Blog của cựu học sinh trường Nữ Trung Học Qui Nhơn

Trang NhàThể LoạiĐoản VănNhững Câu Thơ Thiền

Những Câu Thơ Thiền

Thiền là con đường thẳng tắt để chỉ tâm người, như tông chỉ đã nêu:

Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tính thành Phật

Như thế, tại sao các thiền sư, sau khi giác ngộ, lại thường làm thơ ?
Gọi là ‘Bất lập văn tự/ Giáo ngoại biệt truyền’ (Chẳng lập chữ nghĩa/Truyền riêng ngoài giáo), vì Thiền chú trọng vào công phu tu hành.Sự thực chứng tâm linh hơn muôn ngàn lời nói suông của người chưa kiến Tính.

Thiền sư Hoàng Bá viết:

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương
( Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương)
[ Thích Thanh Từ dịch- Thiền sư Trung Hoa- Tập Một]

Để ngửi được mùi hương của hoa mai (bản lai diện mục), hành giả phải công phu tu hành miên mật cho đến khi ngộ. Trước thời điểm này, ngôn ngữ của người chưa giác ngộ chỉ là hý luận.
Sau khi ngộ, hành giả cần thời gian ở ẩn để tu hành giải trừ tập khí- những thói quen chất chứa.Khi đã triệt ngộ, những lời nói, thơ ca được dùng để hướng dẫn người sau.
Lúc này, thơ của các vị thiền sư là những bài thi kệ, chỉ thẳng tâm người, giúp hành giả kiến Tính.
Vì những lý do đó, dù không y cứ vào ngôn ngữ nhưng các vị vẫn dùng một loại ngôn ngữ là ‘ngôn ngữ đạo đoạn’- lời nói chặt đứt- như đường gươm trí tuệ để cắt đứt vô minh.

Chúng tôi xin góp nhặt giới thiệu những câu thơ Thiền và lời tóm tắt như góp một chút hương hoa mai trong mùa Xuân đến.

1.- Tuyết hậu thủy tri tùng bách tháo
Sự nan phương kiến trượng phu tâm
(Tuyết rơi mới biết tùng bách tháo
Việc khó mới hay trượng phu tâm)
¤Đại ý: Sau khi gặp gian nan đau khổ, ta mới hiểu được chân giá trị con người.
[ Trong tập KHÔI AN QUỐC NGỮ]

2.-Ngưu ẩm thủy thành nhũ
Xà ẩm thủy thành độc
(Loài bò uống nước trở thành sữa
Loài rắn uống nước trở thành độc)
¤ Đại ý: Chân lý chỉ có một, nhưng tác dụng thì muôn vẻ khác nhau: thủy chung cùng một nguồn gốc.
[ Trong tập TÔNG KÍNH LỤC]

3.- Đình tiền hữu nguyệt tùng vô ảnh
Lan ngoại vô phong trúc hữu thanh
( Trăng chiếu trước sân tùng không bóng
Ngoài rèm không gió trúc đua reo)
¤ Đại ý: Khi đã vào chánh Định, nhìn trăng chỉ thấy trăng, nghe tiếng chỉ có tiếng.
[ Trong tập SỰ VĂN LOẠI TỤ]

4.- Chung nhật hành nhi vị tằng hành
Chung nhật thuyết nhi vị tằng thuyết
( Trọn ngày làm mà chưa từng làm
Trọn ngày nói mà chưa từng nói)
¤ Đại ý: Lời nói và việc làm đã quán triệt đến chỗ vô tâm vô ngã. Cổ nhân có câu:” Ngôn ngữ đạo đoạn”, tức là bặt hết thảy ngôn ngữ.
[ Trong BÍCH NHAM TẬP]

5.- Xuân sắc vô cao hạ
Hoa chi tự đoản trường
( Sắc Xuân không cao thấp
Cành hoa có ngắn dài)
¤ Đại ý: Đó là sự sai biệt ở trong chỗ bình đẳng.
[ Trong PHỔ ĐĂNG LỤC]

Lữ Vân
21.12.2011

10 BÌNH LUẬN

  1. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Được đọc mấy câu thơ trích dẫn của anh thật thú vị. H nhớ lúc còn đi học một thầy giáo của H cũng là người thích tham kháo về thiền có nhắc đến một câu thế này: Thiền mà nói tiếng “ngộ” thì cũng như người ngồi bên miệng giếng ngậm sợi dây, há miệng nói ra thì rơi ngay xuống giếng.
    Anh nghĩ sao hả anh LV? (H thiệt tình thấy mù tịt 😛 )

  2. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Theo phong cách Thiền, người ngộ lý Thiền như người uống nước, nóng lạnh tự biết.Nếu thầy là một vị thiền sư,nhìn người học trò đã ngộ sẽ biết ngay.
    Còn theo câu nói của người thầy Hà Xưa có thể trả lời như sau:
    “Một người đã ngộ không ai nói ra điều mình chứng nghiệm, nếu không để người thầy ấn chứng.
    Nên nói : ‘Thiền mà nói tiếng “ngộ” thì cũng như người ngồi bên miệng giếng ngậm sợi dây, há miệng nói ra thì rơi ngay xuống giếng”
    Trong ví dụ trên có ba trường hợp xảy ra:
    – Người đã ngộ, khi có ai hỏi, không cần trả lời, chỉ cần nhướng mày chớp mắt, huơ tay động chân cũng đủ.
    – Người đang tu thiền không có thời gian nói chuyện vớ vẩn.
    – Ví dụ trên chỉ là một vọng tưởng của người nêu ra, chứ thực ra không có điều ấy, nên không cần quan tâm.
    Cảm ơn Hà Xưa đã góp lời bàn.

  3. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Rất cám ơn anh đã chịu khó trả lời, cho H hỏi một câu nữa nghe, anh muốn trả lời hay muốn ngồi thiền cũng được 😛
    “vô vi” của Trang Tử cũng có đề cập đến “không làm gì…” vậy khác nhau thế nào?

  4. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Vô vi của Trang Tử gần như là một hành động chẳng màng đến thế gian, tiêu dao qua ngày tháng.Dù thế, cảnh giới Lão Trang vẫn là cảnh giới thần tiên, vẫn còn cái ngã.
    Cảnh giới của Thiền là hoàn toàn không có cái ngã, nên làm việc gì trọn ngày mà vẫn không thấy có người làm, nên vẫn như không làm (vô vi).
    Khác nhau là thế, Hà Xưa ạ !

  5. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Đọc những trả lời của anh Lữ Vân về Thiền thấy .. Thiền khó hiểu thật! DT còn nhớ lúc còn ở QN, một hôm có một nhà sư mặc áo nâu đến nhà nói những chuyện rất kỳ bí. DT nghe thật tình không hiểu nhưng cảm thấy thần thái và lời nói của người này rất lạ kỳ. Người không hiểu nói rằng nhà sư ấy “khùng”. Có người lại nói “Nhà sư này tu Thiền. Vì bị “động” trong lúc ngồi thiền ( trả lời, há miệng nói v.v. ) thì bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đúng hay không DT không biết. Nhưng nếu như vậy thì sau đó nhà sư ấy có thể “tỉnh” lại không hay bị điên luôn?

    • RE: RE: Những Câu Thơ Thiền
      .. Thiền khó hiểu thật!

      Kể chuyện thầy cô giáo cho Tâm nghe nhen! Hồi đó thầy Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê là bạn thân. NHL luôn luôn lo lắng cho thầy vì thầy bệnh tim nặng sống với một anh giúp việc, lâu lâu thầy ngất xỉu thì anh này phi báo: Cụ chết rồi! Quen thuộc với “tình trạng chết” như vậy nên thầy rất điềm tĩnh, dạy học, nghiên cứu, thấy cái gì là lạ thì tìm hiểu rồi nói chuyện với học trò. Hồi đó ở Sài Gòn có hội thông thiên học của người Mỹ, bề ngoài thì nghiên cứu về tâm linh, cũng giúp đỡ hội viên nhiều chớ không gạt gẫm tiền bạc gì. Hội có những buổi tĩnh tâm để cho hội viên lắng đọng tâm tư, khi đó những ẩn ức sẽ nổi lên rồi mình biết mà tìm cách giải quyết. Thầy có tham dự vài buổi tĩnh tâm như vậy rồi về kể cho học trò nghe là thầy thấy những người xung quanh có người thì khóc lóc, có người thì vặn vẹo co giật, có người thì la thét … thầy thì chỉ thấy yên tĩnh. Thực chất của hội thông thiên này có một phần chìm là hội là nơi thâu lượm tin tức của tình báo cho nên họ đã rời Sài Gòn bằng tàu thủy trước 4/75 hai tháng. Họ có cho hội viên đem theo cả gia đình nếu muốn đi theo nhưng mà rất ít người nắm được cơ hội này vì người Việt thường gắn bó với quê hương xứ sở và không am hiểu hoàn cảnh xã hội. Sau 4/75 thì NHL bị va chạm hơn vì ông là nhà văn, nhà báo và là nhà xuất bản sách báo! Thầy Giản Chi thì vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết sách và thọ trên 100 … hehe … hong biết có liên quan gì đến “Thiền” hong … Tâm thân mến …

  6. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Diệu Tâm thân mến,
    Người tu thiền bị ‘tẩu hỏa nhập ma’ có thể vì các lý do sau đây:
    – Thiếu minh sư hướng dẫn.
    – Tu không đúng phương pháp của Thiền Phật Giáo.
    -Không giữ giới luật khi tu Thiền.
    Không nghe nói hai trường hợp DT đã nêu.
    Còn đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi thì rất khó chữa, vì đây không phải bệnh tâm thần mà bệnh thuộc về tâm linh.

  7. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Tôi có đọc Những Bức Thư Đầm Ấm của Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê nên có biết đời sống của hai cụ NHL và GC sau năm 75.
    Lối thiền của Hội TTH không phải là thiền Phật Giáo.Họ tu theo lối thiền Ấn Độ Giáo, gần giống lối thiền của OSHO.

  8. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Cảm ơn anh Lữ Vân đã trả lời. Vì lúc đó còn nhỏ nên DT không hiểu nổi. Bây giờ nghe anh giải thích thì nghĩ rằng có lẽ nhà sư ấy bị bệnh về “tâm linh” thật. Chỉ nhớ nhà sư ấy nói rằng ông thấy được ma, điều khiển được ma! Sau 75 gần nhà có một thầy tu ở trọ, học ĐH Vạn Hạnh. Ông bảo ông biết chơi “bùa”, từ bùa Lỗ Ban đến .. bùa yêu. Ông kể ông đã thử bùa cho một cô xinh đẹp nhất lớp, sau đó quả nhiên cô gái .. đi theo ông. Có lần trong xóm rộ lên tiếng đồn đêm qua có ăn trộm trên nóc nhà. Mẹ DT lo lắng thì ông bảo đừng lo, vì ông không chơi bùa LB nữa nên thả “họ” ra. Đấy chỉ là những “âm binh”… Không biết thực hư ra sao nhưng thấy … kỳ lạ quá. Thầy tu này trước tu theo Phật giáo. Ông ta nói chuyện cũng rất hay. Không biết có tu thiền không, hay là đang tu Thiền lại bị “tẩu hỏa nhập ma” nên nói xằng! Nghĩ lại câu anh Lữ Vân nói “Không giữ giới luật khi tu Thiền”, chắc vậy rồi, vì DT thấy ông ta đã “phá giới”.
    Chỉ kể một vài trường hợp ngoại lệ, còn thì không dám luận bàn về cách tu Thiền. Riêng thơ Thiền đa số là thơ Hán văn cổ (?) ý nghĩa thâm thúy cao xa. Phải có dịch giả giỏi hoặc các thiền sư mới dịch ra được. Và cũng cần phải có người giảng ra thì người đọc mới hiểu nổi.
    Cũng cảm ơn Diệp Hà đã kể câu chuyện về thầy GC & NHL. Mình thắc mắc hồi đó Diệp Hà học ở đâu mà được học toàn là thầy giỏi, nổi tiếng, không chỉ các môn văn học mà cả hội họa DH cũng biết rất rành!

  9. RE: Những Câu Thơ Thiền
    Theo kinh Lăng Nghiêm, có nhiều cảnh giới ma quỷ quấy nhiễu người đang thiền định.Nếu chấp đó là cảnh giới có thật, tâm sẽ bị sợ hãi, sinh ra loạn động.Nếu xem như mọi cảnh giới đều không thật, người tu thiền dễ vào định.Từ định sẽ sinh huệ.Đây là Trí huệ Bát Nhã, giúp người tu chứng được chân lý.
    Thế giới bùa ngãi hoàn toàn khác với Thiền.
    Ở VN người luyện bùa ngãi được gọi là phù thủy, thường luyện theo Vạn Pháp Quy Tôn,một cổ thư về phù chú của Trung Hoa.
    Mục đích của người tu thiền là giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
    Mục đích của những người sử dụng bùa ngãi là nhờ những thế lực vô hình làm những việc trong thế gian, do đó có tính chất tạo thêm nghiệp, trói buộc trong vòng sinh tử.
    Cảm ơn Diệu Tâm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng tác Giả