Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Một Thoáng Quy Nhơn

LTS: Anh Nguyễn Tấn Lực – Bình Định đã có bút hiệu mới, bút hiệu La Tinh.

Một thoáng Quy Nhơn, một buổi chiều,
Em về thăm lại phố thân yêu
Biển xanh, bóng núi vờn sóng vỗ,
Gió nồm man mác cuối chiều thu

Em về đây, thành phố biển xanh,
Hoàng hôn rơi nhẹ dốc Mộng Cầm,
Gềnh Ráng ru hồn Hàn thi sĩ,
Cành liễu la đà đợi trăng lên.

Dấu hài đây, Hoàng hậu Nam Phương,
Bãi đá mỏi mòn trước đại dương,
Sóng tình mơn trớn thân ngà ngọc,
Sơn thuỷ hữu tình đấng quân vương .

Cù lao Xanh biếc dáng chơi vơi
Thị Nại trong veo bóng rơi rơi
Hưng Đạo gươm thiên canh biển cả,
Quang Trung vó ngựa giữ khung trời.

Em về bên bán đảo Phương Mai,
Cát trắng vào khuôn in dấu hài,
Tà áo tung bay, cầu Nhơn Hội,
Bến cảng thuyền về phía xa khơi.

Em về thăm lại dáng Tháp Đôi,
Kiến trúc tinh hoa của người Hời
Chánh điện nữ thần Shi-Va múa,
Gót ngọc hướng về phía Cầu Đôi .

Em thả gót hài trên Cầu Ngang,
Hồ nước mênh mông dưới nắng vàng,
Em nhảy bước dài đo củ sắn,
Trò chơi dĩ vãng đã sang trang (?)

Em về thăm lại mái trường xưa,
Trưng Vương trường Nữ khuất bóng dừa,
Áo trắng một thời xa xưa đó,
Gia Long hoài cổ những chiều mưa.

Em đi, đi hết các cung đường,
Ôi ! eo Nín Thở cạnh phi trường,
Tìm hoài chẳng thấy đường băng trắng,
Một nỗi u hoài trong nhớ thương .

Em về ra tắm biển Quy Nhơn,
Bãi cát trắng tinh, nước xanh rờn,
Em thả hồn theo từng con sóng,
Lâu rồi cho thoã nỗi nhớ thương.

Về với Quy Nhơn, sao vấn vương?
Cát trắng em đi in dấu còn,
Biển vẫn xanh xanh, tình vẫn thắm.
Quê hương thương nhớ mãi, Quy Nhơn!

La Tinh
8/2012

14 BÌNH LUẬN

  1. RE: Hình Cũ Trong Lưu Bút của Đào Thanh Hòa
    Khi đi scan hình, mình dặn thằng bé nhân viên là không scan hình con trai. Vậy là thấy tấm hình oai vệ này cu cậu tưởng là “đực rựa” nên để lại. Đến lúc đăng ảnh lên mình mới hết hồn vì thiếu hình nhỏ Ngọc Anh , cuối cùng đành tự lấy máy chụp lại, may mà không đến nỗi nào…

  2. RE: Hình Cũ Trong Lưu Bút của Đào Thanh Hòa
    May quá, anh lính nầy mà ra đuờng chắc bị mấy ‘cha QC’ mời về Đồn TBHổ để ‘húi cua’ quá !

  3. RE: Hình Cũ Trong Lưu Bút của Đào Thanh Hòa
    NQNhơn à, anh lính này cứ ở trong những giấc mơ của mình hoài đã mấy mươi năm rồi nhưng mà ảnh yên lặng không nói gì với mình dù một lời. Hy vọng tối nay anh lính này về nói chuyện với mình. NQNhơn có biết anh lính này không? KT

  4. RE: Hình Cũ Trong Lưu Bút của Đào Thanh Hòa
    KT ơi, Như DTH dã ghi chú ở hình kề truớc !
    Đau xót thay ! ” Mỹ nhân tự cỗ … ” !!!

  5. RE: Một Thoáng Quy Nhơn
    Được theo chân anh La Tinh (sao lại La tinh nhỉ?) đi khắp QN thật thú vị
    Chỗ nào cũng nhớ riêng “Dấu hài đây hoàng hậu Nam Phường” sao nghe lạ quá? là ở đâu vậy hả anh LT?

    • Gửi Hà Xưa !
      cảm ơn HX đã xông nhà !
      La Tinh là tên gọi của 1 con sông ở quê hương mình, nó bắt nguồn từ dãy núi phía tây của huyện Phù Cát(Bình Định), và chảy ra Đầm nước ngọt ở huyện Phù Mỹ(BĐ),dài khoảng 45 km, là ranh giới địa chính giữa 2 huyện này. Tuổi thơ của mình đã rải trên một khúc sông này, cho nên có bút danh La Tinh là vậy đó ! 😉
      “[i]Dấu hài đây, Hoàng hậu Nam Phương[/i]”
      Đây là bãi tắm Hoàng Hậu, trong khu du lịch Gềnh Ráng, từ mộ Hàn thi sĩ đi ra hướng biển khoảng 100m. Thực ra chỉ là 1 vũng nhỏ (khoảng 500m2), là 1 bãi đá và sóng biển trắng xoá. Đặc biệt tập trung những hòn đá (bằng cái vò nước của nông thôn Bình Định)với bề mặt trơn tru, nhẵn bóng như những quả trứng khủng long hoá thạch, ngày đêm được sóng biển gọt đẽo thật đẹp, chính vì vậy nó còn có tên là Bãi Trứng. Thời Bảo Đại, tại vị trí kín đáo và hấp dẫn này là nơi chỉ dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu tắm mỗi khi cùng Ngài kinh lý ở Quy Nhơn, và nó có tên Bãi tắm Hoàng Hậu là vậy đó. Nếu có dịp, HX có thể đến một mình và tắm ở bãi tắm này, sẽ hoá thành Hoàng Hậu vậy… 😛
      Cảm ơn rất nhiều, chúc vui !

  6. RE: Một Thoáng Quy Nhơn
    Một bài viết thật công phu , phải có một tình yêu quê hương tha thiết mới thực hiện được đầy đủ các địa danh. Chúc mừng La Tinh !

  7. RE: Một Thoáng Quy Nhơn
    Rất cám ơn anh LT đã giới thiệu về bãi tắm Hoàng Hậu, có về QN H sẽ ráng đến nơi này tắm, không thành hoàng hậu cũng thành mẫu hậu của mấy xấp nhỏ, hi! hi!

  8. Gửi La Tinh
    Đọc bài thơ là thấy đã được đi Quy Nhơn rồi đó La Tinh ơi! Nói vậy chứ TT cũng ít có thời gian đi dạo lắm…
    Đã bao năm rồi La Tinh chưa về thăm lại QN? Bây giờ cũng có nhiều thay đổi rồi…
    Có lẽ hôm nào XC sẽ được đọc bài thơ về PC nữa phải không? Chúc LT luôn vui nhiều 🙂

    • Xuyến Chi !
      Quy Nhơn vẫn mãi là tiếng gọi thân thương về cố hương, Phù Cát cũng là cố hương , hoa xuyến chi mùa này nở nhiều khắp cố hương, ôi đẹp lắm thay ! 😕
      tks !

  9. RE: Một Thoáng Quy Nhơn
    Trên thực tế, đây chỉ là một giả thuyết. Không có một tài liệu hay chứng cứ có giá trị lịch sử nào chứng minh nơi đây Nam Phương Hoàng Hậu đã về ..tắm cả. Nơi đây rất nguy hiểm nếu không cẩn thận ..và ngay cả người địa phương cũng chẳng mấy ai chọn hay liều mạng tắm nơi đây huống hồ là một đương kim hoàng hậu!. Địa danh “Hoàng Hậu” được đặt nơi đây sau này, theo như các cụ lão niên, là để tiếp thị do một hãng du lịch – nhà hàng khách sạn làm quảng cáo-tiếp thị mà thôi. Địa danh lịch sử quê nhà cần được khách quan. Ngay cả mộ HMT cũng chỉ là mộ gió..

    • Bãi tắm Hoang Hậu
      Đồng ý tương truyền trong dân gian, có những tương truyền đã gắng chặt vào văn hoá mãi mãi: Hòn Vọng Phu, Thung lũng Tình yêu…thì bãi tắm Hoàng Hậu (Bãi trứng) ở Quy Nhơn cũng thế, không có gì là không khách quan, hơn nữa cũng chỉ có duy nhất tương truyền này cho địa danh này . nếu cứ theo kiểu suy luận “nơi nguy hiểm không ai tắm huống hồ chi là Hoàng hậu…” thì chúng ta sẽ còn tranh luận mãi mãi, mỗi người có cách nhìn khác nhau và sẽ tranh luận về nó không dừng. Hiện này rất nhiều tài liệu và các trang mạng về Bãi tắm Hoàng Hậu này đều có chung tương truyền này.
      Cảm ơn !

      • về Mộ Hàn Mặc Tử !
        Theo nhiều tài liệu , mộ của Hàn thi sĩ nguyên thuỷ được an táng tại nghĩa trang của bệnh viện Quy Hoà năm 1940 sau khi Hàn băng hà.19 năm sau,13-1-1959 được gia đình và nhà thơ Quách Tấn cải táng (hốt cốt)về đồi Thi Nhân , Gềnh Ráng ngày nay. Như vậy, cốt nhục của nhà thơ được dời về đây, có nên dùng từ “mộ gió” cho ngôi mộ của nhà thơ ?!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả

Biển Hát

Giao Mùa

Sợ

Yêu Em

Sông Quê

Trăng Vỡ