Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Ray Rứt

Trời miền Bắc Louisiana trở lạnh. Tuyết rơi nhẹ khi tôi đang lái xe trên đường đến bệnh viện lúc 6 giờ sáng. Tôi bắt đầu ngày làm việc ở khu Săn Sóc Đặc Biệt của Trẻ Sơ Sinh lúc 6 giờ 30. Tôi phải đi qua khu SSĐB này 4 tháng trong năm đầu của chương trình huấn luyện hậu đại học Nhi Khoa.

Một buổi sáng, khi tôi đang đứng rửa tay trước khi vào phòng SSĐB thì cô y tá người Mỹ lai Nhật đến gần tôi nói nhỏ:
– Dr. Nguyen, the boy’s gone!
Tôi giật mình lo âu. Hai bàn tay tôi tự động ngưng cọ xát vào nhau. Tôi quay lại hỏi cô y tá:
– Khi nào vậy Kim?
Cô y tá đáp nhỏ như không muốn người chung quanh nghe:
– Khi hôm.

Tôi chưa kịp hỏi thêm điều gì, cô đã lặng lẽ quay trở về phòng làm việc của cô. Trước đó vài tuần tôi có nhận một trẻ sơ sinh thiếu tháng được chuyển từ bệnh viện khác đến. Tôi không nhớ tên thật của em bé là gì. Em gầy như một bộ xương. Đầu em dài, trán cao, mắt lớn, tay chân lòng khòng như những que củi. Y tá gọi đùa em là ET. ET bị bệnh phổi do sanh thiếu tháng. Lượng thán khí trong máu em thường tăng rất cao. Cả hai y sĩ giảng huấn của khu SSĐB đều để ý nhiều đến trường hợp của ET nhưng khổ thay họ lại không đồng ý với nhau trong phương cách trị liệu. Một sáng, viên y sĩ người Mỹ trắng ra lệnh trị liệu một cách. Sáng hôm sau, viên y sĩ người Ấn Độ vào sừng sộ tôi và ra lệnh điều trị cách khác. Tôi rất khổ tâm về sự bất đồng ý kiến của hai y sĩ giảng huấn nhưng không làm gì hơn được. Bệnh tình của bé ET càng ngày càng nặng. Một hôm cô y tá trưởng phòng đứng quan sát ET rồi lắc đầu chán nản:
– Có lẽ ET sẽ không qua khỏi đâu bác sĩ, mà nếu ET không qua khỏi thì họ sẽ không ngại đổ lên đầu bác sĩ một trăm thứ tội đó. Bác sĩ nên cẩn thận. Đã có những trường hợp tương tự như trường hợp của ET xảy ra trước đây và tại đây. Hai y sĩ giảng huấn không chịu ngồi lại thảo luận với nhau và đưa ra cách trị liệu chung có lợi cho bệnh nhân, kết cuộc bệnh nhân mất.

Sáng hôm ấy, khi tôi vừa nghe cô y tá Kim nói “The boy’s gone” tôi lại nghĩ ngay đến ET. Tôi vội vã đi thẳng về phía chiếc nôi của ET ở cuối phòng. Ngạc nhiên thay, ET vẫn còn nằm đó thoi thóp, đầu mình tay chân còn nối liền với nhiều dây nhợ của máy giúp thở, máy theo dõi tim và mấy túi dung dịch. Tôi cảm thấy như vừa trút được một tảng đá nặng đè trên lồng ngực. Tôi đếm đi đếm lại hai lần các bệnh nhân tí hon của tôi. Còn đủ cả tám. Mấy em bé sinh thiếu tháng, có em chỉ lớn bằng cườm tay, vẫn nằm yên trong những chiếc lồng ấp hay trong những chiếc nôi nhỏ. Tôi hỏi cô y tá Kim:
– Kim ơi, Kim nói “The boy’s gone” là em nào vậy?
Kim hạ giọng giải thích:
– Xin lỗi bác sĩ. Ý tôi nói em bé Benson ở phòng bên kia.
– Chuyện gì đã xảy ra cho Benson, em ấy mất rồi à?
Tôi hỏi nhanh. Kim đáp:
– Không mất bác sĩ. Khi hôm họ chuyển Benson về lại bệnh viện Monroe nơi mà trước đây em ấy được sinh ra và được giải phẩu ruột.

Tôi bước qua phòng bên cạnh nơi Benson nằm. Phòng nầy dành riêng cho trẻ sơ sinh lớn hơn không cần đến máy giúp thở. Chiếc nôi của Benson còn đó nhưng trống rổng. Cả những đồ chơi đủ màu, đủ loại của Benson thường được treo lủng lẳng bên nôi của em cũng đã biến mất. Vừa bớt lo tôi lại thấy buồn. Rõ ràng có một thứ gì trống vắng trong căn phòng nầy. Tôi đang đứng thờ thẫn nhìn chiếc nôi trống của Benson thì một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi. Bàn tay của người nữ y tá trung niên tên M. làm việc trong phòng nấy. Giọng bà M. run run:
– He’s gone. He’s gone last night, Doc. My baby’s gone.
Nước mắt bà lăn dài trên hai gò má. Tôi dìu bà ngồi xuống trên một chiếc ghế. Bà kể lể:
– Tội thằng bé quá. Rồi đây ai sẽ săn sóc nó? Rồi nó sẽ ra sao? Tôi thương nó như con ruột tôi bác sĩ ơi. Tôi sẽ xin phép nghỉ một tuần đi Monroe thăm con trai tôi.
Nói xong bà lại tiếp tục khóc. Tôi thấy nặng lòng thêm. Tôi an ủi bà mấy câu. Bà lau nước mắt nhưng vẫn còn thút thít. Tôi trở lại với công việc của tôi trong khu SSĐB.

Khi vừa đến khu SSĐB nầy, tôi được một bác sĩ thường trú khác bàn giao lại cho tôi mươi bệnh nhân trong đó có Benson. Hồ sơ bệnh lý của Benson dày hơn nửa tấc. Tôi phải mất hơn nửa giờ để đọc qua và tìm hiểu về những diễn tiến bệnh tình của Benson. Benson ra đời tại một bệnh viện nhỏ ở miền Đông Bắc tiểu bang Louisiana. Mẹ của Benson là một cô bé da đen 15 tuổi. Ra đời vừa được vài hôm thì Benson bị chứng nghẽn ruột và được giải phẩu. Y sĩ giải phẩu đã cắt bỏ đi một đọan ruột thật dài bị chết của Benson. Khi Benson còn đang nằm trong phòng hồi sức thì mẹ Benson bỏ trốn khỏi bệnh viện. Nhân viên bệnh viện không tìm ra được thân nhân nào của Benson nên đành nuôi em. Benson thường bị tiêu chảy do hỗn lọan tiêu hóa. Bệnh viện nhỏ không đủ phương tiện nuôi trị em nên chuyển em đến khu SSĐB của bệnh viện lớn nầy của chúng tôi. Benson không ăn uống được như một em bé bình thường vì ruột của em bị cắt ngắn không đủ khả năng tiêu hóa và hấp thụ thực phẩm. Em được nuôi bằng những dung dịch đặc biệt truyền qua tĩnh mạch. Tay chân em lúc nào cũng được nối liền với những đường dây truyền thực phẩm hay thuốc men. Khi tôi nhận Benson, em gầy như một con mèo con nhưng em tự thở được. Các y tá biết Benson bị bệnh nặng mà lại không có cha mẹ nên họ săn sóc em rất chu đáo. Thấy em lớn chúng tôi ai cũng mừng, tuy nhiên bệnh tiêu hóa thường trở đi trở lại, có lúc làm em làm em tiêu chảy liên tục và mất nước. Nhiều lần khác Benson bị viêm gan hay sưng phổi. Mỗi lần nhận thấy Benson không vui, không cười và da em tái đi là chúng tôi lo âu vì biết em sắp trở bệnh.

Trong khu SSĐB, sinh viên y khoa, y tá, bác sĩ ai cũng biết Benson không có mẹ nên thường ghé thăm em và tặng em đủ thứ đồ chơi đủ màu, đủ lọai. Benson rất thích những đồ chơi phát ra tiếng nhạc và những chú gấu con. Lúc mạnh Benson đùa giỡn với mọi người và cười sằng sặc. Lúc bệnh cũng cố nhoẻn miệng cười với những ai quen mặt. Benson tuy còn bé nhưng khá thông minh và giỏi chịu đựng. Tôi không thấy Benson khóc nhòe như nhiều em bé khác. Điều nầy làm tôi ngày càng thương em vô hạn. Có ngày em phải chịu kim đâm vào mạch máu bốn năm lần mà vẫn cố gắng nhắm nghiền mắt, nhăn mặt chịu đau. Đôi khi tôi thấy nước mắt Benson tràn ra trên hai má em nhưng Benson không la hét hay vùng vẫy. Em chỉ thút thít đôi chút rồi nín. Tôi thường rất khổ tâm khi hai y sĩ giảng huấn thay phiên nhau ra lệnh cho tôi rút máu Benson làm đủ thứ thử nghiệm. Thương em quá, có lần tôi phải nhờ y tá từ phòng khác làm việc nầy thay tôi. Nhiều lần tôi thấy tim tôi đau nhói khi tôi đâm kim vào mạch Benson, nghe em rên và gồng người chịu đựng. Cũng có lúc tôi nhận thấy một chút oán trách hiện lên trong mắt em khi tôi phải chuyền dung dịch nuôi em. Những lúc đó tôi thường bồng Benson vào lòng, vỗ về em ít lâu để em quên đi đau đớn. Các y tá trong khu SSĐB thương Benson như con ruột của họ. Y tá và những bà mẹ tình nguyện thường để dành thì giờ thay nhau bồng bế, nâng niu, vỗ về em. Có lần tôi nghe y tá nói với nhau, “Đừng nói lớn quá. Để cho Benson của tôi ngủ” hay “Đã đến giờ tôi đi lo tắm rửa cho con trai tôi rồi” hay “Benson lên được mấy pound đó mấy bạn ơi”.

Bác sĩ thường trú chúng tôi phải thay phiên trực gác mỗi 2-3 ngày. Ngày trực gác chúng tôi phải làm việc liên tục và phải thức suốt 36 tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau phiên trực vẫn phải tiếp tục làm việc. Ngày không trực gác bắt đầu từ 6 giờ 30 đến 9 hay 10 giờ đêm mới bước ra khỏi bệnh viện. Làm việc quá sức và thiếu ngủ triền miên làm chúng tôi, ngay cả những người còn trẻ, trở nên uể oải, mệt mỏi thường trực. Nhiều đêm tôi phải uống nhiều ly cà phê đen lớn để chống chọi với những cơn buồn ngủ. Một đêm, vào khoảng 4 gìờ sáng, tôi ngồi viết hồ sơ xuất viện cho bệnh nhân mà thình lình ngủ gục. Tôi vội đứng lên đi lại trong phòng. Khi đi ngang qua nôi Benson tôi ngạc nhiên thấy em đang yên lặng ngồi chơi với hai chú gấu nhỏ. Benson thức giấc ngồi chơi một mình mà không gây một tiếng động hay đòi ai bồng ẵm. Tôi lại gần nôi Benson. Benson nhìn tôi nhỏen miệng cười. Nụ cười trẻ thơ thật đẹp. Tôi cười đáp lại và hỏi nhỏ:
– Benson, em không ngủ à? Giờ nầy còn sớm quá mà sao em đã thức dậy rồi?
Benson ngẩng lên nhoẻn miệng cười lần nữa rồi cúi xuống tiếp tục chơi với hai chú gấu. Tôi cúi xuống đưa một ngón tay đụng vào bụng một chú gấu. Thình lình bàn tay nhỏ xíu của Benson chụp lấy ngón tay tôi và giữ thật chặt. Benson vừa lắc ngón tay tôi vừa cười. Tôi có cảm tưởng Benson muốn tỏ cho tôi biết là em vui mừng thấy tôi có mặt bên em trong khoảng thời gian khuya khoắt đó. Trong phòng của Benson ngày cũng như đêm đèn luôn luôn sáng. Có lúc tôi tự hỏi không biết Benson có phân biệt được ngày với đêm không. Lại gần chơi với Benson tôi tỉnh ngủ. Tôi cúi xuống hôn lên trán em. Mùi da thịt trẻ thơ thơm dịu. Benson cười trả như cảm ơn. Tôi nghĩ đến đứa con trai bé bỏng của tôi lúc ấy đang ngủ say trong giường ấm bên mẹ ở nhà. Mỗi ngày qua, tôi càng thấy thương Benson hơn. Tôi dỗ Benson ngủ lại. Em ngoan ngoãn nằm xuống giữa hai chú gấu và nhắm mắt ngủ. Tôi liếc thấy trên nôi của Benson có ai treo một tấm thiệp trong đó in một bài thơ.

A Baby’s Prayer
Dear Lord, I am so newly come
I do not know my name
I do not even know yet, Lord,
If I am glad I came
Grant me the time to grow in love,
Rejoice that I am here,
Bless those who make me warm and dry.
Lord, keep my mother near.

Tôi trở lại với chồng hồ sơ nhưng không tiếp tục viết được. Bài thơ làm tôi suy nghĩ mông lung. Bài thơ làm tôi nhớ về những em bé tìm vú bên xác mẹ nơi những con đường di tản ở quê nhà năm xưa hay trên những chiếc ghe vượt biển tìm tự do bị hải tặc Thái Lan tàn sát trên biển đông.

Đêm dài lặng lẽ trôi. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường nghe rõ mồn một. Tôi nhìn qua khung của sổ rộng. Chỉ có những bức tường xám đen, vô tri, lạnh lẽo của những toà nhà cao ngất đứng sừng sững bên cạnh bệnh viện. Không có lấy một khung trời nhỏ. Không một bóng mây. Không một ánh trăng. Không một vì sao. Tôi lại chợt nhớ về những vì sao đêm trên vùng trời lao lý Hốc Môn, Tây Ninh, Cà Tum, Đồng Ban, Suối Máu. Nhớ những đêm nhìn sao rơi mà mơ uớc được sống cuộc đời tự do.

Trong phòng vài y tá trực đi lại như những chiếc bóng. Họ không nói cười vui vẻ như lúc đầu đêm vì họ cững đã thấm mệt vào những giờ cuối của một phiên trực. Họ cũng đang cần giấc ngủ như tôi.

Benson thường trở bệnh nhưng dần dần cũng lớn lên thành một chú bé 6 tháng dễ thương. Khuôn mặt em bầu bĩnh, hai mắt tròn và đen láy, nụ cười tuyệt đẹp. Có một ngày tôi nghe hai y tá nói với nhau:
– Chừng nào họ chụp hình ruột cho Benson vậy Jennifer?
– Sáng mai.
Cô y tá tên Jennifer đáp. Người kia lại hỏi:
– Chụp làm gì? Benson bị gì mà phải chụp hình?
– Tôi không rõ, Melissa.
Cô Jennifer lại đáp.

Hai y sĩ giảng huấn cho lệnh chụp hình ruột Benson mà không giải thích gì cho chúng tôi biết. Ngày hôm sau, Benson trở lại từ phòng quang tuyến, mệt lã, xanh mét và nằm thiêm thiếp. Benson đã phải uống chất cản tuyến để chụp hình ruột. Đợi 2-3 ngày không thấy kết quả hình ruột của Benson về, tôi đến phòng quang tuyến hỏi thì được cho biết kết quả đã được gởi riêng cho hai y sĩ giảng huấn rồi. Tôi nói chuyện với cô y tá trưởng. Cô ta buồn bực phát biểu:
– Chúng tôi cũng có thắc mắc như bác sĩ vậy và đã tìm ra lý do rồi. Họ giữ nuôi Benson 6 tháng nay là có mục đích.
Tôi hỏi:
– Mục đích gì vậy cô?
– Họ thí nghiệm. Họ nuôi Benson để xem khúc ruột bị cắt của em có dài ra sau 6 tháng hay không.
Thấy cô y tá không vui, tôi nhỏ nhẹ:
– Mà sao cô biết được chuyện nầy?
– Chính bác sĩ B. trưởng nhóm bác sĩ thường trú tiết lộ. Họ muốn giữ kín chuyện nầy.
– Cô có biết kết quả của hình ruột Benson ra sao không?
– Họ nói khúc ruột còn lại của em không dài ra chút nào sau 6 tháng và họ quyết định ngưng cuộc thí nghiệm để tránh tốn kém.

Hai hôm sau khi Benson được chuyển trả lại bệnh viện Monroe nơi em ra đời thì chứng tiêu chảy trở nặng. Bệnh viện nhỏ Monroe bó tay. Benson mất liền sau đó. Tin buồn bay mau về lại bệnh viện chúng tôi. Nhiều y tá khóc rưng rức. Bà y tá M. gặp tôi, mếu máo:
– Họ giết con trai tôi rồi bác sĩ ơi. Tôi chưa kịp đi thăm con tôi thì con tôi đã không còn nữa. Sao họ có thể tàn nhẫn đến như vậy bác sĩ? Họ chỉ cho con tôi sống có 6 tháng ngắn ngủi thôi. Chúa ơi, nó có tội tình gì đâu mà phải bị trừng phạt?
Tôi an ủi bà M. mà lòng tôi cũng mềm nhũn thương xót Benson. Cô y tá T. lại gần chúng tôi thì thầm:
– Xin chị M. bớt buồn. Tôi có cái nầy tặng chị.
Hai chúng tôi ngước nhìn cô y tá T. dò hỏi. Cô hạ giọng:
– Khi vừa nghe phong phanh họ sắp chuyển Benson của chúng mình về lại Monroe, tôi lén đem máy ảnh vào chụp hình em vì tôi nghĩ chúng mình sẽ không bao giờ được dịp gặp lại để nuôi nấng, săn sóc em nữa. Tôi nghiệp thằng bé quá.
Cô y tá T. tặng bà M. và tôi mỗi người một tấm ảnh của Benson đang ngồi cười thật tươi trong nôi và dặn:
– Chị và bác sĩ biết rõ luật ở đây rồi. Họ cấm chụp hình như vậy. Nhớ kín miêng hộ tôi.

Mấy hôm sau, tôi cố gắng thu xếp thi giờ duyệt lại hồ sơ bệnh lý của Benson. Tôi khám phá ra rằng đã có hơn 40 bác sĩ tham dự khám nghiệm và điều trị cho Benson trong 6 tháng em được nuôi dưỡng ở bệnh viện nầy. Phòng tài chánh của bệnh viện cũng kín đáo cho tôi biết họ đã chi gần nửa triệu đô la cho Benson. Riêng tôi, tôi không nghĩ là họ đã chi cho Benson mà chi cho cuộc thí nghiệm trên môt em bé bất hạnh của hai y sĩ giảng huấn của bệnh viện họ.

Mười sáu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn còn ray rứt về sự tàn nhẫn của hai y sĩ giảng huấn thuộc khu SSĐB của trẻ sơ sinh. Tôi tự hỏi họ có nhìn ra được Benson là đứa trẻ bất hạnh, đáng thương hay không? Họ có thiếu gì cách để nuôi em lớn lên thêm, để em có đủ thì giờ vượt qua được bệnh tật như lời cầu nguyện trong bài thơ A Baby’s Prayer mà ai đó đã gắn trên nôi của em.

Grant me the time to grow in love
Rejoice that I am here…

Benson chỉ được sống võn vẹn có 6 tháng nhưng đã để lại bao nhiêu thương cảm trong lòng những người đã gần gũi, săn sóc em. Tôi biết suốt đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên em, Benson, một trẻ thơ bất hạnh.

Nguyễn Trác Hiếu
Orlando, đêm 14 tháng 11 năm 2000

27 BÌNH LUẬN

  1. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Hình này của bốn bạn lớp 6/4,7/4,8/4,9/4 NK 69-76. Hiền nhận ra ngay Văn Thu Hồng, Lê Trinh Thục và Trần Thị Hiếu, riêng bạn Định thì Hiền không biết.

  2. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Hiền ơi, hình này Trinh Thục gởi về. Dao cũng nhận ra ngay Hồng, Thục, Hiếu. Định thì D cũng ngợ ngợ không biết có phải Đỗ thị Định?
    Dao

  3. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Dao, Hiền nghĩ đây không phải là Đỗ Thị Định 6/1 ban Pháp Văn. Chắc Định này là Định của 6/4!?

  4. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Mặc dù không cùng niên khóa, nhưng nhìn “bộ tứ” này rất là quen… thực ra biết mà không quen, chỉ có Admin Ngọc Dao (với mình
    ) lạ hoắc à… 🙂

  5. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Mình nhận ra Định là Vũ Thị Kim Định. Hồi tiểu học, trước khi vào Mai Xuân Thưởng, mình có học chung với Định lớp 2 ở trong…chùa Long Khánh. Không biết Định còn nhớ không. Mới đây, mình có nghe Hồng nhắc đến Định.

  6. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Các bạn đúng rồi, đây là Vũ Kim Định, hồi trước học ban B, nhà ở cổng chùa Long Khánh. Bây giờ thì Định ốm lắm, mình vẫn gặp, vì cùng dạy chung với nhau, trước là cùng huyện Hoài Nhơn, sau về cùng trường trên Phú Tài.

  7. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Đúng là Kim Định, hồi trước nhà ở cổng chùa Long Khánh, học ban B, nhưng hồi sau GP, học ban văn – Anh với mình, Hiện Định vẫn dạy học ở Phú Tài, nhà ở Quy Nhơn, đã lên chức bà ngoại rùi, hì hì.

  8. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Nghe Trinh Thục có về QN trước đây sao không ghé lại TH & Nguyễn Thị Bình chơi? Nhìn lại tấm hình 4 đứa mình mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Cảm ơn Trinh Thục nhiều nha. Năm ngoái Phạm Thị Hiếu có về đám tang bác gái. Sau đó TH và Hiếu có lên nhà Vũ Thị Kim Định chơi, có Trinh Thục nữa là đủ bộ tứ rồi 🙂 Những bạn ở lại QN này mỗi lần gặp mặt luôn nhắc, nhớ nhiều các bạn đã đi xa và rất mong ngày gặp lại.

    • Hong Thuc Dinh Hieu
      Ngoc Dao co cho Thuc email cua Hong va Thuc co gui email tham Hong nhung khong thay tra loi. Khong biet Hong cho nhan duoc khong? Thuc rat nho va mong gap lai Hong va cac ban. Lan sau ve VN nhat dinh se danh nhieu thoi gian o Qui Nhon de di tham cac ban.

      Trinh Thuc

  9. RE: Hồng Thục Định Hiếu
    Thục ơi H xin lỗi vì lâu lắm rồi H không lên mạng. H mới check mail nhưng không thấy email của Thục. Thục có gởi đúng mail address không? H ghi lại nha: thucquyen2004@yahoo.com
    Nguyễn Thị Bình cũng nhắc đến Thục nhiều lắm. Bình ít lên mạng được nên H ghi số phone của Bình cho Thục khi nào có thể thì liên lạc cho vui nha: 0918677225.
    Chúc Thục và gia đình vui khỏe!

  10. RE: Ray Rứt
    Anh Hiếu kính, cảm ơn anh cũng đã gửi cho em qua email đường link bài Ray Rứt. Bài này em đã đọc trong trang cuongde khá lâu rồi, lúc đó đọc xong em đã rất xúc động về và ngưỡng mộ tấm lòng bác ái như TỪ MẪU của anh.
    Cảm ơn anh đã cho em đọc lại bài này một lần nữa. Lời cầu nguyện trong bài thơ “Baby’s Prayer” đâu có gì là khó khăn, to tát, nhưng sao đối với bé Benson cũng như nhiều trẻ thơ bất hạnh khác trên đời này mãi mãi chỉ là giấc mơ không có được:
    “Grant me the time to grow in love

    “Bless those who make me warm and dry”…

  11. RE: Ray Rứt
    Cảm ơn Diệu Tâm đã chịu khó đọc lần thứ 2. Admin đăng lại trên web NTH để những ai chưa đọc thì đọc trước mua vui sau làm nghĩa. Anh thật tình không dám nhận mấy chữ “lương y như từ mẫu”. Hì, hì!

    • RE: RE: Ray Rứt
      Em xin lỗi anh Hiếu, có lẽ vì em muốn nói lên tấm lòng nhân hậu bao la của anh – người bác sĩ đối với bệnh nhân của mình nói riêng, của một SỰ SỐNG nói chung, nhưng chưa tìm được đúng từ để diễn đạt, mà nếu viết luôn thì không nhấn mạnh được ngữ nghĩa. Em để vào ngoặc kép với ý nghĩa đó, nay sửa lại thành chữ in hoa có lẽ thích hợp hơn. Em cũng không dám .. nhét phong bì cho anh đâu, vì bao nhiêu cho đủ với tấm lòng cao cả của anh, thôi em chỉ xin cúi mình chào anh với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ.

  12. RE: Ray Rứt
    Có lẻ không nghề nào phải đối diện với sự sống chết và lương tâm nhiều như ngành y. Nhưng dù sao bé Benson cũng đã ra đi trong ấm áp, còn có những cái chết của trẻ con lạnh lẽo ở hành lang bệnh viện vì mẹ không đủ tiền chửa trị đó anh Hiếu ơi.
    Phải chi con người ta có chút ray rứt thì cuộc sống đã tốt đẹp hơn nhiều

  13. Kính gửi anh Hiếu,
    Anh Hiếu ơi !
    Đêm qua đọc xong bài này, Ngữ nằm thao thức cả đêm, trong đầu cứ hiện ra hình ảnh của bé Benson được người ta đem ra làm vật thí nghiệm y khoa như những chú chuột bạch.Tội nghiệp cho bé Benson quá!
    Tại sao người ta không chữa trị cho bé Benson bình thường như những đứa trẻ khác? Nếu bé có ra đi thì lương tâm người thầy thuốc cũng đỡ ray rứt hơn.
    Trường hợp của bé Benson đặt ra một vấn đề: có nên dùng con người để làm vật thí nghiệm cho khoa học không,dù với mục đích cao cả?
    Theo đạo Phật,phương tiện và mục đích là một.Không thể dùng mục đích tốt để biện hộ cho phương tiện xấu.
    Anh Hiếu ơi !
    Ngành nào,nghề nào cũng có rất nhiều hạng người,anh Hiếu ạ !Thôi hãy tin rằng ai làm ác sẽ gặp quả ác, ai làm lành sẽ được quả lành,để lương tâm mình đỡ ray rứt, phải không anh ?
    Cảm ơn anh đã cho đọc một bài viết rất hay, đầy lương tâm nghề nghiệp.

    • RE: Kính gửi anh Hiếu,
      Cảm ơn và đồng ý với anh Ngữ về lời khuyên “Ở lành gặp lành, ở ác gặp ác”.
      Chúc anh luôn vui khỏe, sáng tác hăng.

  14. RE: Ray Rứt
    Anh Hiếu ơi,
    Bài viết cảm động quá. Em được hiểu thêm về một góc đời, góc nghề. Em thiết nghĩ, thí nghiệm y học trên cơ thể người cũng cần thiết vì sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe con người. Nhưng ở đây không phải là sự tự nguyện cao cả của người được thí nghiệm mà họ đã lợi dụng sự vô thừa nhận của một sinh linh bé bỏng. Và khi đã đạt được điều muốn biết thì chuyện đau lòng ấy đã xảy ra, trong khi ” họ có thiếu gì cách để nuôi em lớn lên thêm, để em có đủ thì giờ vượt qua được bệnh tật…”. Em hiểu, đó là sự RAY RỨT của lương tâm, của những người có mặt trong cuộc đời Benson ngắn ngủi.
    Kính chúc anh luôn dồi dào sức khỏe.

    • RE: RE: Ray Rứt
      Ngô Thanh Vân em,
      Trên bình diện y học, anh nghĩ thí nghiệm trên sinh vật là cần thiết để phát triển y học hữu ích cho nhân loại nhưng bản thân anh thì anh không nhúng tay vào những thí nghiệm đó vì anh tôn trọng đời sống của bất cứ sinh vật nào. Anh không nỡ nhìn thấy sinh vật đau khổ.
      Ở Mỹ, chuyện thí nghiệm thuốc mới trên người vẫn đang tiếp diễn với điều kiện bệnh nhân là những người hiểu biết, [b]tự[/b] [b]nguyện[/b] tham gia công cuộc thí nghiệm, sau khi đã được giải thích cặn kẽ những lợi ích cũng như nguy hiểm của cuộc thí nghiệm. Thí dụ một số bệnh nhân bị bệnh khó trị (bệnh AIDS chẳng hạn) tự nguyện dùng thuốc mới vo’i hy vong bệnh thuyên giảm hay dứt hẳn. Trường hợp bé Benson thì không nên.

      Khoa học, kể cả y khoa mà không thí nghiệm thì sẽ rất chậm tiến mà chậm tiến thì đời sống của nhân loại khó được thăng tiến khả quan hay tốt đẹp được. Những thí nghiệm có tính cách áp đặt và tàn ác thì không nên. Đây là ý riêng của anh.
      Cảm ơn em đã đọc Ray Rứt và bình luận.

  15. RE: Ray Rứt
    Anh Hiếu kính, trong lúc chờ anh trả lời câu hỏi anh Ngữ đặt ra: “có nên dùng con người để làm vật thí nghiệm cho khoa học không, dù với mục đích cao cả?” em cũng có câu hỏi với anh:
    Nếu có những thí nghiệm có giá trị khoa học mà buộc phải áp dụng trên con người, thì có nên – và được phép hay không? Không nói đến một số thí nghiệm phi đạo đức đã áp dụng trên con người vào thời chiến tranh Trung – Nhật, Đức quốc xã, thế chiến thứ hai, cuộc thử nghiệm ở đảo Marshall vào năm 1954, những thí nghiệm độc ác trên các em bé mồ côi ở Iowa, các binh lính người Mỹ gốc Phi ở Alabama v.v.. suốt đời bị nhân loại lên án – Em nhớ đã xem được một số phim điện ảnh có liên quan đến y học và những thí nghiệm trên con người vào thời trung cổ, để trở thành bác sĩ giỏi, có những người đã phải nhúng tay vào tội ác để có thể nghiên cứu trên cơ thể con người. Khi xem phim, em cũng đã rất kinh hoàng và tự hỏi điều đó nên hay không dù mục đích của những vị bác sĩ này cũng chỉ mong nhằm vào mục đích tìm ra nguyên nhân để cứu cả nhân loại?

  16. RE: Ray Rứt
    Anh Hiếu ơi , câu chuyện anh kể thật xúc động . Đúng là những người làm trong ngành y mà không có TÂM để cho bao người có TÂM phải RAY RỨT .

  17. Ray Rứt
    Anh Tê Hát ơi! Tê Tê nè. Bao nhiêu lần Tê Tê đến muộn nên không dám vào. Hôm nay được đọc bài viết về công việc của anh. Tê Tê thật sự ngưỡng mộ cái TÂM của nghề ở trong anh. Tê Tê thấy bài viết làm cho bao người phải xúc động, cuộc sống quanh ta có bao nhiêu mảnh đời bất hạnh đang cần được xẻ chia, thế nhưng…nghề nào cũng vậy anh à, Tê Tê nghỉ nếu ai cũng như anh thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều…Thôi. Tê Tê nói chuyện khác nha. Sinh nhật anh Tê Tê đến muộn nên hổng dám vào, tại vì nhìn vào thấy hết bánh rồi nên… hihi…Thôi thì chúc anh muộn vậy. Chúc anh và gia đình sức khoẻ,để cống hiến chữ TÂM cho bao mảnh đời bất hạnh và cho bao người đang cần tấm lòng y đúc cao cả anh há…

    • RE: Ray Rứt
      Cảm ơn T T đã đọc bài, bình luận và chúc lành. Cảm ơn các cựu nữ sinh NTH đã chịu khó đi thăm quý thầy cô ở quê nhà. Một nghĩa cử tốt đẹp.

  18. Ray Rứt
    Anh Tê Hát wơi. Tê Tê nhiều chiện quá mà nói chưa hết nên nói tiếp nữa nè. anh Tê Hát biết chiện gì không? Chiện 2 chén chè đó, thôi thì Tê Tê dành cho anh một chén dzậy, còn anh Hải, anh Lữ dzới chị Đông Oanh có bánh rồi…dzậy nha,em gái không có hư ăn đâu. Lâu lâu phải ngoan một chút anh há…

  19. Ray Rứt
    Anh Hiếu kính mến,cho em gái lạ lẫm này trò chuyện cùng anh nhé.Đọc bài viết Lời cầu nguyện trên rừng đã làm em liên tưởng anh với vị bác sĩ đã mổ cho ông ngoại của cháu.Ba em lúc đó đã ở tuổi 89,cái tuổi mà các bác sĩ coi trọng danh tiếng thường e ngại,nhưng vị bac sĩ đã mổ cap cứu cho ông ngay trong đêm ấy,một ca mổ kéo dài đến gần 3 giờ sáng.Gia đình em rất biết ơn ông vì ông không nhận quà gì trước và sau ca mồ và ông chỉ nói;Tôi xem ông như ngoại của mình ,nhiệm vụ của tôi thôi mà.Một vị bác sĩ khó gặp thời kinh tế thị trường phải không anh?Qua bai ray rứt các bạn và anh trao đỏi vấn đề có nên không thử nghiêm y khoa trên người,quan điểm của em là không nên..Cảm ơn anh nhiều nhé,chúc anh cùng gia đinh an vui.

  20. RE: Ray Rứt
    Em Cựu Nữ Sinh NTH,

    Cảm ơn em đã tham gia bình luận. Vấn đề thí nghiệm trên sinh vật kể cả người vẫn còn nhiều tranh cãi tùy theo đức tin, tinh thần khoa học…
    Anh có bệnh nhân bị bệnh SIDA năm 1981, nhờ tự nguyện dùng thuốc ngay từ đầu mà đến nay vẫn sống bình thường. Thuốc chích ngừa AIDS hay Sốt Rét chẳng hạn, nhờ người tình nguyện mà nay đã cứu được hằng triệu sinh linh ờ xứ nghèo như Phi Châu.
    Bác sĩ ở Mỹ thường không vì coi trọng danh tiếng mà từ chối mổ những trường hợp khó. Họ biết tôn trọng tánh mạng bệnh nhân và thực thi trách nhiệm của bác sĩ. Mỗi năm có hàng chục ngàn bác sĩ, nha sĩ… Mỹ tình nguyện ra nước nghèo dạy học và chữa bệnh. Tinh thần vị tha của y giới Mỹ rất cao. Có rất nhiều bác sĩ trẻ gốc VN đang tham gia trong hội Y Sĩ Không Biên Giới.

  21. hoa dong da khoa 69
    o bietco biet hoa nha o dong da ;chu va thuy nha o gan nha ong te cho duc thanh tran hung dao o biet co con lien lac gi khong va lien nha o gan thap doi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả