re : phanlehue,quihon
    Phanlehue thân mến,
    Năm 1973, Nhân thi tú tài bán xong là vào học Nữ Hộ sinh Sài Gòn, năm 1975 ra trường. Hạnh Nhân không học lớp 12 ở NTH.
    Mình có thấy hình bạn trên trang web.Bạn rất đẹp!
    ( Những gì Hạnh Nhân viết đều là sự thật, không thêm một chút nào, không bớt một chút nào, nhiều lúc nghĩ lại cũng thấy buồn cười. Mình thương cô Nhĩ lắm, cô la mình là đúng lắm!)

  6. RE: Ngáp Được Ruồi
    Bài chị viết thật giản dị, chân tình nhưng rất hài hước và dễ thương. H thích kiểu viết dí dỏm đó.
    Đúng là đọc bài văn này H đã ngáp phải con ruồi…cười rồi. Cảm ơn chị một bài viết chia sẻ thật đáng suy ngẫm!

  7. RE: Ngáp Được Ruồi
    Chị Hạnh Nhân ơi,
    “[i]Còn con ruồi ngày xưa, con ruồi của tuổi học trò, nó có mùi ô mai, nó ngọt như con ong ướp đầy mật và thơm mùi… phấn hoa!”[/i]

    Đoạn kết ngọt ngào quá chị HH ơi. Cái ngày xưa cứ làm mình nhớ thương vì dại khờ và thánh thiện quá, phải không chị?
    KT

  8. HN
    Hạnh Nhân nhớ sai rồi! Tụi mình thi tú tài bán cuối cùng năm 1972. Sau đó không còn tú tài bán nữa! năm 74 gọi là tú tàiIBM

    • Tu Tai ban
      Tú tài bán tức tú tài bán phần, tức Tú tài 1. Năm 1972 là đợt thi Tú Tài 1 cuối cùng !

      Tú tài toàn phần tức là Tú tài 2 ! Năm 1973 là đợt thi Tú tài 2, thi viết lần cuối cùng !

      Qua năm sau, 1974, gọi là thi Tú Tài Phổ Thông, không còn thi viết và thi theo hình thức trắc nghiệm ( IBM ) !

  9. RE: Ngáp Được Ruồi
    Bạn Diễm Xưa nhớ đúng rồi! Năm 1973 đã hết bán, chỉ còn toàn thôi. Năm sau đó,74, bán và toàn dồn chung thành IBM.
    Nhìn lại đời học hành của riêng tôi, “chó ngáp nhằm ruồi” lại có ý nghĩa hơi khác khác với bạn Hạnh Nhân 1 chút: hồi đó tôi cũng cố gắng học nhiều lắm, nhưng đầu óc ít sáng sủa nên không những thâu nhập được chẳng bao nhiêu mà còn tuốt luốt quên hết. Đến kỳ thi vì … chó ngáp nhằm ruồi … nên qua khỏi cành mềm.

  10. RE: Ngáp Được Ruồi
    Rất thích bài này của Hạnh Nhân. Những kỷ niệm của Nhân thật sống động, tức cười qua cách viết hóm hỉnh, duyên dáng của Nhân.

    Ngẫm lại, trong đời, sao mình ngáp hoài (ngáp ngáp) mà rất ít khi trúng nhằm ruồi! 😮
    Hồi đi học có lần này vừa ngáp vừa run mà được một con ruồi:
    Hồi đó , thầy Tú dạy Công Dân lớp mình. Sợ thầy lắm lắm vì thầy thường không bắt trả một bài cũ mà phải trả tất cả các bài đã học, mà mình thì rất lười học bài, nhất là môn Công Dân…chẳng có gì hấp dẫn. Bữa đó, thầy kêu trúng mình. Run lắm vì thuộc có một nửa bài cũ thôi. Thầy hỏi: Xã hội là gì? Ngay phần đầu mình đã thuộc nên đọc rất nhanh Xã hội là một tập thể người sống chung với nhau….đọc được hai, ba câu suông sẻ, thầy cho ngồi xuống và cho điểm, coi như mình thuộc bài. Hú hồn, thầy chỉ bắt đọc thêm nửa câu nữa thôi là mình chào cờ tức khắc!!!
    Duy nhất có lần đó, chẳng khi nào mình gặp hên nữa! Thấy không học bài, không làm bài là chuốc liền mấy con điểm kém. Hic

    nd

  11. Ngay do – Bay gio
    [b]Ngày đó[/b], là những năm trước và sau 1972 – 1973 và [b]Bây giờ[/b] !

    Được vào ” vườn hoa ” Nữ Trung Học qua giới thiệu của bạn bè Bình Định ! Được biết, tôi cũng học cùng thời với chị Hạnh Nhân, cùng thi Tú tài 1 năm 1972 và Tú Tài 2 thi viết năm 1973 ! Năm đó, tôi học trường Tăng Bạt Hổ tại Ký túc xá, kế bên là, Thư viện Đại Hàn ở giữa và bên kia là trường Nữ Trung Học !

    Thời đó, học văn, Hạnh Nhân gặp thầy Nguyễn Giang là gặp được cơ duyên về một ông thầy giỏi, có đạo đức và trách nhiệm nên có phương pháp đúng đắn trong việc dạy dỗ học sinh, tạo cơ hội và bệ phóng để Hạnh Nhân có thể phát triển năng khiếu của mình nhất là nét đặc thù của môn Văn . Điều đó, có thể hiểu được lý do tại sao những bài viết của Hạnh Nhân đăng trên forum này hay như vậy !

    Ngày đó – học môn “ Tập làm văn “ là rèn luyện cách trình bày sự hiểu biết và cảm nhận của mình đối với đồ vật, thiên nhiên, con người và xã hội chung quanh trong cuộc sống. Làm văn, là cơ hội bộc lộ nội tâm, khẳng định nhận thức và được sống thật với bản chất của mình.

    [b]Bây giờ[/b], dạy và học, chấm điểm môn Văn qua đáp án, thí dụ, bài văn của học sinh bắt buộc phải có 4, 5 hay 6 ý tưởng của đáp án đã cho, nếu không có đầy đủ các ý tưởng đó, thì xem như không đạt (có nghĩa là văn, nhưng hoàn toàn máy móc).

    Như vậy, cũng môn Văn, ngày đó, chị Hạnh Nhân ” ngáp được ruồi “, ngáp được một con to tướng và nhiều con khác. Dân gian có câu: Con ruồi bay qua là tao đã biết con ruồi đực hay con ruồi cái rồi ! [b]Ngày đó[/b] là 1972 – 1973, chỉ có ruồi đực và ruồi cái, nên Hạnh Nhân ” ngáp được ” !

    [i]Còn bây giờ, môn Văn chấm theo đáp án và máy móc, chứ không cần sáng tạo, tâm hồn gì cả ! Bây giờ, mà Hạnh Nhân làm văn để thầy cô bây giờ chấm, chắc chắn ngáp không được con nào ! Vì ruồi bây giờ, hầu hết là ” ruồi pê đê ” cả, thì làm sao mà ” ngáp được “, hihi . . .[/i]

    Thân !

  12. re: Ngáp được ruồi
    Đọc lời bàn của các bạn, vui thật là vui !
    Bạn Trương Tín Dũng chắc là làm trong ngành giáo dục nên có sự so sánh rất chính xác!
    Hạnh Nhân chỉ nói được chuyện con ruồi, còn bạn thì phân biệt được ” ruồi đực”, ” ruồi cái” và ” ruồi pédé” nữa. Sự so sánh của bạn thật hài hước, dí dỏm nhưng cũng thật… đau xót cho thực trạng của ngành giáo dục hiện nay!
    Các bạn biết không, mới đây Hạnh Nhân cũng ngáp được một con ruồi to tướng! Trong tiệc thơ cuối năm tại ” nhà” của nhà thơ Huỳnh Minh Lệ, ” Phù thủy” thơ Nguyễn Trắc Hiếu đã chúc mừng và tặng Hạnh Nhân một bài thơ rất tuyệt vời! Xin được chép lại bài thơ của anh Hiếu :
    HẠNH NHÂN TÂM SỰ

    Trung học em kém Việt văn
    Ngồi nhìn đề luận băn khoăn, bóp đầu
    Em mong giờ học qua mau
    Để em bớt sợ, bớt rầu thơ văn
    Bây giờ tóc bạc, da nhăn
    Thử viết bài ” Nhậu” gửi đăng Web nhà
    Hôm sau hồi hộp mở ra
    Thảng thốt “Ối chà, thiên hạ khen hay!”
    Vui mừng em nhậu thật say
    Thưởng công nàng cẩu ngáp ngay chú ruồi

    Bài thơ của anh Hiếu quá tuyệt vời phải không các bạn?
    ( Hạnh Nhân sẽ mang nó theo suốt bên mình và “ôm ấp” cho đến khi …nó rách teng beng)

    • Cam cuoi !
      Chào chị Hạnh Nhân ! Chị xót xa cho thực trạng giáo dục Việt Nam là đúng, mà nhấn mạnh về dạy văn, thì càng đúng hơn, hihi . . .

      [b]NHỮNG ĐOẠN VĂN PHONG PHÚ ĐẾN NGẨN NGƠ ![/b]

      [b]Văn là người ![/b]

      Đặc biệt trong việc dạy văn và học sinh học môn ” tập làm văn ” hiện nay như thế nào mà đọc những đoạn văn dưới đây, chúng ta sẽ ngẩn ngơ về những ngu ngơ, tội nghiệp và phong phú của thế hệ sau !

      Dưới đây, thử đọc những đoạn văn được trích từ những bài văn có thật, và được đăng trên Phụ san Làng cười, Xuân Tân Mão 2011.

      [b] Đề: Em hãy phân tích tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ trong chuyện “ Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.[/b]

      Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, hàng ngày chúng ta đã từng thưởng thức rất nhiều loại lòng như lòng lợn, lòng gà, lòng vịt, . . . chúng đều rất ngon và có vị riêng biệt khác nhau, nhưng tất cả đều không thể bằng lòng mẹ.

      [b]Đề: Tả đường đến trường[/b]

      Con đường từ nhà đến trường em dài 2 mét. Ra khỏi ngõ, em rẽ phải đi qua quán bà Xuân, rồi rẽ trái đến quán ông Vịnh là rẽ trái tiếp, đi thẳng là tới.

      [b]Đề: Tả người thầy em yêu quý nhất[/b]

      Thấm thoắt đã ba mùa hoa ban nở, thầy giáo phải tạm biệt chúng em để về xuôi. Cả làng cả bản đứng tiễn thầy vô cùng ngậm ngùi. Riêng em đứng nhìn theo thầy cho đến khi thầy xa dần, xa dần, đến khi nhỏ bằng con chó em mới quay lại bản.

      [b]Đề: Tả chú thương binh [/b]

      “Gần nhà em có một chú thương binh, chú bị cụt đầu, sáng nào chú cũng đi qua nhà em ăn sáng . . . “

      [b]Đề: Tả con gà[/b]

      Nhà em có 1 con gà. Nó là giống gà Đông Cảo. Nó to bằng con gà gi. Nó nặng từ 8-10 kg…”.

      Cứ sáng sớm thức dậy, con gà trống nhà em nó đều nhảy phốc lên cây rơm, gáy ò ó o. Gáy xong một hồi dài nó lấy hai cánh vỗ phành phạch vào mông đít.

      [b]Đề: Tả anh bộ đội.[/b]

      Anh bộ đội cao khoảng 1,20 m, súng AK dài 1m rưỡi.

      [b]Đề: Tả cây chuối.[/b]

      Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh.

      [b]Đề: Tả cảnh sân trường trong giờ ra chơi.[/b]

      Trống đánh tùng . . . tùng . . .. Các bạn ùa ra sân trường như bầy chim vỡ tổ. Chỗ này các bạn gái nhảy dây, chỗ kia các bạn trai đá cầu, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chửi “ đ. . . mẹ ! “.

      [b]Đề: Tả em bé.[/b]

      Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.

  13. Cam cuoi !
    [b]Đề: Em hãy miêu tả mùa Xuân.[/b]

    Mùa xuân ở quê em mở rất nhiều hội. Những ngày ấy trên đường có rất nhiều các ông các bà tay cầm ô đen ô đỏ đứng nói chuyện râm ran như bầy chim líu lo gọi mẹ.

    [b]Đề: Đặt câu hỏi với vần: ôm, ốp.[/b]

    Mẹ em tát em đôm đốp.

    [b]Đề: Đặt câu về phần gieo âm tiết.[/b]

    Có con trâu, bị ruồi bâu. Có con chim, bị vỡ tim.

    [b]Đề: Miêu tả về bố.[/b]

    Bố em có một hàm răng vàng, hàm răng vàng luôn chỉ bảo em những điều hay lẽ phải.

    [b]Đề: Tả chuyện trong gia đình.[/b]

    Em gái của em hồi đi học lớp 1 hay lớp 2 gì đó nhưng dốt lắm không biết chữ gì hết. Một hôm bố mẹ kiểm tra bắt nó đọc bài anh Kim Đồng xem. Nó không biết đọc nhìn cái hình có anh Kim Đồng chạy có con chim bay trong hình nó đọc là: “ Anh Kim đồng đi liên lạc . . . vụt chim . . . vụt chim “.

    [b]Đề: Tả ông nội.[/b]

    Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây ?

    [b]Đề: Tả một dụng cụ lao động.[/b]

    Chiếc xẻng nhà em có rất nhiều công dụng, để hốt rác, và còn dùng để xúc ( . . . .) nữa.

    [b]Đề: Hãy tả hình dáng và tính tình một cụ già mà em rất kính yêu.[/b]

    Hình dáng của bà nội rất là thấp, được hai mét rưỡi dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa. Tính tình cụ già rất là bực bội. Khi bà nội cười liền nhe mầm răng ra còn được ba bốn cái gì mà thôi.

    Con mắt của bà tròn như hòn bị, mũi có hai cái lỗ, cụ già có hai cái tai, tóc của bà đã bạc phơ. Cổ ngắn gọn, thân của bà 2, 3 thước, bà có hai cái tay, có hai cái chân.

    Bà cụ ngoài 40 tuổi. Hình dáng bình thường, chiều rộng ba mươi, chiều cao một mét sáu.

    Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cái hố.

    Khuôn mặt ông bầu bĩnh, đôi mắt ông như mắt bồ câu trắng, dáng đi của ông rất hoang thai và cái miệng của ông như trái tim rất mãnh liệt.

    Ông của em dài bằng 1 mét và không mập.

    “ Công cha như núi Thái sơn,
    Lòng mẹ như nước trong người chảy ra “.

    ( Trích một số bài “ Tập làm văn “ quá phong phú, hihi . . .!)

    [b]Văn là người[/b] ! Nhưng đọc văn như trên thì biết làm sao ??? huhu . . .

    ¥¥¥

  14. NHỮNG ĐOẠN VĂN PHONG PHÚ ĐẾN NGẨN NGƠ !
    Đọc NHỮNG ĐOẠN VĂN PHONG PHÚ ĐẾN NGẨN NGƠ ! mình có cảm tưởng như đang đoc truyện cười. Lúc đầu mắc cười, sau đó…ngẩn ngơ, và sau đó…cười hổng nổi. Vì mình suy nghĩ mình đang cười ai đây? Cười người lớn hay cười các em? Thật đúng là một thực trạng xót xa.
    Cám ơn chị Hạnh Nhân và anh Trương Tín Dũng!
    TN.

  15. RE: Ngáp Được Ruồi
    Đúng là Cười rồi Buồn. Biết nói sao đây, lương bổng không đủ, lương tâm mõi mòn và cơ chế thì trói buộc.
    Kết quả là “ngáp phải ruồi bê đê” như TTDũng nói là đúng quá, tránh sao khỏi.
    Hx

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả