Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănTrạm chót ở cuối đường tàu

Trạm chót ở cuối đường tàu

(Nhân đọc bài thơ  “Tặng Vợ Con”, “Đoản Khúc Cho Mẹ”, “Người Đồng Hành Muộn Màng” của anh Huỳnh Minh Lệ và bài bình thơ HML của anh Khổng Xuân Hiền)

***
Mỗi ngày ông ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng để bắt kịp chuyến tàu khởi hành lúc 5 giờ. Từ nhà ông đến chỗ ông làm, nếu lái xe sẽ mất nửa tiếng, đi tàu điện sẽ mất một tiếng. Ông cũng có một chiếc xe, tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn chạy được, nhưng ông không muốn lái xe đi làm. Ông bảo đường sá chật chội, bụi bặm, nguy hiểm quá. Đi tàu thoải mái, cái đầu không mệt vì cứ phải nhìn ngược nhìn xuôi để khỏi đâm vào người ta, mà ông cũng sợ người ta đâm sầm vào ông. Ông chỉ đi xe mỗi khi đi thăm bạn bè hay đến những nơi mà không có đường tàu. Ông thuộc vào loại thơ thẫn nếu không muốn nói là hơi ngông ngông. Mà hình như là vậy, hình như ai thích làm thơ, thích viết cũng giống giống nhau, hơi khác người. Nên riết rồi bạn bè, người thân cũng quen dần với cái ngông của ông. Ông thường nói với bạn bè, đi tàu cũng có cái thú vui riêng của nó chứ, và nhất là đi một mình. Tự do suy tư mà không phải làm buồn lòng ai cả.

Mới tháng mười mà trời đã lạnh. Lá chưa vàng mà đã rơi rụng phủ đầy lòng đường. Khung cảnh này làm ông bồi hồi liên tưởng đến những chia lìa không theo lẽ tự nhiên. Ông buồn! Ông nghĩ đến thân phận làm người, cũng tử, biệt, sinh, ly. Lòng ông một màu tím ngắt như mặt biển đêm sâu thăm thẳm giữa lòng đại dương mênh mông. Bước chân ông trở nên khe khẽ, như sợ làm đau lòng thêm cho những chiếc lá. Cái lạnh sớm đầu thu làm ông thụt cổ lại, lá bám trên vai ông, gió lùa vào tóc ông làm ông rùng mình. Ông cuối xuống quấn chiếc khăn quàng cổ cho kín hơn, kéo dây kéo cho cao lên đến tận cổ. Ông lại vật lộn với cái dây kéo, vì chiếc áo đã cũ mèm, nên những gai của dây kéo không còn khắn khít nữa, vậy mà ông cũng chưa chịu vứt nó đi. Không phải ông không có aó quần tốt hơn, vợ con ông hay than phiền về vấn đề này lắm. Phàn nàn riết rồi cũng mệt, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, có sao đâu, miễn là ông cảm thấy hạnh phúc là được rồi. Hạnh phúc làm sao cân đo với những bộ quần áo đẹp, bằng chiếc xe tốt hơn, hay là một căn nhà cao tầng với nhiều tiện nghi. Ông nghĩ, tiện nghi làm đời sống dễ chịu, thoải mái hơn, nhưng hạnh phúc không lệ thuộc điều này cho lắm. Bạn bè chọc ghẹo ông hoài, cứ hỏi ông chứ để tiền làm gì khi không thích nhậu nhẹt, se sua nhà cao, cửa rộng, xe đời này, đời nọ cho nở mày nở mặt với bạn bè. Ông chỉ cười. Hình như cười là câu trả lời duy nhất của ông khi ông không muốn thiên hạ biết nhiều về mình.

Sáng hôm nay như thường lệ, khi tàu vừa dừng, cửa vừa mở thì ông bước lên. Chuyến tàu sớm, nên hành khách cũng thưa thớt, nên ông luôn có cơ hội ngồi cùng một chỗ, chỗ cái ghế sát cửa sổ, một mình. Ông thích ngồi chỗ ấy, vì ông có thể nhìn xuyên qua cửa kính, thấy giòng người ngựa xe như mắc cưởi, ai cũng có vẽ vội vàng và sẵn sàng cho một ngày mới. Ông có thói quen quan sát kẻ xuống người lên, rồi ông thầm nói với mình, người này có khuôn mặt phúc hậu, người kia có đôi mắt buồn, người nọ có nụ cười làm ấm lòng người. Rồi ông tưởng tượng cuộc đời của mỗi con người mà ông bắt gặp mỗi ngày trên mỗi chuyến đi về, nhưng không có cuộc đời tưởng tượng nào giống cuộc đời của ông. Ông nghĩ, cô gái này có nụ cười tươi vui như thế, đôi mắt ấm nồng như thế, chắc có một gia đình đầm ấm, luôn đầy ấp tiếng cười. Ông nghĩ đến ông nọ, với đôi vai rộng, bàn tay hơi thô và bự, anh mắt bao dung, chắc siêng năng cần mẫn, gia đình lúc nào cũng đầy đủ, dư ăn, dư để và lòng lúc nào cũng hướng đến với tha nhân. Ông cứ miên man tưởng tượng đến những khung cảnh êm đềm như thế mà quên mất là tàu đã đi qua khỏi ga của ông. Ông giật thót người, chết rồi làm sao đây, ông sẽ trễ giờ làm mất thôi. Công việc bây giờ đang khó khăn mà. Ngày xưa đi trễ chút xíu không sao, chứ bây giờ ông phải để ý, để tứ hơn. Khi mà cung và cầu quá chênh lệch thì người ta rất dễ dàng thải mình mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ dù mình có làm đến mấy mươi năm đi nữa.  

Ông quyết định xuống ga kế tiếp để bắt chuyến tàu đi ngược lại. Khi tàu vừa ngừng, cửa vừa mở ra, bước lên là một phụ nữ đã đứng tuổi. Mỗi ngày ông gặp gỡ, nhìn ngắm biết bao nhiêu lượt người qua lại thii một người mới vừa bước lên có gì lạ đâu. Nhưng sao người đàn bà này làm ông bối rối. Đôi mắt của bà có sức thu hút lạ kỳ, giống như đôi mắt của một người mà ông đã cất giấu nhiều năm tháng, tưởng chừng như nó đã biến thành những viên đá vô tình trong lòng ông. Trong tíc tắc, ông quyết định không xuống ở ga này, mà tiếp tục đi tiếp. Ông len lén nhìn xem thử bà ta ngồi chổ nào. Ông thấy bên cạnh bà ta vẫn còn chỗ trống, thế là ông đến hỏi ông có thể ngồi chỗ ấy được không? Thật ra ai cũng có quyền chiếm một chỗ để ngồi. Câu hỏi chỉ là câu xã giao lịch sự thôi. Bà ta bảo ông cứ tự nhiên. Ừ, đã qua nữa đời người rồi, đã bao nhiêu năm sáng tối đi về trên con tàu này, đã ngồi bên cạnh bao nhiêu người, già có, trẻ có, vậy mà sao hôm nay ông cảm thấy mất tự nhiên khi ngồi bên cạnh bà.

Cái thói quen muốn nhìn, muốn quan sát để tưởng tượng cuộc sống của những người mà ông gặp gỡ trên mỗi chuyến đi tự nhiên biến mất. Ông vốn ít nói, không biết bắt chuyện, mà cũng có thể ông không muốn làm quen với ai cả, nên dù đi đi về về trên con tàu này đã hơn mười năm rồi mà ông đâu có quen với ai. Ông cứ nhìn về phía trước, lâu lâu đưa mắt liếc trộm bà ta một cái, lòng thì muốn bắt chuyện, mà không biết phải bắt đầu làm sao. Lâu giờ ông đâu có thói quen này. Ông không ngờ ông lại có cái cảm giác lung túng này ở cái tuổi năm mươi. Ông thu hết can đảm quay qua hỏi thăm bà có khỏe không? Đây là câu xã giao thông thường nhất để bắt đầu làm quen. Ông hú hồn, may quá, không những bà chỉ trả lời, “khỏe, cảm ơn, còn ông thì sao?” phát ra từ những caí máy mà mỗi ngày ông phải nghe cả chục lần khi mới bước vào sở làm. Đã vậy, bà còn hỏi thêm ông “làm ở đâu? và xuống ở ga nào?”. Chưa chuẩn bị, nên ông lúng ta, lúng túng, ấp a, ấp úng, cuối cùng thì ông nói đại, “tôi xuống trạm chót ở cuối đường tàu”, và hỏi, “còn bà thì sao?”. Bà không ngần ngại trả lời, bà cũng xuống ở trạm chót. Tự nhiên ông thấy trong lòng reo vui như ngày xưa mỗi khi đi học xa trở về nhà được mẹ đón ngay ở cổng làng. Đón đưa nào cũng buồn vui lẫn lộn. Đã có đón thì phải có đưa, đã có hợp thì phải có tan. Biết bao lần trong đời, mẹ ông đã đưa đón ông với nước mắt lưng tròng khi nhìn thấy ông khuất bóng ở lũy tre đầu làng. Một vài câu hỏi thăm qua về tiếp nối nhau, rồi thì ông miên man kể cho bà hành khách mới vừa quen về những ngày thơ ấu của ông.  

Ngày còn nhỏ, ông phải đi học xa nhà vì nơi ông ở chưa có trường trung học. Mỗi lần về thăm nhà vào mỗi cuối tháng, ông như cậu bé bên cạnh mẹ, cứ quấn quít, quanh quẩn bên bà suốt ngày. Lúc thì chặt cho bà buồng chuối trên cao, lúc thì xách cho bà ít gàu nước, lúc bửa cho bà vài bó củi. Chỉ có vậy thôi mà ông có thể nhìn thấy những hạt ngọc hạnh phúc long lanh trong đôi mắt bà. Có nhiều lúc ông không muốn trở về trường nữa. Ông khóc với bà, ông thầm thì, năn nỉ bà cho ông ở nhà vì ông nhớ bà quá. Bà rất yêu ông, xót xa lắm, nhưng chính vì tình yêu này mà bà phải dấu những giọt nước mắt và cứng rắn bắt ông phải trở lại trường. Bà biết rằng đây là món quà duy nhất mà bà có thể cho ông để ông có một cuộc sống khá hơn, ít ra là khá hơn bà. Ông cứ ước ao được ở mãi bên cạnh bà, được nằm gọn trong lòng bà như ngày còn bé xíu. Nhưng rồi vài ngày ngắn ngủi cuối tháng cũng qua đi, ông phải trở về phố để tiếp tục học hành. Ông đâu biết rằng những nồi cá kho khô mặn chát, những hủ mực muối nặng mùi, những đòn bánh tét to đùng mà ông mang theo đã được nêm nếm bằng những giọt nước mắt nhớ nhung của bà.  

Ngày xưa không ở được gần mẹ, nhưng mà không quá xa cách như bây giờ. Bây giờ thì xa xôi quá, đến mấy ngàn dặm đường, rồi còn công ăn chuyện làm, chuyện gia đình vợ con làm sao ông thu xếp về thăm bà thường xuyên được như ngày xưa. Thỉnh thoảng bà có vào thăm ông, ở lại với ông vài ngày, cơm nước, dọn cái này, dẹp cái kia. Bà vẫn còn nhớ như in những món ăn nào mà ông thích hồi còn nhỏ, nên những khi bà vào thăm ông là những dịp ông được ăn lại những món mà ông yêu thích. Miếng cá chuồn muối kho với chút thịt ba chỉ và thật nhiều tiêu, nồi cá nục con kho khô ăn với cháo trắng mà ông thường ăn vào những ngày mưa to gió lớn mãi mãi là những mùi vị đậm đà và ngọt ngào nhất trong đời ông. Bây giờ ngồi bên cạnh bà, nhìn mái tóc trắng nuột của bà, nhìn lại mái tóc đã hoa râm của mình, thấy sao mà thương yêu quá đổi. Rồi ông kể tiếp, ông trồng cây măng cụt mất mười năm mới trổ bông. Buổi sáng đầu tiên, nhìn thấy những bông hoa nở rộ, một niềm vui len lén chảy vào hồn, làm trái tim ông thổn thức, làm lồng ngực ông căng phồng. Ông trồng cây măng cụt này để tặng vợ con ông, và nó đã vui buồn cùng với gia đình ông, nó đã chứng kiến những thăng trầm trong cuộc đời ông, nó đã nhìn thấy cái tình bao la, vời vợi mà vợ con ông đã dành cho ông. Đôi môi ông nở một nụ cười thật tươi như một lời cảm ơn ông muốn gửi đến vợ con ông. Ông ví cuộc đời ông là một vòng tròn lớn, chưá đựng rất nhiều vòng tròn lớn nhỏ khác nhau. Vòng tròn vợ con, vòng tròn cha me, vòng tròn anh em, bè bạn và nhiều nhiều nữa những vòng tròn li ti làm đầy cái vòng tròn lớn cuộc đời ông. Rồi ông lại nở một nụ cười mãn nguyện. Nụ cười này là nụ cười ông muốn cảm tạ ơn đời. Ông như đang lạc vào cõi riêng ông.

Tiếng người thông báo, đây là trạm chót, mời quí vị xuống tàu bất ngờ kéo ông về với thực tại. Ông đỏ mặt, cảm thấy như có ngàn tia máu lăng tăng chạy trong huyết quản của ông. Ông mắc cở vì mình nói nhiều quá và nhất là với một người mới vừa quen tình cờ ngăn ngủi như thế này. Thật tình ông cũng không hiểu đìều gì đã làm ông huyên thuyên về đời tư của ông với bà. Ánh măt của bà chăng? hay nụ cười? hay giọng nói? cuả bà, quen quá, gần gũi quá, gần đến nổi mà ông tưởng là ông đang kể lể với người bạn gái thân nhất ở một đoạn đời tuổi nhỏ của ông. Thật lạ lùng! Ông lí nhí nói lời cảm ơn và xin lỗi bà vì đã quá nhiều chuyện. Bà đã không tỏ một cử chỉ nào làm ông e ngại, mà còn cảm ơn ông, nhờ câu chuyện của ông mà đoạn đường đi làm ngắn lại và đầy thú vị, bà nói thế, rồi còn tặng ông một nụ cười thật ấm áp và ân cần.  

Cửa mở, cả hai cùng bước xuống không quên nói lời chia tay. Bà quay lưng đi tiếp đến sở làm. Ông quay lưng để bắt chuyến tàu ngược chiều đi về  nhà. Quá trễ để đến sở làm, ông gọi vào xin phép nghĩ bệnh. Lần nghĩ bệnh này là lần nghĩ bệnh đặc biệt nhất trong cuộc đời ông. Ông nằm dài trên cái ghế bố mà tưởng như đang nằm trên chiếc nệm êm.

Hạnh phúc luôn ở quanh ta nếu ta biết nắm bắt, ông nói với mình như thế và ông chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ông thấy mình lơ lững trên bầu trời đầy sao!

(20 tháng 10 năm 2009)
Nguyễn Kim Tiến

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả