Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Nhớ T.H. Ở Bình Dương

Có thể trong cơn gió heo may anh sẽ nhặt những nỗi buồn
Em vô tình đánh rơi trong những giấc mơ về năm tháng cũ
Ở một nơi mỗi người nhìn nhau như kẻ khác
Dẫm đạp trên những con đường
Như cuộc chạy marathon về một chân trời xa lạ

Nơi ấy, nghe nói có những tấm thảm Ba Tư màu đỏ
Đang bay lượn trên những cánh rừng cao su kiệt sức
Nơi ấy, có T.H. mong manh đang ở trọ với nỗi buồn
Trong một cuộc sống phải giấu đi cảm xúc
Như con ngựa thồ chạy về phía trước
Mơ đến cánh đồng xanh

Có thể, trong vạt nắng quái chiều nay em sẽ gặp anh
Câu thơ, như sợi tơ trời, nối những tâm hồn kẻ lạ
Như một nhịp cầu nối hai bờ vực
Qua những hố thẳm cô đơn
Chúng ta trở về với trái tim mình
Tiếp máu cho những ước mơ, những niềm hy vọng
Dù chỉ là nắng, là gió, là sương
Sự hủy diệt và sinh thành được thắp lên từ lửa ấm
Từ những đôi môi, những vòng tay khát khao cuộc sống

Hãy là chính mình
Trước một cuộc đời có quá nhiều giấc mơ hy vọng

Lữ Vân
21.6.2012

4 BÌNH LUẬN

  1. RE: Nhớ T.H. Ở Bình Dương
    Anh Lữ Vân mến,
    Bài thơ đẹp, nghe buồn như một giấc mơ không bao giờ trở thành sự thật.
    DT thích câu cuối cùng của bài thơ:
    “Hãy là chính mình
    Trước một cuộc đời có quá nhiều giấc mơ hy vọng”…
    Cảm ơn anh.

  2. RE: Nhớ T.H. Ở Bình Dương
    gửi Nguyễn Diệu Tâm,
    Cuộc đời như là giấc mơ không thực.Thơ cũng là một giấc mơ đẹp và buồn.
    Cảm ơn Diệu Tâm đã hiểu và đồng cảm.

  3. Anh Lữ Vân kính
    Trong thơ luôn có cái buồn lung linh, không nhìn rõ mặt. Cũng như nỗi nhớ đó, chưa từng được đặt tên. Nhưng vẫn đọng lại chút mong muốn truyền dẫn cảm xúc, bất chấp sự cách ngăn về không gian và thời gian:

    ‘Câu thơ, như sợi tơ trời, nối những tâm hồn kẻ lạ
    Như một nhịp cầu nối hai bờ vực
    Qua những hố thẳm cô đơn’

    Và nhớ, vẫn dịu dàng hoa niên; như trong một bài khác, đồng tác giả:

    ‘Đẹp lung linh trong những bàn tay vẫy
    Và dịu dàng khi nhớ về nhau…’

    Phải chăng, nói thi ca là cảnh giới tự nhiên và thiền là cảnh giới hồn nhiên chỉ là một ước lệ (?). Vì khi người cầm bút đã hòa vào ‘trung đạo’ thì cái buồn, cái nhớ cùng trầm lắng và nhẹ nhàng theo.

  4. RE: Nhớ T.H. Ở Bình Dương
    gửi Bạn Già Sài Gòn,
    Cảm ơn bạn đã đọc thơ và chuyển tải được nỗi buồn lung linh và lãng đãng của bài thơ.
    Thật ra sống trong cảnh giới thiền và thi ca đều diệu vợi, có lẽ không còn ràng buộc bởi ngôn ngữ quy ước.
    Chúc an lạc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả