Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Mùa Đông Năm Ấy

Viết cho các con

Mùa đông lại về. Tuyết đã rơi trắng xóa trên các thành phố và núi đồi nhiều tiểu bang miền bắc nước Mỹ. Mỗi năm, nhìn tuyết rơi lả tả, tôi lại nhớ về những ngày gian nan cũ khi tôi vừa đến đất mới.

Mùa đông năm ấy, tôi lang thang ở tiểu bang Louisiana, miền nam nước Mỹ, để tìm xin được phỏng vấn tại những bệnh viện có chương trình huấn luyện chuyên khoa y khoa hậu đại học. Đây là điều kiện bắt buộc mà một bác sĩ y khoa tốt nghiệp ngoài nước Mỹ phải trải qua trước khi được hành nghề tại Mỹ.

Bệnh viện Louisiana State University Medical Center ở Shreveport, miền bắc Louisiana, sắp phỏng vấn tôi thì tôi được vợ tôi từ California, miền tây nước Mỹ, gọi điện thoại báo cho tôi biết có ba nơi khác cũng muốn phỏng vấn tôi sau khi xét đơn. Một bệnh viện ở tiểu bang Michigan, miền bắc nước Mỹ, một ở New York City và một ở Pennsylvania, miền đông bắc nước Mỹ. Ba nơi nầy cách xa nhau hàng ngàn dặm và giờ giấc của những cuộc phỏng vấn lại gần sát nhau làm tôi vô cùng bối rối.

Được các bệnh viện xét đơn và gọi đi phỏng vấn là những dịp may để “tìm kim đáy biển”, nên không thể bỏ qua. Nhiều bạn bè tôi, sau khi thi đậu bằng liên bang (Federal Licensing Examination, FLEX) đã nhiều năm nộp đơn tại các bệnh viện để xin được huấn luyện hậu đại học nhưng không được bệnh viện nào gọi phỏng vấn. Các bệnh viện thường ưu tiên nhận các sĩ bác sĩ trẻ tốt nghiệp tại Mỹ, tuổi thường khoảng 22-25. Chúng tôi, đến Mỹ sau nhiều năm hành nghề ở quê nhà nên hầu hết tuổi đã ngoài 30-40. Có người đến Mỹ tuổi đã 50. Vì vậy có bác sĩ tốt nghiệp ngoài nước Mỹ, bị chê là lớn tuổi, phải bỏ cuộc, không hành nghề lại được.

Tôi gọi các bà thư ký các chương trình huấn luyện, năn nỉ họ dời ngày phỏng vấn của tôi vài hôm để tôi có đủ thì giờ di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác cách xa nhau hàng ngàn dặm. Tôi nhận được những câu trả lời nhát gừng, “Xin lỗi, nếu ông không đến đúng giờ giấc đã ghi trong giấy hẹn thì chúng tôi đành phải phỏng vấn người khác.” Tôi tin lời các bà thư ký. Chúng tôi cần họ chứ họ không cần chúng tôi. Có bệnh viện chỉ có vài chỗ trống mà có mấy ngàn bác sĩ tranh nhau nộp đơn xin được phỏng vấn.

Tôi có rất ít tiền trong túi. Tính đi tính lại, tôi sẽ phải bay từ Louisiana, miền nam nước Mỹ lên Michigan, miền bắc để được phỏng vấn, sau đó tôi phải nhảy lên xe buýt đi đêm đến New York City và Pennsylvania. Vì đi gấp, giá vé máy bay một chiều Louisiana-Michigan cũng làm vơi đi nửa túi tiền tôi dành dụm cả năm. Thôi, cũng đành nhắm mắt đưa chân, tới đâu hay đó. Có lúc lo âu, tôi lại lẩm nhẩm hát thầm một bài ca Hướng Đạo, “Dù thấy khó đừng mau chân lui, ta cứ tiến lên đường, dù … sương mưa rơi…”

Phi cơ vào không phận Michigan, mặt đất trắng xóa một màu. Phi cơ hạ thấp, cây cối hiện rõ và lớn dần, khẳng khiu và đen đủi như những thân cây thông cháy sám còn sót lại trong những trận cháy rừng ở Florida, miền đông nam nước Mỹ. Tôi phải đợi ở phi trường thật lâu mới có một chiếc taxi đến phi trường chở tôi về bệnh viện. Một cơn bão tuyết đang tăng cường độ. Chiếc taxi, bánh không quay, vẫn cứ lướt đi ngang từ bên nầy đường qua bên kia đường, thỉnh thoảng còn muốn quay đầu 180 độ. Tôi lạnh run vì chiếc măn tô không đủ ấm. Tôi lo vì lần đầu trên đất Mỹ tôi được trượt tuyết bằng taxi. Ông tài xế taxi nhìn tôi qua kiếng chiếu hậu và mỉm cười khi thấy hai tay tôi bám chặt lưng ghế phía trước.

Tới bệnh viện, tay xách vali nặng, tôi bước đi từng bước ngắn trên tuyết đã đóng thành băng, vậy mà mấy lần tôi trợt suýt té. Có nơi tuyết lại ngập cao đến đầu gối,
không thấy đường đi. Bước chân trở nên nặng nhọc như những lần gánh nặng oằn vai, cố lê bước trên những con đường bùn ngập gần đến đầu gối trên rừng Cà
Tum, Đồng Ban, gần biên giới Miên-Việt những ngày lao lý.

Chỉ có một bác sĩ điều trị phỏng vấn tôi qua loa năm mười phút, lấy lệ. Thấy tôi thất vọng, một bạn tôi đang học ở bệnh viện giải thích:
– Chỗ trống duy nhất trong chương trình Nhi Khoa nầy dường như đã được dành cho một bác sĩ từng đi làm tình nguyện ở đây khá lâu.
Tôi buồn bực hỏi:
– Không có chỗ trống sao còn gọi nhiều người ở xa đến phỏng vấn?
Bạn tôi cười chua chát:
– Họ không cần biết bạn từ đâu đến. Họ chỉ cần đánh dấu tên bạn trong danh sách mấy chục người được họ gọi đến phỏng vấn theo luật đòi hỏi, gọi là cho công bằng. Một cuộc phỏng vấn thật sự thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ và do nhiều bác sĩ đảm trách chứ không phải do một bác sĩ hỏi bạn vài câu trong mấy phút như họ đã làm. Nhưng thôi, bạn không còn nhiều thì giờ để buồn bực hay suy tư. Lên đường gấp, thượng lộ bình an và may mắn. Ở đâu có ánh sáng, ở đó còn có hy vọng. Nhớ kỹ nhé.

Tôi ghi nhận lời khuyên của bạn tôi, lại xách va li, lội tuyết đi tìm xe buýt Grey Hound mà người Việt dịch là xe Con Chó Chòm, đi Pennsylvania cách đó hàng ngàn dặm, miền đông bắc Mỹ. Xe buýt chạy xuyên bang ban đêm. Tôi co ro trong chiếc măn tô, nhai một ổ bánh mì khô như bò nhai lại cỏ và uống chai nước lã lấy sức. Tôi cố tự an ủi, “Mình còn được năm bảy bệnh viện gọi đi phỏng vấn trong khi bạn mình nộp đơn ngồi chờ mấy năm không ai gọi thì sao. Thôi gắng lên! No pain, no gain.”

Miền đông bắc Mỹ cũng trắng xóa một màu tuyết khắp nơi. Cảnh vật tiêu điều, hoang lạnh. Tôi đến thành phố Pittsburgh miền tây của tiểu bang Pennsylvania vào lúc đầu hôm. Trên đường từ Michigan đến Pennsylvania, trong lúc sang xe, chiếc vali của tôi đã bị chuyển lầm đi New York thay vì đi theo tôi đến Pittsburgh. Xuống xe buýt với một bộ quần áo mặc trên người và một đôi giày vấy bùn, tôi hoang mang, bối rối nghĩ đến buổi phỏng vấn sáng hôm sau không có y phục sạch sẽ, tươm tất cần thiết. Cuối cùng, tôi định bụng sẽ nói thật với những người phỏng vấn tôi là tôi đã thất lạc chiếc va li mà trong đó tôi mang theo quần áo chỉnh tề. Thông thường, những người phỏng vấn rất để ý đến ngoại hình và y phục của người được phỏng vấn. Có người vừa gặp bạn đã quan sát bạn từ đầu đến chân làm bạn khó chịu. Tôi bỗng có ý tưởng ngộ nghĩnh, mong sao sẽ được phỏng vấn bởi những bác sĩ trước kia từng làm thợ đóng giày hay thợ may quần áo. Mà trong đời thường quả có những người làm đủ thứ nghề lúc hàn vi trước khi trở thành bác sĩ. Ở Shreveport, Louisiana, tôi đã được phỏng vấn bởi một cựu quân nhân Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam. Nói chuyện với ông thật vui. Ông ngồi kể vanh vách những địa danh quê hương Việt Nam làm tôi cảm động và nhắc những món ăn Việt Nam mà ông thích trong đó có nước mắm. Ông không hỏi tôi lấy một câu về y khoa nhưng sau cùng lại khen tôi rành tiếng Mỹ, cho tôi điểm cao và chúc tôi mau trở lại nghề cũ y khoa.

Tôi dùng điện thoại công cộng ở bến xe buýt gọi một người bạn đang học năm thứ nhất hậu đại học tại một bệnh viện ở Pittsburgh để xin tá túc qua đêm. Tôi cố gắng để dành số tiền ít oi còn lại trong túi nên tránh không vào motel, một loại nhà nghỉ rẻ tiền.

Tôi đưa địa chỉ nhà người bạn cho anh tài xế taxi. Mặt mày anh nầy trông không có chút gì lương thiện. Anh ta chạy lòng vòng nửa giờ mà vẫn không tìm ra con đường mang tên Jackson nơi bạn tôi ở. Tuyết phủ kín các bảng chỉ đường. Tôi phải bảo anh tài xế taxi dừng lại cho tôi gọi bạn tôi lần nữa xem sao. Điện thoại công cộng ở Pittsburgh cũng rất khó tìm. Tìm được một cái, tôi xuống xe, mang theo chiếc ba lô trong đó tôi đựng giấy tờ cần thiết cho các cuộc phỏng vấn. Tôi sợ anh tài xế vụt chạy với chiếc ba lô của tôi vì nghĩ rằng có tiền bạc hay vật quý trong đó. Tôi không dám tưởng tượng ra cảnh tôi bị bỏ rơi giữa một đêm đen tuyết giá lạnh căm nơi một thành phố xa lạ, mất hết cả những thứ giấy tờ cần thiết cho những cuộc phỏng vấn trong những ngày tới. Thì ra, thành phố Pittsburgh có đến hai con đường mang tên Jackson. Taxi chạy thêm nửa tiếng nữa thì gặp được bạn tôi đang mặc áo ấm dày đứng đợi tôi tại một ngả tư đường đưa tôi về nhà. Người bạn thật có lòng.

Sáng hôm sau, khi tôi thức giấc thì bạn tôi đã rời nhà đi làm ở bệnh viện từ lúc 6 giờ sáng. Nơi tôi sẽ được phỏng vấn lúc 10 giờ sáng hôm đó là một bệnh viện nhỏ thuộc thành phố Jamestown cách Pittsburgh bảy tám mươi dặm, khoảng một trăm cây số. Tôi gọi tổng đài nhờ hướng dẫn đến một nơi cho thuê xe. Một nữ nhân viên hỏi tôi từ đâu tới, nói ngôn ngữ nào xong bảo tôi đợi. Một phút trôi qua. Có giọng trong trẻo của một phụ nữ hỏi tôi bằng tiếng Mỹ:
– Xin lỗi, anh nói tiếng Việt?
Tôi đáp:
– Vâng, tôi là người Việt.
Tôi tưởng phụ nữ nầy là nhân viên của tổng đài điện thoại nhưng ngạc nhiên thay chị là cư dân thường của Pittsburgh. Chị đổi sang nói tiếng Việt giọng Bắc ngọt ngào:
– Chào anh, tôi có thể giúp gì cho anh?
Tôi cho chị biết tôi vừa từ California đến Pittsburgh đêm qua lần đầu tiên và tôi đang muốn tìm chỗ thuê một chiếc xe để đi phỏng vấn tại thành phố Jamestown.
– Đường sá Pittsburgh rất khó tìm trong lúc tuyết đang rơi dày đặc như hôm nay. Hôm nay, trên đường đến sở, tôi sẽ đưa anh đến chỗ cho thuê xe.
Sau đó, chị căn dặn tôi lấy hai chuyến xe buýt từ nơi tôi đang tạm trú để gặp chị tại một trạm xe buýt khác. Chị không quên hỏi tên họ, dáng dấp tôi và y phục tôi mặc.
Chị nói:
– Tôi tên Tuyết, cũng họ Nguyễn. Tôi sẽ mặc áo ấm màu xanh đậm, đội mũ len xanh và chờ anh ở trạm xe buýt góc đường X và đường Y nhé.
Tôi cảm ơn người phụ nữ Việt Nam tốt bụng rồi vội vã lội tuyết ra trạm xe buýt. Trời khá lạnh vì có gió. Sống ở vùng nắng ấm California đã quen, giờ đặt chân tới một xứ lạnh mà tuyết phủ ngập thành phố, tôi như đang lạc vào một thế giới kỳ ảo, xa lạ.

Bước xuống xe buýt nơi điểm hẹn, tôi đảo mắt nhìn quanh. Có vài ba người đang đứng ở trạm. Tôi lại gần người mặc áo ấm xanh đậm. Một nụ cười tươi đón tôi.
Chị Tuyết khá trẻ, khuôn mặt trái xoan phúc hậu, mũi cao, mắt tròn to và đen lánh.
Tôi chào chị trước:
– Chào chị Tuyết! Cảm ơn chị đã bỏ thì giờ giúp tôi.
– Chào anh Hiếu! Anh vừa đến một thành phố lạ mà không may gặp toàn tuyết và tuyết
Chị nói xong mỉm cười. Tôi chợt hiểu ý chị muốn nói tuyết đang rơi ngập lối và tên chị là Tuyết.
– Thưa chị, tôi rất may mắn lắm mới gặp được người đồng hương chỉ đường dẫn lối nơi xứ lạ.
– Tôi phải đến sở đúng giờ. Bây giờ chúng ta phải đi bộ ngay lại nơi cho thuê xe. Anh theo tôi. Mình vừa đi vừa nói chuyện anh nhé!
Chị Tuyết bước đi thoăn thoắt trên tuyết trong khi tôi còn ngập ngừng bước tới, sợ trợt té trên tuyết băng trơn trợt. Ra đi từ California, tôi không chuẩn bị giày đi tuyết.

Chị Tuyết cho tôi biết Jamestown cách Pittsburgh khá xa và đường đèo rất nguy hiểm trong lúc tuyết rơi. Chị nói:
– Anh phải mất ít nhất 2 tiếng để lái xe đến đó. Chiều về anh phải hết sức cẩn thận vì trời tối và anh không quen lái trên tuyết.
Tôi cảm ơn lời dặn dò của chị. Tại nơi cho thuê xe, tôi đứng điền đơn và chị đứng nán lại đợi tôi. Tôi trao mẫu đơn vừa điền xong cho anh nhân viên hảng cho thuê xe, anh nầy nói:
– Ông cho tôi mượn ID và thẻ tín dụng của ông.
Tôi giật mình. Tôi không có thẻ tín dụng. Tôi nói:
– Tôi không có thẻ tín dụng nhưng có mang theo tiền mặt.
Anh nhân viên hảng cho thuê xe mỉm cười nhưng vẫn lịch sự giải thích:
– Theo điều lệ của hảng, ông phải có thẻ tín dụng mới thuê xe được. Chúng tôi không nhận tiền mặt dù ông có đủ. Tôi xin lỗi đã không giúp ông được.
Tôi bối rối quay lại hỏi chị Tuyết:
– Từ đây có xe buýt đi Jamestown không chị? Tôi không thuê được xe vì không có thẻ tín dụng.
Đến lượt chị Tuyết ngạc nhiên:
– Anh chưa xin thẻ tín dụng hay quên mang theo?
– Tôi mới đến Mỹ vài năm và chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ cần thẻ tín dụng nên chưa bao giờ làm đơn xin.
Tôi nghĩ chị Tuyết cũng biết nếu tôi có làm đơn xin thì cũng chẳng có hãng nào chịu cho. Chị Tuyết nhíu mày suy tư vài giây rồi nói:
– Có xe buýt mỗi ngày một chuyến đi Jamestown nhưng anh sẽ không đến kịp giờ để được phỏng vấn lúc 10 giờ sáng nay.
Chị Tuyết vừa nói vừa nhìn vào bộ mặt buồn thiu vì thất vọng của tôi xong quyết định bước tới bên quày nhân viên. Tôi nghe chị nói nhỏ với anh nhân viên cho thuê xe:
– Tôi là bạn của anh ấy. Tôi sinh sống tại Pittsburgh đã lâu. Tôi có thẻ tín dụng. Ông nhận thẻ của tôi nhé. Giúp anh ấy kẻo anh ấy không đến được bệnh viện để được phỏng vấn kịp sáng nay, tội nghiệp.
Anh nhân viên hội ý với cấp trên rồi bằng long cho tôi thuê xe với thẻ tín dụng của chị Tuyết:
– Chúng tôi cố gắng giúp ông. Chúc ông may mắn.
Tôi phấn khởi bắt tay cảm ơn chị Tuyết và hứa sẽ trở lại trả xe vào buổi chiều. Khi tôi từ giã chị tôi thoáng thấy hai mắt chị ửng đỏ. Tôi biết chị đang xót xa cho hoàn cảnh khó khăn của một người mới đến xứ lạ.

Tôi mua vội một bản đồ Pennsylvania và lên đường. Đường đến Jamestown quanh co, lên đèo xuống dốc, phủ đầy tuyết băng trơn trợt. Tôi cẩn thận chạy chậm nhưng không quên tính giờ sao cho kịp buổi phỏng vấn. Từ trên đèo cao nhìn xuống, Jamestown nằm trong một thung lũng nhỏ, trông như một thành phố chết. Núi đồi, thành phố, nhà cửa, đường sá, xe cộ bị phủ bởi một lớp tuyết dày trắng xóa. Bầu trời u ám, thê lương. Tôi bỗng dưng có cảm giác buồn chán của những ngày đi qua vùng Queens hay Brooklyn của thành phố New York. Những vùng nầy, nhà cửa, đường sá, công sở, bệnh viện cũ kỹ cả trăm năm. Thành phố chật chội, đen đúa, dơ bẩn. Vách tường nào, xe điện nào cũng bị bôi vẽ đầy dẫy graffiti nhớp nhúa. Ngày đó, tôi đã có lần nghĩ, chẳng lẽ rồi đây mình lại phải mang vợ con đến cư ngụ tại những nơi tồi tệ nầy của nước Mỹ để được huấn luyện 3-4 năm sao?

Đến Jamestown, tôi phải đợi rất lâu mới được phỏng vấn bởi một vị mục sư bác sĩ người Do Thái có dáng dấp của một cố đạo. Râu tóc ông xồm xoàm che kín cả miệng và dài đến tận ngực. Trên đầu, vị mục sư đội một chiếc mũ giống như chiếc đĩa nhỏ màu đen. Ông mặc áo choàng đen phủ đến tận gót. Ông nói lí nhí trong miệng thật khó nghe. Nhìn ông tôi chợt nhớ đến một vị giáo sư trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, người ngoại quốc, dạy chúng tôi vào năm thứ nhất ở trường y khoa cũ đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Ông chỉ hỏi tôi qua loa vài câu như tôi từ đâu tới, tốt nghiệp ở đâu, đã được nơi nào phỏng vấn. Nhìn quanh tôi có cảm giác đây là một nhà thờ cổ thâm u của một giòng tu kín chứ không phải là một bệnh viện có chương trình huấn luyện bác sĩ học chuyên khoa.

Trời về chiều, tôi ghé lại cafeteria nhỏ xíu của bệnh viện nhà thờ mua một cái sandwich lót lòng trước khi lái xe về lại Pittsburgh. Một lần nữa, tôi lại nhận ra tôi là nạn nhân của những cuộc phỏng vấn lấy lệ của các bệnh viện Mỹ. Tuy vậy, trên đường về lại Pittsburgh tôi thấy lòng nhẹ nhỏm vì đã làm được những gì phải làm trong cuộc mưu sinh đầy gian nan trên đất mới. Chắc chắn là tôi sẽ không chọn cái nhà thờ cổ nầy để được huấn luyện cho dù họ có chọn tôi hay không.

Tôi về đến Pittsburh thì trời tối. Tôi đã nghiên cứu kỹ càng bản đồ và cẩn thận đánh dấu cái exit vào Pittsburgh nhưng không tài nào vào được. Trời tối mịt. Tuyết vẫn rơi lả tả, gió rít vù vù ngoài xe. Các bảng chỉ đường bị tuyết phủ kín. Trên xa lộ có rất ít xe cộ qua lại. Tôi vòng đi vòng lại trên xa lộ mấy lần mà vẫn không vào được thành phố. Tôi tự dưng cảm thấy như vừa đánh mất niềm tự tin của một tráng sinh Hướng Đạo mà tôi đã từng có được từ lâu. Chính lòng tự tin nầy đã giúp tôi vui sống, mưu sinh thoát hiểm, vượt qua bao gian khổ trong tù Cộng Sản trên núi rừng ở quê nhà.

Bình xăng của chiếc xe nhỏ đã vơi. Tôi không khỏi liên tưởng đến những cảnh người lái xe bị chết cóng giữa xa lộ khi xe họ thình lình bị hư hỏng hay hết xăng
để sưởi ấm giữa cơn bão tuyết. May thay, tôi tìm được một trạm xăng, liền tạt vào mua và hỏi thăm đường. Một nhân viên trạm xăng chỉ đường cho tôi. Tôi chạy một chặp và khám phá ra mình đã “trở về chốn cũ”. Tôi đâm lo. Tôi không ngại về đến nhà lúc nửa đêm nhưng tôi lo là đã thất hứa với chị Tuyết, người đã cho tôi mượn thẻ tín dụng, rằng tôi sẽ đem xe về trả vào buổi chiều. Khi ra đi từ Pittsburgh tôi vội vã đã quên không xin số điện thoại của chị nên khi cần không gọi chị được. Tôi ghé vào một trạm xăng khác. Nhân viên ở đây xin lỗi là họ không rành đường đủ để hướng dẫn tôi. May thay, một cụ già lái chiếc xe cũ kỹ vừa ghé vào trạm mua xăng. Tôi lại gần hỏi thăm ông đường đi ngay. Ông vui vẻ lắng nghe tôi nói tôi ra đi từ đâu và về từ hướng nào trên bản đồ. Ông không nhìn vào bản đồ mà chỉ hỏi sơ về vùng tôi muốn về rồi nói:
– Cậu chờ tôi lấy xăng xong tôi sẽ dẫn cậu đi. Đường sá thành phố nầy rắc rối
lắm. Cậu từ xa đến, bị lạc trong đêm tuyết giá cũng là chuyện thường thôi.
Lấy xăng xong, ông cụ chạy chậm cho tôi theo sau. Chạy được 15 phút, ông dừng lại bên đường và bảo tôi quẹo trái hai lần sẽ gặp đường Jackson mà tôi muốn tìm. Thấy tôi ngần ngừ ông cười:
– Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, tôi biết rõ đường sá vùng nầy lắm. Cậu cứ tin tôi đi, làm theo lời tôi hướng dẫn thì sẽ gặp đường Jackson.
Tôi cảm ơn ông cụ và lái về hướng ông cụ chỉ dẫn. Đường Jackson hiện ra trước mặt. Tôi nhẹ nhỏm. Đồng hồ đã chỉ quá 9 giờ đêm.

Về đến nhà, tôi lật ngay niên giám điện thoại tìm số của chị Tuyết. Có mấy người tên Tuyết nhưng may thay tôi gọi được chị. Tôi xin lỗi chị ngay vì đã về trễ, gọi chị trễ vì bị lạc đường. Chị mừng rỡ nói:
– Tạ ơn Chúa. Anh đã về tới. Thời tiết trở xấu, tôi đang lo không biết anh có trở lại Pittsburgh được an toàn không. Bố tôi cũng lo…
Chị ngập ngừng. Tôi đỡ lời ngay:
– Bác lo là phải chị à. Lỗi tôi không xin số điện thoại của chị để gọi trước khi rời Jamestown. Tôi xin lỗi bác và chị nhiều.
Chị Tuyết nói:
– Thôi không sao. Anh đi đến nơi về đến chốn là mừng rồi. Bố tôi hay lo. Anh về trễ, không gọi, bố tôi nghĩ là anh đã lái xe đi luôn mất rồi. Xin lỗi anh. Tôi cố trấn an bố tôi mà ông vẫn bứt rứt, đi tới đi lui. May mà anh gọi kịp thời chứ không ông rầy rà tôi hơn nữa.
– Bác lo là đúng đó chị. Người lớn tuổi thường thận trọng. Chị trấn an bác bằng cách nào?
Chị Tuyết cười:
– Tôi nói với bố tôi rằng anh trông mặt mày sáng sủa, ăn nói thật thà…với lại đã làm bác sĩ thì ai lại đi làm chuyện quấy như vậy.
Tôi cũng mỉm cười khi nghe chị Tuyết nói mấy tiếng “mặt mày sáng sủa, ăn nói thật thà”.

Sáng hôm sau chủ nhật tôi ghé lại nhà chị Tuyết thăm bố mẹ chị và cảm ơn chị trước khi đi trả xe. Bố chị Tuyết vui vẻ tiếp tôi và nói:
– Xin lỗi anh! Hôm qua tôi đã nghĩ không tốt về anh. Tôi biết Tuyết là người nhẹ dạ, dễ tin người.
Tôi nhận ly nước trà từ tay ông cụ mời:
– Nêu cháu là bác thì cháu cũng lo như bác vậy thôi. Chuyện lường gạt xảy ra hằng ngày.

Ông bà cụ, chị Tuyết và hai cháu ngoại nhỏ đã từ Việt Nam di tản đến Pittsburgh năm 1975. Con rể duy nhất của cụ và là chồng chị Tuyết, một sĩ quan trong QLVNCH, đã tử trận trước năm 1975 không lâu. Chị Tuyết chợt trầm tư khi ông cụ kể cho tôi nghe về người con rể quý mến của ông. Có lẽ những kỷ niệm mất mát to lớn đang trở về với chị. Khuôn mặt phúc hậu của chị chợt u buồn gợi tôi nhớ khuôn mặt người bạn nữ cùng trường trung học của tôi, lập gia đình được vài tháng thì chồng hy sinh ngoài chiến trường. Dáng u buồn, ủ rũ của người bạn cùng trường còn in đậm trong trí tôi. Chiến tranh quả tàn khốc. Chị Tuyết một mình gắng bươi chải nuôi hai con và cha mẹ trên đất mới.

Ông cụ và chị Tuyết đều có hỏi thăm về gia đình tôi và kết quả cuộc phỏng vấn vừa qua. Tôi cho ông cụ và chị Tuyết biết là kết quả các cuộc phỏng vấn chỉ có được vào tháng giêng hay tháng hai năm tới.

Sau chuyến đi “tìm kim đáy biển” lần thứ hai kéo dài gần hai tháng, tôi trở lại California. Tôi ghi tên chị Tuyết vào danh sách ân nhân của tôi. Danh sách ân nhân của tôi gồm có những người đã giúp đỡ tôi và gia đình tôi trên đường vượt biển tìm tự do và trong cuộc mưu sinh tái tạo cuộc sống mới. Tôi vẫn cố gắng duy trì liên lạc với các ân nhân qua thư từ hay điện thư.

Bố mẹ chị Tuyết qua đời cách đây mấy năm do tuổi già. Hai con chị đã khôn lớn, thành đạt và ra ở riêng. Chị Tuyết dọn từ Pittsburgh về New Jersey và vẫn tiếp tục đi làm cho đỡ cô đơn. Có lần chị định bỏ xứ lạnh về hưu ở Florida nắng ấm nhưng chưa thực hiện được.

Giáng Sinh năm 2006, thiệp Giáng Sinh của tôi gởi cho chị Tuyết đã trở lại với tôi vì không có người nhận. Tôi cố gắng tìm kiếm chị nhưng vẫn bặt tăm. Tôi hy vọng chị đã dời chỗ ở mà quên cho tôi địa chỉ mới. Tôi không dám nghĩ đến những gì bất thường đã xảy ra cho chị.

Cũng mùa đông năm 2006, tôi mất liên lạc với một ân nhân khác, một bác sĩ người Norway mà tôi quen biết trong trại tị nạn ở Mã Lai. Tôi cầu mong anh vẫn bình an vì anh còn trẻ. Anh và mẹ anh, tuổi 76, đã từng từ Norway đến Orlando thăm gia đình tôi.

Mùa đông năm nay 2007, nhìn tuyết rơi trên miền bắc nước Mỹ, tôi chạnh nhớ đến những ngày gian nan cũ và những ân nhân của tôi. Cầu mong mọi người được mãi bình an.

Orlando, đêm 12 tháng 12 năm 2007
Nguyễn Trác Hiếu

25 BÌNH LUẬN

  1. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Đêm qua trời se lạnh, nằm đọc bài viết của anh thật ấm lòng.
    Chỉ cần với tấm lòng chân thật, yêu cuộc sống,yêu người thân là mình sẽ được những trợ duyên tốt đẹp.
    Không phải nhờ cái tướng đẹp trai,mặt mày sáng sủa,nghề nghiệp bác sĩ mà chị Tuyết giúp anh đâu.Đó là do anh đã có tấm lòng chân thật, sống ngay thẳng,có mục đích, lý do chính đáng nên đã ‘cảm’ được người khác.Vì tâm thường hội thông nhau.
    Đường xa,một mình anh trong trời bão tuyết, nhưng có lẽ anh không còn thấy lạnh,vì ngọn lửa tình người đã được thắp lên.
    Bất hạnh thay cho những xứ sở mà con người chỉ thắp lên những ngọn lửa hận thù…
    Cảm ơn anh đã cho đọc một bài viết hay,nhiều ý nghĩa về cuộc sống.
    Hồ Ngạc Ngữ
    17.01.2013

  2. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Vẫn một giọng văn bình dị và lôi cuốn, em đọc nhiều lần bài viết của anh.
    Trong cái băng giá, khó khăn của những ngày vừa đến xứ người , ấm áp thay vẫn có những tấm lòng nhân ái giữa người và người, giữa đồng hương và đồng hương . Em cũng chạnh nhớ đến những ngày một mình đặt chân lên đất nước người. Em đến Toronto vào một ngày mùa đông, chiếc áo len mang theo suốt một chặn đường dài gian nan đã sờn, không còn đủ ấm nhưng đó là tất cả những gì em có bên cạnh vỏn vẹn 5 đồng bạc lẻ và một trí óc còn quá non dại. Em bất đầu cuộc sống từ đó, từ một con số không méo mó không tròn.
    Nhìn lại, đó là chuỗi tháng ngày đáng ghi nhớ phải không thưa anh.
    Dao

    • RE: Mùa Đông Năm Ấy
      Dao em,

      Anh vẫn còn giữ làm kỷ niệm chiếc áo len cũ màu xanh chị Bạch Yến mua ở chợ trời Sài Gòn ngày 23 tháng 6 năm 1975 cho anh đi tù. Nó giữ anh ấm 3 năm trong rừng sâu, anh mang nó theo khi vượt biển, nó giữ anh ấm trong trại tị nạn và những ngày đầu trên đất mới. Anh bước xuống phi trường Los Angeles với chiếc áo len cũ nhiều năm đó. Hiện giờ nó đã trở thành kỷ vật cùng với chiếc áo da đầu tiên anh mua với tiền của hội từ thiện, 15 đô la, để chống cái lạnh mùa đông miền nam California.

      Người social worker Mỹ từng ở Huế 6 năm, đón anh ở phi trường Los Angeles, đã đùa với anh khi nói, “Thưa ông Hiếu Nguyễn, từ nay tôi là nô lệ của ông” Anh bật cười với câu nói bằng tiếng Việt đó nhưng cũng vì câu nói đó, anh vẫn không cho ông ấy xách chiếc vali nhỏ, nhẹ hửng của anh (chứa hai bộ quần áo cũ do hội Hồng Thập Tự tặng). Trong túi anh không có đến 5 đô la như em. Khi từ Pulau Bidong đến Kuala Lumpur, anh đã bán kỷ vật duy nhất trên người là chiếc nhẫn cưới để đủ may một chiếc quần pantalon trước khi bước lên phi cơ bay về đất hứa.

      Bước đầu gian nan nhưng anh không buồn mà lại cảm thấy mình may mắn khi nghĩ nhớ đến những bạn thân và đồng bào nằm sâu dưới lòng đại dương. Mong có ngày mình lại gặp nhau và kể chuyẹn cũ nghe em.

      Toronto cũng đang mùa đông. Em cần nắng ấm anh gởi cho em mấy vạt.

      Hoa đào đang nở đẹp trước sân
      Anh biết mùa Xuân đang đến gần
      Thương em cóng lạnh trời Bắc Mỹ
      Gởi em vạt nắng từ phương nam

  3. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Cảm ơn anh Hồ Ngạc Ngữ đã bỏ thì giờ đọc một bài viết cũ 6 năm mà tôi moi ra được để nộp bài cho hội Y Nha Dược Florida làm báo Xuân. Báo Xuân mà tôi lại viết về mùa đông vì đề tài Xuân khó viết lắm.

    Sáng dậy đi làm, bước ra sân, nhìn hoa đào nở rực rỡ, lòng rộn lên niềm vui vì biết Tết sắp đến, Xuân sắp đến, mình già thêm một tuổi. Đưng nhìn hoa đào nghĩ được vài câu thơ thì vợ giục, “Trễ rồi anh, đi anh!” Thế là thơ Xuân bay theo gió. Ra đến phòng mạch khi chưa nghe hết một bài hát hay, muốn ngồi trong xe, vặn nhạc thật lớn để nghe giọng ca sĩ rên rỉ nhưng nhìn thấy bệnh nhân đứng ngay trước cửa phòng mạch vẫy tay chào bác sĩ, bác sĩ đành tắt máy xe, tắt nhạc vào khám bệnh. Mùa Cúm năm nay ở Mỹ nặng gấp 10 lần năm ngoái. Thiên hạ đua nhau ho, sốt.

    Chị Tuyết, giúp tôi trước khi nhìn thấy bản mặt của tôi, biết nghề nghiệp tôi. Trước khi giúp tôi chị cũng đã giúp nhiều người đồng hương từ xa đến vùng chị cư ngụ.

    Tôi luôn nhớ một câu nói của ai đó: “Những gì thật quý còn lại trên đời là tình người.” Tôi có nhiều ân nhân. Đi tù về tôi trắng tay vậy mà cả gia đình được ân nhân, bệnh nhân giúp đỡ vượt biển. Chân ướt chân ráo đến Mỹ mưoi ngày đã có người em Hướng Đạo bay ngàn dặm đưa tôi về nhà cho tạm trú. Cựu chiến binh Mỹ giúp tôi có chỗ huấn luyện để trở lại nghề. Nhiều lắm.
    Vợ vừa gọi ăn bún bò. Ôi hạnh phúc vì vừa đi tập thể dục và bơi về, bụng đang đói. Hẹn anh.

  4. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    7 giờ rưỡi chiều.
    Anh Ngữ biết không, mấy phu nhân ra hải ngoại nấu bún bò ngon tuyệt vì vật liệu, gia vị có đầy đủ. Mồ hôi còn ướt trên da đầu tôi do bún cay.

    Ước gì gặp được bạn bè ở Đồng Nai, Xuyên Mộc, Vũng Tàu, ngồi ăn tô bún bò quê hương, uống ly cà phê và đàm đạo.

    Chúc anh và gia quyến hưởng một Tết vui vẻ, năm mới hạnh phúc.

    • RE: Mùa Đông Năm Ấy
      Anh Hiếu kính mến,
      Nói về những ngày tháng đó em sẽ lan man, viết bao nhiêu cho đủ thưa anh, biết bao nhiêu điều vẫn còn y nguyên trong ký ức để kể lại, để xẻ chia dù tất cả đã lùi thật xa trong quá khứ. Anh và em có cùng một nơi tạm trú Pulau Bidong, mong một ngày nào đó em sẽ có dịp trở lại.
      Thật đúng như anh nói “no pain no gain”, những gì tạo được từ sự cố gắng, nỗ lực của chính mình qua gian nan, trắc trở thường có nhiều ý nghĩa và làm mình trân trọng và biết ơn cuộc sống hơn.
      Hình như những “ước gì “ tưởng như thả vu vơ trên trang nhà thường trở thành sự thật đó thưa anh, chắc anh nên chuẩn bị một túi thơ đầy, một bình trà thơm để bất ngờ nếu ước thành thật thì sẵn sàng để đàm đạo với các nhà thơ trên trang nhà.
      Vài hôm nay Toronto như chìm trong im lặng của băng giá, sáng sớm trước khi đi làm coi dự báo thời tiết: -20C, lạnh đến tưởng chừng ngọn gió cũng đóng thành băng cho nên vạt nắng phương nam của anh ấm áp quá, cảm ơn anh.
      Dao

      • RE: Mùa Đông Năm Ấy
        Dao à,

        Thì ra vậy. Lạnh -20C thì chắc khổ cho quý vị tiểu đường lắm!

        Mấy hôm nay nghe các ca sĩ ở Mỹ và Canada cứ hát, “Đường vào tim em ôi sao băng giá. Trời mùa đông, mây đóng băng trên trời…”

        Nhiệt độ đó làm sao người ta có thể nói, “Canada xứ lạnh tình nồng” được nhỉ?

  5. # RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Anh Hiếu làm em cũng hồi hộp theo anh những đoạn đường có băng tuyết phủ đầy mà phải chạy đua theo thời gian.Lái xe một mình ở một nơi xa lạ trời tối không tìm được lối về… anh “vững tim & to gan”lắm đó
    Hay quá! Anh Hiếu có những tác phẩm qúi báu để đời cho con cháu thấy sự gian nan khiên trì thăng tiến của cha ông sau một cuộc đổi đời to lớn

    • # RE: Mùa Đông Năm Ấy
      Cảm ơn Ngọc Bông, bận bịu làm giàu mà cũng chịu đọc chuyện lẩm cẩm thế gian.

      Anh chưa kể cho bạn bè nghe chuyện anh đêm đen đi lạc subway ở Brooklyn, New York City, như lạc vào địa ngục. Chuyện ngủ ngồi trong trạm xe buýt ở Chicago mà phải cột va li vào ngón chân để tránh cho vali không bị đánh cắp lúc đang ngủ vùi vì quá mệt mỏi. Chuyện đi bộ cả cây số trong mưa gió tìm điện thoại công cộng gọi các bệnh viện mà không tìm được chỗ đổi bạc giấy ra bạc cắc, ướt như chuột lột, nước mưa trộn với nước mắt…

      Vài năm nữa về hưu ở tuổi 80 anh sẽ ngồi viết lại hết, làm quà cho con cháu. He, he.

      Mồng một Tết nầy Y Khoa Sài Gòn lại họp Tân Niên ở California mà anh chị không dự được để tiện ghé thăm NB. Chúc NB và gia đình ăn Tết vui, năm mới phát tài, du lịch nhiều, cỡi nhiều lạc đà, voi, ngựa với GNT.

  6. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Anh Hiếu kính. Hôm nay có thì giờ, em mới có thể đọc hết bài viết của anh. Cảm ơn anh về một bài viết hay, cảm động và ý nghĩa. Em cũng có biết và nghe nhiều chuyện kể từ anh chị em ruột thịt, bạn bè của mình lần đầu đến xứ người gian nan như thế nào, nỗ lực ra sao để sống, nhưng đa số đều đạt đến được mục đích của mình, thành công toại nguyện. Chỉ thấy rằng đi hay ở, ai rồi cũng phải trải qua nhiều năm tháng vất vả để tồn tại. Có người còn “thương” ngược lại cho em sao ở lại mà vẫn … còn sống đó anh ạ! 😡
    Riêng em cũng có một chút kỷ niệm vui vui mà cũng dở khóc dở cười lúc đến Mỹ lần đầu tiên vào năm 2001. Đêm đầu tiên đó tưởng phải ngủ ngoài đường trong cái lạnh cắt da của Las Vegas lần đầu được thưởng thức, chưng hửng vì nhiều điều bất ngờ mà chẳng biết người đồng hương nào ở đó để giúp mình nên phải tự mình … giúp mình vượt qua! “Thân gái dặm trường” dám lội qua một nơi xa lạ không quen biết ai, nghĩ lại thì thấy tức cười, mà cũng thấy mình … gan không bé lắm!
    Mong đến ngày anh Hiếu về hưu để kể nhiều chuyện hấp dẫn cho chúng em nghe. Chúc anh luôn được sức khỏe và minh mẫn đến trăm tuổi!

  7. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    DT ơi,

    Anh vừa trả lời em được nửa trang thì cái Web NTH bực mình xóa mất. Anh viết lại vậy.

    Anh không mong sống đến 100 tuổi đâu vì sẽ làm khổ vợ con săn sóc. Anh nghĩ 99 cũng đủ rồi. 🙂

    Chị BY xúi anh về hưu để chị ấy có thì giờ đi thăm các cháu nhưng anh ngại ngồi nhà buồn rồi sanh bệnh nên vẫn năn nỉ chị BY giúp anh làm phòng mạch lai rai kiếm tiền đi du lịch. Anh rất ngại nhờ vã các con dù các con anh đã vững vàng.
    Chắc anh không đợi đến 80 mới ngồi viết đâu vì lúc đó nhiều bạn thân chịu đọc bài mình đã bái bai mình nhiều rồi. Năm ngoái anh mất 2 bạn thân.
    Chúc DT ăn Tết vui. Nhớ để dành bánh tét
    nhé.

  8. # RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Ây chết,nói ham làm giàu là tội cho em lắm đó. Anh H lại trêu ghẹo em . Thiệt tình em dẹp bỏ không tham lam thêm( lai rai như anh chị),chỉ mong cho an lành để làm được nhiều điều theo ý nguyện
    Món nợ em sẽ hậu hỉ với anh chị khi nào có dịp ghé Cali
    Những chuyện lẩm cẩm của anh chúng em còn muốn đọc thêm nửa đó anh

    • # RE: Mùa Đông Năm Ấy
      Anh hiểu rồi NB ơi. Em không tham lam thêm vì đang tham lam vừa đủ. Phải vậy không? Nói đùa thôi chứ em còn trẻ, tiền bạc chỉ cần đếm rồi đem gởi nhà băng thì cũng dễ thôi. Cứ tưởng tượng đồng bào mình, kể cả những cụ già, ở quê nhà, dầm mình dưới sông mò nghêu, đứt chân, lạnh cóng cũng không kiếm được 50 xu mỗi ngày. Thương quá phải không em?

      Tháng 7-2013 anh chị sẽ có mặt ở San Jose tham dự đám cưới một đứa cháu gái, mong gặp được em, đãi em Lee’s cà phê và sanwich nhé. Anh thích bánh pate chaud và cà phê San Jose lắm. Ngày xưa anh chị ngụ mấy năm ở góc đường McLaughlin (Mắt Láo Liêng)và Story đó.
      Tết vui và Năm Mới phát đạt trong thương mại!

  9. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Cảm ơn anh Hiếu chúc em ăn Tết vui. Anh nhắc đến Tết làm bồi hồi nhớ những cái Tết năm xưa. Ngày đó bà ngoại em Tết nào cũng phải nấu bánh tét 2 lần vì nhà đông con cháu và thời đó hình như ngày Xuân kéo dài hơn nên bà nấu một nồi to vào đêm 29 rồi đêm mồng 5 thêm một nồi nữa. Lúc nhỏ em rất thích phụ ngoại nấu bánh tét. Cái không khí rộn ràng của ngày Xuân, đặc biệt là đêm thức khuya bên nồi bánh tét nấu bằng củi làm nhớ mãi. Bây giờ chẳng còn nữa đâu anh. Tết đến chỉ đặt chỗ làm bánh chưng ngon một ít thôi chứ bây giờ gói thì ngán lắm! Em gửi bánh chưng biếu anh chị vậy nhé?
    Em chúc anh 100 tuổi cũng đúng thôi vì 70 tuổi mà anh trẻ như 50 thì 100 tuổi anh cũng chỉ bằng 80! Hy vọng nghe câu này rồi anh sẽ hứng chí mà ngồi viết tiếp nhiều bài hay cho tụi em đọc nữa. Ngọc Bông cũng nói ý như em đó kìa!
    Xin chúc anh chị và gia đình ăn Tết VN trên đất Mỹ thật vui vẻ hạnh phúc!

  10. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Diệu Tâm ơi,

    Hồi sáng anh vừa khám bệnh vừa viết comment, cái web của NTH lại nuốt trửng đoạn văn của anh. Trưa 12 giờ đói bụng anh đành đóng máy ra về.

    Anh cũng nhớ khoảng năm 1990, Tết, 2 đoàn Hướng Đạo VN, Quang Trung và Nhị Trưng tổ chức nấu bánh tét, bánh chưng thật vui. Vừa chụm lửa vừa hát vui như nhảy lửa trại. Bây giờ 95% các cô cậu Hướng Đạo Sinh VN đó đã là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỷ sư. Có cô đã có đến đến 4 con như con gái thứ nhì của anh chị.

    Bây giờ anh chị muốn ăn bánh chưng, bánh tét hay bất cứ món ăn truyền thống VN nào, chỉ ghé hội chợ mua thôi.

    Anh không mong sống đến 100 tuổi mà 99 vi như em biết, bên Mỹ cái gì cũng 99. Ly cà phê 2.99, bánh chưng 4.99, tô phở 7.99 vân vân.

    Này để anh submit comment kẻo web lại nuốt mất.

  11. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Bây giờ anh viết tiếp nhé. Năm nay, chị BY đang làm mứt gừng làm quà Tết vì năm nào cũng được bạn bè hoan nghênh. Mứt bánh đầy chợ VN và chợ tàu nhưng thiên hạ ngại mua, ngại ăn phải thuốc nhuộm, thuốc tẩy độc. Năm ngoái, chị BY đem mứt gừng mời bạn bè trong ngày họp mặt đầu năm, không ai dám đụng vào cho đến khi một bà ăn và khen, “Mứt gừng chị Yến làm ngon tuyệt chị em ơi”. Thế là trong nháy mắt đĩa mứt gừng lớn bốc hơi ngay. Mấy phu nhân muốn sống 100 tuổi cả để ca hát, nhảy múa, cưng cháu nội cháu ngoại. Bà sui anh chị ở Hoa Thịnh Đốn năm nào cũng chờ chị sui BY tặng mứt gừng cúng ông bà và khoe bạn bè.

    Anh thì thích để dành mứt gừng ăn lai rai cả năm. Lại gởi lên mạng kẻo bị xực.

  12. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Tết năm nay, anh cũng nhớ bạn già quê anh nhưng không về vì lễ Đống Đa sẽ không được tổ chức linh đình cho đến vài năm tới.

    Tết năm nay, NTH ở SG hay QN có tổ chức văn nghệ và họp mặt không? Có hát thì đừng hát bài cũ NVTL nhé.

    À quên, Tết Nguyên Đán ở Cali lớn và vui lắm vì đồng bào mình sinh sống rất đông bên đó. Có cả nửa triệu người Việt sống ở vùng nắng ấm Cali. Anh nghe đài truyền hình tiếng Việt SBTN nói San Francisco năm nay chuẩn bị ăn Tết Rắn kỹ lắm. Em có bay qua ngồi nhìn cầu Golden Gate hay Bay Bridge rồi bỏ quên áo nữa không?

    Mỗi năm anh chị ăn Tết dài dài đến cuối tháng 2 tây. Nào là Tết Công Giáo, Tết Cộng Đồng, Tết Y Nha Dược, Tết Phật Giáo, Tết Hội Đoàn. Năm nào cũng có thi hoa hậu giới trẻ và giới phu nhân. Văn nghệ có ca sĩ chuyên nghiệp và địa phương hát hay. Ngồi nghe pháo Tết nổ, xem múa lân, ngửi mùi pháo thơm, nghe nhạc Xuân làm lòng người vừa náo nức vừa nhớ nhà. Có năm Duy Khánh còn sống đến hát bài Xuân Nầy Con Không Về làm anh ứa nước mắt vì nhớ mẹ già ở Sài Gòn.

  13. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Chà, chiều thứ 7 rảnh rang, anh ngồi viết nhiều quá, choáng hết chỗ của NTH.
    Thôi anh ngưng và chúc mọi người hưởng Tết Quý Tỵ thật vui tươi và hạnh phúc.

  14. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Anh Hiếu ơi, sáng nay đọc các comments anh gửi vui quá. Em tưởng chỉ có web ở VN mới hay đứt ngang xương chứ sao ở Mỹ cũng bị?
    Anh nhắc đến nhiều kỷ niệm làm ngay em đang ở SG còn thấy … nhớ theo! Mấy hôm nay đi siêu thị hay nghe những bài hát Xuân như anh kể, thấy … buồn chứ không vui vì những bài hát này gắn liền với một thời đã xa, đã qua lâu lắm rồi. Nhưng lúc nào nghe lại cũng thấy hay và tha thiết.
    Cũng như anh, em sợ đứt web giữa chừng nên phải gửi đi lời cảm ơn các comments kể chuyện Tết ấm áp của anh. Gửi xong rồi mới đi ra khỏi nhà! Hôm nay em có hẹn với các bạn đồng nghiệp cũ lúc em làm việc cho 1 công ty Pháp ở Khu Công Nghiệp Biên Hòa ( từ năm 1997-2000 ), họ đãi nhau ăn bún bò Huế – lại bún bò, như anh đã được chị Bạch Yến nấu cho anh ăn đó. Có nhiều bạn em ở Mỹ nói phở Bắc hay bún bò Huế ở Mỹ ngon hơn ở Việt Nam. Lúc em qua Úc và Mỹ ăn 2 món này thì em thấy … là lạ. Nhưng xa nhà rất thèm thức ăn VN nên ăn gì cũng thấy ngon. Lạ nhất là những ngày ở Mỹ em thèm đến điên luôn cơm trắng ăn với rau muống chấm nước mắm dầm hột vịt!
    Em cũng lại dài dòng nữa rồi. Chỉ vì thấy anh bảo anh viết nhiều quá “choáng hết chỗ”. Không có đâu! Em tin rằng các bạn đều rất vui khi đọc những gì anh viết. Lần này thì em chúc anh sống đến … 99 tuổi như anh muốn! Thật vui, thật khỏe! 🙂

  15. Gửi anh Hiếu
    Em đọc anh viết cho chị Diệu Tâm lúc thì trang web NTH “nuốt trửng” lúc thì “xực”, ” nuốt mất” mà tức cười, không biết trang nhà “tham ăn” chỗ nào, hay là tại vì comments của anh “ngon”? 🙂

    • RE: Gửi anh Hiếu
      Dao ui,

      Comments của anh ngon là cái chắc vì đủ món ăn truyền thống Tết VN mà người xứ lạnh hay thèm.

      Chắc web giống người quá?

      • RE: Gửi anh Hiếu
        Anh có nhớ trong bài Nhớ Bạn của Vũ Thị Kim Phượng có chàng “Học Sinh Cường Để” nào đó viết như thế này:
        [i]Ước gì được thấy quý nương trong áo dài nữ sinh, tay xách cặp, miệng nhai quà vặt.[/i]
        Bây giờ comments của anh vì ngon quá nên bị “nhai” là lời ước trở thành sự thật rồi đó 😆 😉

  16. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Hôm nay H mới có dịp đọc câu chuyện này, thật cảm động vì tình người tha phương… lại chợt nhớ đến những mẫu tin vặt về trộm cướp giết nguoi hồi này đầy dẫy trên báo chí.
    những cây quít trồng trên cùng đất phương nam xưa ngọt ngào, cũng giông quít ấy bây giờ bổng chua lét, còi cọt. Lỗi ở người chủ vườn.

  17. RE: Mùa Đông Năm Ấy
    Hello Hà Xưa!

    Quít xưa thì ngọt, Hà Xưa thì xinh. Anh thấy hình Hà Xưa như cô dâu trong loạt hình đám cưới.
    How is Phương Anh? Chúc hai chị em và gia đình ăn Tết vui nhé. Anh nhớ Tết Cali ghê. Anh đã sống cả ở Los Angeles
    khi mới đến Mỹ và cả San Jose 4 năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả