Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănMột Chuyến Về Bình Định (11-2009)- phần 4

Một Chuyến Về Bình Định (11-2009)- phần 4

Ngày 11 tháng 11 năm 2009

Hôm qua, 10 tháng 11, chúng tôi khám bệnh, phát thuốc và cứu trợ ở  xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh.  Buổi trưa, khi chúng tôi nghỉ để ăn trưa thì một số bệnh nhân chưa được khám cũng trở về nhà ăn trưa. Không biết bệnh nhân dùng phương tiện gì để di chuyển mà trong buổi xế và buổi chiếu nhiều bệnh nhân không trở lại để được khám bệnh.  Tới giờ chúng tôi phải ra về, trưởng đoàn quyết định dồn số bệnh nhân đó vào ngày hôm sau.  
Trong cơn bão lụt, năm bảy gia đình đồng bào sắc tộc có thân nhân đã bị nước cuốn trôi thiệt mạng.  Đoàn chúng tôi đã cử đại diện đến tận nhà các nạn nhân thăm viếng và ủy lạo.

Buổi chiều trên đường về, một trong hai xe buýt lớn chở hơn 60 người chúng tôi thình lình hục hặc rồi dừng lại giữa đường khi trời xẩm tối.  Mọi người ngạc nhiên khi biết xe hết xăng.  Thế là hành khách phải xuống xe cho đỡ bị nóng và chờ cho tài xế đi mua xăng.  Một bác sĩ Mỹ, bác sĩ D. lại được dịp khám bệnh cho một em bé đang bị bệnh khi ông ghé lại một căn nhà bên đường.  Một bạn trẻ nói đùa, “Phòng mạch bác sĩ D. chắc đông khách lắm.”  Chiếc xe buýt kia chưa hết xăng tiếp tục chạy về Quy Nhơn trước để một số đoàn viên có đủ thì giờ đi dự đám cưới của bạn hữu, cư dân Quy Nhơn.

Rút kinh nghiệm ngày 10, qua ngày 11 chúng tôi đãi những bệnh nhân chưa được khám trong buổi sáng ăn cơm trưa để họ không phải đi về nhà.

Phòng nha khoa có nữ nha sĩ H.G. trẻ đẹp từ Sài Gòn tham gia đoàn.  Cô mang theo đầy đủ dụng cụ kể cả máy hấp để cung cấp dịch vụ nha khoa cho đồng bào.  Cô và 4-5 phụ tá làm việc hăng say.  Khách của cô phần đông là trẻ em.  Trong 5 phút nghỉ giải lao tôi ghé lại xem cô làm việc.  Có mấy em khi nghe nói sẽ được khám răng hay nhổ răng thì sợ hãi khóc thét nhưng khi nghe cô nha sĩ dỗ dành thì yên lặng ngay.  Tôi ngạc nhiên lắm, xách máy ảnh ra làm phóng viên.  Chẳng hiểu cô nha sĩ nói gì mà một em bé gái vừa dãy dụa ôm mẹ khóc thét giờ lại ngồi yên, dựa đầu vào tường, gồng mình cho chiếc kim dài chích vào lợi rồi chiếc kềm quay quay qua lại trong miệng kẹp mấy chiếc răng hư kéo ra.  Thì ra, sau khi được nhổ răng, các em được cô phụ tá dạy cho cách đánh răng xong được lựa quà là đồ chơi đủ loại và kẹo bánh.  Một em bé trai mừng vui, âu yếm áp món đồ chơi là một chú rô bô bằng nhựa vào má mình.  Tôi lại gần làm bộ xin chú rô bô, mặt em bé xìu buồn ngay nhưng em cũng gượng gạo cho tôi món đồ chơi mà chắc chưa bao giờ em có được nơi một thôn xóm xa xôi và nghèo xơ nghèo xác nầy.  Khi tôi trả lại chú rô bô cho em bé, mắt em sáng lên mừng rỡ.   

Tôi hỏi cô nha sĩ ngày nay nhổ được bao nhiêu cái răng.  Cô mỉm cười đáp, “Mới có 49 cái thôi anh”.  Sau giờ ăn trưa, trong khi chờ bệnh nhân trở lại, cô nha sĩ ngồi rút chân lên ghế, nghiêng đầu, nhắm mắt nghỉ ngơi.  Tôi chụp được tấm hình hiếm có và dễ thương đó.  Giờ nghỉ trưa, các bác sĩ từ Mỹ về, đã quen không ngủ trưa nên trông tỉnh táo, ngồi chuyện trò.  Các đoàn viên ở Việt Nam, có lẽ quen giấc nghỉ trưa, tìm chỗ nằm ngồi, thả hồn về lại Sài Gòn năm mười phút.   
Bác sĩ P. người Mỹ, chuyên khoa mắt (ophthalmologist) về hưu ở tuổi 50, quá sớm ở Mỹ.  Hiện ông và vợ ông, một chuyên viên về Tâm Lý (psychologist) đang để dành nhiều thì giờ làm thiện nguyện.  Tôi giới thiệu cho ông mấy bệnh nhân trẻ bị bệnh mắt.  Ông khám thật kỹ và đi tìm tôi giải thích và cố vấn tôi từng chi tiết trị liệu khi tôi đang dùng cơm trưa.  Khám bệnh cho dân ở đây tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân già lẫn trẻ bị bệnh mắt.  Tôi cứ mơ ước sao mỗi năm có được những bác sĩ chuyên khoa tai mắt mũi họng về đây khám bệnh và chữa trị cho đồng bào.   

Tưởng cũng nên nói ra đây một chuyện liên quan đến chuyên khoa mắt.  Một bác sĩ chuyên khoa mắt người Việt từ Mỹ về để sẽ giải phẩu 30 trường hợp mắt lệch cho trẻ em VN tại bệnh viện Quy Nhơn theo giao ước giữa đoàn thiện nguyện và bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn.  Bệnh viện hứa sẽ chia một phần nhỏ phí tổn hậu giải phẩu sau khi bệnh nhân được mổ xong.  Vậy mà, sau 4 ca mổ thành công tốt đẹp, bệnh viện không chịu tiếp tục chia phần phí tổn đó như đã hứa.  Được hỏi lý do, bệnh viện cho rằng mỗ chữa mắt lệch cho trẻ em là một thứ giải phẩu thẩm mỹ.  Bác sĩ thiện nguyện thì bỏ công ăn việc làm ở Mỹ về Quy Nhơn làm không công.  Chúng tôi, ai nghe bệnh viện từ chối giúp đỡ bệnh nhân trẻ em tránh được mù lòa, cũng đều hết sức ngạc nhiên thở dài thất vọng.     

Đêm 12 tháng 11, nhìn những em bé bị bệnh mắt lệch mà đoàn đưa từ Vân Canh về Quy Nhơn để được giải phẩu phải trở về nhà và sẽ có thể mang tật suốt đời, ngay cả mù lòa, ai cũng đau lòng.  Ôi, tiếng than có thấu trời xanh?  Ai sẽ là người sẽ cứu giúp những trẻ bất hạnh bị bệnh mắt lệch nầy đây?   

Ngày mai, 13 tháng 11, đoàn sẽ về Gò Bồi thay vì xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ như trong lịch trình dự định từ trước.  Ba ngày làm việc với dân chúng Bình Định, tôi thấy mỗi thành viên đều hăng hái, vui cười, hoan hỉ.  Chưa thấy ai tỏ ra thấm mệt.   

Ngày 12 tháng 11 năm 2009

Trụ sở xã Gò Bồi (?) tọa lạc ngay đường đi.  Khi chúng tôi đến nơi thì dân chúng đã tụ tập khá đông.  Vừa bước xuống xe buýt, tôi chạm mặt với một bà mẹ trẻ, một tay bồng, một tay dắt hai đứa con gái mặt mày thật dễ thương.  Tôi béo nhẹ má em bé 4-5 tuổi.  Em bé mỉm cười nhìn tôi.  Bà mẹ trẻ nhắc con, “Con chào bác sĩ đi con!”.  Em bé nghe lời mẹ, nói nhỏ nhẹ đủ nghe, “Chào bác xỉ”  Tôi tiếc là không mang theo viên kẹo nào trong túi.   

Nơi nào tôi đến tôi cũng gặp được những em bé dễ thương như các cháu ngoại của tôi.  Tôi đi xa mấy hôm mà đêm nào cũng được nghe giọng cháu ngoại gọi từ Mỹ kêu “ông ngoại” và hát cho tôi nghe.  Đứa cháu 6 tuổi hát,

“Cô cô cồ, nghe gà gáy sáng.  Cô cô cô, hỡi ông dậy nào.  Cô cô cồ, ánh hồng đã lên.  Cô cô cồ hỡi ông dậy nào… Kìa xem chung quanh ta bao trẻ già dậy xôn xao, chào đón ánh hồng tươi, vui bước đường cần lao.  Cô cô cồ mau mà thức giấc.  Cô cô cô ngủ mê chi hoài.  Cô cô cồ bước đường đừng thua.  Cô cô cồ chúng chê bạn cười…”

Nhân nói về tiếng gà gáy, tôi nhớ một buổi sáng trong ngày thứ nhì chúng tôi ngụ tại khách sạn Quy Nhơn, tôi hỏi một cô sinh viên con của một bạn tôi trong đoàn thiện nguyện có ngủ được không.  Cô bé trả lời, “Dạ con không ngủ được, bởi vì mấy con gà trống chung quanh khách sạn gáy to quá và gáy xuốt đêm…”  Cô bé nói giọng Bắc vì có cha người Bình Định mẹ người Bắc.  Tôi và bác sĩ N. cùng phòng đều bật cười.  Chính tôi, trong những lần về VN đầu tiên, ngủ ở Quy Nhơn đã bị tiếng gà gáy và tiếng chó sủa làm mất ngủ.  Chưa hết, mới 4 giờ rưỡi sáng, tiếng loa của phường đã oang oang đánh thức dân chúng dậy tập thể dục.  Hồi đó tôi đã bất giác than, “Trời ơi, giữ gìn sức khỏe của dân chúng bằng cách nầy đây sao?”.  Tôi bèn nói với cô bé thiện nguyện, “Cháu có biết gà cồ Quy Nhơn gáy sao không? Cô cô cồ, hãy mau vào giường, cô cô cô xin đừng thức khuya, cô cô cồ có tui canh chừng…” Cô bé cười rồi ngáp dài.

Sáng nay, tại GB, trong khi chờ đợi bắt tay vào làm việc, tôi xách máy ảnh đi chụp đám đông.  Có quá nhiều khuôn mặt thân thương để chụp, trẻ em, người lớn.  Tôi thích nhất là chụp những chiếc nón lá rách te tua, che  những khuôn mặt cụ già da nhăn nheo.  Những đôi mắt trẻ thơ trong sáng, rụt rè cũng thật dễ thương.   

Vừa chụp hình tôi nghe tiếng loa của anh phụ tá đoàn trưởng nói thật lớn, lớn lắm, “Ông xã trưởng đâu?  Sao phiếu khám bệnh của con nít mà đem phát cho người lớn?  Làm sao chúng tôi làm việc được? ”  Có lẽ anh đang giận ông xã trưởng.  Tôi ước gì tôi đứng gần anh để nhắc anh nói nhỏ và dịu dàng hơn.  Đây không phải lỗi của các ông cụ bà cụ đang ngồi trên băng ghế một cách trật tự chờ khám bệnh.  Chỉ cần nhìn qua những khuôn mặt già nua, khắc khổ, những mái tóc trắng phau, những đôi mắt lem nhem, những hàm răng thưa thớt, những bộ bà ba cũ kỹ đó cũng đã thấy đủ để thương rồi.  Tôi tự dưng thấy xốn xang nơi lòng.  Nếu tôi là anh tôi sẽ nói cách khác, dịu dàng hơn để không làm buồn lòng những người dân quê mộc mạc, chân thành, mò mẫm đường xa đến chờ được săn sóc.  Tôi không biết những cụ già đang ngồi đó sẽ nghĩ gì khi phải ra về, không được khám bệnh, không có một viên thuốc.  Chắc chắn họ sẽ buồn.  Nếu mà trong ngày hôm nay tôi phải khám thêm năm mười cụ già nữa tôi cũng không thấy bị phiền hà mà còn lấy làm vui.  Tôi xách máy ảnh đi xa tiếng loa, vào phòng khám bệnh.   

Một ngày nữa giao tiếp với đồng bào quê tôi.  Tôi ước sao bản thân tôi và đoàn của tôi có đủ thời giờ, thuốc men, kiên nhẫn để kéo dài “trận mưa rào” ra cả tháng trên “sa mạc” Bình Định thiếu nước đã lâu.  Chừng nào sẽ có một đoàn thiện nguyện khác sẽ về đây?  Một năm, hai năm , năm năm?  Thời gian có đợi chờ ai, kể cả những người nghèo khó, bệnh tật chờ được săn sóc.  Đêm nay, ngối viết những dòng nầy mà nước mắt còn muốn ứa ra.  Bạn có cho rằng tôi ủy mị tôi cũng không giận bạn đâu.  Tôi chỉ biết tôi đang thương, đang nhớ những người dân quê tôi.   

Về đây để thấy, để thương
Để thôi xa cách quê hương xa vời
Về đây nhìn những mảnh đời
Ốm đau không thuốc, tả tơi áo quần
Về đây để biết bâng khuâng
Để tim đau thắt, để lòng xót xa
Về đây nhìn lại quê cha
Trẻ thơ còm cõi, mẹ già héo khô
Ai đi xa biệt bến bờ
Xin đừng ngoảnh mặt, làm ngơ cho đành…

Ngày 13 tháng 11 năm 2009

Sáng thứ sáu ngày 13 tháng 11, chúng tôi đi xã Cát Hải, huyện Phú Cát.  Xe băng ngang trên chiếc cầu dài Nhơn Hội lúc sương mù còn che kín mặt biển nên dự định chụp hình trên chiếc cầu được đoàn trưởng quyết định hoãn lại đến chiều.  Xe chạy dọc theo con lộ nhỏ dọc bờ biển.  Có đoạn đường xe bị lún sình không tiến lui được.  Người trên xe phải xuống đi bộ một khoảng để xe nhẹ vượt ra khỏi lầy.  Đoàn dừng lại chụp hình phong cảnh nơi một đụn cát.  Những nhà dân ở dọc đường còn bị nước ngập tận nền và cả vườn.   

Trụ sở xã Cát Hải nằm gần bờ biển, dựa lưng vào núi.  Từ trên cao chúng tôi nhìn thấy biển xanh trải dài thật đẹp.  Dân cư ở đây thưa thớt hơn, số người đến khám bệnh cũng ít hơn những nơi khác mà chúng tôi đã đi qua.

Sáng sớm, bác sĩ C. người Mỹ, một mình đã chạy ra tắm biển thật nhanh.

Buổi trưa đoàn được ăn trưa trên lầu hai.  Tôi để ý thấy món canh bí rợ nấu thịt heo nạt được nhiều người chiếu cố.  Cuối bữa ăn, bí rợ biến mất, thịt nạt còn nằm lại như những cục súc sắc trong tô.  Món tráng miệng có bánh cốm chiên, bánh ít lá gai.   

Xong việc sớm sơn các ngày trước, bác sĩ C rủ tôi:

–  Đi tắm biển không Hiếu?”

Tôi đáp:

–  Tôi thích lắm nhưng quên mang theo quần tắm.

–  Đừng lo!  Tôi có đem theo 2 chiếc.  Tôi cho bạn mượn một.   
Tôi chấp nhận đề nghị của bác sĩ C và hai chúng tôi leo lên xe ra biển.  Bãi biển lài, rộng, cát trắng và sạch.  Tôi và bác sĩ C thay nhanh đồ tắm và nhào xuống nước.  Ôi, khoan khoái vô cùng sau một ngày làm việc nóng nực.  Nước biển mát rượi.  Sóng nhỏ.  Chúng tôi bơi thõa thích dọc theo bờ.  Đám tép bơi gần bờ bị chúng tôi tấn công thình lình đã nhảy tung lên mặt nước từng đám thật đẹp mắt.  Bác sĩ C. ngạc nhiên vì lần đầu ông bơi biển mà gặp tép.   

Hai nữ bác sĩ VN thấy chúng tôi vùng vẫy trong nước cũng mặc nguyên bộ quần áo scrub xuống nước.  Bác sĩ C. nằm ngửa trên nước, giơ một chân lên thẳng góc 90 độ cho bác sĩ N chụp hình.  Ông làm như các nữ lực sĩ múa nước đồng điệu trong thế vận hội.  Bác sĩ C. tóc bạc nhưng tuổi chưa đầy 60.  Ông bơi khá giỏi.  Tắm được khoảng nửa giờ chúng tôi ra khỏi nước mượn xe đạp của trẻ em đạp trên bãi chụp hình.  Cô MH chuyên viên phòng thí nghiệm ra biển trễ cũng gắng xuống ngâm cho ướt người với nước biển.   

Những bác sĩ không mang theo quần áo tắm thì rủ nhau đi chụp hình trên những mỏm đá hay trong các ghe thúng.  Khi mặt sắp lặn sau dãy núi sau lưng trụ sở xã Cát Hải thì chúng tôi lên xe ra về, quần còn ướt sũng nước biển.  Tôi và bác sĩ C. vui vì đã không bỏ lỡ cơ hội tắm biển.    

Tối 13 tháng 11, đoàn chúng tôi và nhiều cựu học sinh hai trường Cường Để và Nữ Trung Học Quy Nhơn họp nhau lại ở quán Thu Sa để chia tay những đoàn viên đến từ Quy Nhơn và Sài Gòn giúp đỡ doàn.  Buổi ăn tối ở quán Thu Sa có đặc sản Bình Định.  Nhiều bạn đã tham gia hát hò, khiêu vũ.  Bác sĩ Thuần trưởng đoàn và nhiều đoàn viên đã tỏ ra là những ca sĩ có hạng.  Bác sĩ Nick, người Việt, còn trẻ lên ca bản Riêng Một Góc Trời được cả chục nữ đoàn viên đua nhau tặng hoa.  Tôi đã dùng máy ảnh của anh chụp đủ cảnh tặng hoa.  Mong sao anh về sẽ cho bạn bè xem hình đêm 13 tháng 11 ở quán Thu Sa.   

Ngày 14 tháng 11 năm 2009

Một tuần làm việc qua nhanh và vui nhộn.  Sáng sớm thứ bảy ngày 14 tháng 11, chúng tôi ra phi trường Phù Cát bay về lại Sài Gòn.  Đêm 14, chúng tôi lại họp nhau ở quán Dual Express ở Sài Gòn để chia tay cả đoàn.  Thức ăn Pháp đã làm mọi người nản lòng.  Bác sĩ E. người Mỹ, từng làm việc ở Việt Nam 38 năm trước, lấy vợ Việt Nam, nay trở lại giúp đoàn, than, “Tôi thích ăn cơm Việt Nam mà lại được cho ăn bít tết với khoai tây.”  Trưởng đoàn phát bằng tưởng lệ cho những đoàn viên có công.  Đoàn viên tặng quà cho nhau.  Ngày mai, người ra về, kẻ đi ra Bắc tiếp tục chương trình nghiên cứu về y khoa, bệnh tật.   

Cá nhân tôi, sau một tuần làm việc nghĩa, thấy lòng tràn ngập niềm vui dù biết việc mình làm chỉ như một hạt muối rơi vào biển mặn.  Ra đi bớt nhớ thêm thương quê cha còn nhiều khốn khó.

Nguyễn Trác Hiếu

3 BÌNH LUẬN

  1. Anh Hiếu ơi! bài anh không những xuất hiện trên 2 trang nhà mà còn được lancer trên trang web hải ngoại đó, kì nầy thì anh phải chiêu đãi đó nha

  2. Hi anh Hiếu , muốn biết trang web đó thì phải hối lộ chứ, gặp trúng con buôn văn nghệ thứ thiệt thì bác sĩ nhà ta á thở rùi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả