Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Theo Bước Chân Người

Người đàn ông đó mồ côi Mẹ khi còn rất nhỏ. Hình như mới vừa lên 6 tuổi thì Mẹ ông đã qua đời. Theo lời ông kể lại,  vừa kể vừa khóc, mặc dù tuổi đời của ông nay đã hơn 85 tuổi: Một hôm Mẹ ông sau khi đi ăn giỗ ở xóm trên về thì thấy trong người không khỏe.Trước đó bà đã cảm thấy không được khỏe rồi, khi ăn giỗ lại ăn phải nhiều gỏi dưa leo nên có thể bị trúng thực. Chỉ bệnh trong một vài ngày thì bà qua đời, trước khi nhắm mắt bà nắm tay ông khóc nói: Tội nhiệp, tôi chết đi bỏ lại con thơ không ai nuôi dưỡng và bà đã ra đi trong căn phòng tối tăm một mình với đứa con thơ, lúc đó cha của ông vắng  nhà.

“Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá nằm đường?” Không hẳn là như vậy. Ông mồ côi mẹ, nhưng vẫn còn cha, gia đình ông tuy không phải là Địa Chủ nhưng cũng có vài mẫu ruộng để cho người ta thuê, rồi trả lúa sau mỗi mùa gặt. Trong vườn nhà thì có 2 miếng đất lớn 2 bên, một bên trồng đậu, một bên trồng lúa, còn sau nhà thì trồng đủ loại cây ăn trái, nên  tuổi thơ của ông không đến nỗi cơ cực lắm. Một vài năm sau thì cha ông đi thêm một bước nữa. Ông có thêm một kế mẫu, không nghe ông kể nhiều về kế mẫu, kế mẫu sanh được một người con trai nhỏ hơn ông 10 tuổi, ngoài ra ông cũng có một người em gái cùng mẹ với ông.Cô em lớn lên lấy chồng sau khi sanh được một đứa con trai thì bị bệnh sản hậu mà chết lúc còn rất trẻ. Nghe nói người mẹ chồng của cô hành xác nàng dâu, nên sau khi sanh đứa con đầu lòng vì đau buồn, uất ức mà chết. Người mẹ kế  của ông có đôi lúc cũng muốn hành xác con chồng, nhưng cha ông là một người rất gia trưởng nên mẹ kế không dám bạc đãi con chồng.

Thời gian cứ trôi. Tuy tuổi ông còn rất nhỏ nhưng trong thâm tâm của ông đã biết tự nghĩ: gia đình mình không giàu có, lại sống với kế mẫu, thế nên ông cố gắng học hành chăm chỉ . Đi học là một niềm hạnh phúc lớn của ông. Sau khi đậu được bằng Primaire  ở quê nhà, muốn tiếp tục học trung học thì phải xuống Qui Nhơn để trọ học, thời gian nầy ông bảo sống rất là vất vả, nơi ăn chốn ở thì không bằng được như ở nhà, nhưng ông cũng phải cố gắng đi học. Vì đó là mục tiêu của cuộc đời ông. Sau đó ông cũng đã lấy được  Diplôme . Học xong  trung học  ông đi lấy vợ. Ông được người bà con trong xóm làm mai  mối cho ông một người cháu gái ở vùng quê xã Cát Thắng. Ngày xưa có  những cuộc tình duyên thật là buồn cười, hai người cách xa hằng bao nhiêu cây số, rồi  được làm mai, làm mối. Nhiều lắm là được “ coi mắt” một lần rồi chờ đến ngày cưới mới biết mặt nhau. Có khi còn coi mắt lộn cả người chị dâu nữa. Có lần tôi cũng nghe ông kể: Có người đàn ông quê vợ của ông đi coi mắt vợ, khi đến nơi thì gia đình họ sắp xếp cho người chị dâu đẹp bưng nước ra mời khách, anh nầy tưởng đây là người vợ mình sắp cưới mừng quá. Nhưng không ngờ khi cưới về thì lại là một người khác, anh chàng hỗi ôi nhưng đã lỡ rồi đành phải chịu. Nghe nói anh chàng chê vợ cũng nhiều năm, nhưng hiện giờ thì hai người cũng đã sống rất là hạnh phúc trong tuổi già. Thật cám ơn một mối tình tráo đổi nhưng sau cùng cũng được hạnh phúc.

Riêng phần ông thì không coi mắt vợ, được người  làm mai mối  lấy  vợ ông mừng quá. Gia đình vợ cũng thuộc trung lưu, cũng có của ăn, của để. Thân ông lại mồ côi mẹ nữa thì còn muốn gì hơn. Vợ ông là một người phụ nữ đẹp, khỏe mạnh và đảm đang. Một đời vì chồng vì con như:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Tuy đã lấy vợ rồi nhưng ông cũng  may mắn. Vợ đi làm nông, buôn bán tảo tần để nuôi ông ăn học trong nhiều năm.

Vào những năm sau hiệp định Geneve tình hình đất nước đã tạm được ổn định, ông làm việc cho Chi Thông Tin của tỉnh Bình Định một thời gian. Sau đó khoảng năm 1962, gia đình ông dọn xuống Qui Nhơn.Thời gian nầy tình hình đất nước cũng rất lộn xộn. Tôi  còn rất nhỏ nhưng vẫn nhớ như in, người ta đem bàn thờ Phật ra ngoài đường xuống đường biểu tình, sợ quá tôi chạy vào nhà đóng cửa trốn.

Thị xã Qui Nhơn có lẽ là một nơi đất lành nên chim đậu. Ông đã làm việc cho Tòa hành chánh Tỉnh Bình Định trong nhiều năm. Thời gian nầy tuy là đã có vợ và mấy đứa con nhưng ông vẫn vừa đi làm vừa tự học, tất cả việc nhà và con cái thì đã có vợ ông quán xuyến trong ngoài. Thế là khoảng năm 1969 ông lấy được bằng Tú Tài 1 ban D. Ông bảo, chỉ thi một lần là đậu, còn bằng Tú Tài 2 ban C, thì ông đã thi tới 2 năm mới đậu, có nghĩa là phải thi mất bốn lần mới đậu. Tú Tài 2 thì ông và con trai lớn của ông đi thi cùng một lúc.

Sau  khi đã đậu bằng Tú Tài 2 rồi ông cũng không chịu dừng lại nơi đó. Có lẽ mỗi trong một con người có một cái máu đam mê, một cái quyết tâm làm việc để đạt đến thành công thì họ mới hài lòng. Ông lại khăn gói từ giã vợ con và quê nhà để vào Sài Gòn học ở Trường Quốc Gia Hành Chánh, sau khi tốt nghiệp Tham sự Quốc Gia Hành Chánh ông về lại Qui Nhơn để làm việc, thời gian nầy ông được chuyển qua làm ở Ty Tài Chánh. Trong dự định của ông sẽ trở lại Trường Quốc Gia Hành Chánh để lấy cho xong cái bằng Đốc Sự nhưng rồi : Nhân định không bằng thiên định. Lịch sử sang trang. Ông và tất cả gia đình từ đó bắt đầu lưu vong.

Ông được “cải tạo” một thời gian. Sau đó cả gia đình dời vào Sài Gòn để sinh sống. Vài năm sau ông dắt 2 đứa con trai út đi vượt biên tìm đường cứu gia đình. Ông đến Mỹ lúc khoảng  55 tuổi, đã quá tuổi của trung niên. Trên xứ lạ quê người với 2 đứa con trai còn nhỏ dại, ông biết là gì bây giờ để sinh sống, nuôi con? Từ nhỏ đến giờ ông chỉ biết đi học, làm việc văn phòng chứ có đi chợ búa, bếp núc, giặc giũ gì đâu? Thế mà bây giờ ông phải đương đầu với tất cả mọi thứ. Cũng may  chính phủ Mỹ có những chương trình trợ cấp tài chánh cho người tỵ nạn nên ông cũng đỡ lo về phần tiền bạc, sống qua ngày gói ghém với số tiền ít ỏi đó.

Sau một thời gian mọi việc đã được ổn định, 2 đứa con trai ngày ngày cắp sách đến trường. Ông cũng ngày này cắp sách đến trường, ông đã ghi danh vào học trường Đại Học cộng đồng nơi thành phố ông sinh sống, ông vốn dĩ đã có vốn kiến thức sẵn có, nên việc học chuyển từ tiếng Pháp qua tiếng Anh không khó. Đây là điều mà tôi phải phục ông sát đất, đó là mỗi ngày 2 bận đi học, ông đã cuốc bộ khoảng 30   block  đường trong suốt 2 năm trường, kể cả những ngày mùa hạ đổ lửa và mùa đông băng tuyết. Khi đã lấy được bằng Cao Đẳng 2 năm ông về làm phụ tá giáo viên cho một trường trung học gần nhà.

Thời gian vẫn cứ trôi, gần mười năm sau ông mới bảo lãnh được vợ và con sang Mỹ đoàn tụ. Lúc nầy ông đã 66 tuổi rồi. Những đứa con của ông tuy mới sang vùng đất mới, nhưng dù sao chúng cũng đã trưởng thành, chúng có thể tự lo cho chúng được, thế là ông quyết định về hưu để dưỡng già. Ngày ngày ông đọc sách, làm thơ. Đọc sách, làm thơ là một cái đam mê lớn nhất của ông. Có nhiều khi tôi hỏi ông có mỏi mắt không ông trả lời không. Những quyển sách nào kém may mắn vào tay ông thì ông đọc rất kỹ. Ông sửa những chữ in sai chính tả, những ý không hợp với câu văn. Nói chung là  toàn quyển sách đều bị ông sửa một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn. Ông cũng làm rất nhiều thơ Lục Bát và thơ Đường Luật, ông không thích thể thơ mới. Ông cũng tự  in và xuất bản cho mình một tập thơ với tựa là “Nỗi Lòng  Huyền Trân Công Chúa” thơ  Lục  Bát với 644 câu. Ông bảo khi còn ở Sài Gòn, một buổi chiều mưa khi đi ngang đường Huyền Trân Công Chúa lòng xót xa, ngậm ngùi tưởng nhớ đến Bậc Ân Nhân  Tiên Tổ ghi những vần thơ lưu niệm suy tôn:

 Đường dài mang chữ Huyền Trân

Tên nàng Công Chúa đổi thân ngọc ngà

Mở mang bờ cõi sơn hà

Sử xanh công đức vang ca muôn đời…

Tập thơ nầy ông chỉ  tặng cho bạn bè đọc chơi mà thôi.

Nói về sức khỏe, thì không có đứa con nào của ông có sức khỏe tốt bằng ông, những năm khoảng 84, 85 tuổi mỗi ngày ông đi bộ khoảng 1 tiếng đồng hồ, buổi tối ông còn tập thể dục, đá song phi, nhiều khi thấy vậy tôi sợ ông bị mất thăng bằng té, nhưng ông bảo ông biết thế để không bị té. Đối với con cái ông luôn luôn khuyên bảo phải tập thể dục và hít thở thường xuyên để cho cơ thể giảm bệnh tật. Cả đời ông chưa bao giờ uống một viên thuốc và tôi cũng chưa từng thấy ông bệnh tật, dù chỉ là nhức đầu, sổ mũi cũng hầu như không thấy. Ngay đến bây giờ gần 90 tuổi ông  cũng không uống một viên thuốc. Tôi có hỏi thì ông bảo nhờ đi bộ, tập thể dục và hít thở.

Thời gian vẫn cứ trôi, như một chu kỳ, một qui luật. Nó sẽ bào mòn tất cả.Tất cả rồi phải đổi thay, phải biến dạng để phát sinh. Ông giờ mỗi ngày như cây đèn, ngày  một lụn dần. Ông vẫn ăn được, ngủ được, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Mắt thì hơi mờ đi, nhưng mỗi ngày thỉnh thoảng vẫn thấy ông cầm sách để đọc,  lại đọc toàn là triết học như: Nam Hoa Kinh, Hán Văn, Sử Ký Tư Mã Thiên, Kim Vân Kiều bằng Tiếng Pháp…Tôi hỏi ông đọc như vậy có hiểu không? Ông bảo hiểu chứ. Tai ông thì nghe rất yếu. Ông cũng rất thích nghe cải lương, thích nhất là tuồng “ Tâm Sự Loài Chim Biển”… Dạo nầy ông thường nằm hơn là đứng dậy đi đứng, ông bảo đi và ngồi lâu bị mệt, nhiều lúc ông nằm cả ngày, tôi hỏi ông nằm cả ngày có nghĩ gì không? Ông bảo nghĩ chuyện đời. Tôi khuyên ông giờ nầy nên gác bỏ chuyện đời, có suy nghĩ cũng thế thôi, thường để thời gian niệm Phật cầu nguyện tốt hơn. Tuy nói vậy chứ thật ra đã từ lâu rồi ông bỏ mặc chuyện đời, chuyện con cái. Lực đã bất tòng tâm rồi, thì còn nghĩ làm gì chuyện thế gian. Cũng có lúc ông ngồi đăm đăm nhìn vào khoảng không , như đang suy nghĩ một điều gì đó. Nhưng thật ra tôi biết lúc nầy là những lúc đầu óc của ông trống rỗng. Đây là những lúc tâm vô niệm, như trở về với tự tánh, chân tâm. Đó là những lúc cõi tịch diệt bỗng dưng chợt đến không ngờ.

Thật  tội nghiệp. Nhìn cái hình ảnh mỗi ngày một tàn lụi đó lòng tôi như đứt  từng đoạn, dù cho đó là một người dưng, huống hồ chi…Tôi phải làm gì đây? Chờ đợi, cầu nguyện và van xin cái hình hài ấy chậm ra đi, như vậy là tôi ích kỷ, tôi muốn chống lại cái qui luật tự nhiên. Hay tôi là một người vô minh, không có trí tuệ. Khóc than những gì mà nó vốn dĩ phải xảy ra đúng như qui luật. Như tôi không thể ngồi khóc than khi thấy “ mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây”. Vì đó muôn đời vẫn là một qui luật tự nhiên. Tôi thấy mình thật khờ dại.

Cây đèn dầu giờ mỗi ngày mỗi lụn dần

Thời gian vẫn cứ trôi, như một chu kỳ, dù ta có tránh né cũng không được. Ông bây giờ đã gần chín mươi tuổi rồi, đời ông đã trải qua biết bao thăng trầm trôi nổi, trải qua biết bao thời đại đổi thay của lịch sử. Giờ ông sống âm thầm như cái bóng, nhớ nhớ, quên quên, ngày đêm lẫn lộn. Đôi khi giống như một đứa trẻ 2,3 tuổi, có khi còn tệ hơn trẻ con vì trẻ con bị té thì ít bị gãy xương hơn là người già. Người già khi té thường  bị gãy  xương  hay dễ bị bại  liệt. Tôi rất sợ ông té thường xuyên nhắc nhở ông đi đứng cẩn thận nhưng ông nào có nhớ đâu, ông luôn làm những việc mà trong đầu của ông chợt lóe lên.

 Như cây đèn, mỗi ngày một lụn dần.

Nhìn ông mỗi ngày mắt mờ dần đi như không còn “ thần” nữa. Người mỗi ngày một ốm dần, hay nói đúng hơn là co rút lại, mặc dù ông vẫn ăn uống và ngủ được, nhưng không hiểu thịt mỗi ngày một biến đi đâu, chỉ còn xương với da. Như vậy là tất cả những bộ máy trong người của ông đã bắt đầu dần dần không còn hoạt động nữa rồi. Nhìn sự tàn dần mỗi ngày của ông lòng tôi đau như cắt. Nghe biết bao nhiêu bài kinh, thế mà niệm ái vẫn không  thể nào dứt bỏ.

Cuối cùng ông cũng đã bị té, bị nứt xương, nằm bệnh viện vài hôm. Về nhà thì ông nằm mãi trên giường, không ăn được, chỉ uống được chút nước trà và nước cháo. Một tháng sau thì ông  ngủ luôn và không bao giờ thức dậy nữa. Vô thường đến. Trở về lại từ nơi ông đã đến. Tôi đau đớn nhìn ông ra đi bỏ chúng tôi.

Một ngày mưa rơi buồn thảm não, ngày 9 tháng 6 năm 2014, nhằm ngày 12 tháng 5 Giáp Ngọ, Ông đã thật sự vĩnh viễn bỏ các con để ra đi. Tôi khóc với những giọt nước mắt khô. Lòng tôi đã héo vì lần lược tiễn đưa những người thân yêu về cõi hư vô. Chỉ một kiếp nầy thôi, không bao giờ còn hẹn được kiếp sau. Ba ơi, con muốn theo bước chân Người, bước chân của Ba lắm, nhưng con chỉ là một đứa con gái tài hèn, sức mọn làm sao có thể theo kịp được bước chân của Ba.

Ba ơi! Con tiễn Ba đi lần cuối cùng vào cõi hư vô và nghìn thu vĩnh biệt Ba ơi, mãi mãi muôn đời Ba vẫn trong tim của con…

Kính dâng lên Hương Linh của Ba nhân ngày “Father’s day”.

Carolyn Đỗ
13 tháng 6 năm 2014

15 BÌNH LUẬN

  1. CHIA BUỒN
    Xin thành thật chia buồn nỗi mất mát lớn lao này của chị Carolyn Đỗ.Cầu mong hương linh bác trai sớm siêu thoát nơi miền cực lạc. Bài viết của chị thật ý nghĩa và cảm động nhân Ngày của Cha .

  2. Phân Ưu
    Carolyn ơi, xin chân thành chia buồn cùng bạn và gia quyến. Cầu nguyện hương linh Bác sớm siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
    Dao

  3. RE: Theo Bước Chân Người
    Bài viết cảm động nhân ngày Father’s Day. Chị xin chia sẻ nỗi đau và sự mất mát quá lớn này với Carolyn và gia đình. Cầu nguyện cho hương linh Bác sớm siêu thoát về cõi Phật.
    NDT

    • RE: Theo Bước Chân Người
      [quote name=”Nguyễn Diệu Tâm”]Bài viết cảm động nhân ngày Father’s Day. Chị xin chia sẻ nỗi đau và sự mất mát quá lớn này với Carolyn và gia đình. Cầu nguyện cho hương linh Bác sớm siêu thoát về cõi Phật.
      NDT[/quote]
      Hi chị Diệu Tâm
      Em xin cám ơn nhưng lời chia buồn của chị,bây giờ thì buồn quá chị ơi. Một nỗi trống rỗng và đớn đau tràn ngập trong tâm tưởng, nhìn cái gì cũng nhớ và nghĩ đến Ba của em. Đau buồn lắm, chỉ mong thời gian sẽ dần dần qua…

  4. RE: Theo Bước Chân Người
    Hi Huỳnh Mộng Vân. Xin cám ơn chị đã chia buồn cùng với gia đình mình. Không có sự đau buồn nào hơn là ngày tiễn đưa Cha, Mẹ của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Thật là lạ, tại sao họ về nơi an nghỉ mà sao mình không vui, lại thật đau khổ thế nầy nhỉ?

  5. RE: Theo Bước Chân Người
    Hi Ngọc Giao
    Chân thành cám ơn những lời chia buồn của Ngọc Giao. Mình sẽ cố gắng lau đi những giọt nước mắt khô. Để cầu nguyện cho Hương Linh của ông sớm siêu thoát. Xin cám ơn, cám ơn. Carolyn

  6. RE: Theo Bước Chân Người
    Chào Bạn Carolyn Đỗ,
    Mình đoc bài viết này và không nghĩ cái kết buồn như vây và ông đã ra đi cách đây mới có môt tuần lễ. Bài viết quá cảm đông, làm mình rưng rưng nước mắt, buồn cho ban và nhớ đến ngày biết tin cha mất.
    Xin cầu chúc ông sớm về nơi an tịnh.
    Xin chia buồn cùng ban và gia đình.
    Pham Ngoc Dung

    • RE: Theo Bước Chân Người
      [quote name=”Phạm Ngọc Dung”]Chào Bạn Carolyn Đỗ,
      Mình đoc bài viết này và không nghĩ cái kết buồn như vây và ông đã ra đi cách đây mới có môt tuần lễ. Bài viết quá cảm đông, làm mình rưng rưng nước mắt, buồn cho ban và nhớ đến ngày biết tin cha mất.
      Xin cầu chúc ông sớm về nơi an tịnh.
      Xin chia buồn cùng ban và gia đình.
      Pham Ngoc Dung[/quote]
      Hi chị Ngọc Dung. Thành thật cám ơn chị đã có lời chia buồn cùng em và gia đình Đời người là như vậy đó chị, nay còn mai mất là chuyện bình thường. Nhưng em lại không thể vượt qua được chuyện bình thường đó. Ông đã ra đi vào cõi hư vô. Nhưng đã để lại trong tim em một sự nhớ và tiếc thương vô hạn. Thân chúc chị và gia đình hạnh phúc và an lạc. Xin cám ơn, cám ơn. Carolyn

  7. Theo Bước Chân Người
    Xin được chia Xẻ nỗi mất mát lớn lao Với Carolyn. Khấn nguyện cho hương linh của Bác sớm siêu thăng về cõi CỰC LẠC. Nỗi mất mát mà Kim Anh 2 năm trước đây đã từng trải nghiệm về sự “VÔ THƯỜNG” , ngày hôm qua là lễ giỗ 2 năm cho Má của Kim Anh, rất thông cảm cho những cảm xúc của bạn,
    Carolyn cố gắng gìn giữ sức khỏe nghe.
    Có duyên tụi mình sẽ gặp lại.

    Bạn thời tuổi nhỏ
    Hồ Thị Kim Anh
    Đặng Ngọc Thọ

    • RE: Theo Bước Chân Người
      [quote name=”Hồ Thị Kim Anh”]Xin được chia Xẻ nỗi mất mát lớn lao Với Carolyn. Khấn nguyện cho hương linh của Bác sớm siêu thăng về cõi CỰC LẠC. Nỗi mất mát mà Kim Anh 2 năm trước đây đã từng trải nghiệm về sự “VÔ THƯỜNG” , ngày hôm qua là lễ giỗ 2 năm cho Má của Kim Anh, rất thông cảm cho những cảm xúc của bạn,
      Carolyn cố gắng gìn giữ sức khỏe nghe.
      Có duyên tụi mình sẽ gặp lại.

      Bạn thời tuổi nhỏ
      Hồ Thị Kim Anh
      Đặng Ngọc Thọ[/quote]
      Hi Kim Anh, Cám ơn Kim Anh thật nhiều. Mình thật sự như không còn đứng vững nữa. Vì đã quá nhiều năm phần tinh thần của mình đã dựa vào Ba mình quá nhiều, nên bây giờ Ba mất thấy hụt hẫng vô cùng bạn ạ. Mình sẽ cố gắng đứng lên. Xin cám ơn người bạn thời tuổi nhỏ. Cám ơn, cám ơn.Carolyn

  8. Theo Bước Chân Ngườ
    Hạnh phúc nhất của người cha là được kể cho con nghe về cuộc đời của mình.

    Hạnh phúc nhất của người con là được cha kể cho mình nghe về cuộc đời của chính ông

    • RE: Theo Bước Chân Ngườ
      Cám ơn V3. Đó là tất cả những hạnh phúc mình có được. Và đau khổ nhất là ngày ông ra đi.Cám ơn, cám ơn. CD

  9. THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
    Carolyn mến,
    Cám ơn em về bài viết để tưởng nhớ một người cha đáng kính, đã một đời tận tụy hy sinh cho con cái và gia đình cũng như tình cảm của em đối với người Cha thân yêu của mình. Bài viết hay, cảm động, đầy những hồi ức và kỷ niệm đẹp.
    Rất tiếc hôm đám tang Bác anh không đi tiển Bác được. Anh có nhờ anh Nguyên Lương đốt giùm cho anh một nén hương để dâng lên hương hồn của Bác. Ba anh cũng vừa mất năm ngoái. Anh về Việt Nam để chịu tang Ba. Anh rất hiểu và cảm thông cho tình cảm của em đối với Bác cũng như sự mất mát không gì bù đắp được này.
    Chúc em sớm vượt qua nỗi đau to lớn này.
    Thành kính phân ưu với toàn thể gia đình, với em và anh Đỗ quản Trị.
    Thân mến,
    Lê Công Dzũng

    • RE: THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
      Hi anh Lê Công DZũng
      Em xin thay mặt gia đình cám ơn anh đã chia buồn trong sự mất mát to lớn nầy. Ai rồi cũng phải ra đi, phải không anh? Nhưng sao mình vẫn đau khổ, và cầm lòng không được khi cha mẹ vĩnh viễn ra đi. Mình bây giờ cũng đã trở thành trẻ mồ côi rồi.
      Anh Nguyên Lương có đến tiễn Ba em lần cuối cùng, và cũng đã thắp dùm cho anh một nén hương. Xin chân thành cám ơn anh nhiều. Em sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau nầy. Xin cám ơn , cám ơn

  10. Bạn thân thương !
    Thành thật chia bùôn cùng bạn.
    Mình đi vắng nay mới về, và được con gái mở máy cho xem “theo bước chân người”.
    Carolyn Đỗ! Minh Sang vừa đọc vừa hồi hộp, cố gắng dằn lòng nhưng không cầm được những giọt nước mắt lăn dài trên má…
    Thuở còn đi học chúng mình có với nhau bao nhiêu kỉ niệm! Minh Sang hay đến CD chơi và được Bác cho mượn những bộ sách hay về đọc “Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng..” nhưng than ôi làm sao theo kịp “Bước chân người”
    Bác đã ra đi Bác đã ngủ yên. Giấc ngủ vĩnh hằng không ai quấy rầy bác nữa. Minh Sang biết bạn rất đau lòng, nhưng bạn đã can đảm đứng vững không gục ngã khi người thân yêu của mình đã vĩnh viễn ra đi.
    Một lần nữa xin thành kính phân ưu cùng CD và gia đình. Bạn ơi hãy vơi bớt nỗi đau thương với câu hát của Trịnh Công Sơn
    “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”
    Xin cầu nguyện cho hương linh của bác Chân Tâm sớm được siêu thoát về miền cực lạc, thân ái chào bạn
    Minh Sang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả